10 điều khiến người Việt cảm thấy ngạc nhiên khi đến Nhật Bản

Hẳn có rất nhiều bạn khi tới Nhật cảm thấy vô cùng ngạc nhiên với hệ thống giao thông công cộng của đất nước này, văn hóa xếp hàng hay những nhà vệ sinh công cộng luôn sạch sẽ, thơm tho. Không chỉ có vậy, nếu bạn có thời gian ở đây lâu hơn nữa bạn sẽ nhận ra Nhật Bản còn rất nhiều điều lạ lùng và thú vị khác. Để tìm hiểu xem đâu là những điều khiến người Việt khi đến Nhật Bản cảm thấy ngạc nhiên, chúng tôi đã tiến hành một khảo sát với những người Việt Nam đã và đang sinh sống ở Nhật để có được câu trả lời chính xác nhất. Cùng đọc bài viết này để xem xem những điều gì ở Nhật khiến người Việt chúng ta cảm thấy kỳ lạ nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

1. Hệ thống thư viện miễn phí: mượn và trả sách dễ dàng

Nếu như ở Việt Nam để được mượn và đọc sách ở thư viện bạn cần phải đăng ký thẻ thư viện và tất nhiên một tháng bạn sẽ phải mất một khoản chi phí nhất định cho việc này. Tuy nhiên, ở Nhật Bản việc này là hoàn toàn miễn phí. Các thư viện công cộng thuộc quản lý của quận hoặc thành phố cho phép người dân sinh sống tại khu vực đó có thể đến mượn và đọc sách miễn phí. Không chỉ vậy, có một điều ngạc nhiên hơn nữa tại các thư viện này là bạn có thể ra vào tự do mà không cần phải xuất trình thẻ như các thư viện ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi bạn không phải là người dân ở khu vực đó và không có thẻ bạn vẫn có thể ra vào và đọc sách thoải mái tại thư viện, chỉ khi nào cần mượn sách mang về thì bạn mới cần phải xuất trình thẻ. Điều này quả thật vô cùng tuyệt vời đúng không nào? Bạn có thể tiếp cận với tri thức của nhân loại mà không cần phải bỏ ra bất kỳ một chi phí nào.

Nhìn chung các thư viện công cộng ở quận, thành phố là như vậy, nhưng với những thư viện của trường đại học hoặc thư viện quốc gia sẽ có một vài yêu cầu cụ thể riêng, nên bạn hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi muốn đến một thư viện nào đó nhé.

2. Cửa hàng không người bán, ai mua tự bỏ tiền vào hộp

Có một điều bạn sẽ nhận ra khi đến Nhật là ý thức tự giác của người dân nước này vô cùng cao, từ việc xếp hàng ngay ngắn để lên tàu điện, vào quán ăn, cho đến việc trả lại đồ đánh rơi cho người bị mất. Nên có lẽ cũng không có gì ngạc nhiên khi bạn bắt gặp những cửa hàng không người bán trên đường phố tại Nhật.

Tại sao lại có những cửa hàng như vậy? Trên thực tế có một số người ở Nhật vừa tranh thủ đi làm ở công ty, vừa trồng thêm rau, củ quả sau giờ làm việc. Sau khi thu hoạch được một số lượng kha khá họ sẽ đem bán chúng, nhưng vì không thể dành thời gian cả ngày để trông coi quầy hàng nên họ sẽ để những sản phẩm đính sẵn giá tiền và một hộp đựng tiền tại đó. Khi người mua mua hàng họ chỉ cần thả tiền vào trong hộp và lấy hàng về. Và điều bất ngờ là người chủ luôn nhận được số tiền tương ứng với món hàng mà họ đã bày bán. Ngày này, không chỉ có những công nhân viên chức, mà đa số mọi người ở Nhật đều bày bán nông sản theo hình thức này, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức.

Những quầy hàng này thường khá nhỏ được đặt bên cạnh những trang trại trên đường cao tốc. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là nông sản, rau củ quả tươi, nhưng cũng có một số cửa hàng bày bán cả quần áo. Qua đó để thấy sự tự giác cũng như niềm tin của người bán và người mua ở đây cao như thế nào. Nếu bắt gặp những cửa hàng như thế này trên đường phố, sao bạn không thử ghé qua và mua hàng xem sao?

3. Nhiều người đeo khẩu trang y tế - Thói quen hay căn bệnh tâm lý

Chắc hẳn nhiều bạn khi đến Nhật cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp rất nhiều người dân nước này đeo khẩu trang y tế khi ra đường và thậm chí cả khi giao tiếp với người đối diện. Tại Việt Nam hay một số quốc gia khác, khẩu trang y tế chỉ được sử dụng với những người mắc bệnh truyền nhiễm nên rất nhiều người nước ngoài cảm thấy điều này vô cùng kỳ lạ.

Tuy nhiên, việc người Nhật sử dụng khẩu trang y tế không phải là không có lý do. Đa phần mọi người thường đeo khẩu trang đặc biệt vào mùa cúm (Influenza) để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Ngoài ra, căn bệnh dị ứng phấn hoa vào mùa xuân ở Nhật cũng rất phổ biến, nên vào thời điểm khoảng tháng 2 đến tháng 4 ở Nhật bạn sẽ trông thấy hình ảnh rất nhiều người Nhật đeo khẩu trang trên đường phố, thậm chí là cả trong văn phòng công ty. Với những ai mới đến Nhật, hẳn bạn sẽ cảm thấy rất kỳ lạ khi một số người Nhật đeo khẩu trang ngay cả khi nói chuyện với người đối diện và cho rằng đây là một hành động bất lịch sự, thiếu tôn trọng đối phương. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết và căn bệnh cúm mùa ở Nhật khác với bệnh cảm cúm thông thường ở Việt Nam nên việc đeo khẩu trang là thực sự cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như những người xung quanh.

Bên cạnh những người đeo khẩu trang do có vấn đề về sức khỏe, có không ít người khỏe mạnh thích đeo khẩu trang ở Nhật. Đây mới chính là điều khiến nhiều người cảm thấy kỳ lạ. Với một số nữ giới đây có thể là cách họ xử lý khi không kịp trang điểm trước khi ra ngoài, hoặc để che những vết thâm hoặc mụn trên khuôn mặt. Với một vài người khác, việc đeo khẩu trang là cách giúp cho họ không bị nhận ra khi đang đi trên đường, giúp họ cảm thấy an toàn hơn khi có thể che giấu khuôn mặt và biểu cảm của mình. Đây được coi là hội chứng “phụ thuộc vào khẩu trang” đang trở nên phổ biến ở Nhật đặc biệt ở những người trẻ trong độ tuổi 20 đến 30. 

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

4. Nguyên tắc ra đường là phải trang điểm

Đối với người Nhật nếu không trang điểm họ nhất định sẽ không ra ngoài đường cho dù là ban ngày hay ban đêm vì đa phần người Nhật rất coi trọng vẻ bề ngoài và để ý đến hình ảnh của mình trong mắt đối phương.

Nếu đi trên tàu hoặc đi lại trên đường phố bạn có thể nhận thấy bất kỳ là phụ nữ từ học sinh cấp 3, người đi làm cho đến phụ nữ trung niên và những người lớn tuổi hơn cũng đều trang điểm và rất chăm lo cho vẻ bề ngoài của mình. Ngoài ra, sau khi ăn xong, hay khi hoạt động ngoài trời trong một thời gian dài, phụ nữ Nhật Bản sẽ đi vào nhà vệ sinh để chỉnh trang lại đầu tóc và trang điểm lại cho khuôn mặt. Nếu như ở Việt Nam, việc những học sinh cấp 2, cấp 3 hay những người cao tuổi trang điểm là chuyện hết sức kỳ lạ thì tại Nhật Bản, việc bạn không trang điểm khi đi ra ngoài đường sẽ bị coi là một điều không bình thường tí nào. Do đó, bạn hãy lưu ý đến điều này khi đến Nhật để không cảm thấy bị “lạc lõng” giữa chốn đông người nhé.

Klook.com

5. Nhồi người vào tàu trong giờ cao điểm

Không chỉ có Việt Nam mà ngay cả những quốc gia phát triển ở châu Âu và Mỹ cũng phải dành lời ca ngợi cho hệ thống tàu điện tại Nhật bởi sự hiện đại, sạch sẽ và luôn đúng giờ. Nhưng cũng chính vì những ưu điểm tuyệt vời đó mà ai ai ở Nhật cũng sử dụng tàu điện để đi lại và điều đó đã gây ra tình trạng tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Nếu bạn đến Nhật và chẳng may di chuyển vào khoảng thời gian này, có thể bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những nhân viên nhà ga cố gắng đẩy khách vào bên trong tàu để đóng cửa. Đây được coi là một "nghề" ở Nhật Bản và còn có hẳn một từ riêng để chỉ nghề này đó là "Oshiya" (押し屋 - nghề đẩy khách). Trước đây có những người chuyên làm công việc này và sinh viên ở Nhật cũng coi đây như một công việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập lúc rảnh rỗi. tuy nhiên hiện tại những “thợ đẩy chuyên nghiệp” không còn nữa mà thay vào đó nhân viên nhà ga sẽ đảm nhiệm công việc này khi số lượng khách quá tải và không đóng được cửa tàu.

Điều này thật kỳ lạ khi so sánh với văn hóa đi xe buýt ở Việt Nam, vì chỉ cần xe hết chỗ là phụ xe sẽ yêu cầu bạn đứng lại và chờ chuyến sau, chứ không có chuyện họ nhiệt tình “giúp” bạn lên xe như thế này. Chắc vì cũng hiểu được thiện chí của những nhân viên nhà ga nên khách đi tàu ở Nhật không hề cảm thấy khó chịu hay giận dữ một chút nào. Nhìn thì có thể thấy hơi bạo lực nhưng cá nhân tôi thì nghĩ được lên tàu như vậy còn hơn là bị đuổi xuống vì hết chỗ.

6. Vỉa hè là lối đi cho người đi xe đạp?

Ở Nhật Bản, vỉa hè không chỉ là lối đi cho những người đi bộ mà còn là lối đi dành cho những người đi xe đạp. Hẳn bạn đang ngạc nhiên và nghĩ sao luật giao thông Nhật Bản lại cho phép như vậy? Điều đó không phải là rất nguy hiểm với người đi bộ sao? 

Trên thực tế luật giao thông Nhật Bản cũng quy định rất rõ việc xe đạp lưu thông trên vỉa hè chỉ áp dụng với những khu vực có biển báo cho phép đi xe đạp, hoặc đối với những người điều khiển xe dưới 13 tuổi, trên 70 tuổi, hoặc những người khuyết tật. Tuy nhiên, ở Nhật rất ít người nắm rõ được những quy định đó, và việc đi xe dưới lòng đường nhiều ô tô rất nguy hiểm nên họ thường chọn cách di chuyển trên vỉa hè. Vậy phải chăng việc xử phạt những hành vi vi phạm chưa được tiến hành nghiêm ngặt. Thực tế đúng là như vậy, tuy nhiên, do có nhiều vụ tai nạn xe đạp gia tăng, các chính sách xử phạt tại Nhật đang được áp dụng ngày càng chặt chẽ hơn. 

Có thể khi mới đến Nhật bạn thấy đường phố khá vắng vẻ, vỉa hè rộng rãi, nhưng đừng vì thế mà chủ quan đi lại không để ý, vì có thể bất thình lình một chiếc xe đạp nào đó từ phía sau sẽ vượt lên trước bạn đó. Hãy chú ý đến điều này để giữ an toàn cho bản thân khi đi du lịch ở Nhật nhé.

7. Nhiều người vô gia cư sinh sống ở các nhà ga, công viên

Mặc dù là một quốc gia phát triển, nhưng Nhật Bản vẫn chưa thể khắc phục được vấn đề chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, vì thế không có gì là lạ khi bạn bắt gặp những người vô gia cư tại các nhà ga và công viên ở Nhật. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Phúc lợi và Lao động Nhật Bản, năm 2018 trên cả nước có gần 5000 người vô gia cư sống rải rác khắp các thành phố lớn, nhỏ trên cả nước. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhìn chung đều do không kiếm được việc làm, mất việc do công ty phá sản khiến những người này rơi vào hoàn cảnh sống “nay đây mai đó”. Nếu bạn đi lại ở những nhà ga hoặc công viên vào buổi tối muộn bạn sẽ trông thấy rất nhiều người vô gia cư sinh sống trong những “ngôi nhà” bằng bìa các-tông hay nằm ngủ trên những chiếc ghế trong công viên. 

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản cũng có nhiều chương trình kinh tế hỗ trợ những người vô gia cư này nhưng đa phần bản thân họ không tiếp cận được những thông tin đó, một số khác từ chối sự giúp đỡ vì họ thích cuộc sống lang bạt, tự do, thoải mái này hơn. Đây có lẽ là một trong những mặt tối mà nhiều quốc gia phát triển, trong đó có Nhật Bản vẫn chưa thể giải quyết được.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

8. Phát khăn giấy miễn phí trên đường phố

Khi đi trên đường phố tại Nhật, thỉnh thoảng bạn sẽ nhìn thấy một vài người đứng trên phố và phát khăn giấy cho những người qua đường. Thực chất thì đây không chỉ là những túi khăn giấy thông thường mà là một chiến lược quảng cáo, phát tờ rơi của những công ty tại Nhật. Thay vì việc phát những tờ giấy thông thường mà chắc chắn những người qua đường sẽ không cầm, thì việc cho chúng vào những túi khăn giấy này và phát cho người đi đường dường như đem lại hiệu quả cao hơn. Mặc dù vậy thì không phải tất cả mọi người đều đón nhận chúng.

Tuy nhiên, đây thực sự là điều tuyệt vời ở Nhật khi bạn đi ra đường mà không đem theo khăn giấy, thay vì phải bỏ tiền ra mua chúng với giá 300-400 yên tại các siêu thị thì tại sao bạn không nhận chúng miễn phí nhỉ? Chất lượng của những loại khăn giấy này không khác gì những loại bạn mua ở cửa hàng thuốc hay siêu thị đâu.

9. Karaoke “xuyên đêm”

Những quán karaoke ở Việt Nam thường chỉ mở cửa đến 11-12 giờ đêm, nhưng ở Nhật bạn có thể hát xuyên đêm đến 5-6 giờ sáng. Đây có lẽ là điều tuyệt vời mà bạn chỉ có thể tìm thấy khi đến Nhật. Các quán Karaoke ở Nhật thường phục vụ đến sáng, nên đây trở thành địa điểm vui chơi về đêm lý tưởng của những người trẻ Nhật Bản. Với những ai bị lỡ chuyến tàu cuối không thể về nhà thì thay vì tìm một nhà nghỉ nào đó để ở lại bạn có thể tiết kiệm chi phí bằng cách thuê một phòng hát karaoke đến sáng để nghỉ ngơi chờ đến khi chuyến tàu đầu tiên của buổi sáng đến. Ngoài ra, ở nhiều nơi, giá hát karaoke “xuyên đêm” vô cùng rẻ, bạn có thể hát từ 23 giờ đến 5 giờ sáng với mức giá chỉ khoảng 2,000 yên/người. Đây sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai đam mê ca hát, muốn hát thật nhiều với mức chi phí rẻ.

Nếu có dịp đến Nhật Bản sao bạn không thử 1 lần trải nghiệm karaoke “xuyên đêm” xem sao, chắc chắn bạn sẽ thích mê và ước gì ở Việt Nam cũng có những quán karaoke như vậy. 

10. Sử dụng điện thoại di động trên tàu

Có rất nhiều bài viết nói rằng người Nhật thường đọc sách báo khi đi trên tàu điện, nhưng với những người nước ngoài khi sinh sống ở đây một thời gian, đặc biệt là các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka thì họ lại nhận thấy đa phần người Nhật hiện nay sử dụng điện thoại di động trên tàu nhiều hơn. Sử dụng điện thoại ở đây không phải là việc gọi điện mà là việc sử dụng điện thoại để chơi trò chơi, lướt mạng, đọc tin tức hay nhắn tin,... Thỉnh thoảng, khi bước lên tàu, chỉ cần nhìn quanh một lượt bạn sẽ nhận ra không một ai là không sử dụng điện thoại di động. Đôi lúc cá nhân tôi nghĩ “Sao họ không cảm thấy mỏi mắt hay sao?” hay “Chiếc điện thoại có gì thú vị mà lúc nào họ cũng nhìn vào đó vậy?”

Việc sử dụng điện thoại di động không chỉ giới hạn trên tàu mà còn cả khi di chuyển trên đường phố, trong nhà ga, đôi khi đã gây ra những tai nạn không đáng có. Với sự phát triển của kỹ thuật số, công nghệ điện tử, “nghiện smartphone” đã trở thành căn bệnh chung của toàn xã hội không chỉ ở Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều điều thú vị gây ngạc nhiên cho người Việt Nam nói riêng và người nước ngoài nói chung khi đến Nhật. Mặc dù là một quốc gia phát triển những không phải mọi thứ ở đây đều hoàn hảo như bạn nghĩ, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tồn đọng rất nhiều điều tiêu cực trong xã hội. Do đó, bạn cũng đừng cảm thấy quá ngạc nhiên hoặc sốc khi bắt gặp những điều kỳ lạ khi đến Nhật nhé. Hãy xem đó như những khác biệt văn hóa, xã hội và từ từ đón nhận chúng, biết đâu chính những điều khác biệt lại khiến bạn cảm thấy thế giới này trở nên gần gũi hơn!

Ảnh tiêu đề: Kanisorn Pringthongfoo / Shutterstock.com

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang FacebookTwitter hoặc Instagram của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Nguyen
Nguyen Loan
Tôi là một người Viêt hiện đang sinh sống ở Tokyo. Tôi đã ở Nhật được 2 năm và hy vọng có thể ở đây lâu hơn nữa để tiếp tục khám phá những điều thú vị về những vùng đất mới lạ và con người nơi đây. Thông qua những bài viết trên Tsunagu Japan, hy vọng có thể gửi đến các bạn những trải nghiệm của bản thân, đưa mọi người đến gần hơn với nước Nhật.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng