10 món ăn hấp dẫn trong mùa hè ở Nhật Bản mà bạn không thể bỏ lỡ
Nhắc đến mùa hè ở Nhật Bản, có lẽ không mấy ai là không biết đến phong tục ăn lươn với quan niệm lươn sẽ đem đến cảm giác mát mẻ, xua tan đi cái oi nóng, khó chịu trong mùa hè ở đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, không chỉ có lươn, ở Nhật còn có rất nhiều món ăn ngon khác dành cho mùa hè được mọi người yêu thích. Hãy cùng chúng tôi điểm tên 10 món ăn đem lại cảm giác mát mẻ, tươi mới cho mùa hè ở Nhật Bản nhé!
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
1. Dưa hấu
Dưa hấu là một trong những thức quả mùa hè mà chắc chắn chúng ta không thể không nhắc đến. Dưa hấu có rất nhiều chất dinh dưỡng như kali, citrulline và β-carotene,... Trong đó, kali được cho là có chức năng bài tiết muối dư thừa, citrulline có tác dụng mở rộng mạch máu và thúc đẩy lưu lượng máu, còn β-carotene giúp duy trì sức khỏe của da cũng như niêm mạc. Đây quả thực là một “liều thuốc quý” giúp mọi người vượt qua thời tiết oi nóng của mùa hè.
Ở Nhật Bản có nhiều loại dưa hấu nhưng tiêu biểu nhất là giống quả to (大玉 - Odama) với lớp vỏ ngoài màu xanh thẫm và phần thịt quả đỏ tươi. Những năm gần đây, các siêu thị và cửa hàng ở Nhật cũng xuất hiện những loại dưa hấu khác như dưa hấu vàng, dưa hấu quả nhỏ (小玉 - Kodama), dưa hấu không hạt. Đặc trưng của dưa hấu ở Nhật là chúng đều có phần thịt quả giòn, mọng nước, đem lại cảm giác tươi mới khi thưởng thức. Loại quả này mặc dù có thành phần nước nhiều nhưng vẫn ngọt vị nên từ xa xưa đã nhận được rất nhiều cảm tình từ người dân xứ mặt trời mọc.
Nhắc đến dưa hấu ngon, có thể kể đến dưa hấu Kumamoto (đặc biệt là dưa hấu Ueki), dưa hấu Yachimata, Tomisato (Chiba), dưa hấu Obanazawa (Yamagata), dưa hấu Daiei, Gaburiko (Tottori), dưa hấu vùng cao nguyên Matsumoto (Nagano).
2. Mì Somen, Hiramugi
Somen và Hiramugi là hai món mì xuất hiện rất nhiều trong bữa ăn của người Nhật mỗi ngày hè. Thoạt nhìn vẻ bề ngoài và cách ăn của hai loại mì này, có lẽ sẽ có khá nhiều người nhầm lẫn hai loại mì Somen và Hiramugi với nhau, nhưng trên thực tế chúng tại có một vài điểm khác biệt nho nhỏ về cách sản xuất và độ lớn của sợi mì. Nếu như Hiramugi được xem như một dạng mì udon được kéo sợi nhỏ hơn với công thức gồm bột mì, nước, muối thì với Somen, người ta sẽ thêm một bước phết dầu thực vật lên khi kéo sợi mì để có được sợi mì mảnh hơn rồi sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà người Nhật thường phân biệt 2 loại mì này dựa vào kích thước của chúng (Hiramugi: đường kính 1.3 - 1.7mm, Somen: đường kính dưới 1.3 mm).
Thông thường, cách ăn của hai loại mì này khá giống nhau. Đầu tiên chúng ta cần đun sôi mì, sau đó làm lạnh bằng nước đá hoặc nước thường, rửa mì để loại bỏ chất nhờn, và thưởng thức với nước chấm mì men-tsuyu. Một lưu ý nhỏ là bạn không cần thêm muối khi luộc mì vì trong mì đã có sẵn muối, việc luộc mì phần nào giúp giải phóng bớt hàm lượng muối đó. Bạn có thể ăn kèm mì Somen và Hiramugi với nấm luộc, trứng rán mỏng thái sợi, hành lá xắt nhỏ, gừng nghiền, vừng, gừng,... Các loại thức ăn kèm này đều thanh mát nên chắc chắn sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo nếu như bạn đã ngán những món ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu khác.
3. Đá bào, kem
Giữa thời tiết nắng nóng mà được thưởng thức một cốc đá bào (kakigori) hay một que kem mát lạnh thì còn gì tuyệt vời hơn phải không? Đây có lẽ là món tráng miệng hấp dẫn, thu hút không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng khó lòng có thể cưỡng lại được.
Trước hết, hãy cùng nói về đá bào. Ở Nhật Bản, người ta thường ăn đá bào với nhiều loại siro với các hương vị và màu sắc khác nhau, chẳng hạn như siro dâu màu đỏ, siro dưa lưới màu xanh lá cây, siro chanh màu vàng, siro cam màu da cam,... Không chỉ dừng lại ở đó, ở nhiều nơi, người ta còn biến tấu món ăn này trở nên hấp dẫn hơn bằng cách thêm đậu đỏ, bánh gạo nếp mochi, các loại hoa quả tươi, thạch,... Một món ăn tưởng chừng như hết sức đơn giản nhưng nhờ sự kết hợp hài hòa giữa siro và đá tạo nên một sức hút hết sức đặc biệt. Bạn sẽ không khó để bắt gặp những gian hàng bán đá bào ở những lễ hội của Nhật, đặc biệt là vào mùa hè.
Bạn có thể tham khảo một số địa điểm ăn đá bào ngon tại Tokyo hoặc khu vực Kansai qua bài viết của chúng tôi.
Một đối thủ “một chín một mười” với đá bào mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây là kem. Bước chân vào các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi ở Nhật, có lẽ sẽ có rất nhiều người nước ngoài cảm thấy ấn tượng vì sự đa dạng của các loại kem ở đây. Thậm chí, sẽ không có gì là lạ nếu như bạn bắt gặp một máy bán kem tự động ở nhà ga hay các công viên của Nhật. Một số nhà sản xuất mà bạn thường gặp khi mua kem ở xứ sở anh đào có thể kể đến như Meiji, Glico, Morigana,...
Nếu bạn là một người ưa khám phá thì hãy thử những vị kem độc đáo ở Nhật Bản mà chúng tôi đã từng giới thiệu trước đây xem sao nhé! Chắc chắn sẽ rất thú vị đó.
4. Mì lạnh kiểu Trung Hoa
Cũng giống như nhiều loại mì ăn vào mùa hè khác, đặc điểm của mì lạnh kiểu Trung Hoa cũng là luộc và ngâm trong nước lạnh. Một phần mì lạnh kiểu Trung Hoa điển hình gồm có mì, thịt (có thể là thì dăm-bông, xà xíu, thịt gà,...), trứng tráng mỏng thái sợi, các loại rau mùa hè (dưa chuột, cà rốt), tạo nên màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Người ta sẽ chan nước dùng được làm từ nước tương, giấm hoặc sốt mè vào bát mì và thưởng thức thay vì cách ăn chấm như somen mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên.
Có rất nhiều nhiều biến thể của loại mì lạnh Trung Hoa này. Tùy từng địa phương và người chế biến món ăn mà bất cứ nguyên liệu mùa hè nào cũng có thể xuất hiện trong bát mì, chẳng hạn như cà chua.
Một bí mật nhỏ mà có lẽ không phải ai cũng biết, đó là ngày 7/7 - ngày Lễ Thất tịch, chính là Ngày của mì lạnh kiểu Trung Hoa. Năm 1995, những người yêu thích món mì này đã đăng ký ngày này với Hiệp hội ngày kỷ niệm của Nhật Bản để tôn vinh món ăn hấp dẫn này, một phần lý do được đưa là bởi người ta cho rằng đây là thời điểm bắt đầu mùa hè, thời tiết dần trở nên nóng nực hơn, rất thích hợp để ăn mì lạnh.
5. Đậu phụ lạnh Hiyayakko
Đậu phụ lạnh Hiyayakko là một món ăn quen thuộc, không thể thiếu trong bữa ăn mùa hè của người Nhật. Tuy chỉ đơn giản là đậu phụ lạnh, kết hợp với các loại gia vị như nước tương shoyu, gừng, hành lá thái nhỏ, và thêm một chút cá khô bào mỏng, song Hiyayakko lại rất kích thích vị giác. Tùy vào các loại gia vị mà món ăn này có thể chế biến theo nhiều phong cách khác nhau như Nhật Bản, Trung Hoa hay phương Tây. Bạn hoàn toàn có thể thưởng thức đậu phụ lạnh như một món ăn nhậu hoặc ăn cùng với cơm.
Đậu phụ được cho là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe vì trong đó chứa lượng lớn chất béo thực vật và protein. Chất béo có nguồn gốc thực vật là một loại axit béo không bão hòa, có chức năng giảm cholesterol trong khi một lượng tương tự chất béo động vật lại có thể chứa axit béo bão hòa và tăng cholesterol trong máu - nguyên nhân gây ra các bệnh ở người trưởng thành như béo phì, xơ cứng động mạch và bệnh tim. Ngoài ra, protein có trong đậu phụ còn có tác dụng bổ sung dinh dưỡng cho gan rất tốt cho những người thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn. Quả thực, đậu phụ không chỉ đơn giản là một món ăn mà nó dường như đã trở thành một “bài thuốc” cứu cánh cho mùa hè phải không?
6. Lươn
Vào mùa hè, người Nhật thường có thói quen ăn lươn, đặc biệt là ngày Doyo no Ushi no Hi (土用丑の日). Trong tiếng Nhật, "Doyo (土用)" biểu thị khoảng thời gian 18 hoặc 19 ngày trước khi bắt đầu lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, "Ushi no Hi" (丑の日) có nghĩa là ngày Sửu. Người Nhật cho rằng, những ngày Doyo rơi vào ngày Sửu, gọi là “Doyo no Ushi no Hi”, là ngày nóng nhất trong năm nên sẽ là thời gian thích hợp nhất để ăn lươn. Đây là một trong những món ăn tinh thần vào mùa hè của người dân xứ sở anh đào vì người Nhật cho rằng ăn lươn vào những ngày oi nóng sẽ khiến cơ thể dịu mát hơn.
Có rất nhiều giả thiết bên cạnh câu chuyện ăn lươn vào mùa hè của người Nhật. Trong đó có câu chuyện kể rằng: Vào thời Edo, trước tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi, một chủ cửa hàng bán lươn đã hỏi xin ý kiến dược sĩ Hiraga Gennai - một dược sĩ tài hoa để tìm một lời khuyên. Người dược sư đã bảo chủ cửa hàng, hãy dán dòng chữ “Hôm nay là ngày Ushi no hi nên hãy ăn những món có chữ “U” để tránh nóng” trước cửa hiệu để thu hút mọi người và cho họ thấy những công dụng của việc ăn lươn. Chủ tiệm lươn đã làm theo lời khuyên đó và quả nhiên nó thực sự đã có tác dụng, tình hình kinh doanh nhờ đó mà trở nên phát đạt trông thấy, cửa hàng ngày càng đông khách hơn.
Quả thực lươn có rất nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tiêu biểu là vitamin B1, vitamin A, giàu EPA (chất làm giảm nồng độ Cholesterol trong máu), DHA, omega-3. Bổ sung các chất dinh dưỡng này dù là vào mùa hè hay mùa đông cũng đều rất tốt cho cơ thể của bạn.
Bạn có thể tham khảo một số nhà hàng lươn tại Tokyo qua bài viết đã được chúng tôi giới tại đây.
7. Thạch Mizu-yokan
Một món ăn tráng miệng mùa hè rất được yêu thích tiếp theo mà chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn là thạch Mizu-yokan. Đây là một loại đồ ngọt truyền thống của Nhật, được làm từ bột đậu đỏ azuki và bột làm thạch.
Mizu-yokan có hàm lượng đường cao nên có thể bảo quản được tương đối lâu. Nếu được bảo quản ở điều kiện phù hợp, nhiều loại có thể để được ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài, khoảng một năm hoặc thậm chí lâu hơn. Với đặc điểm đó, nhiều người Nhật còn coi Mizu-yokan như một loại thực phẩm dự trữ cho trường hợp khẩn cấp. Mặt khác, món ăn này có lượng calo khá cao nên chỉ cần ăn một lượng nhỏ thôi cũng đủ để cung cấp một lượng lớn năng lượng hoạt động cho cơ thể, vì thế nên, người ta còn phát triển món ăn này trở thành thực phẩm bổ sung chuyên dụng trong hoạt động thể thao.
Ngày nay, Mizu-yokan không chỉ đơn giản là một món tráng miệng, nó còn được rất nhiều người Nhật ưu ái lựa chọn làm quà tặng với nhiều hình dáng đẹp mắt, đa dạng về màu sắc và hương vị. Nếu có cơ hội được ghé thăm đất nước mặt trời mọc, bạn hãy thử thưởng thức món ăn này hoặc mua về làm quà tặng cho bạn bè hoặc người thân của mình nhé!
8. Mì thạch Tokoroten
Nhìn bề ngoài trông Tokoroten trong suốt như thạch rau câu, nhưng điểm đặc biệt là chúng có hình dáng dài và mỏng như sợi mì. Không giống như những món thạch khác, Tokoroten có kết cấu cứng và giòn hơn. Cách làm món ăn này cũng không hề phức tạp, người ta nấu rong biển tengusa chắt lấy nước hoặc nấu bột kanten rồi để nguội và đợi hỗn hợp đông lại thành khối vuông vức. Tiếp theo đó là xắt khối vuông ra thành những sợi mì dài và mảnh. Có 2 cách xắt sợi mì Tokoroten: Một là cắt thủ công bằng tay, hai là sử dụng Tentsuki (dụng cụ có phần thân làm bằng gỗ, phần đầu là kim loại với nhiều mắt nhỏ và mảnh) cho khối Tokoroten vào và dùng lực đẩy là hàng trăm sợi mì đều tắm tắp sẽ được đưa ra.
Đây là một món ăn thanh mát, lại giàu chất xơ, không chỉ thích hợp làm món ăn mùa hè mà còn rất phù hợp cho các chị em muốn giảm cân. Tùy từng vùng ở Nhật Bản mà cách ăn món mì thạch Tokoroten cũng sẽ khác nhau. Nếu như ở khu vực Kanto (phía Đông Nhật Bản), người ta kết hợp món mì này với giấm gạo, nước tương, mirin, vừng, rong biển như một món ăn mặn thì ở khu vực Kansai (phía Tây Nhật Bản), Tokoroten lại được thưởng thức như một món đồ ngọt khi ăn với các loại siro ngọt, đường đen, bột đậu kinako,...
9. Mì Soba lạnh Zaru-soba
Mì Soba có lẽ không còn xa lạ đối với những ai yêu thích ẩm thực Nhật Bản. Đây là một loại mì được làm từ bột kiều mạch, chất kết dính và nước. Trong trường hợp không có chất kết dính, người ta có thể sử dụng các nguyên liệu khác để thay thế như trứng già, khoai mỡ, rong biển, konyaku,... Tùy vào từng nguyên liệu cho thêm đó mà mì soba sẽ có những hương vị và màu sắc đặc trưng khác nhau. Thậm chí, ngày nay, người ta còn biến tấu món mì soba với nhiều hương vị độc đáo như soba trà xanh, soba vừng đen.
Soba có rất nhiều cách ăn, bạn có thể ăn nóng hoặc lạnh tùy thích nhưng vào tiết trời oi nóng thì mì soba lạnh zaru-soba lại là sự lựa chọn yêu thích của rất nhiều người Nhật. Tên gọi Zaru-soba có lẽ bắt nguồn từ chính cách ăn của nó. Đầu tiên, người ta sẽ luộc soba và rửa qua nước mát để loại bỏ chất nhờn, sau đó vớt mì ra và đặt lên trên mành hoặc giá bằng tre (tiếng Nhật là “zaru)”. Phần mì này sẽ được ăn kèm với một bát nước chấm khác, gọi là "Soba Inoguchi". Nước chấm này được làm từ Soba-tsuyu - loại nước chấm truyền thống dành cho mì Soba, thêm chút hành lá xắt nhỏ hoặc một chút wasabi để tạo hương vị đậm đà hơn.
Nếu trong chuyến du lịch của mình bạn đã ăn quá nhiều thịt, cá và muốn thưởng thức một món gì đó thanh đạm thì đây chính là sự lựa chọn tuyệt vời!
10. Shabu-shabu lạnh
Nếu bạn là tín đồ của món lẩu Shabu-shabu nhưng thời tiết nóng nực khiến bạn cảm thấy không thoải mái thưởng thức món ăn này thì hãy thử Shabu-shabu lạnh xem sao nhé! Về cơ bản, shabu-shabu là món lẩu, tuy nhiên, thay vì vừa nhúng thịt, rau củ vào nồi nước vừa ăn trong lúc còn nóng hổi thì shabu-shabu lạnh lại được chế biến trước bằng cách nhúng thịt qua nước sôi và vớt ra rá để nguội hoặc nhúng qua nước đá. Cách chế biến này giúp thịt giữ được vị ngọt nhưng vẫn có độ dai nhất định. Sự biến tấu vô cùng độc đáo này vừa thỏa mãn được vị giác của bạn, vừa xua đi cái nóng của mùa hè.
Món shabu-shabu lạnh này có thể thưởng thức cùng với nhiều loại rau củ khác như một món salad hoặc ăn cùng mì ramen, udon, kết hợp với các loại nước tương ponzu, nước sốt dầu vừng. Món ăn này không quá cầu kỳ, lại dễ làm nên nếu bạn đang phân vân không biết nấu gì thì hãy thử làm món ăn này ở nhà nhé! Biết đâu mùa hè này bạn sẽ yêu thích nó hơn cả món lẩu shabu-shabu đó!
Giải tỏa cái nóng mùa hè với những món ăn thanh mát!
Hy vọng rằng những món ăn mà chúng tôi giới thiệu trên đây sẽ là những gợi ý tuyệt vời cho bạn khi lựa chọn các món ăn ngày hè. Với những món ăn mặn như mì soba, đậu phụ lạnh cho đến các món tráng miệng như dưa hấu, đá bào, bạn sẽ có rất nhiều sự kết hợp khác nhau để bữa ăn thêm đa dạng. Và nếu bạn có thêm những gợi ý gì cho món ăn ngày hè thì hãy chia sẻ cho chúng tôi biết nhé!
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter hoặc Instagram của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố