10 phong tục và thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn về Kyoto mà không phải người Nhật nào cũng biết
Kyoto từng là thủ đô của Nhật Bản và đã phát triển như một trung tâm chính trị - văn hóa trong hơn 1.000 năm. Đến nay, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều địa danh có giá trị lịch sử cao như đền thờ, công viên, lâu đài hay di tích lịch sử, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tại Kyoto, nhiều nét văn hóa đặc trưng đã được phát triển, trong đó có nhiều tập quán vẫn được người dân lưu truyền đến ngày nay. Những thói quen đó được hình thành từ chính cuộc sống sinh hoạt thường ngày, khiến cho Kyoto càng trở nên độc đáo và nổi bật với những điều có một không hai. Và khi biết những phong tục này, bạn sẽ tránh được những rắc rối khi đi du lịch hay có thể cảm nhận sự quyến rũ của Kyoto từ việc hiểu rõ bản chất của chúng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn 10 phong tục và thông tin hữu ích khi đến Kyoto. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn có được những giây phút trải nghiệm Kyoto như một người dân bản xứ!
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Lịch sử phát triển của Kyoto chính là lí do khiến nơi đây có nhiều phong tục độc đáo
Ở Kyoto, nhiều quy tắc cũng như tập quán đặc thù đã ăn sâu vào thói quen của con người và vùng đất này, nó khiến cho ngay cả nhiều người Nhật Bản cũng cho rằng “Kyoto là vùng đất khó sống”. Để hiểu được lí do của điều này, chúng ta cùng quay lại lịch sử từ năm 794 - 1000, khi thành phố Kyoto đã phát triển rất thịnh vượng trong vai trò là thủ đô của Nhật Bản, và sự phát triển của Kyoto sau khi Nhật Bản rời đô đến Edo (nay là Tokyo).
Khi là thủ đô của Nhật Bản, Kyoto là nơi tập trung dân cư và sản vật từ khắp nơi trên đất nước, và đã phát triển như một trung tâm chính trị - văn hóa. Sau khi thủ đô chuyển về Edo, nơi đây đã phát triển thành một thành phố giao thương nhộn nhịp. Trong giai đoạn đó, người dân Kyoto đã quyết định xây dựng nhiều quy tắc độc đáo, như các kỹ năng củng cố mối quan hệ tin cậy và các biện pháp để tránh xảy ra rắc rối, nhằm xây dựng mối quan hệ tốt với những người khác. Mặc dù, Kyoto đã trở thành thành phố du lịch được yêu thích với rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước và một số phong tục đã phai mờ, nhưng những thói quen này vẫn được âm thầm chia sẻ và tiếp nối bởi những con người Kyoto cho đến ngày nay.
1. Lòng tin có quan trọng hơn tiền bạc? Quy tắc “Từ chối khách lạ”của cửa hàng có ý nghĩa gì?
Thành phố Kyoto với những phố mua sắm sầm uất và nhiều điểm tham quan du lịch là một địa điểm thuận tiện nếu bạn đi vòng quanh bằng xe đạp. Đến đây, bạn sẽ thấy nhiều cửa hàng có lịch sử hình thành hàng trăm năm còn sót lại, hay những gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống, những người dân sống cùng khu phố đều biết rõ về nhau, họ gắn kết với nhau nên tin đồn dù tốt hay xấu cũng đều lan truyền rất nhanh.
Do đó, niềm tin trở nên rất quan trọng. Đặc biệt là trong giao thương, mối quan hệ tin cậy giữa cửa hàng và khách hàng là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Vậy nên, ở Kyoto, một khách hàng lạ (ichimi-san), chưa từng xuất hiện, chưa ai biết đến sẽ bị từ chối phục vụ tại cửa hàng. Người dân ở đây xây dựng một quy tắc, đó là khách lạ chỉ được phục vụ nếu được giới thiệu bởi người khách cũ đã được cửa hàng tin tưởng. Quy tắc nghiêm khắc này mặc dù đã được nới lỏng nhưng vẫn còn có cửa hàng giữ truyền thống này đến nay.
Điều này có thể khiến khách du lịch cảm thấy đôi chút thất vọng, nhưng nếu nhìn từ góc độ khác thì đó là một sự khôn ngoan trong kinh doanh, coi trọng lợi nhuận dài hạn được xây dựng trên cơ sở lòng tin, hơn là lợi nhuận ngắn hạn trước mặt. Gần đây, nhiều cửa hàng đang chuyển sang cơ chế cho phép đặt chỗ thông qua các cơ sở lưu trú và đại lý du lịch, vì vậy nếu cửa hàng bạn đang quan tâm vẫn áp dụng quy tắc này khiến bạn cảm thấy khó có thể được phục vụ tại đó thì hãy thử trao đổi với họ trước khi đến.
2. Có rủi ro không khi thể hiện rõ ý kiến Đồng ý (Có) hoặc Không? Tránh rắc rối bằng câu trả lời vòng vo
Trong 1000 năm là thủ đô của Nhật Bản, Kyoto đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều lần thay đổi chính quyền. Những người đã từng thị uy sức mạnh lại trở thành kẻ bị truy đuổi chỉ sau một đêm cũng là điều không hiếm. Ở một vùng đất hỗn loạn như vậy, nếu bạn quá thân thiết với ai đó thì khi người đó bị lật đổ, bạn cũng có thể bị liên đới. Do đó, “văn hóa vòng vo, không thể hiện rõ chính kiến của mình” dường như đã được sinh ra như một chiến thuật để tồn tại trên mảnh đất này.
Văn hóa vòng vo của người Kyoto là điều vô cùng rắc rồi đối với những người từ các vùng khác đến. Ví dụ như khi bạn mời một người bạn Kyoto tốt bụng đi ăn và được trả lời là “Cảm ơn cậu vì lần nào cũng mời tôi đi ăn” thì bạn nghĩ sao? Có lẽ bạn cũng chờ đợi một lời cảm ơn. Nhưng có lẽ thực lòng người đó cho rằng “Lần nào cũng mời ăn thì không phải là điều bình thường. Nhưng nếu từ chối thẳng thừng thì có thể làm đối phương bị tổn thương, vì vậy đây là cách nói vòng vo để cho đối phương từ bỏ ý định”.
Do đó, điều quan trọng là bạn phải cảm nhận được biểu cảm và không khí của cuộc nói chuyện, chứ không phải chỉ là hiểu câu từ. Tuy nhiên, ngay cả người Nhật cũng rất khó để quen được điều đó. Nếu trong chuyến đi, bạn không thực sự hiểu ý của người dân Kyoto thì hãy thành thật hỏi những người xung quanh hay chính người đã phát ngôn. Nếu bạn cẩn thận hỏi họ thì chắc chắn sẽ nhận được lời giải thích tận tình.
3. Nếu được mời ăn bubu-zuke, bạn nên nhanh chóng xin phép ra về trước khi được phục vụ
Bubu nghĩa là “ocha”, bubu-zuke nghĩa là ocha-zuke. Ở Kyoto, khi muốn mời khách về, chủ nhà sẽ nói với khách “Anh có muốn bubu-zuke không?”. Tuy nhiên, nếu câu trả lời khi đó là “Vâng, tôi rất thích” thì sẽ có một ánh mắt lạnh lùng nhìn bạn và không khí trở nên rất tồi tệ. Thực tế thì câu nói mời ăn bubu-zuke này của người Kyoto có ẩn ý là “Mời anh về nhà sớm đi cho”.
Thói quen này được nhiều người Nhật Bản biết đến khi nhắc về tính cách của người Kyoto luôn nói vòng vo, khó nói thật lòng. Nhưng cũng có những giải thích rằng đó là cách nói thể hiện tâm ý khi chào tạm biệt như “Thực ra là tôi muốn nói chuyện thêm một chút, nhưng…”. Giả sử, bạn được mời bubu-zuke thì cách trả lời khôn ngoan là “Không, tôi cũng thấy đến lúc phải về rồi”.
4. Vị trí đứng tùy thuộc vào người đứng đầu – Quy tắc đi thang cuốn của người Kyoto
Mỗi quốc gia có cách đi thang cuốn khác nhau và bạn có biết rằng mỗi vùng của Nhật Bản cũng có quy tắc khác nhau. Người Nhật thường xếp hàng dọc ở cùng một bên, để nhường bên còn lại dành cho người đang cần đi nhanh hơn. Ở thủ đô Tokyo, mọi người sẽ đứng bên trái thang cuốn và nhường lại bên phải, còn ở Osaka thì mọi người lại thường đứng bên phải. Ở các vùng khác cũng có quy định rõ ràng về vị trí đứng trên thang cuốn, nhưng Kyoto lại không có quy định rõ ràng về vị trí đứng, mọi người có thói quen đứng ở vị trí tự do tùy theo người phía trước.
Vì vậy, khi bước lên thang cuốn ở Kyoto, bạn cần xác nhận xem người phía trước đang đứng bên trái hay phải và xếp vào ngay phía sau họ. Ngoài ra, bạn cần lưu ý không chặn hai bên thang bằng hành lí cồng kềnh… Tuy nhiên, ở những nơi đông người, đôi khi người ta đứng ở cả hai bên, không nhường bên còn lại cho người đang vội. Do đó, mặc dù có những quy tắc cơ bản nhưng điều mấu chốt là bạn cần xem xét tình hình và mọi người xung quanh để xử trí linh hoạt.
5. Xe buýt thành phố thường không đến đúng giờ - Xe phải dừng ở khu vực lễ hội
Các phương tiện giao thông ở Nhật Bản nổi tiếng là đúng giờ, nhưng xe buýt thành phố Kyoto là một ngoại lệ. Kyoto có ít tuyến tàu điện hơn các thành phố lớn như Tokyo, Osaka. Mặt khác, xe buýt thành phố chạy khắp Kyoto, trở thành phương tiện di chuyển hàng ngày không thể thiếu với không chỉ người dân địa phương mà còn cả khách du lịch. Do đó, việc không biết cách đổi xe và giá vé tàu xe hay sự phiền toái bởi hành lí quá khổ của khách du lịch… trở thành lí do của việc xe chậm trễ. Ngoài ra, một lý do nữa của việc xe chậm trễ là Kyoto có nhiều lễ hội truyền thống. Vào thời điểm mùa lễ hội như lễ hội Gion, các sự kiện được tổ chức trên các đường phố. Xe buýt sẽ phải đi đường vòng hoặc dừng lại vào thời điểm đoàn người và xe rước diễu hành.
Nếu xe buýt bạn đang chờ không đến đúng giờ thì bạn cũng đừng lo lắng mà hãy đợi thêm, hoặc xem xét thay đổi tuyến đường. Luôn có vài tuyến đường có thể kết nối với điểm đến, vì vậy bạn chỉ cần kiểm tra "Điều hướng di chuyển của tàu điện ngầm hoặc xe buýt" là việc di chuyển sẽ diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy hai chiếc xe buýt cùng đến một lúc ở điểm đến.
Điều hướng di chuyển tàu điện ngầm/ xe buýt bằng tiếng Anh (mặt trước)
Điều hướng di chuyển tàu điện ngầm/ xe buýt bằng tiếng Anh (mặt sau)
6. Những con phố nhỏ yên bình – Nhiều người di chuyển bằng xe đạp ở Kyoto
Dạo một vòng quanh thành phố Kyoto, bạn sẽ thấy rất nhiều người đi xe đạp. Kyoto bằng phẳng và ít dốc hơn Tokyo, nên đây là địa hình dễ di chuyển đối với phương tiện này. Với đặc điểm các con phố nhỏ hẹp, nhiều đường một chiều, ít tuyến tàu điện và xe buýt thành phố thường xuyên chậm trễ, nên việc di chuyển bằng xe đạp ở Kyoto sẽ hiệu quả hơn bằng ô tô hay các phương tiện giao thông công cộng. Do đó, nhiều người dân địa phương thường sử dụng xe đạp để đi học, đi làm và đi mua sắm.
Trong thành phố có rất nhiều cửa hàng cho thuê xe đạp phục vụ khách du lịch, và nhiều du khách cũng lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi lại trong những năm gần đây. Hầu hết các đền thờ và chùa chiền đều có bãi để xe đạp và trong thành phố cũng có những bãi đỗ xe đạp mất phí. Kyoto có nhiều địa điểm nổi tiếng như nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng bách hóa và cửa hàng thủ công truyền thống ẩn giấu trong những con hẻm nhỏ, vì vậy khám phá thành phố bằng xe đạp có thể sẽ cho bạn những bất ngờ. Chỉ với khoảng 1000 yên mỗi ngày là bạn đã có thể thuê một chiếc xe đạp để khám phá thành phố này. Chắc chắn bạn sẽ có cảm giác thích thú khi đi ngang qua các con phố của thành phố lịch sử Kyoto.
7. Rất ít geisha xuất thân từ Kyoto, họ đến từ khắp các địa phương trên xứ sở anh đào
Các cô gái geisha đi bộ trên phố trong bộ trang phục kimono là hình ảnh đặc trưng của Kyoto, nhưng hầu hết họ không phải là người gốc Kyoto. Những cô gái maiko được đào tạo trở thành geisha có tuổi từ 15 đến 20, họ mang ước mơ trở thành maiko nên đã rời bỏ cha mẹ ở quê hương để đến Kyoto sinh sống cùng nhau.
Đến Kyoto, bạn sẽ hiếm khi có thể gặp các geisha hay maiko trên phố, và nếu bạn gặp họ vào ban ngày thì cần phải cẩn thận. Những geisha và maiko thật thường làm công việc biểu diễn vào ban ngày nên bạn sẽ rất hầu như không thể thấy họ đi ngoài phố vào thời gian này. Vậy những geisha và maiko đang tản bộ trên phố ban ngày là ai? Có thể họ là những khách du lịch đang trải nghiệm một ngày làm geisha và maiko.
Nếu muốn gặp geisha, maiko thật, bạn hãy đến các trà quán ở Hanamachi. Chi phí trải nghiệm khác nhau tùy thuộc vào số lượng người, tiền đồ ăn uống, tiền hoa (tiền tip) và các hoạt động giải trí với geisha, nhưng mức thấp nhất là 20.000 yên/người. Đây chắc chắn là cơ hội quý giá mà bạn chỉ có thể thử tại Kyoto. Mỗi lữ quán, nhà hàng hay các công ty du lịch đều có chương trình trải nghiệm hợp lý dành cho khách du lịch nên dù là lần đầu tiên trải nghiệm thì bạn vẫn có thể yên tâm tận hưởng dịch vụ.
8. Ajari mochi – món quà đặc sản thơm ngon với mức giá hợp lý của Kyoto
"Ajari-mochi" là một loại bánh kẹo nổi tiếng của Kyoto được bán từ năm 1922 tại cửa hàng chuyên Wagashi "Mangetsu" được thành lập vào năm 1856. Loại bánh này được nướng sơ qua với nhân đậu đỏ azuki bọc bởi lớp bột nếp dẻo. Nó là loại bánh đặc sản được yêu thích lựa chọn không chỉ bởi khách du lịch đến Kyoto mà còn cả người dân Kyoto khi cần mua quà tặng mang theo. Bí mật của chiếc bánh chính là vị ngon của từng loại nguyên liệu không hề bị thay đổi khi kết hợp với nhau. Nhân đậu chỉ được sử dụng cho một loại bánh kẹo, nên các thành phần, gia vị hay phương pháp chế biến đều được tính toán và thực hiện cẩn thận. Ngoài ra, với phương châm không tăng giá nhiều nhất có thể, khách hàng có thể mua những chiếc bánh với mức giá rất phải chăng, chỉ 119 yên/chiếc (đã bao gồm thuế). Với chất lượng cao và giá cả hợp lý, đây là một món ăn nhẹ được những người sành ăn ở Kyoto tin tưởng lựa chọn làm quà lưu niệm.
Ngoài các cửa hàng bánh bán trực tiếp, bạn có thể mua ở nhiều nơi trong thành phố Kyoto như các cửa hàng bách hóa lớn, cửa hàng quà lưu niệm ở ga Kyoto. Tuy nhiên, vào những dịp ngày lễ, bánh có thế hết sớm ngay khi buổi chiều nên nếu có dự định mua làm quà tặng thì tốt nhất bạn nên chuẩn bị sớm để không lỡ cơ hội thưởng thức món quà đặc sản của Kyoto.
9. Bỏ qua các danh thắng lịch sử - Những điều mà người Kyoto chưa biết hết về mảnh đất này
Kyoto là một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới với nhiều điểm tham quan lịch sử trong thành phố, bao gồm Di sản văn hóa cố đô Kyoto (17 đền, chùa và lâu đài) được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Ở đây có vô số đền thờ và chùa chiền, nhưng theo thực tế được ghi chép lại thì có khoảng 800 đền thờ và 1700 ngôi chùa. Không chỉ vậy, với 1000 năm lịch sử phát triển thịnh vượng của một thủ đô trước đây của Nhật Bản, Kyoto trở thành địa điểm nổi tiếng với những tòa nhà và con đường là chứng tích của các sự kiện lịch sử.
Tuy nhiên, nhiều người sinh ra và lớn lên ở Kyoto không biết hết những điều này. Có thể những ngôi đền có giá trị lịch sử lớn đến mức phải được ghi lại trong sách giáo khoa để truyền đời cho thế hệ sau nhưng đối với người dân nơi đây lại là những cảnh đẹp thường ngày, ở ngay gần bên họ, như một lẽ hiển nhiên từ khi được sinh ra, điều đó khiến cho họ khó để cảm nhận được những điều đặc biệt. Điều này cũng giống như câu chuyển nổi tiếng ở Nhật rằng một người sinh ra ở Tokyo nhưng chưa bao giờ leo lên Tháp Tokyo.
Đối với khách du lịch, Kyoto là một thành phố đầy sức hút. Bằng mọi cách, họ muốn khám phá từng ngóc ngách của thành phố và tận hưởng sự quyến rũ của Kyoto ở những điều mà ngay cả người dân Kyoto cũng không cảm nhận thấy.
10. Người dân địa phương cũng phải phàn nàn về thời tiết nóng oi vào mùa hè và rét buốt vào mùa đông
Kyoto nằm trong khu vực thung lũng, có lượng mưa tương đối ít, và sự khác biệt lớn về nhiệt độ giữa mùa hè và mùa đông, ban ngày và ban đêm. Vào mùa hè, gió bị chặn bởi những ngọn núi, trời nóng và ẩm, ánh sáng mặt trời gay gắt, nhưng mùa đông ở thung lũng có hình thái khí lạnh tích tụ dưới thấp, khiến thời tiết rất lạnh, tê buốt từ dưới bàn chân.
Để trải qua cuộc sống ở nơi có khí hậu như Kyoto, người ta cần phải có những hiểu biết nhất định. Trong mùa hè ẩm ướt, bạn hãy thay đổi vỏ đệm sang loại vải mùa hè mềm, nhẹ hoặc treo một chiếc chuông gió mang thanh âm trong trẻo. Còn khi mùa đông khắc nghiệt, hãy ăn các loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cao được trồng ở Kyoto để giữ sức khỏe với các món ăn truyền thống như "daikon-daki" và "kabocha-kuyo" được lưu truyền cho tới ngày nay.
Khí hậu thay đổi rõ rệt tùy theo mùa, nên bạn nhớ kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm trước khi đi du lịch. Ngay cả trong cùng một mùa, tùy theo thời điểm và hoàn cảnh mà thân nhiệt cũng có thể thay đổi, vì vậy bạn hãy đảm bảo những trang phục của mình phù hợp với thời tiết mùa hè cũng như mùa đông.
Những phong tục đặc trưng của Kyoto là một chủ đề hết sức thú vị. Lúc đầu, bạn có thể thấy bối rối với những điều này, nhưng khi hiểu ý nghĩa thực sự của chúng, bạn sẽ cảm nhận được lịch sử sâu sắc của Kyoto. Điều làm cho Kyoto trở nên hấp dẫn không chỉ là phong cảnh được dệt bởi các tòa nhà mang nhiều ý nghĩa, mà là cuộc sống của chính những người sống ở nơi đây.
Ngoài những điều chúng tôi đã giới thiệu ở trên, Kyoto còn có nhiều quy tắc nhỏ khác nữa. Bạn đã gặp và trải nghiệm những gì trong hành trình khám phá Kyoto? Hãy tiếp xúc với những người dân địa phương, tham quan những con phố để tìm hiểu những điều thú vị và biết thêm những phong tục và quy tắc của Kyoto nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố