5 điều bạn cần biết khi đi ăn ramen ở Nhật
Ramen là một món ăn Nhật Bản rất được yêu thích trên toàn thế giới. Thậm chí, nhiều người khi đến Nhật đều muốn thử món ăn này. Ramen có nhiều loại nước dùng, chẳng hạn như tonkotsu (xương lợn), shoyu (nước tương Nhật), shio (muối). Ngoài ra, ramen còn có những biến thể khác như loại có vị thanh nhẹ hoặc mì cỡ đại với nét đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên, các tiệm mì ramen đều có những quy tắc và quy định riêng mà nếu bạn không biết thì rất có thể việc thưởng thức món mì ramen ngoài quán sẽ không còn được như kì vọng của bạn. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn những điều cần biết khi ăn ramen ở Nhật để bạn có những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Vài nét về mì Ramen
Chắc hẳn có rất nhiều người đã từng thưởng thức món mì ramen. Đây là món ăn gồm mì sợi Trung Hoa kết hợp cùng nước dùng và nhiều loại nguyên liệu khác như hành, măng ngâm,... Ramen có nguồn gốc từ Trung Quốc, tuy nhiên sau đó đã trở nên phổ biến khắp xứ sở mặt trời mọc nhờ việc Nhật Bản mở cảng giao thương với người Trung Hoa. Sau đó, do đặc điểm từng vùng và yếu tố thời đại mà món mì ramen dần được thay đổi và phát triển cho đến ngày nay.
Nếu để nói đến sự hấp dẫn của mì ramen, 3 yếu tố được nhắc đến sẽ gồm có: Rẻ - Nhanh - Ngon. Với mức giá hợp lí, trung bình chỉ từ 600 - 900 yên/bát với tốc độ phục vụ nhanh, phần ăn lại đầy đặn thì việc coi ramen là món ăn tâm hồn của người Nhật thời nay cũng không có gì là quá. Và ngay dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những điều nên biết để khám phá và tận hưởng thế giới ramen đầy thú vị nhé!
1. Quy tắc của tiệm mì ramen
Mỗi chủ tiệm ramen lại có những quy tắc riêng về nước dùng, mì, nguyên liệu nấu ăn... Cũng có khá nhiều người cứng nhắc và thậm chí là nổi giận với khách hàng nếu như họ không tuân thủ các quy tắc đó. Vì thế, khi đến tiệm ramen, bạn nên nắm được những quy tắc này, thể hiện thành ý của mình qua cách thưởng thức món ăn để tránh những rắc rối và có một trải nghiệm đáng nhớ nhé.
Rất nhiều chủ tiệm mì ramen đặt ra nhiều quy tắc liên quan đến súp, mì, nguyên liệu, cách ăn... Trong số đó, có những chủ tiệm khá cứng nhắc, nếu không tuân thủ quy tắc thì bạn có thể bị nổi giận. Cho nên trước đó, bạn cần nắm chắc được những quy tắc của tiệm mì, thể hiện thành ý qua cách ăn mì thì có thể tránh được những rắc rối, và thưởng thức món mì ramen của mình thoải mái.
・Quy tắc vàng: Đừng chần chừ
Hầu hết các tiệm ramen ở Nhật thường có rất ít ghế ngồi so với các nhà hàng bình thường khác, thậm chí có những quán ăn chỉ có ghế ngồi tại quầy. Chính bởi lí do đó mà việc ngồi ở quán quá lâu sẽ là điều cấm kị, đặc biệt là đối với những nơi được yêu thích với hàng dài khách đứng chờ. Ngoài ra, việc ăn quá chậm sẽ khiến cho sợi mì bị trương và không còn ngon như lúc đầu nữa. Khi thưởng thức mì ramen, bạn hãy tạm gác câu chuyện của mình lại và tập trung vào tô mì thơm ngon trước mắt nhé!
・Mỗi người gọi một tô mì
Vì lí do tiết kiệm hay chưa thực sự đói mà nhiều người khi vào quán mì chỉ gọi một bát rồi chia nhau. Tuy nhiên, đây lại là một điều cấm kị. Tùy vào mỗi quán mì mà người ta sẽ đưa ra các quy định riêng, nhưng về cơ bản thì nguyên tắc là bạn phải gọi mỗi người một bát. Nếu bạn không thể ăn hết một bát mì bình thường, bạn có thể nhờ nhân viên cho mình một phần ít mì để họ giảm lượng mì cho bạn. Dù giá cả không có gì thay đổi nhưng nhiều tiệm mì sẽ đồng ý với yêu cầu của khách bởi như vậy bạn sẽ vừa có thể ăn hết được suất ăn của mình và phía quán ăn cũng không vấn đề gì. Nếu bạn không thể ăn được ramen vì bất cứ lí do nào, chẳng hạn như dị ứng, thì bạn cũng có thể gọi cơm rang hay há cảo (gyoza) thay thế.
・Không được mang đồ ăn nước uống vào tiệm
Về cơ bản, các nhà hàng ở Nhật đều không cho phép bạn được mang đồ ăn hay thức uống từ các cửa hàng khác vào. Hãy gọi những thứ bạn muốn từ thực đơn của quán ăn. Ngoài ra, bạn cũng hãy yên tâm vì nước lọc và trà đều được phục vụ miễn phí.
・Chỉ sử dụng tiếng Nhật
Những năm gần đây, dù số lượng các cửa hàng có thể giao tiếp với khách hàng bằng tiếng nước ngoài đang ngày một tăng lên nhưng vẫn còn rất nhiều cửa hàng chỉ sử dụng tiếng Nhật. Đặc biệt, đối với các cửa tiệm ở vùng nông thôn, xa các trung tâm đô thị thì hầu như người ta không hiểu được ngoại ngữ. Do đó, khi bạn muốn nói điều gì, dù không hiểu đối phương thì cũng đừng nản lòng mà hãy tìm cách giao tiếp khác, chẳng hạn như các ứng dụng phiên dịch hoặc dùng cử chỉ.
2. Cách gọi món mà bạn nên biết
Khi bạn vào tiệm mì ramen, thường thì có 2 cách gọi món. Cách thứ nhất, bạn sẽ gọi nhân viên lại và gọi món từ thực đơn. Cách thứ hai, là mua phiếu từ máy bán vé tự động. Với cách thứ hai này, cửa hàng có thể cắt giảm sức nhân công, tránh việc nhầm lẫn mà còn có thể đưa món ra nhanh. Cho nên, khi bạn đến tiệm mì nào có máy bán phiếu tự động thì hãy dùng máy mua phiếu để gọi món nhé. Những năm gần đây, cách gọi món qua mua phiếu tại máy bán tự động đang dần trở nên thịnh hành hơn.
Tùy vào từng cửa hàng mà cách sử dụng máy bán phiếu tự động lại khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, các bước đều theo như trình tự dưới đây.
1) Cho tiền vào máy.
2) Chọn món bạn thích và nhấn nút.
Ngoài mì ramen, bạn có thể chọn thêm topping và những món ăn kèm khác.
3) Lấy phiếu đã mua từ máy.
Bạn cần phải lưu ý rằng với nhiều máy, bạn sẽ không nhận được tiền thừa nếu không nhấn vào nút trả tiền thừa. Có trường hợp nếu không bấm nút [確定] (Quyết định) thì không nhận được phiếu gọi món từ máy.
4) Trao phiếu ăn đã mua cho nhân viên.
Những nút bấm trên máy bán phiếu tự động có ghi tên món ăn (kèm giá tiền), và tuỳ theo tiệm mà sẽ có hình minh họa của món ăn hay không. Cũng có tiệm có sử dụng tiếng nước ngoài, nhưng hầu hết các tiệm chỉ có tiếng Nhật, nên nếu bạn gặp thực đơn chỉ toàn tiếng Nhật thì nên hỏi thử nhân viên như Osusume wa? (Tạm dịch: Nhà hàng có gợi ý món ngon nào không?), hoặc gọi món được yêu thích của tiệm. Chắc chắn các món ăn đó sẽ không làm bạn thất vọng đâu. Ngoài ra, khi đến phiên bạn chọn món, nếu bạn mất quá nhiều thời gian suy nghĩ xem nên chọn món ăn nào sẽ làm ảnh hưởng đến người phía sau. Vì thế, hãy chọn món sẵn trước khi mua vé ở máy nhé. Bạn có thể xem thực đơn ở trong hoặc ngoài cửa hàng để biết ở đó có những món ăn gì.
Đối với những người không hiểu tiếng Nhật thì việc sử dụng máy bán vé tự đông có vẻ khá khó khăn, nhưng thực ra cách sử dụng lại rất đơn giản. Nhất định bạn phải thử xem nhé.
3. Từ ngữ chuyên dùng trong một tiệm ramen
Tiếp theo, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn những từ chuyên dụng trong tiệm ramen khi gọi món. Nếu bạn nhớ được những từ này để sử dụng khi gọi món thì sẽ rất tiện lợi đấy.
Các từ chuyên dùng với Hakata Ramen
Kaedama: Dùng để gọi thêm mì khi vẫn còn nước súp trong tô. Ngoài Hakata Ramen thì những tiệm Ramen Kyushu hầu như đều sử dụng.
Bariyawa: Là một trong những trạng thái khi luộc ramen. Mì luộc cực kỳ mềm.
Yawa: Mì luộc mềm.
Barikata: Mì luộc sơ (sợi vẫn còn hơi cứng).
Harigane: Mì luộc sơ (sợi vẫn còn rất cứng).
Các từ chuyên dùng với Tsukemen
Atsumori: Mì được đưa ra lúc vẫn còn nóng
Hiyamori: Mì đã được ngâm trong nước đá lạnh
Suppuwari: Xin thêm nước dùng dashi cho vào phần súp còn thừa sau khi ăn mì để húp.
Các từ chuyên dụng với Ie-kei Ramen
Tại Ie-keiramen bạn có thể yêu cầu điều chỉnh độ đậm nhạt của nước súp, độ cứng của mì, lượng dầu khi gọi món. Bạn hãy điều chỉnh tuỳ theo sở thích của mình nhé.
・Độ đậm nhạt nước súp: Koime (đậm)/ Futsu (bình thường)/ Usume (nhạt)
・Độ cứng của mì: Katame (cứng)/ Futsu (bình thường)/ Yawarakame (mềm)
・Lượng dầu: Ome (nhiều)/ Futsu (bình thường)/ Sukuname (ít)
Các từ chuyên dùng với Jiro-kei Ramen
Thông thường người ta sẽ phục vụ tô mì với đầy đủ các loại topping khi bạn nói "Zenbu-futsu de" (Tạm dịch: "Thêm tất cả.") với nhân viên tiệm. Thế nhưng, khi bạn muốn cho thêm thứ gì, thì hãy sử dụng những cụm từ chuyên dùng dưới đây.
・Mashi (nhiều hơn bình thường)
・Mashimashi (nhiều hơn bình thường 2 lần)
・Chomoranma (nhiều hơn bình thường 3 lần)
※ Bạn cũng có thể nói Oome thay vì mashi với cùng ý nghĩa
※ Lượng theo yêu cầu mashi tuỳ theo tiệm sẽ khác nhau. Có tiệm sẽ cho rất nhiều nên bạn hãy hỏi trước nhân viên nhé.
※ Nhiều tiệm sẽ không có lựa chọn Chomoranma
4. Các loại mì ramen căn bản
Sau khi đã biết đến những quy tắc liên quan đến mì ramen, đã đến lúc cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết khi thưởng thức ramen rồi. Mì ramen ở Nhật có 2 loại nước dùng chính là nước dùng vị thanh nhẹ (assari) và đậm đà (kotteri), cùng nhiều loại nguyên liệu kết hợp với 2 loại nước dùng này. Tuỳ vào mỗi tiệm mà hương vị hay topping ăn kèm sẽ khác nhau, nên có thể chia ramen thành những loại lớn như sau:
・Shoyu
Tiệm ramen "Rairaiken" ở Asakusa được coi là tiệm mì ramen đầu tiên ở Nhật Bản, và là nơi hình thành nên món mì ramen nguyên bản của Nhật. Nước dùng dashi được nấu từ các nguyên liệu khác nhau tuỳ vào mỗi tiệm, nhưng đều dùng chung nước sốt tare có vị cơ bản là shoyu. Thường thì các tiệm sẽ nấu nước dùng dashi từ xương gà cùng các loại nguyên liệu khác, nhưng tuỳ vào từng tiệm mà có nơi nấu từ xương heo, xương bò, hoặc cá. Bằng cách kết hợp này, họ tạo ra được nhiều loại nước dùng ở các mức độ khác nhau. Những món thường được ăn kèm gồm: hành, măng ngâm, thịt chasiu, rong biển, trứng. Đây là loại mì ramen cơ bản và phổ biến nhất, nếu như ai đó chỉ nói đơn giản là ramen thì phần lớn là nói đến shoyu ramen.
・Shio
Người ta nói rằng mì shio ramen lần đầu tiên được phục vụ tại một tiệm ăn phương Tây tên là Yowaken ở Hakodate, Hokkaido. Nước dùng gồm có nước dùng dashi nấu từ xương gà hoặc xương heo và nhiều nguyên liệu khác, kết hợp cùng nước sốt tare cơ bản vị shio (muối). Những món ăn kèm thường là: hành, măng ngâm, rau, chả cá. Phần hải sản được bày thêm rất hợp với vị shio như: tôm, ngao, rong biển. Nước dùng trong và vị dịu nhẹ khiến khách hàng nữ đặc biệt yêu thích.
・Tonkotsu
Người ta nói rằng một tiệm mì có tên Nankinsenryo ở Kurume, Fukuoka là tiệm mì đầu tiên nghĩ ra nước súp tonkotsu. Sau đó, một tiệm mì khác tên là Sankyu, cũng ở Kurume, nhờ lỡ để quá lửa, đã tạo ra loại nước dùng đậm đặc và có màu trắng đục như sữa, và đó chính là nước dùng tonkotsu cơ bản ngày nay. Cũng chính vì thế mà ở vùng Kyushu, trung tâm là Fukuoka, có rất nhiều tiệm mì ramen tonkotsu. Hương vị tuỳ mỗi tiệm có sự khác nhau, nhưng đặc trưng chính vẫn là nước dùng có màu trắng đục như sữa nấu từ xương heo và sợi mì nhỏ. Xương heo được nấu trong nước sôi dưới lửa to khiến thành phần Gelatin tan trong nước dùng tạo ra màu trắng đục. Kèm theo đó là mùi vị và hương thơm đặc trưng từ mỡ lưng heo. Món ăn kèm chủ yếu gồm có: măng ngâm, thịt chasiu, hành, trứng luộc, gừng ngâm dấm đỏ, nấm mèo. Tô mì lớn, hương vị đậm đà nên rất được giới trẻ yêu thích, gần đây hương vị của món mì này còn thu hút rất nhiều người nước ngoài.
・Miso
Người ta nói rằng ông chủ của một tiệm ăn tên là Aji no Sanpei ở Sapporo, Hokkaido nhận thấy miso rất tốt cho cơ thể nên đã nghiên cứu nước dùng miso và cho ra đời món mì miso ramen. Nước dùng là sự kết hợp của nước dùng dashi nấu từ xương heo và thịt rau đã được xào chín, thêm tương miso và nấu sôi trên lửa lớn. Các món được cho thêm thường là: măng ngâm, thịt chasiu, hành, trứng, ngô ngọt, bơ... Nước dùng miso đậm đà thoả mãn vị giác của bạn.
・Tori-baitan
Mặc dù vẫn chưa rõ nguồn gốc của món mì ramen này, nhưng nó được cho là có nguồn gốc từ món lẩu mizutaki, một món ăn địa phương ở Hakata, Fukuoka. Nước dùng có màu trắng đục từ xương gà được ninh lâu. Các món ăn kèm chính gồm: thịt gà, thịt chasiu, hành, các loại rau như giá đỗ, bắp cải, trứng. Nếu so sánh với nước dùng tonkotsu thì nó không có mùi hương đặc trưng, nhưng vị nước súp dịu nhẹ, vị ngon đậm đà từ gà khiến cho thực khách mọi lứa tuổi đều yêu thích. Đặc biệt là loại nước dùng với tên gọi noko tori-baitan, có độ đặc sệt như súp cũng rất được yêu thích trong thời gian gần đây.
・Tsukemen
Đây là món mì ramen được để ráo nước sau khi luộc và chấm với nước dùng khi ăn. Người ta cho rằng kiểu mì ramen này xuất phát từ câu chuyện nhân viên tại quán mì Taishoken, trong bữa ăn dành cho nhân viên tại tiệm, đã ăn mì chấm nước dùng như vậy. So với mì ramen thông thường, thì mì của tsukemen có sợi to, và vì bị co lại trong nước nên mì thường dai hơn. Đặc trưng của nước dùng là hương vị cực kỳ đậm đà, và được phục vụ theo 2 kiểu là nước dùng nóng - atsumori, và nước dùng lạnh - hiyamori. Món ăn kèm gồm có: thịt chasiu, măng ngâm, rong biển, trứng luộc,... tùy theo tiệm mà có sự khác nhau. Sau khi ăn hết mì, bạn có thể xin thêm nước dùng dashi cho vào phần nước chấm còn thừa làm loãng bớt vị để có thể húp phần nước dùng đó. Đây cũng là một điều thú vị khi ăn mì tsukemen.
・Aburasoba
Là kiểu mì ramen không có nước dùng. Liên quan đến sự ra đời của loại ramen này lại có 2 câu chuyện khác nhau. Câu chuyện thứ nhất kể rằng, một tiệm mì ramen tên là Miyuki cho ra đời món mì này khi đang thử tạo ra món mới để nhắm với rượu. Câu chuyện thứ hai là, một tiệm có tên Chinchinten cho ra đời món mì này từ món mì Trung Hoa banmen. Cả 2 tiệm mì này đều nằm ở khu vực Musashino thuộc Tokyo, và món mì này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ giới sinh viên học sinh bởi độ lớn của tô mì và giá cả vừa túi tiền. Tô mì đầy đặn với mì và các nguyên liệu khác. Bạn phải trộn đều mì cùng tất cả các nguyên liệu với sốt tare khi ăn. Sốt tare thường là vị nước tương shoyu, nhưng bạn có thể cho thêm dầu cay rayu, dấm... để đổi vị khi ăn. Đó cũng chính là điểm hấp dẫn của mín mì này. Món ăn kèm thường có thịt chasiu, măng ngâm, hành, trứng,... Nó còn có một trên gọi khác là maze soba (mì trộn).
5. Mì ramen thế hệ mới
Trên toàn quốc có đến hơn 30,000 tiệm mì ramen, không chỉ là những tiệm mì lâu đời luôn giữ gìn hương vị truyền thống, mà còn xuất hiện những tiệm mới trong cuộc đua cạnh tranh tạo ra hương vị mới. Những tiệm mì ramen thế hệ mới này đã tạo làn sóng yêu thích trong giới sành ramen và xuất hiện bùng nổ trên toàn quốc. Khi du lịch trên đất nước Nhật Bản, bạn có thể sẽ tình cờ ghé vào những tiệm này mà không hề nhận ra. Nếu bạn muốn tìm hiểu xu hướng mới trong thế giới ẩm thực ramen, hãy thử thưởng thức những món mì ramen này nhé.
・Ie-kei
Tiệm mì chính là Yoshimuraya, nằm ở Yokohama, Kanagawa, và các chi nhánh thuộc tiệm này đều được đặt tên theo cùng cách ◯◯家 và được gọi chung là ie-kei, cũng chính vì xuất xứ đó nên còn được gọi là Yokohama ramen. Đặc trưng của mì này là súp vị shoyu nấu từ xương heo đậm đà, sợi mì thẳng và to, các món ăn kèm thường có là thịt chasiu, cải bó xôi, rong biển,... Ngoài ra, khi gọi món, bạn có thể chọn được độ cứng của mì, độ đậm nhạt của nước dùng, mỡ nước dùng nhiều ít tuỳ theo sở thích.
・Jiro-kei
Tiệm mì Ramen Jiro nằm ở quận Minato, Tokyo, chính là tiệm mì điển hình của hệ thống này. Đặc trưng của món mì này là nước súp shoyu nấu từ xương heo với hương vị đậm đà nhiều mỡ, sợi mì to và dai, trên tô mì được phủ đầy rau như là giá đỗ. Bạn có thể tự chọn topping như là tỏi, mỡ lưng, karame (nước sốt tare thêm vào cho đậm vị), rau... Những tiệm mì phục vụ mì ramen có phong cách này có mặt trên khắp cả nước với có tên thường là Jiro Inspired. Hương vị của nó hấp dẫn đến gây nghiện, những người là fan của món mì này tự gọi mình là Jiro-lian.
・Awa-kei
Vài năm trước, khi xuất hiện lần đầu tiên ở Kyoto, mì Awa-kei ramen đã tạo nên một làn sóng ở khu vực Kansai. Nước dùng được nấu từ xương heo hoặc gà tori-baitan và được đánh tạo bọt bằng máy. Lớp bọt mịn màng như bọt kem cà phê capuchino có thể cảm nhận được ngay khi đưa lên miệng. Nhờ có lớp bọt mà sợi mì và nước dùng hoà quyện vào nhau tạo cảm giác mới lạ khi ăn món mì ramen này.
Món mì ramen với hương vị thơm ngon vài giá cả hợp lý là món ăn phù hợp với tất cả mọi người, không chỉ riêng người Nhật mà trên toàn thế giới. Tại Nhật Bản, từ những tiệm mì có quy mô lớn đến những tiệm nhỏ địa phương, mỗi tiệm đều có một hương vị đặc trưng và phong cách riêng. Khi có dịp đến Nhật Bản, bạn nhất định phải tìm ăn thử tô mì đặc trưng của cửa tiệm hay của vùng đất đó nhé.
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố