Một ngày thư giãn tại "khu phố cà phê" Kiyosumi Shirakawa
Bạn đã từng đi cà phê ở Nhật bao giờ chưa? Khi mới đến Nhật, tôi luôn nghĩ rằng Nhật Bản chỉ có các cửa hàng thuộc các chuỗi cà phê như Doutor, Tully’s coffee, hay Starbucks,... lúc nào cũng đông khách, không gian chật hẹp và bàn ghế thì vô cùng nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế ở Nhật cũng có rất nhiều các cửa hàng do cá nhân kinh doanh có phong cách bài trí độc đáo là nơi tuyệt vời để thư giãn. Một trong những địa điểm thú vị nơi bạn có thể tìm thấy những quán cà phê với nhiều phong cách khác nhau như vậy chính là Kiyosumi Shirakawa - nơi được mệnh danh là “Khu phố cà phê” nằm ở phía Đông thành phố Tokyo. Vốn là một người yêu thích cà phê tôi đã quyết định ghé thăm thị trấn này để thưởng thức cà phê cũng như tìm hiểu xem tại sao nơi này lại tập trung nhiều quán cà phê như vậy. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu hành trình 1 ngày khám phá “khu phố cà phê” Kiyosumi Shirakawa của tôi nhé!
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Kiyosumi Shirakawa - Thành phố của cà phê và nghệ thuật
Kiyosumi Shirakawa nằm ở phía Đông Tokyo, gần sông Sumida thuộc quận Koto. Trước đây nơi này từng được biết đến là khu phố shitamachi có tên là “Fukagawa”. Trước khi được biết đến là thành phố của cà phê và nghệ thuật như bây giờ, Fukagawa nổi tiếng là nơi tập trung rất nhiều các ngôi chùa, còn được gọi là “Khu phố chùa Fukagawa” (Fukagawa Teramachi). Hiện tại ở khu vực này vẫn còn tập trung khoảng 70 ngôi chùa khác nhau.
Bên cạnh chùa, Kiyosumi Shirakawa vào thời Edo còn là nơi tập trung rất nhiều nhà kho để làm nơi chứa các vật liệu xây dựng quan trọng như gỗ, nguồn năng lượng và các nhu yếu phẩm hàng ngày, phục vụ cho hoạt động xây dựng, mở rộng quy mô thành phố. Vào thời điểm đó, Kiyosumi Shirakawa được xem là trung tâm vận chuyển và phân phối hàng hóa. Đến giai đoạn sau chiến tranh, nó trở thành một thị trấn với bầu không khí shitamachi điển hình, nơi tập hợp những ngôi nhà và các nhà máy ở thị trấn nhỏ.
Tại sao ngày nay Kiyosumi Shirakawa lại tập trung nhiều quán cà phê như vậy?
Sau này, khi công cuộc tái thiết thành phố được hoàn thành, các nhà kho này dần bị bỏ không. Tuy nhiên, việc khai trương Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Tokyo vào năm 1995 đã tạo nên một vài thay đổi cho khu vực. Một bảo tàng cần có không gian rộng để lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật, vì vậy, người ta đã tận dụng những ưu điểm của nhà kho như trần cao, ít trụ cột, không gian rộng để biến nó trở thành các phòng trưng bày.
Sau khi Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Tokyo mở cửa, số lượng phòng trưng bày được cải tạo từ các nhà kho trong khu vực tăng lên thu hút sự chú ý của những người yêu nghệ thuật ghé thăm. Cứ như vậy, Kiyosumi Shirakawa dần được biết đến với tên gọi "thành phố nghệ thuật". Ngoài các phòng trưng bày nghệ thuật, nhiều nhà kho còn được sử dụng làm nơi rang xay cà phê. Khu vực này có vị trí đắc địa, có nhiều sông chảy qua, nên khi rang cà phê khói tỏa ra hướng về phía bờ sông không gây ảnh hưởng đến những gia đình sống xung quanh.
Quán cà phê lâu đời nhất được mở tại đây vào năm 2004. Tuy nhiên số lượng các quán cà phê chỉ thực sự gia tăng và bùng nổ sau khi thương hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ là Blue Bottle Coffee khai trương cửa hàng đầu tiên ở Nhật tại Kiyosumi Shirakawa vào tháng 2/2015. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông khiến cho cái tên Kiyosumi Shirakawa được biết đến rộng rãi hơn. Và từ đó người ta cũng gán cho nơi này tên gọi “Khu phố cà phê”.
Những quán cà phê phong cách và độc đáo tại Kiyosumi Shirakawa
fukadaso cafe - Quán cà phê được cải tạo từ một nhà kho kiêm căn hộ 50 năm tuổi
Quán cà phê đầu tiên tôi chọn dừng chân là một quán cà phê được cải tạo từ một nhà kho và một căn hộ có tuổi đời hơn 50 năm có tên là “fukadaso cafe”. Sau khi tìm hiểu về lịch sử của khu phố tôi đặc biệt ấn tượng về nơi này và muốn được tận mắt nhìn xem một quán cà phê được cải tạo từ một nhà kho trông sẽ như thế nào.
fukadaso cafe nằm cách lối ra A3 của ga Kiyosumi Shirakawa khoảng 5 phút đi bộ. Khi đến nơi bạn sẽ trông thấy một tòa nhà với bức tường bên ngoài được lợp bằng tôn màu trắng với những vết ố vàng của gỉ sét tạo cảm giác cũ kỹ, trông không khác gì một nhà kho.
Sau khi trò chuyện với chủ cửa hàng là cô Sato, chúng tôi được biết tòa nhà này vốn do ông của cô là Fukada xây dựng. Trước khi trở thành quán cà phê như bây giờ tòa nhà 2 tầng này đã được sử dụng như một nhà kho ở tầng 1, trong khi đó tầng 2 là một căn hộ dành cho những người họ hàng trong gia đình ở lại mỗi khi ghé qua. Ban đầu ý định của cô là sẽ xây dựng và làm mới lại toàn bộ tòa nhà, nhưng sau đó được sự tư vấn của công ty phụ trách, cô đồng ý cải tạo lại nó, giữ nguyên toàn bộ phần khung chỉ gia cố lại những chỗ hỏng hóc, để giữ lại bầu không khí cổ xưa và dáng vẻ vốn có của tòa nhà.
Điểm nổi bật và gây ấn tượng nhất với du khách khi đến đây đầu tiên phải kể đến phần thiết kế bên ngoài của fukadaso cafe. Vẻ cũ kỹ toát lên từ bức tường bằng tôn với những vết ố vàng cho thấy dấu ấn của thời gian, một minh chứng rõ nét cho mối quan hệ lâu đời của fukadaso cafe với khu phố Kiyosumi Shirakawa. Bên trong cửa hàng rộng rãi và thoáng đãng, bàn ghế cũng được thiết kế theo phong cách retro, một số chiếc bàn còn được tận dụng từ chính những chiếc rương, hòm cũ mang đến một không gian hoài cổ, khác lạ khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác giữa lòng thủ đô hiện đại.
Ngoài cà phê, quán cũng phục vụ rất nhiều món tráng miệng hấp dẫn. Hôm đó tôi đã gọi cà phê cùng với bánh phô mai và pancake. Bánh phô mai béo ngậy với lớp bánh mềm mịn, cùng với bánh pancake bông xốp tạo nên một hương vị hoàn hảo khi kết hợp với vị đắng của cà phê. Cá nhân tôi rất thích phong cách bài trí cũng như không gian của quán. Không chỉ được thư giãn và thưởng thức đồ uống, đến với fukadaso cafe bạn cũng sẽ phần nào cảm nhận được bầu không khí lịch sử và nét đặc trưng của Kiyosumi Shirakawa. Với những ai muốn tìm một quán cà phê độc đáo theo phong cách hoài cổ và một không gian để nghỉ ngơi, thư giãn thì đây chắc chắn là địa điểm bạn không nên bỏ qua.
Arise Coffee Roaster - Nơi bạn có thể thưởng thức 15-20 loại cà phê bản địa khác nhau
Địa điểm tiếp theo là cửa hàng rất đặc biệt chuyên bán cà phê rang xay ngay tại chỗ tên là “Arise Coffee Roaster”. Arise Coffee Roaster là một cửa tiệm nhỏ xinh nằm ở ngã tư cách fukadaso cafe chưa đầy 100m. Điều tôi ấn tượng nhất về quán cà phê này ngay khi nhìn thấy là: “Sao lại có một quán cà phê bé như vậy?” Quán chỉ rộng khoảng chừng 6m2 vừa đủ để đặt một chiếc máy rang cà phê lớn, một quầy bày các loại hạt cà phê, một băng ghế dài cho 4 người ngồi và 2 chiếc ghế sô pha nhỏ.
Chủ cửa hàng anh Hayashi vốn là một nghệ nhân rang xay cà phê. Trước khi kinh doanh Arise Coffee Roaster anh đã từng làm việc như một thợ rang cà phê tại công ty cà phê “Yamashita Coffee” ở Tokyo trong vòng 10 năm. Sau đó, anh tham gia vào quá trình thành lập cửa hàng cà phê “The Cream of the Crop Coffee”, vừa rang cà phê vừa phụ trách công việc tiếp khách. Đến năm 2013, anh quyết định kinh doanh riêng và mở Arise Coffee Roasters. Chia sẻ về lý do lựa chọn Kiyosumi Shirakawa làm nơi mở cửa hàng, Hayashi nói rằng: “Tất cả bắt đầu từ sở thích trượt ván của tôi. Đường phố ở Kiyosumi Shirakawa rất thích hợp để trượt ván, nên tôi nghĩ tôi có thể trượt ván đến cửa hàng mỗi ngày”. Cứ như thế anh đã làm việc và sinh sống ở đây trong suốt 22 năm.
Tại Arise Coffee Roaster có rất nhiều điều thú vị mà lần đầu tiên tôi được trải nghiệm. Trước hết phải kể đến cách gọi đồ uống vô cùng độc đáo. Tại đây chỉ phục vụ một loại duy nhất là cà phê rang xay, nên không có menu ghi tên các loại đồ uống như bình thường. Có khoảng 15~20 loại hạt cà phê đến từ nhiều nước khác nhau như Dominica, Colombia, Việt Nam, Philippines,... và thực khách sẽ chọn từ 1 trong số đó. Nếu bạn là người lần đầu thưởng thức cà phê bản địa (Single origin) và không biết nên chọn loại nào, bạn có thể nhờ anh Hayashi tư vấn. Vì đã uống cà phê Việt Nam nhiều rồi, nên tôi muốn nếm thử một loại khác, và anh Hayashi đã giới thiệu cho tôi loại hạt cà phê được yêu thích của quán - cà phê Dominica. Đây là lần đầu tiên tôi uống Drip coffee được pha chế từ hạt cà phê nguyên bản. Hương vị êm dịu, không chua quá và cũng không đắng quá nên vô cùng dễ uống.
Điểm thứ 2 gây bất ngờ cho tôi là không gian quán. Ban đầu tưởng khá nhỏ hẹp nhưng khi bước vào lại có cảm giác vô cùng ấm áp, thân thuộc. Anh Hayashi muốn xây dựng một quán cà phê có bầu không khí thân thiện, cởi mở nơi anh cũng như các khách hàng có thể dễ dàng trò chuyện với nhau. Và quả thực khi ngồi bên trong Arise Coffee Roaster tôi có cảm giác như mình đã đến đây nhiều lần, có thể thoải mái trò chuyện với anh Hayashi để hiểu hơn về cà phê cũng như khu phố Kiyosumi Shirakawa.
Biết tôi là người Việt Nam, anh Hayashi đã rất hào hứng giới thiệu về loại cà phê mà người bạn Nhật của anh hiện đang sinh sống ở Đà Lạt, Việt Nam đã chính tay lựa chọn và vận chuyển sang Nhật cho anh. Anh còn nói thêm rằng hạt cà phê của Việt Nam tại cửa hàng gần đây rất được ưa chuộng. Những năm gần đây, anh Hayashi cũng tập trung vào việc nâng cao nhận thức của mọi người về chất lượng của các loại hạt cà phê châu Á như Thái Lan, Philippines,... thông qua việc nhập nhiều loại cà phê đến từ các quốc gia này. Những ai đã quen với cà phê Nam Mỹ như Brazil, hay Colombia, và muốn thưởng thức hương vị cà phê mới lạ thì có thể ghé qua Arise Coffee Roaster! Hy vọng bạn sẽ tìm được loại cà phê yêu thích của mình.
Mặc dù nằm ở khu phố cà phê, xung quanh có rất nhiều cửa hàng cà phê cũ cũng như mới, nhưng Arise Coffee Roaster vẫn có những vị khách của riêng mình. Khách hàng đến quán đa phần là người dân địa phương đến mua hạt cà phê. Ngoài ra, cũng có rất nhiều khách nước ngoài và những người từ khu vực khác - những người muốn thưởng thức cà phê bản địa ghé thăm.
Một điều đặc biệt khác tại Kiyosumi Shirakawa mà tôi được biết, đó là mặc dù có rất nhiều cửa hàng cà phê nằm liền kề nhau, nhưng không hề có một sự cạnh tranh nào tại đây. Các cửa hàng luôn giúp đỡ lẫn nhau để cùng kinh doanh và giúp khu phố ngày một phát triển hơn. Arise Coffee Roaster là cửa hàng chuyên cà phê rang xay tại nhà, nên mỗi khi có ai đó muốn uống cà phê latte, hay mocha, anh Hayashi sẽ giới thiệu họ đến những cửa hàng khác như Blue Bottle Coffee. Ngược lại, những nhân viên ở các cửa hàng khác cũng nói rằng “Nếu muốn uống cà phê bản địa thì hãy đến Arise”. Có lẽ chính những mối quan hệ như vậy đã tạo nên bầu không khí ấm áp và yên bình của Kiyosumi Shirakawa.
Blue Bottle Coffee Kiyosumi Shirakawa Flagship Cafe: Một nơi lý tưởng để thưởng thức cà phê theo phong cách hiện đại
Quán cà phê cuối cùng trong hành trình của tôi là một cái tên vô cùng nổi tiếng tại Kiyosumi Shirakawa “Blue Bottle Coffee Kiyosumi Shirakawa Flagship Cafe”. Theo chia sẻ của chủ quán cà phê fukadaso cafe cũng như Arise Coffee Roaster, sự xuất hiện của Blue Bottle Coffee đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của Kiyosumi Shirakawa. Trước khi cửa hàng này khai trương vào tháng 2/2015, tại thành phố nghệ thuật này đã có nhiều quán cà phê mở cửa, nhưng khách hàng đa phần là những người dân địa phương, chủ yếu là những người lớn tuổi. Nhưng sau khi Blue Bottle Coffee xuất hiện, đã có rất nhiều người trẻ tuổi và đặc biệt là cả những khách du lịch nước ngoài đến đây, khu phố trở nên nhộn nhịp hơn rất nhiều, và từ đó cái tên “khu phố cà phê” bắt đầu gắn liền với Kiyosumi Shirakawa.
Blue Bottle Coffee vốn là một thương hiệu cà phê bắt nguồn từ Oakland, California, Mỹ đã quyết định mở chi nhánh nước ngoài đầu tiên tại Nhật Bản và địa điểm họ lựa chọn là Kiyosumi Shirakawa. Nói về lý do chọn Kiyosumi Shirakawa, người phụ trách của Blue Bottle Coffee nói rằng: “Người sáng lập thương hiệu James Freeman được truyền cảm hứng từ văn hóa cà phê của Nhật Bản - nơi cà phê Drip Coffee được pha chế cẩn thận từng chút một nên ông đã quyết định chọn Nhật Bản làm nơi mở chi nhánh đầu tiên ở nước ngoài. Trong tất cả những khu vực ở đây, James Freeman đặc biệt chú ý đến Kiyosumi Shirakawa, một nơi không có nhiều tòa nhà cao tầng, đường xá rộng rãi, thông thoáng và có bầu không khí rất giống Oakland, California - nơi đặt cơ sở đầu tiên của thương hiệu ở Mỹ”. Mặc dù ngày nay Blue Bottle Coffee đã có chi nhánh ở nhiều nơi tại Nhật Bản như Ikebukuro, Shinjuku, Roppongi,... nhưng nhiều người vẫn muốn ghé thăm chi nhánh đầu tiên ở Kiyosumi Shirakawa.
Giống như nhiều quán cà phê khác tại Kiyosumi Shirakawa, Blue Bottle Coffee cũng được cải tạo từ một nhà kho cũ nên có không gian rất rộng, trần cao tạo cảm giác thoáng mát. Khu vực pha chế có đặt một hàng ghế giúp khách hàng có thể ngồi quan sát các nhân viên của quán pha chế và trò chuyện cùng với họ. Tôi có hỏi nhân viên pha chế của cửa hàng về cách pha cà phê của Blue Bottle Coffee, anh nói rằng bí quyết ở đây là phải chú trọng đến nhiệt độ nước và lượng cà phê. Chính vì thế mà bên dưới cốc cà phê có đặt một dụng cụ đo. Nước nóng được rót từ từ vào cốc theo hình tròn từ trong ra ngoài, rồi từ ngoài vào trong liên tục 4 lần. Với những ai đang học cách pha cà phê tại nhà có thể ghé qua Blue Bottle Coffee, quan sát các nhân viên pha chế để tìm hiểu công thức pha cà phê độc đáo của quán.
Không chỉ có cà phê, thực đơn của Blue Bottle Coffee cũng rất đa dạng với các loại đồ uống khác như trà, sinh tố, sô cô la nóng, bia thủ công. Ngoài các món đồ ngọt tự làm, bánh pudding, hay bánh Waffle, tại đây còn phục vụ cả thực đơn đồ ăn như granola và bánh mì sandwich nóng. Tôi đã gọi một thức uống có tên là Coffee Cherry Fizz. Nó là một loại đồ uống có ga, có vị chua chua ngọt ngọt đem đến một cảm giác vô cùng sảng khoái, là một thức uống hoàn hảo cho mùa hè!
Quán cũng trang bị wifi miễn phí nên rất phù hợp với những ai đang muốn tìm một nơi để làm việc.
Cảm nhận bầu không khí nghệ thuật của Kiyosumi Shirakawa tại “Bảo tàng mỹ thuật đương đại Tokyo”
Bên cạnh cà phê, Kiyosumi Shirakawa cũng được biết đến là “thành phố nghệ thuật”, thu hút sự chú ý của những tín đồ yêu nghệ thuật từ sau khi “Bảo tàng mỹ thuật đương đại Tokyo” được mở cửa vào năm 1995. Đây là một cơ sở nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và trưng bày một cách có hệ thống các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Nhật Bản và nước ngoài, tập trung chủ yếu vào nghệ thuật Nhật Bản thời hậu chiến.
Tòa nhà do kiến trúc sư Takahiko Yanagisawa thiết kế với lối vào rộng, hành lang dẫn vào bên trong được bao quanh bởi các cột trụ hình tam giác, cửa sổ kính, và các bức tường với các lỗ tròn nhỏ được làm bằng thép, đem đến cảm giác vô cùng mới lạ, và hiện đại. Bảo tàng cũng mới được tân trang và mở cửa trở lại vào tháng 3/2019 sau 3 năm đóng cửa từ tháng 5/2016. Nếu đến đây vào thời điểm hiện tại bạn sẽ được chiêm ngưỡng một diện mạo hoàn toàn mới.
Hiện tại, tại Bảo tàng mỹ thuật đương đại Tokyo có trưng bày 5,500 tác phẩm và tổng cộng khoảng 270,000 cuốn sách giới thiệu về nghệ thuật đương đại của Nhật Bản. Bảo tàng được chia thành 5 khu vực chính là phòng triển lãm, phòng nghiên cứu, thư viện nghệ thuật, phòng sưu tầm các tác phẩm, và phòng giáo dục phù hợp với mục đích sử dụng của từng đối tượng. Ngoài ra, cũng có cả nhà hàng và quán cà phê dành cho những ai muốn dành cả ngày để tham quan khu vực này.
Ngoài ra, nằm ngay bên cạnh bảo tàng chính là công viên Kiba với rất nhiều cây xanh, một khoảng sân rộng cho trẻ em vui chơi, cũng như những chiếc bàn ghế để bạn có thể ngồi nghỉ ngơi, hoặc ăn trưa. Sao bạn không mua một cốc cà phê và thử đến đây ngồi thư giãn?
Hãy đến Kiyosumi Shirakawa để thưởng thức cà phê và cảm nhận không gian nghệ thuật
Không chỉ có cà phê, Kiyosumi Shirakawa còn là một thành phố của nghệ thuật mang bầu không khí hoài cổ đậm chất Nhật Bản. Đây thực sự là một nơi tuyệt vời nếu bạn đang muốn tìm một không gian yên tĩnh để thư giãn vào cuối tuần. Hãy đến Kiyosumi Shirakawa nhâm nhi một ly cà phê trong khi dạo quanh khu phố cổ kính này để khám phá nhiều hơn nữa những điều thú vị tại đây nhé.
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố