30 điều kỳ lạ bạn chỉ có thể thấy ở Nhật Bản
Thế giới yêu thích Nhật Bản bởi nơi đây là thiên đường của những điều kỳ lạ và độc đáo rất riêng, từ nhà vệ sinh "đến từ tương lai", quán cà phê người giúp việc, khách sạn con nhộng thu nhỏ cho đến tàu cao tốc nhanh như chớp. Bất kỳ ai đến Nhật Bản cũng sẽ tìm thấy cho riêng mình những điều kỳ lạ và độc đáo ở đất nước này. Dưới đây là 30 trong số rất nhiều điều độc đáo bạn chỉ có thể thấy ở Nhật Bản. Hãy cùng khám phá xem đâu là điều khiến bạn cảm thấy ngạc nhiên nhất nhé!
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
1. Máy bán hàng tự động
Nhật Bản nổi tiếng là một đất nước với vô số máy bán hàng tự động. Phổ biến nhất là các loại máy bán nước uống tự động, nhưng bạn cũng có thể bắt gặp các loại máy bán các sản phẩm khác như đồ ăn nóng, kẹo, kem, thuốc lá, sách, báo, ô, và thậm chí cả hàng hóa "dành cho người lớn".
Theo thống kê của Hiệp hội cung cấp hệ thống máy bán hàng tự động tại Nhật, số lượng máy bán hàng tự động ở đất nước này tính đến năm 2018 là khoảng 4 triệu 200 nghìn chiếc. Cũng theo báo cáo này, doanh số từ các máy bán hàng tự động này lên tới 5 nghìn tỷ yên mỗi năm (khoảng 50 tỷ đô la).
2. Bồn cầu với máy rửa tự động
Hiện nay, bồn cầu với máy rửa tự động ở Nhật đã trở nên rất phổ biến đối với khách du lịch nước ngoài.
Phổ biến nhất là loại bồn cầu có thể phun ra nước ấm từ miệng vòi để rửa sạch, tuy nhiên cũng có nhiều loại khác có chức năng khử mùi, sấy khô, làm ấm, thậm chí còn có thể phát nhạc nữa. Người ta nói rằng có rất nhiều khách du lịch đã "nghiền" loại bồn cầu này ngay sau lần đầu tiên sử dụng.
3. Kẹo KitKat phiên bản giới hạn chỉ có ở Nhật
KitKat phiên bản giới hạn của Nhật Bản là một món quà lưu niệm rất phổ biến đối với khách du lịch nước ngoài. Phổ biến nhất trong đó có thể kể đến KitKat vị matcha, hay một vài hương vị lạ khác như sữa chua, wasabi, đậu đỏ, bánh bao, phô mai, táo, bánh puding và thậm chí là cả vị rượu sake nữa. Có nhiều loại kẹo khác nhau và việc sưu tầm tất cả các phiên bản giới hạn của KitKat này đã trở thành một trong những thú vui nho nhỏ của du khách mỗi khi đến với "Xứ sở hoa anh đào".
4. Khách sạn con nhộng
Khách sạn con nhộng là một loại hình khách sạn đặc biệt của Nhật Bản. Tương truyền, kiến trúc sư Kisho Kurokawa là người đã thiết kế khách sạn con nhộng đầu tiên ở Hội chợ Thế giới Osaka 1970. Nhiều khách du lịch nước ngoài quan tâm đến khách sạn kiểu này không chỉ vì chúng rẻ và an toàn, mà còn vì ở trong một phòng khách sạn con nhộng còn khiến người ta cảm thấy như đang sống trong thế giới khoa học viễn tưởng vậy. Mặc dù vậy, bạn cũng sẽ được tận hưởng những dịch vụ vô cùng tiện nghi ở đây như phòng tắm chung, TV, phòng giải trí, dịch vụ ăn uống, sách,...
5. Khách sạn tình yêu
Khách sạn tình yêu là kiểu khách sạn khá phổ biến ở Nhật Bản và một số khu vực khác ở châu Á. Giống như cái tên của nó, đó là một nơi mà các cặp đôi ghé đến để hẹn hò. Các khách sạn tình yêu của Nhật Bản đặc biệt ở chỗ chúng được xây dựng với những ý tưởng khác nhau, vì vậy bạn có thể tìm thấy những khách sạn có băng chuyền hoặc đường trượt nước trong phòng hoặc thậm chí các phòng được xây dựng trông giống như ô tô, tàu hỏa hoặc tàu vũ trụ. Giá cả dao động từ thấp đến cao tùy từng khách sạn.
Ngoài ra, sau khi chọn phòng từ một màn hình ở sảnh khách sạn, những vị khách sẽ trả tiền bằng máy và nhận chìa khóa phòng từ một ô cửa nhỏ. Nhân viên khách sạn và khách hàng không bao giờ gặp mặt trực tiếp để đảm bảo sự riêng tư cho khách hàng. Bạn có thể tìm thấy danh sách các khách sạn tình yêu Tokyo chất lượng tại đây.
6. Khăn giấy miễn phí được phát trên đường phố
Tại Nhật Bản, bạn sẽ thường nhìn thấy người ta phát khăn giấy miễn phí trên đường phố. Các công ty đặt tờ quảng cáo vào bên trong bao bì khăn giấy để khi có người nhận bịch khăn giấy, họ sẽ được biết về các sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty. Thống kê cho thấy số lượng khăn giấy của Nhật Bản sản xuất ra đã đạt gần 5 tỷ gói mỗi năm với trị giá gần 100 tỷ yên (khoảng 1 tỷ đô la). Bạn thấy sao về hình thức tiếp thị sản phẩm độc đáo này?
7. Các quán ăn luôn phục vụ khăn ướt khi khách đến
Người Nhật thường có thói quen lau tay bằng khăn ướt trước khi dùng bữa để đảm bảo vệ sinh, chính vì vậy mà các quán ăn, nhà hàng của Nhật luôn phục vụ khắn ướt cho các vị khách khi họ vừa đặt chân đến. Chiếc khăn này trong tiếng Nhật được gọi là “oshibori” và nó là một phần trong văn hóa hiếu khách của người Nhật thực sự gây ấn tượng với người nước ngoài. Tùy vào từng mùa mà chiếc khăn có thể được làm ấm hoặc làm mát để phù hợp với nhiệt độ lúc đó.
8. Ba lô Randoseru
Mỗi học sinh tiểu học ở Nhật Bản đều có một chiếc ba lô randoseru. Những chiếc ba lô này cũng xuất hiện thường xuyên trong anime hoặc bạn có thể nhìn thấy chúng trên các chương trình truyền hình trên TV. Những chiếc ba lô này thường được làm bằng da và có chất lượng rất tốt nên mỗi chiếc cặp có thể dùng được trong 6 năm liền.
Theo thông lệ, bé trai sẽ dùng balo màu đen còn bé gái thì dùng màu đỏ. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều biến thể với họa tiết và màu sắc khác nhau, biến ba lô thành một sản phẩm thời trang. Nhờ có thiết kế hợp thời trang và tính tiện dụng mà những chiếc ba lô này đã trở nên rất phổ biến ở nhiều nước trong những năm gần đây.
9. Kotatsu giúp bạn vượt qua mùa đông giá rét
Khi nói về mùa đông Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến những chiếc kotatsu. Kotatsu là một loại máy sưởi trong nhà, gồm một chiếc bàn đặt trên sàn với một tấm chăn lót giữa chân và bề mặt của bàn để che đi phần máy sưởi phía dưới. Loại máy này được nhiều người nước ngoài biết đến vì thường xuất hiện trong anime và phim ảnh. Các gia đình Nhật thường ngồi bên kotatsu, vừa ăn quýt vừa xem TV cùng nhau. Đó là một cảnh tượng ấm cúng bạn chỉ có thể nhìn thấy khi đến thăm một gia đình người Nhật.
10. Đèn giao thông màu xanh dương
Những người lái xe ở Nhật dừng khi có đèn đỏ và đi tiếp khi đèn giao thông hiện màu xanh dương? Vì trong tiếng Nhật truyền thống vốn không phân biệt màu xanh lục và xanh dương, nên từ “ao” (xanh dương) vẫn thường được sử dụng để mô tả cả màu xanh dương và xanh lục. Dù ngày nay, người Nhật có sử dụng từ “midori” để mô tả màu xanh lục, nhưng cách sử dụng kia đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Nhật, nên họ vẫn gọi đèn xanh lục của đèn báo giao thông là "Ao" (xanh dương). Theo tiêu chuẩn của Ủy ban Chiếu sáng Quốc tế, về mặt kỹ thuật, màu xanh của đèn giao thông Nhật Bản là màu xanh lục có sắc xanh gần giống với màu xanh dương. Điều thú vị là đèn giao thông đầu tiên ở Nhật Bản chính thức có đèn “xanh lá cây (midori)” theo luật, tuy nhiên, người Nhật vào thời điểm đó bắt đầu gọi đây là màu xanh dương (ao), dẫn đến việc đèn giao thông chính thức cuối cùng đã bị thay đổi từ xanh lục sang xanh dương theo quan điểm chung.
11. Otoshi - Món ăn bạn không gọi nhưng vẫn được phục vụ
Trong các quán izakaya, Otoshi là một đĩa nhỏ thường đựng đồ ăn nhẹ, được mang ra sau khi gọi món để khách nhâm nhi trong khi chờ món chính. Sẽ có người cảm thấy ngạc nhiên vì đây là món khách không gọi nhưng vẫn được mang ra. Đó là một tập quán bắt nguồn từ sự quan tâm dành cho thực khách ở Nhật. Vì ở các quán izakaya, người ta thường gọi đồ uống đầu tiên, mà nhậu không có đồ nhắm thì mất vui, nên otoshi được mang ra với mục đích để khiến cho thực khách cảm thấy hài lòng hơn. Tùy từng quán mà bạn có thể từ chối món otoshi. Nếu bạn không thích ăn món đó, hãy nói với bồi bàn ngay khi gọi món.
12. Bảng tên trước nhà
Ở Nhật Bản, trước cửa nhà của mỗi gia đình thường có một bảng tên ở lối vào. Ở Hoa Kỳ và châu Âu, trên hộp thư thường có ghi số nhà và họ của chủ nhà, nhưng rất ít những nơi mà tên của chủ nhà được gắn ở cửa ra vào giống như ở Nhật Bản. Một giả thuyết về sự phổ biến của việc sử dụng bảng tên xuất phát từ năm 1923, sau Đại thảm họa động đất Kanto.
Ngoài ra, còn một cách lý giải khác là hệ thống đường xá ở Nhật khá phức tạp, nên người ta đã phải đánh số riêng cho từng khu gọi là “chome”, các ngôi nhà nằm trên cùng con phố sẽ có địa chỉ gần như giống hệt nhau. Chính vì thế để phân biệt các ngôi nhà, người Nhật đã sử dụng bảng tên của mình đặt trước cửa nhà để mọi người dễ nhận biết. Các bảng tên thường được dán gần hộp thư hoặc ô cửa, và đa phần được viết bằng phiên âm Romaji.
13. Yuru-kyara
"Yuru-kyara" là những linh vật được thiết kế để PR cho các tỉnh và các vùng miền của Nhật Bản. Với ngoại hình dễ thương, yuru-kyara ngày càng trở nên phổ biến và đã trở thành một hiện tượng đến mức mà những nơi có Yuru-kyara nổi tiếng thường thu hút rất đông khách du lịch ghé thăm, ví dụ như Kumamon của tỉnh Kumamoto hay Funasshi của thành phố Funabashi (tuy không được thành phố công nhận chính thức). Có thể nói rằng ở Nhật, linh vật đã trở thành bộ mặt của vùng mà chúng đại diện.
14. Những bức tranh trên đồng lúa
Những bức tranh trên đồng lúa là những tác phẩm hội họa khổng lồ được tạo nên bằng cách chọn những giống lúa khác nhau để gieo trồng trên một cánh đồng. Inakadate ở tỉnh Aomori bắt đầu loại hình nghệ thuật này từ năm 1993 nhằm tái sinh thành phố, và nó đã được thực hiện ở gần 100 địa điểm khác nhau. Những bức tranh trên đồng lúa là một cách thể hiện nghệ thuật đặc biệt của các nhân vật hoạt hình và các phong cách nghệ thuật khác, và bạn sẽ không khỏi thích thú khi ngắm nhìn những tác phẩm này.
15. Đồ uống có cồn không giới hạn
Đồ uống không giới hạn (nomi-hodai) có mặt khắp nơi ở Nhật Bản là điều vô cùng tuyệt vời để bạn bè và đồng nghiệp có khoảng thời gian vui vẻ bên nhau khi có thể vừa uống vừa trò chuyện mà không cần quá lo lắng về giá cả. Một số lựa chọn đồ uống không giới hạn có giá 3.000 yên (bao gồm cả đồ ăn) cho hơn 2 giờ uống bia, rượu vang, cocktail, súp, v.v., quả là một món hời khó bỏ qua phải không nào? Các lựa chọn ăn uống không giới hạn này thường không dành cho những người đi ăn một mình, vì vậy, tốt hơn hết bạn nên đi cùng một nhóm bạn.
16. Purikura - Trải nghiệm Photoshop trong đời thực
Purikura là một từ chỉ chung các loại máy chụp ảnh tự động cho một hoặc nhiều người, ảnh được in ra ngay sau khi chụp và có mặt sau phủ keo dán. Những phòng chụp ảnh tự động kiểu này đã tạo nên cơn sốt vào những năm 90, và nhiều nữ sinh cấp 3 thời đó thường có một quyển "Sổ Purikura" để dán những bức ảnh này.
Vào thời điểm đó, các máy chụp ảnh chỉ có chức năng chụp ảnh đơn thuần, nhưng ngày nay, người chụp có thể tự thiết kế và viết lên bức ảnh, cũng như chỉnh sửa khuôn mặt như làm cho mắt to lên. Có những máy chụp ảnh cho phép bạn gửi ảnh về điện thoại thông minh, cho thấy mức độ hiện đại của công nghệ. Tại Nhật có nhiều nơi chụp ảnh purikura cấm đàn ông đi một mình để đề phòng những hành vi phạm tội có thể xảy ra.
17. Dép đi trong nhà vệ sinh
Người Nhật khá là sạch sẽ và kỹ tính, do đó họ giữ gìn vệ sinh ở mọi nơi đặc biệt là trong nhà vệ sinh. Khi đến nhà một gia đình người Nhật, bạn sẽ nhìn thấy những chiếc dép đặc biệt được sử dụng trong nhà vệ sinh. Bạn phải sử dụng chúng thay vì đi nguyên dép đi trong nhà hoặc đi chân đất vào. Và nên nhớ, sau khi sử dụng xong hãy để chiếc dép ngay ngắn về đúng vị trí ban đầu nhé.
18. Taxi với cửa tự động đóng mở
Một điều làm mọi người ngạc nhiên khi đến Nhật lần đầu tiên là cửa taxi tự động đóng mở. Ban đầu, các công ty taxi lớn đã giới thiệu sản phẩm này tại Thế vận hội Tokyo 1964 trước khi chúng được sử dụng phổ biến trên khắp cả nước. Ý tưởng về những chiếc taxi này cũng bắt nguồn từ tinh thần hiếu khách của người Nhật, chúng được tạo ra để giúp khách hàng có một chuyến đi thật thoải mái.
19. Có rất nhiều kiểu nước tăng lực!
Trong một xã hội mà việc làm thêm giờ là điều rất bình thường thì nước tăng lực đã trở thành ngành kinh doanh lớn! Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản tràn ngập các loại nước tăng lực hấp dẫn thường có hình dạng giống như chai thuốc bổ nhỏ, chứa đầy đủ các loại vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Một trong những loại phổ biến nhất là Lipovitan D của Taisho Pharmaceuticals, chứa nhiều taurine, vitamin B, caffeine và inositol, mang lại cho bạn năng lượng tích cực ngay cả khi bạn buồn ngủ hay mệt mỏi. Ngoài ra còn có các loại thực phẩm bổ sung vitamin C có vị chanh và cam, gói thạch có bổ sung vitamin và khoáng chất, và thuốc bổ từ nghệ để ngăn ngừa cảm giác nôn nao!
20. Mọi người đeo khẩu trang ở khắp mọi nơi
Kể cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, người Nhật cũng thường xuyên có thói quen đeo khẩu trang và điều này thường khiến rất nhiều người nước ngoài khi đến Nhật Bản cảm thấy ngạc nhiên. Vậy điều gì khiến người Nhật đeo khẩu trang thường xuyên như vậy? Đa số mọi người thường đeo khẩu trang vào mùa phấn hoa vì bị dị ứng hoặc mùa đông khi dịch cúm mùa bùng phát. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp đơn giản là vì không muốn để người khác nhìn thấy khuôn mặt của mình vì họ không trang điểm nên đã đeo khẩu trang. Ngoài ra, trong những năm gần đây, giới trẻ ở Nhật đeo những chiếc khẩu trang thời trang và coi đó là một loại phụ kiện.
21. Uống trên đường phố là điều bình thường!
Trong khi luật cấm uống rượu bia nơi công cộng khá nghiêm ngặt ở nhiều quốc gia, thì Nhật Bản lại hoàn toàn ngược lại. Bạn sẽ thấy nhiều người mua bia khi đi tàu, sinh viên đại học tụ tập uống rượu trong công viên hoặc thậm chí là những bữa tiệc đường phố ngẫu hứng ở các khu giải trí về đêm như Shibuya và Roppongi! Mặc dù điều này có thể gây ra rắc rối ở nhiều quốc gia khác, nhưng với cách cư xử của người Nhật thì hầu hết các trường hợp nguy hiểm hay quá đà đều không xảy ra, khiến đường phố trở thành nơi vui vẻ và an toàn bất kể lúc nào.
22. Tốc độ làm việc thần kỳ của những nhân viên dọn dẹp tàu shinkansen
Khi một tàu shinkansen dừng ở nhà ga đón khách, khoảng thời gian cho khách xuống tàu và lên tàu chỉ có 10 phút. Trong chưa đầy 10 phút ngắn ngủi đó, những nhân viên dọn dẹp của tàu shinkansen phải dọn dẹp tàu một cách gọn gàng, sạch sẽ. Điều này nghĩa là họ cần phải có những kỹ thuật dọn dẹp siêu phàm. Bạn hãy theo dõi video trên đây để xem họ dọn dẹp như thế nào nhé.
23. Bồn ngâm chân miễn phí để làm ấm bàn chân
Các bồn ngâm chân công cộng miễn phí, được gọi là “ashi-yu” trong tiếng Nhật, nằm rải rác trên nhiều ngôi làng suối nước nóng của Nhật Bản và nhiều địa điểm du lịch khác, là một nơi để làm ấm và thư giãn đôi chân của bạn trong làn nước suối nóng tự nhiên. Tất cả những gì bạn cần làm là cởi giày, bước vào bể ngâm chân và thư giãn! Tuy nhiên, đừng quên mang theo khăn tắm nhé - không có gì tệ hơn là phải đi tất khi chân ướt!
24. Mô hình đồ ăn trưng bày tại các nhà hàng
Các nhà hàng ở Nhật Bản thường trưng bày các mô hình bằng nhựa của các món ăn ở phía trước nhà hàng để thu hút khách hàng và mô phỏng những gì được cung cấp tại quán. Điều này giúp ích rất nhiều cho những người không thành thạo ngôn ngữ. Những mô hình bằng nhựa này thường tô điểm cho các nhà hàng Nhật Bản, Trung Quốc và các nhà hàng gia đình để giúp bạn có thể dễ dàng chọn được món ăn mà mình yêu thích. Không có gì ngạc nhiên khi các mô hình bằng nhựa này đã lan rộng ra nước ngoài!
25. Có hai ngày lễ tình nhân?
Bên cạnh Ngày lễ tình nhân truyền thống giống như nhiều quốc gia trên thế giới, ở Nhật Bản vào một tháng sau đó, còn có một Ngày lễ tình nhân Trắng (14 tháng 3). Theo nguyên tắc chung, phụ nữ sẽ tặng sôcôla vào ngày 14/2 trong khi nam giới sẽ đáp trả lại vào Ngày lễ tình nhân Trắng - thường với món quà lớn hơn! Ngoài việc trao tặng quà cho người đặc biệt, người Nhật còn tặng sôcôla cho đồng nghiệp và bạn bè của mình như một truyền thống được gọi là “giri choco”, nghĩa là “tặng sôcôla như một nghĩa vụ”.
26. (Hầu như) Không có thùng rác
Việc Nhật Bản không có nhiều thùng rác ở nơi công cộng là điều khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu vì Nhật Bản vốn được biết là đất nước vô cùng sạch sẽ và đề cao sự tiện lợi. Một số thùng rác có thể được tìm thấy thường nằm bên cạnh máy bán hàng tự động và chỉ giới hạn dành cho các loại lon và chai nhựa. Mặc dù trước đây Nhật Bản từng có nhiều thùng rác hơn, nhưng nhiều thùng rác đã bị loại bỏ như một phần của nỗ lực chống khủng bố sau vụ tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1995. Điều này có thể gây khó chịu và bất tiện cho du khách nước ngoài nhưng hãy coi đó như một động lực để giảm những tác động xấu đến môi trường của bạn nhé!
27. Quán cà phê và nhà hàng Anime
Pokemon, Hello Kitty, Vua hải tặc, Thủy thủ mặt trăng, Doraemon, v.v., các quán cà phê chủ đề anime lấy cảm hứng từ loạt phim hoạt hình được yêu thích của Nhật Bản nằm rải rác khắp Tokyo và các thành phố lớn khác. Nổi bật với nhiều loại bánh ngọt, đồ uống, kem, bánh kếp được thiết kế khéo léo cùng những món ăn ngon được trang trí theo màu sắc và phong cách của các nhân vật hoạt hình được yêu thích. Các quán cà phê kiểu này chính là vùng đất mơ ước của các otaku! Trong khi một số mở cửa quanh năm thì số nhiều còn lại chỉ được tổ chức trong một thời gian giới hạn, vì vậy hãy ghé qua nếu bạn tìm thấy một nhà hàng hay quán cà phê yêu thích nhé!
28. Quán cà phê hầu gái/quản gia
Quán cà phê hầu gái và quản gia là một trong những ví dụ điển hình về sự độc lạ của Nhật Bản. Thường được tìm thấy trên các đường phố của trung tâm otaku Akihabara của Tokyo, du khách đến đây có thể tận hưởng sự phục vụ nhiệt tình từ những người hầu gái và quản gia Nhật Bản mặc những bộ quần áo vô cùng bắt mắt và được thưởng thức các màn biểu diễn hát, múa thú vị. Đồ ăn tại đây cũng siêu dễ thương, được trang trí theo các hình thù như con mèo, trái tim tình yêu và chính tại những địa điểm này, du khách có thể tận hưởng văn hóa "kawaii" ở một tầm cao mới.
29. Trái cây chất lượng cao có giá trên $100 !?
Bạn có tin được không khi giá của một quả dưa hấu vuông ở Nhật rơi vào khoảng 15.000 yên (khoảng 3 triệu VNĐ)? Hoa quả ở Nhật vốn đã đắt nhưng với những loại quả đặc biệt, hiếm gặp thì giá của chúng còn đắt hơn rất nhiều. Một số loại trái cây đắt nhất của Nhật Bản bao gồm dưa hấu Densuke có màu đen, được bán với giá kỷ lục 650.000 yên (khoảng 135 triệu VNĐ), cùng với nho Ruby Roman cỡ quả bóng bàn, có giá khởi điểm khoảng 40.000 yên một chùm (khoảng 8 triệu VNĐ). Nhưng điều gì khiến chúng trở nên đắt đỏ như vậy? Và những ai sẽ trả nhiều tiền như vậy để mua trái cây? Tất cả câu trả lời bạn có thể tìm thấy trong bài viết của chúng tôi về Tại sao hoa quả ở Nhật Bản lại đắt đến vậy?
30. Tàu theo chủ đề
Các chuyến tàu theo chủ đề của Nhật Bản với lối trang trí độc đáo, các hoạt động vui nhộn cùng nhiều dịch vụ độc quyền sẽ giúp cho những chuyến du lịch trở nên thú vị hơn. Các chuyến tàu theo chủ đề nổi bật nhất phải kể đến Genbi Shinkansen, nơi trưng bày những tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng lấy cảm hứng từ phong cảnh xung quanh của Niigata, hay tàu Toreiyu Tsubasa, nơi có bồn ngâm chân và bố trí cửa sổ ngắm cảnh để bạn có thể tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp của Fukushima và Yamagata. Ngoài ra còn có các chuyến tàu lấy cảm hứng từ anime và những trò chơi game, chẳng hạn như “Pokémon with You” ở Kesennuma, tỉnh Miyagi, cùng với những chuyến tàu khác có lò sưởi bằng gỗ, sân chơi, chỗ ngồi có kotatsu, những suất ăn thơm ngon, được thưởng thức rượu sake và còn có thể mở mái vòm, v.v. Hãy "thêm gia vị" cho chuyến du lịch của bạn với 10 chuyến tàu độc đáo mà bạn nên thử một lần ở Nhật Bản nhé!
Có thể tìm thấy những điều thú vị ở khắp mọi nơi tại Nhật Bản!
Có thể biến hóa những điều bình thường trở nên thú vị, đó là điểm độc đáo của đất nước Nhật Bản! Cho dù bạn đến thăm nơi đây bao nhiêu lần thì vẫn còn có rất nhiều điều thú vị khác đang chờ đón bạn khám phá. Mặc dù ban đầu bạn hẳn sẽ cảm thấy bất ngờ xen lẫn kinh ngạc nhưng khi thích ứng được, bạn sẽ nhận ra những nét độc đáo tại nơi đây thực sự tuyệt vời và thú vị đến nhường nào. Trên thực tế, thậm chí còn có nhiều người sau khi sinh sống tại Nhật Bản, lúc rời đi đã tự hỏi làm thế nào họ có thể sống nếu không có những điều thú vị và độc đáo này! Bạn hãy sử dụng danh sách này như một hướng dẫn để có thể khám phá đất nước Nhật Bản với muôn vàn điều kỳ lạ và khiến cho chuyến đi tiếp theo của mình trở nên thú vị hơn nhé!
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!
Ảnh tiêu đề: Hannari_eli / Shutterstock
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố