7 cách tiết kiệm chi phí khi mua sắm ở Nhật mà chỉ người Nhật mới biết
Vật giá đắt đỏ chính là ấn tượng chung của mọi người về Nhật Bản. Tuy nhiên, hàng hóa ở đây có thực sự đắt như vậy? Nhiều người nói rằng đúng là như vậy, nhưng cũng có một số người lại cho rằng nó khá là rẻ. Điều này thì phải những người sau khi đến Nhật mới có thể trả lời chính xác được. Tuy nhiên, suy nghĩ chung của tất cả mọi người trên thế giới chắc đều giống nhau, đó là làm sao có thể chi ra số tiền càng ít càng tốt. Khi ra nước ngoài, bạn sẽ thấy bất ngờ bởi lối sống sinh hoạt của người dân ở quốc gia đó, cảm thấy ngỡ ngàng với những phong tục, tập quán địa phương và cần phải mất một thời gian mới có thể thích nghi được với những khác biệt đó. Đặc biệt là Nhật Bản, một quốc gia có ngôn ngữ khác với nhiều nước trên thế giới và có nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Có lẽ vì lý do đó mà nhiều người nước ngoài khi đến Nhật thường cảm thấy khó hiểu và bối rối với những quy tắc, cách ứng xử khác biệt của người Nhật cũng như cách sống rất riêng của những con người nơi đây. Để giúp các bạn cảm thấy thoải mái hơn khi đến đây sinh sống và du lịch, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu 7 cách tiết kiệm chi phí khi mua sắm ở Nhật - những điều mà chỉ người dân bản xứ mới biết để các bạn có thể tiết kiệm nhiều hơn cho chuyến du lịch của mình.
*Bài viết được hoàn thành với sự hợp tác của NTT DOCOMO.
1. Mua vé rẻ hơn vé niêm yết: Đến cửa hàng bán vé để mua vé tàu shinkansen, vé xem phim, vé vào bảo tàng, công viên giải trí
Cửa hàng bán vé (Ticket Shop) là nơi mua vào với giá cao và bán với giá rẻ đối với các loại vé tháng (vé giảm giá khi đi nhiều lượt) của các loại phương tiện như tàu shinkansen, tàu tốc hành, xe buýt liên tỉnh. Ngoài ra, còn có cả phiếu mua hàng, vé xem phim, vé vào bảo tàng, công viên giải trí hay vé xem biểu diễn ở nhà hát Takarazuka, vé xem kabuki, kịch nói, thi đấu thể thao và hoà nhạc. Tuỳ từng ngày và khung giờ mua nhất định, bạn có thể mua vé với mức giá rẻ hơn bình thường khoảng 10% so với giá niêm yết. Đây là một địa điểm mua vé giá rẻ vô cùng tiện lợi mà chưa nhiều người nước ngoài ở Nhật biết đến.
Ví dụ như vé tàu chọn chỗ trước từ Shin-Osaka - Tokyo niêm yết là 14,720 yên thì cửa hàng bán vé chỉ bán với giá 13,720 yên, rẻ hơn 1,000 yên so với mua tại quầy bán vé trong nhà ga; hoặc vé vào cửa Tokyo Disney Resort (Tokyo Disney Land hoặc Tokyo Disney Sea) trong 1 ngày, mức giá niêm yết là 7,500 yên/người lớn, thì tại đây bạn chỉ mất 6,500 yên. Cùng một tấm vé như vậy nhưng tại các cửa hàng bán vé bạn chỉ phải trả một mức giá thấp hơn.
Đây không phải là hình thức kinh doanh kiểu "chợ đen" mua đi bán lại, mà đơn giản các cửa hàng này chỉ bán những món đồ mà khách hàng buộc phải bán lại cho họ, nên hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Giá vé có thể thay đổi tùy vào hạn sử dụng, thông thường hạn sử dụng càng ngắn thì giá vé càng rẻ.
Hiện nay, các cửa hàng này còn có cả dịch vụ đổi ngoại tệ. Mọi người nói rằng các cửa hàng bán vé thường có tỉ giá đổi ngoại tệ tốt hơn so với sân bay hay ngân hàng. Các cửa hàng này thường nằm trên các con phố ở trung tâm thành phố, bạn hãy tìm đến đây để thử đổi ngoại tệ hay mua vé xem sao nhé!
2. Dùng thẻ tích điểm d Point để mua sắm thông minh
Dịch vụ tích điểm thẻ d Point có thể sử dụng trên toàn quốc ở tất cả các cửa hàng như: cửa hàng dược phẩm Matsumoto Kiyoshi và Satsudora, cửa hàng bán đồ dùng sinh hoạt hàng ngày Tokyu Hands, cửa hàng mĩ phẩm PLAZA, siêu thị LIFE, cửa hàng chuyên đồ hoạt hình Animate, cửa hàng quà tặng sân bay BLUE SKY, cửa hàng tiện lợi Family Mart. Thông thường, hệ thống sẽ tích 1 điểm với mỗi 100 yên (chưa thuế) của đơn hàng và bạn có thể sử dụng 1 điểm này tương ứng 1 yên cho lần thanh toán sau. Sau khi đăng kí thành viên thẻ d Point, bạn sẽ nhận thẻ tại quầy Docomo World ở sân bay Haneda hoặc Narita. Sau đó, bạn đăng nhập vào đường dẫn in trên thẻ để được nhận 300 điểm (tương đương 300 yên), và nếu bạn sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế tại quầy (chỉ cần hiển thị trên màn hình) bạn sẽ được tặng thêm 200 điểm (tương đương 200 yên). Chưa cần mua sắm gì cả mà bạn đã bỏ túi 500 điểm tương đương với 500 yên rồi, thật thuận tiện khi đi du lịch đúng không nào? Không chỉ vậy, khi đăng ký chiếc thẻ này, bạn còn có đặc quyền sử dụng miễn phí wifi của nhà mạng Docomo trong 1 ngày - công ty vận hành thẻ tích điểm d Point.
Ngoài ra, bạn còn có thể được nhận dây móc treo hình nhân vật ngộ nghĩnh d Point co tại quầy Docomo World ở các sân bay Haneda và Narita. Một nhân vật vô cùng đáng yêu không chỉ người Nhật mà cả người những nước ngoài khác đến từ châu Á và Đông Nam Á vô cùng yêu thích. Hơn thế nữa, bạn cũng sẽ nhận được rất nhiều phiếu mua hàng giảm giá khi mua sắm tại các địa điểm như LOTTE DUTY FREE (giảm 500 yên) và LAOX (miễn thuế 10% + giảm giá 10% + giảm giá 300 yên), giảm giá 15% khi sử dụng dịch vụ JAL ABC giao hàng từ nhà đến sân bay và ngược lại, giảm giá 5% khi sử dụng VELTRA - dịch vụ cung cấp hơn 14.000 tour du lịch tham quan và các hoạt động giải trí trên toàn thế giới.
Chỉ cần đăng ký thành viên thẻ d Point là bạn có thể nhận được vô số các loại phiếu giảm giá, các sản phẩm giới hạn và còn được tặng 500 điểm tương ứng với 500 yên trong lần đăng ký đầu tiên. Không chỉ có vậy, sau mỗi lần mua sắm bạn còn có thể sử dụng chiếc thẻ này để tích điểm và sử dụng cho những lần thanh toán sau. Đây thật sự là một chiếc thẻ vô cùng hữu dụng để có thể tiết kiệm chi phí mua sắm. Vì vậy nếu bạn có cơ hội đến Nhật du lịch sao không thử sử dụng dịch vụ tiện ích này?
Những quốc gia có thể đăng ký và sử dụng thẻ d Point:
Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Úc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia và Việt Nam.
3. Mẹo mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi
・Mua rẻ hơn khi không dùng tiền mặt (thẻ tín dụng/tiền điện tử/mã QR)
Tại Nhật Bản, từ ngày 1/10/2019, luật thuế tiêu dùng đã được sửa đổi tăng mức thuế từ 8% lên 10%. Với việc sửa đổi luật, chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình “Không tiền mặt – Hoàn tiền cho người tiêu dùng” giảm 2~5% khi khách hàng thanh toán bằng các phương pháp khác không phải tiền mặt trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2020. Đây cũng là một biện pháp Chính phủ đưa ra nhằm hạn chế tối đa hiện tượng “đóng băng tiêu dùng” do tăng thuế. Cụ thể, khi đi mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi lớn như FamilyMart, Lawson, Seven-Eleven và Mini-stop,... nếu bạn thanh toán ngay bằng phương thức không tiền mặt, bạn có thể được chiết khấu tối thiểu 2%. Do đó, thay vì thanh toán tiền mặt tại các cửa hàng tiện lợi, thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc tiền điện tử sẽ là một kế sách khôn ngoan để tiết kiệm chi tiêu đó.
・Mua chai nước dung tích lớn ở các cửa hàng tiện lợi sẽ có lợi hơn – Bí mật đằng sau giá bán
Ở các cửa hàng tiện lợi, chai nước loại dung tích nhỏ 500ml thường được bán với giá 100 yên + thuế, trong khi đó, loại chai 2 lít có giá 91 yên + thuế, tức là bạn sẽ lãi thêm hẳn 1,5 lít với mức giá rẻ hơn 10 yên. Hẳn phải có một bí mật nào đằng sau chuyện này đúng không? Điều này có thể lí giải từ góc độ kinh tế là do chai 500ml nhỏ hơn có thể tiện mang theo bên người hay cho vào túi xách nên nhiều người sẽ mua chúng hơn và do đó doanh số bán thường sẽ cao hơn, đó là lý do mà giá thành của nó cao hơn chai 2 lít mặc dù dung tích ít hơn. Đây cũng là một thông tin tham khảo hữu ích bạn nên biết khi mua nước ở Nhật Bản.
・Đồ chiên rán và đồ ăn trong ngày gần hết hạn sử dụng thường được giảm giá vào buổi tối
Mỗi siêu thị và chương trình giảm giá thường áp dụng những chính sách khác nhau, tuy nhiên bạn có thể mua đồ ăn trong ngày như cơm hộp (đặc biệt là mì) với mức giá rẻ hơn 30 - 50 yên vào buổi tối (từ 18:00 - 22:00 hoặc 24:00). Ngoài ra, nhiều mặt hàng được giảm giá khi mua kèm những sản phẩm chỉ định khác như cơm nắm và trà, bánh sandwich và sinh tố. Các sản phẩm này thường được đóng gói cùng nhau và dán mã giảm giá nên đó cũng là dấu hiệu để bạn nhận biết khi đi mua sắm.
4. Hàng hóa ở siêu thị rẻ hơn cửa hàng tiện lợi
・Đồ ăn tươi như sushi, sashimi hay đồ ăn đã chế biến như cơm hộp được giảm giá tối đa 50% vào buổi tối
Tại các siêu thị ở Nhật Bản, người ta thường bán giảm giá 10%-50% nhiều mặt hàng như sushi và sashimi, cơm hộp, đồ ăn trong ngày, vì những món đồ này không thể để sang ngày hôm sau được và cần phải bán hết trong ngày. Cơ chế của việc bán giảm giá này là càng sát giờ đóng cửa thì càng gần đến thời điểm hết hạn sử dụng nên sản phẩm sẽ càng được giảm giá nhiều. Tuy nhiên, những món hàng được yêu thích thường hết sớm nên bạn cũng cần lưu ý đến sớm nếu có ý định "săn hàng giảm giá" theo kiểu này. Với mỗi siêu thị, cửa hàng sẽ có quy định cụ thể về khung giờ và mức giảm giá khác nhau. Nếu gần khu bạn sống có siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, sao bạn không thử áp dụng cách này, đây cũng là một phương án tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho bạn đó.
Ngoài ra, nếu bạn đang tìm mua bánh kẹo, mochi, bột trà để làm quà cho người thân và bạn bè thì hãy đến các siêu thị gần nhất để có thể mua với giá rẻ nhé.
・Giảm giá tới 40% cho đồ uống, mì ăn liền và bánh kẹo
So sánh giá cả của các sản phẩm tự sản xuất và sản phẩm của công ty khác ở các cửa hàng tiện lợi, thì giá cả ở siêu thị thường rẻ hơn một nửa so với mức giá niêm yết. Ví dụ như chai trà 500ml ở cửa hàng tiện lợi được bán với giá thị trường khoảng 150 yên thì tại siêu thị, cũng với sản phẩm y như vậy bạn có thể mua với giá chỉ 90 yên, rẻ hơn được khoảng 40% so với mua ở cửa hàng tiện lợi. Tất nhiên, với những loại chai dung tích 2L và 1,5L, bạn cũng có thể mua với mức giá rẻ hơn ở siêu thị. Các loại cà phê sữa, nước hoa quả nguyên chất hay đồ uống có cồn như bia, rượu hoa quả, rượu Nhật, rượu vang,... thường rẻ hơn từ 20-50%. Nếu mì ăn liền ở cửa hàng tiện lợi thường có giá từ 180-200 yên, thì giá bán của siêu thị sẽ rẻ hơn 30-50%. Và tất nhiên là các loại bánh kẹo cùng chủng loại ở siêu thị cũng sẽ rẻ hơn cửa hàng tiện lợi.
5. Thử vận may vào dịp năm mới - mua "túi Phúc" của thương hiệu yêu thích với giá rẻ hơn một nửa
Ở Nhật Bản, Năm mới cũng là thời điểm diễn ra nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn ở các trung tâm thương mại lớn và các cửa hàng nhỏ. Đây có thể coi là thời điểm kinh doanh nhộn nhịp nhất trong năm, và các cửa hàng thường bán những chiếc "túi Phúc" với lời chúc may mắn cho dịp năm mới. Thường thì bên trong những chiếc túi này sẽ có nhiều món hàng có giá trị cao hơn giá bán của chiếc túi, ví dụ như "Bên trong một chiếc túi Phúc có giá 10,000 yên có chứa một món đồ có giá tương đương 30,000 yên". Do đó, đây chính là dịp mà bạn có thể mua được những món đồ giá trị với mức giá rẻ đến bất ngờ mà bình thường bạn chắc chắn sẽ không bao giờ bỏ tiền ra để mua chúng.
Bằng cách không tiết lộ những mặt hàng có trong túi với hàm ý "mang lại may mắn trong dịp năm mới", khách hàng sẽ cảm thấy hồi hộp và háo hức khi mở ra xem mình nhận được món đồ gì bên trong chiếc túi. Tuy nhiên, vì số lượng túi bán ra có hạn, nên đây được xem như một sự kiện mua sắm lớn trong năm, và mọi người sẽ cố gắng để sở hữu được những chiếc túi từ cửa hàng hoặc thương hiệu mà mình yêu thích. Thời gian gần đây, nhiều thương hiệu muốn thu hút sự chú ý nên đã bán những chiếc túi Phúc may mắn với rất nhiều món hàng đắt tiền ở bên trong.
6. "Giảm giá dọn kho"! Thời điểm giao mùa là thời gian thích hợp để mua được những bộ quần áo giá rẻ
Chắc chắn nhiều du khách đều muốn mua sắm quần áo khi đến Nhật Bản. Nếu bạn cũng là một trong số đó thì bạn nên biết thời điểm thích hợp để có thể mua được quần áo với mức giá rẻ chính là "giai đoạn chuyển mùa". Các cửa hàng quần áo thường thay đổi dòng sản phẩm theo mùa. Điều này nghĩa là họ cần phải giải phóng những sản phẩm còn lại của mùa trước để lấy chỗ cho sản phẩm mới. Những sản phẩm còn tồn đọng từ năm trước nếu tiếp tục bán trong năm sau thì khả năng cao là vẫn khó có thể bán được và sẽ lại tiếp tục bị để lại. Chính vì thế, tại các chuỗi cửa hàng lớn thường diễn ra các chương trình "Giảm giá mùa hè" hoặc "Giảm giá mùa đông" với các sản phẩm được giảm từ 30%-70% để giải phóng những mặt hàng còn tồn đọng. Ngoài ra, ở Nhật, mùa xuân kéo dài từ tháng 3-5, mùa hè từ tháng 6-8, mùa thu bắt đầu từ tháng 9-11, và mùa đông từ tháng 12-2. Nếu bạn đến Nhật đúng vào thời điểm giao mùa hãy thử ghé qua các cửa hàng quần áo và kiểm chứng xem điều này có đúng không nhé!
7. Trung tâm mua sắm Outlet mall - nơi bạn có thể sở hữu những món đồ của thương hiệu nổi tiếng với giá siêu hời
Outlet là trung tâm mua sắm nơi tập trung các thương hiệu, các nhà sản xuất nhỏ chuyên bán những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hoặc đã lỗi thời với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá niêm yết. Mặc dù nói là outlet nhưng các sản phẩm không phải đều có lỗi. Hầu hết các món đồ được bán ở đây đều thuộc loại B như là sản phẩm bị bạc màu, bụi bẩn hay bị sờn vải, sản phẩm bị trả lại do đã hết hợp đồng giao bán, các sản phẩm tồn kho do dư thừa, các sản phẩm của một vài mùa trước,... được xếp riêng so với hàng cùng loại để bán ở các cửa hàng thông thường, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng như những mặt hàng thông thường khác. Nếu bạn muốn sở hữu các sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như quần áo, giày dép, đồ gia dụng,... với mức giá phải chăng và không ngại một chút trầy xước, bụi bẩn, hay hàng lỗi thời, thì những trung tâm mua sắm kiểu này là nơi bạn không thể bỏ qua. Các trung tâm outlet nằm rải rác trên khắp đất nước và thường cách khá xa trung tâm thành phố, nhưng có nhiều xe buýt đưa đón từ các ga và các trung tâm lớn nên việc di chuyển đến đây cũng không phải là vấn đề khó khăn.
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố