10 điều cần biết khi đi tàu điện ở Nhật Bản
Nhật Bản là nơi có hệ thống giao thông công cộng hiện đại vào bậc nhất thế giới. Bạn sẽ không cần phải lo lắng hay gặp bất cứ khó khăn khi đi du lịch tại đây vì đã có hệ thống tàu điện vô cùng tiện lợi cho bạn sử dụng. Người Nhật chủ yếu di chuyển bằng tàu điện, do đó tình trạng quá tải, nhồi nhét trên tàu trong giờ cao điểm là điều không thể tránh khỏi. Vậy đối với khách nước ngoài du lịch đến Nhật Bản, thì nên làm thế nào để vừa có thể tuân thủ luật vừa có thể sử dụng tàu điện một cách thông minh nhất? Bài viết này sẽ cho bạn biết những nguyên tắc cơ bản đó giúp bạn có những trải nghiệm du lịch tuyệt vời mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
1. Xếp hàng khi lên tàu, ưu tiên cho khách xuống tàu
Hãy bắt đầu với những quy tắc cơ bản liên quan đến việc lên, xuống tàu nhé. Khi lên tàu, hành khách sẽ xếp thành 2 hàng, chia ra đứng ở 2 bên trái và phải trước cửa tàu. Khi cửa mở, hãy chờ cho hành khách xuống hết rồi mới bắt đầu lên. Tại Nhật Bản, trong bất kỳ trường hợp nào, thì việc ưu tiên hành khách xuống trước là điều cơ bản. Trong trường hợp tàu đông, mà bạn đứng gần cửa, thì hãy tạm thời xuống tàu nhường cho những người ở phía trong xuống hết, sau đó lên lại nhé. Nếu tàu không đông, mà bạn đang đứng gần cửa thì nên đứng nép vào bên trái hoặc phải, hoặc di chuyển hẳn vào bên trong tàu. Việc di chuyển tuy có ít nhiều phiền phức, nhưng việc cản trở người xuống tàu ở mỗi ga là điều cấm kỵ, nên hãy cố gắng thực hiện nhé.
2. Tránh nói chuyện riêng, to tiếng trên tàu
Khi ở trên tàu, cần giữ yên tĩnh và tránh nói chuyện riêng. Việc nói chuyện to tiếng, nghe nhạc với âm lượng lớn sẽ làm phiền đến những người xung quanh. Đây là quy tắc ứng xử căn bản thể hiện sự lưu tâm đến những người khác, góp phần tạo nên một không gian chung thoải mái cho tất cả mọi người.
Vậy người Nhật làm gì khi di chuyển trên tàu điện? Họ liên lạc với người thân bạn bè qua điện thoại, nghe nhạc, xem phim, đọc sách, báo. Nếu là học sinh thì có thể học bài. Cũng có những người trò chuyện với nhau, nhưng họ sẽ cố gắng để không làm phiền đến người khác, do đó việc chú ý điều chỉnh âm lượng giọng nói khi trò chuyện là một phép tắc thông thường. Và đương nhiên việc nói chuyện quá to là điều không thể chấp nhận được. Cần tránh nói những câu chuyện không hay hoặc những điều người khác không muốn nghe khi bạn ở trên tàu. Nếu có thể hãy cố gắng giữ yên tĩnh cho đến khi bạn xuống tàu nhé.
3. Chuyển điện thoại sang chế độ im lặng, tránh nói chuyện điện thoại trên tàu
Đối với các thiết bị cầm tay như điện thoại di động, bạn cần phải chuyển sang chế độ im lặng trước khi lên tàu. Nếu có cuộc gọi đến khi đang trên tàu bạn cũng không nên nhận điện. Khi đó, cách tốt nhất là bạn nên gửi mail hoặc sử dụng các ứng dụng chat để thông báo rằng bạn sẽ gọi lại sau. Đấy là quy tắc ứng xử đúng đắn khi bạn nhận được điện thoại trên tàu.
Nếu là trường hợp khẩn cấp, bạn có thể xuống ở ga kế tiếp và gọi lại trong khi đang chờ tàu. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải bắt máy, thì việc nói chuyện tầm vài giây đến vài chục giây cũng không sao, nhưng bạn nên dùng tay che miệng để giọng nói không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh nhé.
Ngoài ra, khi tàu đông mà bạn đang ở gần khu vực ghế ưu tiên, hãy nhớ tắt nguồn điện thoại, vì có thể sẽ có hành khách sử dụng các thiết bị y tế như máy trợ tim ở gần đó. Trong khả năng có thể hãy cố gắng chú ý đến những người xung quanh.
4. Chú ý đến cách ngồi để không làm phiền đến mọi người xung quanh
Một dãy ghế trên tàu điện ở Nhật có khoảng 7-8 ghế ngồi. So với các nước khác, thì có thể là hơi chật và không thoải mái. Mặc dù vậy, những phần ghế này vừa đủ cho 1 người ngồi, nên việc bạn lấn sang phần ghế của người khác là điều tuyệt đối không thể chấp nhận. Ngoài ra, tư thế để chân của bạn như việc ngồi mở rộng hai chân có thể gây ảnh hưởng đến không gian cá nhân của các hành khách khác trên tàu. Bạn cũng không được phép để hành lý với kích cỡ lớn như vali lên ghế vì như vậy bạn đã chiếm mất chỗ ngồi của người khác. Cách tốt nhất là đặt hành lý lên đầu gối hoặc đặt ngay trước mặt, hạn chế tối thiểu việc làm phiền người khác là một quy tắc cơ bản khi đi tàu điện tại Nhật. Tuỳ tình huống, bạn có thể đặt hành lý lên giá để hành lý ở phía trên ghế ngồi. Hãy luôn nhớ rằng tàu điện là không gian công cộng của tất cả mọi người để có cách ứng xử sao cho hợp lý nhé.
5. Chú ý việc di chuyển với hành lý to trong giờ cao điểm
Với hành lý to, cồng kềnh bạn cần phải chú tâm hơn khi di chuyển. Đặc biệt là vào khung giờ cao điểm khi mọi người đi học, đi làm buổi sáng sớm từ 7:00 đến 9:00 và lúc tan tầm từ 17:00 đến 19:30, nếu sử dụng tàu điện ở Tokyo, Osaka hay các vùng lân cận, thì phải ghi nhớ đây là thời điểm cực kỳ đông đúc. Tại thời điểm này, lượng khách lên tàu có khi đạt tới 200%, việc lên tàu cực kỳ khó khăn. Nếu bạn mang vali hay túi xách với kích cỡ lớn, chắc bạn cũng đoán được nó gây cản trở đến xung quanh như thế nào. Nếu đứng gần cửa, mỗi lần dừng tàu, lại phải lên tàu, xuống tàu nhiều lần rất phiền phức. Ngoài ra, nếu bạn đeo balo bạn phải xoay balo, đeo về phía trước, để không chạm vào những người khác. Do đó, nếu được bạn nên tránh những khung giờ này ra nhé!
6. Không ăn uống khi ở trên tàu
Tuỳ vào mỗi nước mà quy tắc ăn uống trên tàu sẽ khác nhau, đối với Nhật thì đây là điều không được phép. Tại sao lại như vậy, vì mùi thức ăn, dấu vết thức ăn có thể làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Về cơ bản, ở Nhật, việc ăn uống trên tàu điện là bị cấm. Tuy nhiên, bạn lại được phép ăn uống trên tàu Shinkansen. Hãy ghi nhớ quy tắc đó để có cách cư xử đúng đắn, không gây ảnh hưởng đến những hành khách khác nhé!
7. Không vừa đi vừa sử dụng điện thoại
Việc vừa đi vừa sử dụng điện thoại “Aruki sumaho” đã trở thành một vấn đề xã hội ngày nay ở Nhật. Vì việc vừa đi vừa sử dụng điện thoại trong sân ga đã dẫn đến các sự cố như té ngã, hoặc tệ hơn có thể gây tai nạn chết người. Việc vừa đi vừa tra các ứng dụng chỉ đường, hay vừa đi vừa chơi Game như Pokemon Go là cực kỳ nguy hiểm. Việc sử dụng điện thoại tự thân nó không phải là vấn đề, mà vấn đề ở đây là việc quá chú tâm vào chiếc điện thoại mà không để ý đến xung quanh, do đó khi ở bên trong nhà ga hay đang đứng chờ tàu thì cũng không nên sử dụng điện thoại.
*Chú thích: ”Aruki sumaho” là kết hợp giữa động từ 歩き (aruki - đi) và スマホ (sumaho - điện thoại di động).
8. Tự bảo vệ bản thân trên tàu điện đông đúc
Mặc dù Nhật Bản là đất nước khá an toàn nhưng bạn cũng không nên vì thế mà chủ quan với những hành vì phạm tội. Quấy rối phụ nữ ở những nơi như thang cuốn trong nhà ga hay trên tàu điện đã trở thành một vấn nạn trong một gian dài. Cần đặc biệt chú ý vào giờ cao điểm khi tàu đông đúc. Ngoài ra, ở trên tàu cũng xảy ra tình trạng trộm cắp và bạn có thể bị trộm đồ có giá trị trong ví, túi xách, hoặc bị người khác xách vali đi mất. Do đó, hãy luôn đảm bảo là hành lý, đồ đạc ở sát bên người bạn.
9. Toa tàu dành riêng cho nữ giới
Trên các phương tiện giao thông công cộng ở Nhật thường có các toa chỉ dành riêng cho nữ. Đầu tiên phải kể đến tàu điện, tiếp đến là xe bus, taxi, tất cả đều có toa xe dành riêng cho nữ giới. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi quấy rối phụ nữ. Tuỳ vào giờ cao điểm buổi sáng, tối, khu vực, khung thời gian, loại tàu mà sẽ có một số toa được sử dụng để phục vụ nữ giới. Xét về mặt luật pháp, đây không phải là hành động cấm nam giới, nhưng việc nam giới bước lên tàu là trái với quy tắc. Tuy nhiên, nếu là trẻ em tiểu học trở xuống, người khuyết tật hay người đi cùng, thì không cần phân biệt giới tính vẫn có thể lên toa tàu này.
10. Khu vực ghế ưu tiên
Trên tàu có khu vực ghế ưu tiên dành cho phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người khuyết tật... Đây là hàng ghế có ghi chữ "Priority Seat" cùng những hình vẽ ký hiệu. Độ nhận thức của mỗi người sẽ khác nhau, tuy nhiên việc nhường ghế ưu tiên cho những người cần được ưu tiên là quy tắc ứng xử cơ bản. Bạn có thể nói どうぞ(do-zo) và đối phương sẽ hiểu là bạn đang có ý nhường ghế cho họ.
Tuân thủ những quy tắc đi tàu điện riêng của Nhật để có một chuyến đi hoàn hảo
Những quy tắc đi tàu ở Nhật đối với nước ngoài có thể hơi khắt khe. Tuy nhiên, giống với câu “nhập gia, tuỳ tục” việc tuân thủ các lễ nghi, quy tắc ở nơi mà bạn đến là một phép lịch sự tối thiểu. Chú ý đến 10 điều mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết này, hy vọng bạn sẽ có một chuyến du lịch Nhật Bản vui vẻ, an toàn và thoải mái.
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố