12 câu hội thoại thường gặp khi đến cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản

Đã bao giờ bạn đến cửa hàng tiện lợi (combini) ở Nhật và cảm thấy bối rối với những câu hỏi của nhân viên? Đã bao giờ bạn tự hỏi, ý nghĩa câu nói mà nhân viên cửa hàng đã nói khi bạn bước vào là gì? Đã bao giờ bạn lúng túng với những câu hỏi khi thanh toán? Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn 12 câu hội thoại thường gặp ở cửa hàng tiện lợi một cách dễ hiểu nhất để bạn có thể tự tin sử dụng chúng mỗi khi ghé qua mua đồ.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Vài nét về combini của người Nhật

Ở Nhật Bản, cụm từ viết tắt Combini (convenient store: cửa hàng tiện lợi) đã trở nên rấ t quen thuộc, bởi nó đã trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của mỗi người dân nơi đây. Tính đến đầu năm 2019, trên toàn nước Nhật có đến hơn 57,000 cửa hàng tiện lợi đang kinh doanh và con số này vẫn không ngừng tăng lên.

Hoạt động kinh doanh của các cửa hàng tiện lợi rất đa dạng, từ việc bán vé vào cửa của các buổi hòa nhạc, các buổi triển lãm, các công viên vui chơi theo chủ đề cho đến photo, in ấn, gửi fax tài liệu; chi trả các chi phí sinh hoạt; chuyển phát hàng hóa; bán rượu bia, thuốc lá, các loại thực phẩm từ cao cấp đến bình dân; đồ dùng thiết yếu... Có rất nhiều hàng hóa và dịch vụ được phục vụ ở đây.

Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống mà sự tiện lợi còn thể hiện ở khả năng tiếp cận của những cửa hàng này với người tiêu dùng. Đúng như cái tên "Tiện lợi", các cửa hàng này mở cửa 24/7 trong suốt 365 ngày trong năm, đặc biệt ở những đô thị lớn như Tokyo hay Osaka thì trung bình cứ cách một khu nhà lại có một cửa hàng tiện lợi. Các cửa hàng tiện lợi có mặt ở khắp mọi nơi trên toàn quốc. Đây cũng là nơi góp phần đẩy nhanh quá trình "Thanh toán không dùng tiền mặt" tại Nhật Bản, đối với những vị khách du lịch thích trả tiền bằng thẻ hơn chắc hẳn sẽ là một sự tiện lợi vô cùng lớn.

Những câu hội thoại thường gặp khi đến cửa hàng tiện lợi ở Nhật

Các cửa hàng tiện lợi với nhiều loại hàng hóa đa dạng, màu sắc bắt mắt, những loại thực phẩm tươi ngon khiến bạn không khỏi muốn mua thật nhiều thứ. Nhân viên cửa hàng luôn chào đón bạn thật nồng hậu với những tiếng chào ngay từ khi bạn vừa mới mở cửa bước vào.

Hãy cùng chúng tôi thử một lần vào cửa hàng tiện lợi. Bạn có thể mua bánh kẹo kiểu Nhật, một chiếc cơm nắm để lấp đầy chiếc bụng đang đói, một hộp cơm hộp, salad, bánh kẹo... bất cứ thứ gì bạn thích. Tiếp đó, hãy đến quầy thu ngân thanh toán và để ý xem nhân viên nói với bạn những gì nhé.

1. Otsugi de omachi no kata (dozo) - お次でお待ちの方 (どうぞ)

Hình ảnh những vị khách xếp hàng chờ thanh toán ở cửa hàng tiện lợi là một điều hết sức bình thường ở Nhật. Câu nói "Otsugi de omachi no kata (dozo)" có ý mời khách hàng đang chờ tiếp theo đến quầy thanh toán. Để gây chú ý hơn với khách hàng, cũng có nhiều người còn vừa đưa tay lên vừa cất tiếng gọi. Khi đứng xếp hàng chờ đến lượt mình được gọi, bạn hãy chú ý đến nhân viên thu ngân để không làm mất thời gian chờ đợi của mọi người nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

2. Pointo cado wa omochi desu ka? - ポイントカードはお持ちですか?

Câu hỏi trên có ý nghĩa là hỏi bạn có mang thẻ tích điểm không. Sẽ có một vài cách nói khác nhau tùy vào cửa hàng tiện lợi mà bạn đến:
・Lawson: Ponta cado wa omochi desu ka? (Bạn có thẻ Ponta không?)
・Family Mart: T-pointo cado wa omochi desu ka? (Bạn có thẻ T-point không?)
・Câu trả lời đơn giản: "Arimasen" hoặc "(Motte)nai desu" (Tôi không có)

Ngoại trừ một bộ phận nhỏ các cửa hàng tiện lợi ra thì thông thường, ở các chuỗi combini lớn như Family Mart, Lawson, 7Eleven, nhân viên sẽ nhắc bạn đưa thẻ tích điểm trước khi quét mã các sản phẩm mà bạn thanh toán. Với những thẻ tích điểm này, cứ mỗi 100 yên mua hàng, bạn sẽ tích được 1 điểm và khi số điểm được tích lũy đến một lượng nhất định, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng để mua hàng ở bất cứ cửa hàng nào thuộc chuỗi cửa hàng tiện lợi đó.

Nếu bạn có ý định ở Nhật trong một thời gian dài thì việc làm một chiếc thẻ tích điểm cũng là một ý kiến hay. Tuy nhiên, nếu bạn không hiểu tiếng Nhật thì có lẽ sẽ hơi khó khăn để có thể hiểu hiểu được những gì mà nhân viên cửa hàng nói với bạn. Vì thế nên,  mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn chỉ trả lời câu hỏi này đơn giản rằng: "Nai" - Tôi không có.

Klook.com

3. (Xác nhận độ tuổi) Botan o oshite kudasai / Gamen no tachi onegai shimasu - ボタンを押してください / 画面のタッチお願いします

Cửa hàng tiện lợi của Nhật mở cửa 24/7, kinh doanh rất nhiều mặt hàng thuốc lá, rượu bia, đây chính là địa điểm được yêu thích của những người hút thuốc và thích uống rượu. Pháp luật Nhật Bản quy định độ tuổi được uống rượu và hút thuốc lá là từ 20 tuổi trở lên. Do đó, khi bạn mua rượu, bia, thuốc lá, nhân viên cửa hàng sẽ xác nhận độ tuổi của bạn, trên màn hình thanh toán sẽ hiển thị nút xác nhận và nhân viên sẽ yêu cầu bạn : "(Nenrei-kakunin) Botan o oshite kudasai!" (Hãy ấn vào nút xác nhận độ tuổi). Nếu trông bạn có vẻ còn quá trẻ, nhân viên có thể sẽ yêu cầu bạn xuất trình giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên thông thường, thay vì việc xuất trình giấy tờ, nhân viên chỉ phán đoán bằng mắt và khách hàng sẽ tự ý thức xác nhận độ tuổi. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn đã hơn 20 tuổi, bạn có thể ấn nút và tiếp tục thanh toán, hoặc không, cho dù ở nước khác bạn đã đủ tuổi hút thuốc, uống rượu thì ở Nhật Bản bạn cũng không thể làm những điều đó.

Ở không ít các quốc gia Âu Mỹ hay Châu Á cho phép người chưa đủ 20 tuổi hút thuốc và uống rượu bia, nhưng đối với Nhật Bản, nếu làm những điều này khi chưa đủ 20 tuổi có nghĩa là bạn đang vi phạm pháp luật đấy!

4. Obento (Kochira) atatame masu ka? - お弁当 (こちら) 温めますか?

Các cách trả lời:
Trong trường hợp cần: "Hai" , "Onegaishimasu" (Vâng, hãy làm giúp tôi)
Trong trường hợp không cần: "Daijobu desu" (Không cần đâu)

Khi mua cơm hộp, các loại canh, súp, hay cơm nắm onigiri, nhân viên sẽ hỏi bạn: "Obento atatame masu ka?" (Bạn có cần hâm nóng cơm hộp không?). Nhân viên sẽ hay hỏi bạn câu này khi trên tay họ đang cầm hộp cơm của bạn. Nếu cần hâm nóng, bạn hãy trả lời: "Hai", "Onegaishimasu" (Vâng, hãy làm giúp tôi), họ sẽ làm nóng đồ ăn giúp bạn ngay.

Một điều đáng lưu ý là lò vi sóng được trang bị ở các cửa hàng tiện lợi có công suất tương đối lớn, có thể rút ngắn thời gian chỉ bằng 1/3 thời gian so với lò vi sóng bạn sử dụng ở nhà nên với một hộp cơm hộp thông thường bạn phải mất 3 phút để làm nóng bằng lò vi sóng gia dụng thì ở cửa hàng tiện lợi, họ chỉ mất 1 phút để mang đến cho bạn một suất ăn nóng hổi. Thậm chí, tùy từng món ăn mà có thứ chỉ cần 20, 30 giây cũng đã đủ để làm nóng rồi. Trong thời gian chờ đợi thức ăn của mình, bạn cũng đừng quên đứng gọn sang một bên dể dành chỗ cho những khách hàng sau thanh toán nhé!

5. Shosho omachi kudasai - 少々お待ちください

Bạn sẽ nghe thấy câu nói: "Shosho omachi kudasai" (Xin hãy đợi một chút) khi bạn nhờ nhân viên hâm nóng đồ ăn, lấy thuốc lá hay các món ăn nóng. Đây là câu mà nhân viên cửa hàng nói khi họ phải rời vị trí của mình trong chốc lát, vì thế nên bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi một chút nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

6. Omatase itashimashita - お待たせいたしました

Sau khi trở lại vị trí của mình, nhân viên sẽ nói với bạn: "Omatase itashimashita", câu này có nghĩa là: "Đã để quý khách phải chờ lâu". Cũng có khi bạn sẽ nghe được những câu nói có ý nghĩa tương tự như: "Omataseshite moushiwake gozaimasen" (Xin lỗi đã để quý khách phải chờ lâu), hay "Omachi itadaki arigatou gozaimasu" (Cảm ơn quý khách đã chờ đợi).

7. Ohashi (Supun/ foku/ sutoro) wa otsukai ni narimasu ka? / Otsuke shimasu ka? - お箸 (スプーン/フォーク/ストロー) はお使いになりますか / お付けしますか

Câu trả lời
・Có: "Hai", "Onegai shimasu" (Vâng, hãy giúp tôi)
・Không: "Iranai-desu""Daijobu desu" (Không cần đâu)

Trường hợp bạn mua nhiều sản phẩm:
Q: "Nan zen otsuki shimasuka?" (Bạn cần mấy đôi đũa?)
A:"~ zen onegai shimasu" (Cho tôi ~ đôi).

Khi bạn mua cơm, mỳ, salad hoặc các món súp, nhân viên sẽ hỏi bạn có dùng đũa, thìa, dĩa không. Thông thường, đối với cơm hộp, nhân viên sẽ bỏ sẵn đũa, mỳ Ý sẽ có dĩa và súp là thìa cho khách hàng. Khi bạn mua đồ uống cũng vậy, nhân viên cũng sẽ hỏi bạn có cần ống hút không, nhưng phần lớn với những thức uống cần ống hút, họ sẽ tự bỏ ống hút vào cùng túi sản phẩm cho bạn. Còn nếu bạn không quen dùng đũa mà muốn thay bằng dĩa hoặc thìa, bạn có thể nói với nhân viên rằng: "Foku/Supun o oneigai shimasu" (Hãy cho tôi dĩa/thìa). 

8. Oshibori goriyo ni narimasu ka? - おしぼりご利用になりますか

Câu trả lời
・Có: "Hai", "Onegai-shimasu" (Vâng, hãy giúp tôi)
・Không: "Iranai-desu""Daijobu desu" (Không cần đâu)

Ở một số cửa hàng tiện lợi, khi bạn mua cơm hộp, nhân viên sẽ hỏi bạn: "O-shibori go-riyo ni narimasu ka?" có nghĩa là "Bạn có sử dụng khăn giấy không?". Nếu bạn trả lời là có, họ sẽ để thêm cả khăn giấy cho bạn nữa đó.

9. Fukuro wa owake shimasu ka? - 袋はお分けしますか?

Câu trả lời
・Có: "Hai", "Onegai-shimasu" (Vâng, hãy giúp tôi)
・Không: "Isho-de-daijobu-desu" (Để chung với nhau cũng được)

Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật có bán cả những món ăn vặt nóng hổi cùng với những loại đồ ăn có thể hâm nóng như cơm hộp, thậm chí cả các loại đồ uống đóng chai nóng. Do đó, khi thanh toán những thứ đồ này cùng với những sản phẩm bảo quản ở nhiệt độ phòng (như bánh kẹo, sô cô la, tạp chí) hoặc đồ ăn, đồ uống lạnh, nhân viên sẽ hỏi bạn "Fukuro wa owake shimasu ka?" (Bạn có cần chia túi ra không?).

Nếu bạn cần chia túi đồ nóng riêng, hãy trả lời "Hai". Còn nếu bạn sẽ lấy ra ăn ngay và không cần chia túi thì hãy nói rằng "Isho-de-daijobu-desu" (Để chung với nhau cũng được).

Klook.com

10. Fukuro ni oire shimasu ka? - 袋にお入れしますか?

Câu trả lời
・Có: "Hai""Onegai-shimasu" (Vâng, hãy giúp tôi)
・Không: "Iranai-desu""Daijobu desu" (Không cần đâu)

Khi bạn mua một chiếc cơm nắm onigiri, một chai nước hay những thứ rất nhỏ như thanh kẹo hoặc đồ văn phòng phẩm, nhân viên sẽ hỏi bạn "Fukuro ni o-ire shimasu ka?" (Tôi cho chúng vào túi được không?). Trong trường hợp bạn không cần dùng túi nilon nhân viên sẽ dán một chiếc tem đánh dấu sản phẩm đã được tính tiền cho bạn. Để tránh sử dụng túi nilon một cách lãng phí, nếu không thực sự cần thiết hoặc bạn có đem theo túi xách, balo có thể chứa đồ thì hãy góp phần bảo vệ môi trường bằng việc nói với nhân viên "Fukuro iranai desu" (Tôi không cần túi đâu) nhé!

11. Shiru de yoroshi desu ka? / Kono mama de yoroshi desu ka? - シールでよろしいですか? / このままでよろしいですか

Sẽ có rất nhiều lúc bạn vào cửa hàng tiện lợi và chỉ mua đôi ba món đồ rất nhỏ. Những sản phầm này thậm chí không cần đến túi và chỉ cần dán tem là đủ. Khi đó, nhân viên cửa hàng sẽ hỏi bạn: "Shiru de yoroshi desu ka?" (Tôi chỉ dán tem thôi có được không?). Những chiếc tem có đính logo của cửa hàng được dán vào sản phẩm sẽ giúp nhân viên cửa hàng biết được rằng bạn đã trả tiền cho món hàng đó. 

12. Reshito goriyo desu ka? - レシートご利用ですか

Câu trả lời
・Có: "Hai", "Onegai-shimasu" (Vâng, hãy giúp tôi)
・Không: "Iranai-desu""Daijobu desu" (Không cần đâu)

Một nửa số khách hàng Nhật cần giữ lại hóa đơn sau khi thanh toán nhưng nửa còn lại thì không. Đó là lí do mà sau mỗi lần tính tiền, nhân viên thu ngân sẽ thường hay hỏi bạn: "Reshito goriyo desu ka?" (Bạn có cần hóa đơn không?). Tuy nhiên, cũng có khi nhân viên không hỏi bạn vì họ đoán rằng bạn không cần đến hóa đơn thanh toán.

Vậy là trong những câu hội thoại chúng ta vừa nhắc đến ở trên, bạn chỉ cần nhớ những cụm từ cơ bản sau đây thôi là đã có thể tự tin ghé combini mua đồ rồi!

・Khi cần gì đó:
"Hai" (Vâng)
"Onegaishimasu" (Hãy làm giúp tôi)

・Khi không cần:
"Iranai-desu" (Không cần đâu)
"Kekkou-desu" 
"Daijoubu-desu" 

Một điều lưu ý nhỏ rằng, sau khi thanh toán xong, bạn cũng không nhất thiết phải nói lời cảm ơn với nhân viên. Người Nhật thường sẽ chỉ cúi nhẹ người sau khi trả tiền xong để thể hiện ý cảm ơn của mình. Còn về phần nhân viên cửa hàng, họ chắc chắn sẽ phải nói cảm ơn khách hàng của mình một cách thật dõng dạc. Tuy nhiên, người Nhật gần như không có một chuẩn mực nào với việc giao tiếp giữa khách hàng và nhân viên cửa hàng sau khi thanh toán xong.

Chỉ là đi mua đồ ở combini thôi nhưng cũng có thật nhiều điều thú vị phải không nào? Chúng tôi hi vọng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn trong những lần đến cửa hàng tiện lợi của Nhật sau này.

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Keisuke
Keisuke Tsunekawa
Sở thích của tôi là thỉnh thoảng được rời xa cuộc sống đô thị ở Tokyo, đi khám phá những điều chưa biết ở một đất nước khác.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng