20 sự thật thú vị có thể bạn chưa biết về Nhật Bản

Khi nhắc đến Nhật Bản, có thể bạn sẽ nghĩ đến một số điều đặc trưng ở đất nước này như chuyến du lịch băng qua núi Phú Sĩ trên một chuyến tàu cao tốc hiện đại đến từ tương lai, những đĩa sushi thơm ngon và bát mì ramen hấp dẫn do những đầu bếp giỏi nhất thế giới phục vụ. Hoặc có thể bạn sẽ nghĩ đến lịch sử, văn hóa thú vị của Nhật Bản và tưởng tượng ra hình ảnh những chiến binh samurai và những nàng geisha trong bộ trang phục kimono truyền thống. Tuy nhiên, đất nước Nhật Bản còn chứa đựng rất nhiều điều thú vị khác mà không phải bất kỳ ai cũng biết. Nếu bạn tò mò muốn biết đó là gì, vậy thì hãy đọc bài viết dưới đây để khám phá "20 sự thật thú vị có thể bạn chưa biết về Nhật Bản" nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

1. Chợp mắt tại văn phòng làm việc

Chợp mắt một lát trong khi làm việc là điều mà hầu hết các công ty trên thế giới không thể chấp nhận và chắc hẳn bạn nghĩ Nhật Bản - một quốc gia nổi tiếng là làm việc chăm chỉ và số giờ làm thêm nhiều tất nhiên cũng sẽ nằm trong số đó.

Tuy nhiên, nếu bạn làm việc tại một công ty thuần Nhật, thỉnh thoảng bạn sẽ nghe thấy tiếng đồng hồ báo thức kêu khi đồng nghiệp của mình đang chợp mắt tại bàn làm việc trong giờ nghỉ trưa hay khi làm tăng ca vào buổi tối. Đây không hẳn là điều gì đó tiêu cực, mà chỉ phần nào cho thấy sự chăm chỉ và tận tụy của người Nhật.

2. Nhật Bản có nhiều hơn một bảng chữ cái

Nhiều người nước ngoài gặp khó khăn trong việc học tiếng Nhật và điều này một phần là do Nhật Bản có tới 3 bảng chữ cái khác nhau - thậm chí là 4 bảng chữ cái, nếu bạn tính cả romaji và chữ cái La tinh.

Bảng chữ cái Nhật Bản đã xuất hiện từ lâu và có lịch sử khá thú vị. Bảng chữ cái kanji được du nhập từ Trung Quốc và ban đầu chỉ có nam giới sử dụng. Trong khi đó, bảng chữ cái katakana dùng để hỗ trợ việc đọc các ký tự Trung Quốc, còn đối với nữ giới - những người không được đi học thời bấy giờ, thường sử dụng bảng chữ cái hiragana.

Ngày nay kanji, hiragana và katakana đều được sử dụng trong văn bản hàng ngày của người Nhật.

3. Cờ bạc (hầu như) bị coi là bất hợp pháp

Cá cược và cờ bạc bị coi là bất hợp pháp ở Nhật Bản. Các sòng bạc trên các trang web cá cược ở nước ngoài đều bị cấm hoàn toàn. Nhưng nếu bạn đã từng đến Nhật Bản, bạn có thể nhận thấy các tiệm pachinko (một loại máy đánh bạc hoặc chơi game) xuất hiện ở khắp nơi.

Pachinko không bị coi là cờ bạc bởi có hệ thống giải thưởng độc đáo: giải thưởng thường bao gồm các vật dụng nhỏ hàng ngày như bút, huy hiệu hoặc thuốc lá, thậm chí còn có thể đổi thành tiền tại một cửa hàng khác không liên kết với tiệm pachinko - về mặt giấy tờ. Cũng có một số hoạt động cá cược phổ biến khác, chẳng hạn như đặt cược vào một số cuộc đua ngựa, đua xe thể thao và các trận đấu bóng đá.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

4. Giáng sinh và Năm mới có thể rất khác so với những gì bạn tưởng tượng

Không giống như hầu hết các nước phương Tây, Giáng sinh ở Nhật Bản không phải là dịp dành cho gia đình, mà là dịp để dành cho các cặp tình nhân. Các món ăn phổ biến trong dịp này ở Nhật Bản là gà rán KFC và bánh bông lan dâu tây.

Mặt khác, năm mới tại Nhật Bản là một kỳ nghỉ lễ kéo dài 3~5 ngày. Hầu hết người Nhật đều về quê để dành thời gian bên gia đình vào dịp này. Bên cạnh các buổi count-down được tổ chức tại các khu vực đông khách du lịch ở các thành phố lớn, thì đa số người Nhật vẫn chào đón năm mới bằng các hoạt động truyền thống như thưởng thức các món ăn đặc trưng trong dịp này như Ozoni, mì soba,...và ghé thăm một ngôi đền để làm lễ hatumode và cầu an năm mới bình an.

▼Bài viết liên quanTại sao KFC lại là món ăn phổ biến của người Nhật vào dịp Giáng sinh?

Klook.com

5. Đi chơi và làm mọi việc một mình là điều hoàn toàn bình thường

Bạn muốn đến thăm Nhật Bản nhưng không có bạn đồng hành? Đừng lo, Nhật Bản là một đất nước tuyệt vời để tận hưởng những trải nghiệm một mình! Ở các quốc gia khác, bạn có thể cảm thấy lo lắng khi bước vào một nhà hàng và ngồi ăn một mình, nhưng ở Nhật Bản, việc ăn một mình hoàn toàn không có gì đáng xấu hổ và có rất nhiều người làm điều đó hàng ngày. Hãy chọn một chỗ ngồi trong quầy, ngắm nhìn đầu bếp chuẩn bị món ăn và thưởng thức bữa ăn thơm ngon của mình!

Không chỉ dừng lại ở việc ăn uống, đi xem phim hay hát karaoke khuya một mình cũng rất phổ biến tại Nhật Bản. Trên thực tế, điều này phổ biến đến mức toàn bộ các doanh nghiệp và chuỗi cửa hàng tại Nhật Bản thậm chí còn mở các dịch vụ phục vụ những vị khách đi một mình - từ karaoke 1Kara, nơi bạn có thể hát trong một khoang cá nhân giống như một khoang tàu vũ trụ, đến chuỗi nhà hàng Yakiniku Like giúp thực khách có cơ hội thưởng thức bữa ăn yakiniku ngon lành một mình.

Chưa hết, ở Nhật còn có một quán bar tên là Bar Hitori - nơi cho phép bạn có thể đến đó một mình, bắt chuyện làm quen với những người khác, hoặc thưởng thức đồ uống trong không gian của riêng mình.

▼Bài viết liên quanOhitorisama: xu hướng sống một mình đang trở nên phổ biến ở Nhật Bản

6. Giờ cao điểm tại Tokyo - Không có những đám đông xô đẩy nhau

Giờ cao điểm ở Tokyo không giống như giờ cao điểm tại những quốc gia khác: hàng ngày, có hàng triệu người di chuyển bằng tàu điện và tàu điện ngầm để đi làm, nên một số tuyến tàu chật cứng người đến mức bạn thậm chí có thể đứng ngủ mà không bị ngã.

Bạn có thể đã xem video về các ga tàu điện ngầm ở Tokyo vào giờ cao điểm, nơi các nhân viên nhà ga dùng hết sức lực để đẩy hành khách lên tàu. Tuy nhiên, điều này không gây ra bất cứ tai nạn nào. Ngày nay, nhân viên nhà ga không được phép trực tiếp đè lên người của hành khách nữa - thay vào đó, họ sẽ cố gắng giữ cửa mở cho đến khi tất cả mọi người lên tàu an toàn.

7. Khách sạn tình yêu không chỉ dành cho các cặp tình nhân

Các khách sạn tình yêu xuất hiện trên khắp Nhật Bản, tập trung nhiều ở những khu vực như các thành phố lớn, nhưng chúng không phải là những địa điểm "tối tăm" như nhiều người nghĩ. Ở một đất nước nơi còn nhiều các hộ gia đình có nhiều thế hệ sống chung, nhiều khách sạn tình yêu được mở ra để cho các cặp đôi ở mọi lứa tuổi có thể có không gian riêng tư của mình.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nhân và những hội bạn đi du lịch cùng nhau tìm thuê những khách sạn này vì giá của chúng thường rẻ hơn và phổ biến hơn loại khách sạn thông thường. Nhiều khách sạn tình yêu thậm chí còn có các gói đặc biệt phục vụ cho nhóm đối tượng này - nhóm các bạn nữ đi cùng nhau hoặc những nhóm bạn cùng nhau du lịch.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

8. Trường đại học tập trung nhiều vào các hoạt động ngoại khóa hơn là việc học

Các trường đại học tiêu chuẩn ở Nhật Bản nổi tiếng là khó thi vào, nên hàng năm có rất nhiều thanh thiếu niên tại đất nước này "suy sụp tinh thần" khi kỳ thi tuyển sinh đại học "đáng sợ" đang đến gần. Nhưng trên thực tế, cuộc sống đại học tại Nhật phần lớn rất thoải mái và hầu hết sinh viên Nhật Bản đều tập trung nhiều hơn vào các sở thích và hoạt động với bạn bè hơn là việc học.

Ngoài ra, chỉ một phần nhỏ sinh viên tốt nghiệp tại Nhật Bản tìm được việc làm trong lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành của mình. Điều này một phần là do nhiều công ty coi bằng cấp là điều cần thiết nhưng không quá quan trọng và hầu hết các công việc văn phòng đều đi kèm với 1 năm đào tạo bắt buộc.

9. Tàu điện của Nhật Bản đúng giờ đến kinh ngạc

Các chuyến tàu ở Nhật Bản không chỉ sạch sẽ, thoải mái và thuận tiện mà còn đúng giờ nhất thế giới với độ trễ giờ trung bình chỉ 18 giây.

Với sự đúng giờ như vậy, rất khó để thuyết phục sếp hoặc giáo viên rằng bạn đến họp muộn hay đến lớp không đúng giờ do chuyến tàu của mình bị trễ. Đây là lý do tại sao nhân viên nhà ga - trong trường hợp hiếm hoi tàu bị trễ - sẽ cấp giấy xác nhận việc bạn đến muộn là do bị trễ tàu.

10. Phụ nữ là người tặng quà vào dịp Valentine

Ở các quốc gia khác, Ngày lễ tình nhân thường được biết đến là ngày mà các cặp đôi dành cho nhau những món quà, sô cô la và hoa. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, phụ nữ sẽ là người phải tặng quà và dịp này cũng không chỉ dành cho các cặp đôi.

Bên cạnh việc phụ nữ là người tặng quà vào dịp Valentine, tại Nhật Bản, việc tặng sô-cô-la cho đồng nghiệp nam vào ngày này được gọi là girichoko (sô-cô-la nghĩa vụ) cũng rất phổ biến. Các nữ nhân viên văn phòng thường dành nhiều thời gian và tiền bạc để mua sôcôla phiên bản giới hạn đặc biệt từ các cửa hàng nổi tiếng để tặng cho sếp hoặc đồng nghiệp ở công ty.

Một tháng sau, vào ngày 14 tháng 3, là thời điểm để người phụ nữ có thể nhận lại quà: vào Ngày Valentine Trắng, nam giới sẽ phải tặng lại quà cho đồng nghiệp nữ của mình số sô-cô-la gấp 3 lần số lượng mà họ nhận được vào Ngày lễ tình nhân 14/2.

11. Hệ thống phân loại rác phức tạp khiến nhiều người bối rối

Nhật Bản tự hào có một hệ thống phân loại rác cực kỳ chi tiết. Khi sinh sống tại đất nước này, bạn sẽ thấy rằng có những quy tắc riêng khi phân loại mọi thứ từ giấy, kim loại cho đến đồ ăn thừa trong bếp hay đồ điện tử và bạn thậm chí chỉ được phép đổ rác vào những ngày nhất định trong tuần. Khi đến Nhật Bản du lịch, bạn sẽ bắt gặp thùng rác ở ga tàu và cửa hàng tiện lợi, tất cả đều được dán nhãn rõ ràng cho “chai”, “lon”, “bao bì”, v.v.

Mặc dù điều này có thể khiến bạn nghĩ rằng vấn đề môi trường là ưu tiên hàng đầu đối với Nhật Bản, nhưng trên thực tế, Nhật Bản lại là một trong những quốc gia sử dụng nhựa dùng một lần nhiều nhất trên thế giới và bạn sẽ nhận thấy rằng mọi thứ ở đây đều được bọc riêng bằng nhựa - từ trái cây và rau tại siêu thị đến những miếng sô-cô-la trong hộp. Và sự thật là vào cuối ngày, rất nhiều rác đã được phân loại và thu gom cẩn thận cuối cùng lại được mang đi đốt cùng với nhau.

Klook.com

12. Nhật Bản vẫn duy trì sử dụng công nghệ cũ

Bạn có thể biết đến Nhật Bản là vùng đất của công nghệ - quê hương của tàu cao tốc và là đất nước tiên phong trong ngành công nghiệp máy tính và di động cùng với những phát minh đáng kinh ngạc. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng Nhật Bản cũng phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ cũ.

Bước vào bất kỳ văn phòng lớn nào, bạn cũng sẽ bắt gặp những chiếc máy tính khổng lồ, hàng chục năm tuổi cùng hàng đống hồ sơ và giấy tờ, chưa tính đến việc phải đăng ký một số thủ tục trực tuyến - nhiều dịch vụ yêu cầu đăng ký qua mail và tại những nơi như ngân hàng và đại lý bất động sản, bạn sẽ được yêu cầu đóng dấu các thủ tục giấy tờ bằng một con dấu cá nhân được gọi là "hanko".

Đối với khách du lịch, điều này khá bất tiện vì nhiều khách sạn chỉ nhận đặt phòng qua điện thoại hoặc fax. Mặc dù thẻ tín dụng và thanh toán không tiền mặt đang trở nên phổ biến, nhiều cửa hàng và nhà hàng vẫn chỉ chấp nhận tiền mặt.

13. Số lượng máy bán hàng tự động đáng kinh ngạc của Nhật Bản

Với ước tính khoảng 5,5 triệu máy bán hàng tự động, Nhật Bản có thể tự xưng là quốc gia có mật độ máy bán hàng tự động cao nhất hành tinh, cứ 23 người thì có 1 máy!

Hầu hết các máy bán hàng tự động này đều cung cấp các mặt hàng như nước trái cây và nước ngọt giúp làm dịu cơn khát trong cái nóng oi ả của mùa hè, hoặc giúp làm ấm cơ thể vào mùa đông lạnh giá với một lon sô-cô-la nóng, cà phê và trà, một số máy còn bán cả rượu và thuốc lá. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ nhận thấy một số máy cũng cung cấp một số mặt hàng vô cùng độc đáo - như chuối, thư tình, mì ăn liền cho đến trứng tươi, đồ chơi tình dục hoặc thậm chí nước đóng chai từ các địa phương khác nhau ở Nhật Bản.

14. Khẩu trang được sử dụng phổ biến tại Nhật

COVID-19 đã thay đổi quan điểm của mọi người về việc sử dụng khẩu trang trên toàn thế giới, nhưng ở Nhật Bản, khẩu trang đã trở thành vật dụng hàng ngày của người Nhật trong nhiều thập kỷ.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, người Nhật không chỉ đeo mặt nạ để bảo vệ bản thân khỏi bị ốm mà họ đeo chúng vào những ngày họ cảm thấy không khỏe để bảo vệ những người xung quanh. Một lý do cho điều này là nhiều công ty Nhật Bản không cho phép nghỉ ốm, do đó nhân viên phải đi làm ngay cả khi họ bị cảm lạnh hoặc cúm. Vì hầu hết mọi người đi chuyến tàu đến nơi làm việc, nên rất khó để có thể cách ly với những hành khách khác trên tàu.

Các công dụng khác của việc đeo khẩu trang chính là làm dịu các triệu chứng của bệnh dị ứng phấn hoa rất phổ biến ở Nhật Bản và để "cấp cứu" khi bạn chưa trang điểm vào những ngày bạn ra khỏi giường hơi muộn - hoặc vào những ngày bạn cảm thấy mệt mỏi hay không muốn trang điểm.

15. Nhật Bản có rất nhiều ngày nghỉ lễ

Sống trong một xã hội nơi mà thời gian làm việc dài và luôn đòi hỏi mọi người phải cống hiến hết mình cho nơi làm việc, người lao động Nhật Bản trung bình chỉ có một vài ngày nghỉ hàng năm - bắt đầu với 10-15 ngày nghỉ phép mỗi năm khi mới vào công ty. Tuy nhiên, Nhật Bản có không dưới 16 ngày nghỉ lễ quốc gia, có nghĩa là trung bình có ít nhất thêm một ngày nghỉ vào cuối tuần của mỗi tháng.

▼Bài viết liên quanLịch nghỉ lễ ở Nhật Bản năm 2022! "Tuần lễ vàng" có thể kéo dài 10 ngày liên tiếp

16. Nhà vệ sinh ở Nhật Bản không phải lúc nào cũng tuyệt vời như chúng ta tưởng tượng

Lần đầu tiên đến Nhật Bản, bạn sẽ sớm nhận thấy nhà vệ sinh tại Nhật Bản vô cùng tuyệt vời bởi chúng có ở khắp mọi nơi, ngay cả trên những con đường mòn đi bộ đường dài và những nơi khác mà bạn sẽ không bao giờ nghĩ đến. Nhà vệ sinh tại Nhật thường rất sạch và thường sử dụng công nghệ cao với những thiết bị phát nhạc để tránh không làm phiền và chế độ làm sạch với nhiệt độ và áp suất nước có thể điều chỉnh được. Vậy còn chế độ ghế sưởi? Bạn sẽ không bao giờ muốn ngồi xuống bồn cầu thông thường vào mùa đông sau khi đến thăm Nhật Bản đâu!

Tuy nhiên, bên cạnh tất cả những tiện nghi này, bạn cũng sẽ bắt gặp kiểu nhà vệ sinh ngồi xổm truyền thống ở Nhật Bản, ngay cả ở những nơi như trung tâm mua sắm tại các thành phố lớn và sân bay quốc tế. Hơn nữa, hầu hết các nhà vệ sinh công cộng chỉ có nước lạnh ở vòi và không có gì để lau khô tay, đó là lý do tại sao hầu hết mọi người ở Nhật Bản đều mang theo một chiếc khăn tay nhỏ bên mình.

17. Người Nhật không sử dụng lò nướng để nấu ăn

Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới là ngon, tốt cho sức khỏe, đa dạng và thường được chú trọng về hương vị và cách trình bày. Bạn chắc chắn sẽ tận hưởng những trải nghiệm khám phá ẩm thực khi đến Nhật Bản. Tuy nhiên, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng người Nhật không thường hay sửu dụng lò nướng để nấu ăn.

Mặc dù sự kết hợp giữa lò vi sóng/ lò nướng để bàn đang trở nên phổ biến tại đất nước này, nhưng hầu hết các căn hộ ở Nhật Bản chỉ có một lò nướng nhỏ giống như ngăn đựng cá nằm dưới bếp gas và bạn phải rất may mắn mới có thể tìm thấy một nhà bếp có lò nướng tích hợp sẵn.

18. Nhật Bản đo lường động đất khác với phần còn lại của thế giới

Quốc đảo Nhật Bản nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương" với hoạt động địa chấn cao và kết quả là quốc gia này đã chứng kiến ​​khoảng 1.500 trận động đất mỗi năm - từ những trận động đất nhỏ đến những trận động đất lớn gây ra rất nhiều thiệt hại. Điều thú vị là Nhật Bản có sử dụng một thước đo khác để đo động đất, đó là Thang đo cường độ địa chấn của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA).

Trong khi thang đo Richter sẽ cho biết một trận động đất giải phóng bao nhiêu năng lượng, thì thang đo JMA sẽ biểu thị mức độ rung chuyển mặt đất diễn ra ở các địa điểm khác nhau trong toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng. Thang đo JMA được sử dụng vì Nhật Bản cho rằng việc đo lường mức độ rung chuyển mà người dân cảm nhận được cũng như những ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khi động đất diễn ra sẽ giúp mọi người có thể dễ dàng hiểu phải làm gì khi một trận động đất lớn xảy ra.

Với 0 là giá trị thấp nhất và 7 là giá trị cao nhất, mỗi nấc trên thang đo đều có đi kèm mô tả (ví dụ: các vật treo trên tường có khả năng bị lắc và những người ngủ gật sẽ thức giấc) và các cảnh báo chính thức về các biện pháp được thực hiện khi động đất sẽ được thông báo dựa trên số thang đo JMA.

19. Giữ im lặng là phép lịch sự

Người Nhật Bản nói chung rất để ý đến những người xung quanh và việc gây tiếng ồn làm phiền đến người khác là một điều thô lỗ. Trên tàu điện và xe buýt ở Nhật Bản, mọi người thường nói chuyện với nhau bằng giọng nhỏ, sẽ có thông báo yêu cầu mọi người chuyển điện thoại sang chế độ im lặng và bạn cũng sẽ hiếm khi thấy người nào đó nói chuyện điện thoại tại các quán cà phê, nhà hàng và nơi công cộng.

Một ngoại lệ, bạn không cần nói nhỏ tại các nhà hàng, izakaya (quán rượu) và quán bar, nơi hoàn toàn có thể chấp nhận khi hô to “sumimasen!” (xin lỗi!) để thu hút sự chú ý của người phục vụ.

20. Người Nhật dành nhiều thời gian để xếp hàng

Với gần 14 triệu người sinh sống, Tokyo không phải là một thành phố mà bạn có thể nhận được dịch vụ ngay lập tức, thay vào đó, bạn sẽ phải đứng xếp hàng khá lâu. Lên tàu, uống cà phê, lên thang cuốn, tìm một chỗ ngồi tại nhà hàng ramen nổi tiếng - luôn có người đến đó trước và tất cả những gì bạn có thể làm là xếp hàng và chờ đợi. Thậm chí, một số ga tàu có nhiều tuyến đi qua sẽ có hệ thống mã màu phức tạp để xếp hàng hiển thị trên sân ga.

Không giống như nhiều quốc gia khác, đứng xếp hàng ở Nhật Bản là một trải nghiệm khá thú vị. Bạn có thể yên tâm rằng cuối cùng cũng sẽ đến lượt mình vì sẽ không có ai chen ngang trước mặt bạn, và vì mọi người ở đây đã quen với việc xếp hàng chờ đợi như thế này, nên sẽ không có việc ai đó mất kiên nhẫn chen hàng hoặc thô lỗ quát mắng nhân viên phải nhanh lên khi hàng vượt quá 3-4 người.

 

Ảnh tiêu đề: Andriy Blokhin / Shutterstock.com

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Maya
Maya V.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng