Chuông gió Nhật Bản: Nguồn gốc, cấu tạo và một vài sản phẩm thủ công tiêu biểu

Chuông gió được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng của văn hóa Nhật Bản, bên cạnh những hình ảnh quen thuộc khác như hoa anh đào hay núi Phú Sĩ. Nhắc đến mùa hè Nhật Bản, chúng ta thường nghĩ ngay đến những chiếc chuông đung đưa trong gió, tạo nên những âm thanh nghe rất vui tai. Chuông gió không chỉ đơn thuần là một sản phẩm trang trí, mà còn mang nhiều ý nghĩ đối với văn hóa và đời sống của người Nhật. Trong bài viết lần này, hãy cùng khám phá ra những điều thú vị về chuông gió Nhật Bản và tham khảo một vài sản phẩm chuông gió Nhật Bản được chế tác thủ công nếu bạn đang có ý định tìm mua chúng nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Nguồn gốc của chuông gió

Chuông gió trong tiếng Nhật được gọi là "Furin" (風鈴), trong đó “fu” có nghĩa là gió và “rin” mang nghĩa là chuông. Khi đến Nhật Bản, bạn sẽ thấy người ta thường treo chuông gió ở những vị trí đón gió như gần cửa sổ hoặc dưới mái hiên nhà. Hình ảnh chiếc chuông gió đung đưa dưới hiên nhà cũng là hình ảnh đặc trưng của mùa hè tại Nhật Bản. 

Chuông gió được cho là xuất hiện khoảng 2.000 năm về trước vào thời nhà Đường ở Trung Quốc. Lúc bấy giờ, những chiếc chuông gió được làm từ đồng, thường được sử dụng trong kỹ thuật bói toán và treo tại 4 hướng Đông, Tây, Nam Bắc ở những rặng tre. Người ta dựa vào hướng gió và âm thanh vang lên từ những chiếc chuông gió này để tiên đoán vận may, rủi trong cuộc sống, hay thậm chí còn áp dụng để đưa ra những quyết định liên quan đến chính trị. 

Tương truyền chuông gió đã được du nhập vào Nhật Bản cùng với Phật giáo vào thời kỳ Nara. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, chuông gió trở thành một vật hộ mệnh chứ không phải là công cụ bói toán như ở Trung Quốc. Người Nhật quan niệm rằng những cơn gió mạnh sẽ đem đến điềm xấu và âm thanh phát ra từ những chiếc chuông gió sẽ giúp xua đuổi tà ma và những điều không may mắn. Vì vậy, chuông gió bắt đầu được treo ở bốn góc mái hiên tại những ngôi đền ở Nhật Bản như một lá bùa hộ mệnh. Cho đến ngày nay, khi đến tham quan những ngôi đền tại Nhật Bản, bạn sẽ thấy bốn góc mái đền có treo những chiếc chuông gió như vậy.

Sang đến thời Edo, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, những chiếc chuông gió làm bằng thủy tinh đã được ra đời. Tuy nhiên, do nguyên liệu khó kiếm và số lượng thợ thủ công chế tác thủy tinh chưa có nhiều, nên những chiếc chuông gió bằng thủy tinh thời đó có giá rất cao. Sau đó, giá kính dần giảm xuống, những chiếc chuông gió bắt đầu được bán với mức giá rẻ hơn, nên trở nên phổ biến trong giới bình dân và thường được treo ở hiên nhà.

Cấu tạo, hình dáng của chuông gió

Một chiếc chuông gió thường gồm 3 bộ phận chính là phần thân chuông (Sotomi) là bộ phận chính tạo nên âm thanh của chuông gió. Sotomi thường được làm bằng các chất liệu khác nhau như thủy tinh, gốm sứ, sắt,... với nhiều kiểu dáng và họa tiết trang trí đa dạng. Bên trong phần thân chuông là lưỡi chuông (Zetsu) thường có kích thước nhỏ giống như một chiếc dùi trống khi chạm vào thân chuông sẽ phát ra âm thanh. Cuối cùng là một dải giấy mỏng và dài được gắn với phần lưỡi chuông gọi là "Tanzaku" sẽ đung đưa mỗi khi có gió thổi qua và tác động vào phần lưỡi chuông để nó chuyển động tạo ra âm thanh cho chuông gió.

Ngày nay, bên cạnh ý nghĩa về phong thủy, chuông gió còn được xem như một sản phẩm trang trí nội thất độc đáo cho căn nhà. Chính vì vậy, rất nhiều sản phẩm với hình dáng và thiết kế đa dạng đã ra đời, tuy nhiên có thể phân thành 2 loại chính là chuông gió treochuông gió để bàn. Trong phần nội dung dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu kỹ hơn về một vài sản phẩm chuông gió thuộc 2 nhóm này. Tất cả đều được sản xuất thủ công từ nhiều chất liệu khác nhau của Nhật Bản.

Một vài sản phẩm chuông gió tiêu biểu của Nhật Bản

1. Wind chimes slim-silver | Nousaku | Takaoka Bronze Casting

Đây là một chiếc chuông gió làm bằng bạc được sản xuất dựa trên kỹ thuật đúc đồng truyền thống của thành phố Takaoka thuộc tỉnh Toyama. Sản phẩm được làm từ chất liệu đồng thau và được mạ bạc đem đến một vẻ ngoài vô cùng tinh tế, sang trọng. Bạn cũng sẽ được thưởng thức những âm thanh trong trẻo phát ra từ chiếc chuông gió này mỗi khi có gió thổi qua. Sản phẩm là sự kết hợp tinh tế giữa kỹ thuật truyền thống và thiết kế hiện đại nên phù hợp với cả không gian Nhật Bản và phương Tây.

Trọng lượng: 246g
Chất liệu: Đồng thau (60% đồng, 40% kẽm)
Thương hiệu: Nousaku

2. Ryo no Oto stationary wind chime | K+ | Kyoto-Kiyomizu-yaki

Chiếc chuông gió để bàn này là sản phẩm kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống của gốm Kyoto-Kiyomizu và nhà thiết kế Issey Miyake nên có hình dáng vô cùng độc đáo: phần thân chuông (sotomi) nằm ở dưới thay vì ở trên như những sản phẩm chuông gió treo khác. Thiết kế độc đáo này chắc chắn sẽ đem đến sự khác biệt cho không gian sống của bạn.

Sản phẩm được làm từ chất liệu gốm sứ với hai màu sắc là đen rỉ sét (Kokushu) và màu trắng đục với họa tiết hoa (Hanakessho) giúp bạn có thêm lựa chọn khi trang trí căn nhà của mình. Chiếc chuông gió màu đen với bề mặt nhám trông giống như một chiếc ấm đun nước bằng sắt rất phù hợp với những ai thích một chút phá cách và cổ kính. Trong khi đó màu trắng sứ thanh lịch và trang nhã sẽ phù hợp với phong cách trang trí nội thất tối giản.

Trọng lượng: 200g
Chất liệu: Sứ
Thương hiệu: K+

3. Traditional Crafts Hayao Bamboo Chisel First Wind 25

Đây là một chiếc chuông gió của thương hiệu Takesensuji, chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre ở Shizuoka. Nhà sản xuất đã khéo léo đưa tre vào trong chất liệu của một chiếc chuông gió bằng cách biến chúng thành một chiếc giá đỡ để treo chuông. Bạn cũng có thể dễ dàng tháo rời chiếc chuông ra để biến chúng thành một chiếc chuông gió treo thông thường.

Lưu ý vì làm từ chất liệu tre khá nhẹ nên nếu bạn đặt sản phẩm ở những nơi có gió mạnh nó có thể dễ dàng bị đổ. Với chất liệu từ thiên nhiên chiếc chuông gió này sẽ đem đến một không gian thư giãn cho ngôi nhà của bạn.

Kích thước: W12 × D12 × H25cm
Chất liệu: Tre, sắt
Thương hiệu: Takesensuji

4. Iwachu 27168 Windchime Evening Silver / Purple Navy Blue

Chiếc chuông gió bằng gang này là sản phẩm từ lò sản xuất các sản phẩm thủ công bằng gang Iwachu ở tỉnh Iwate, Nhật Bản ra đời từ năm 1902. Các sản phẩm của Iwachu được biết đến với thiết kế đơn giản phù hợp với mọi đối tượng sử dụng. Gần đây thương hiệu này cũng được biết đến rộng rãi ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Chiếc chuông gió này có kích thước vô cùng nhỏ có thể đặt vừa trong lòng bàn tay, với màu xanh dương và họa tiết hình giọt nước mang đến cảm giác mát mẻ trong những ngày hè oi bức. Vì làm từ chất liệu gang vô cùng chắc chắn và nặng nên âm thanh chiếc chuông tạo ra rất vang. Mức giá của sản phẩm tương đối phải chăng khi so với những sản phẩm thủ công truyền thống khác của Nhật Bản nên bạn có thể chọn mua làm quà lưu niệm cho người thân và bạn bè của mình.

Trọng lượng: 100g
Chất liệu: Gang
Thương hiệu: Iwachu

5. glasscalico gurasukyariko Glass Wind Chimes Prism

Đây là sản phẩm của xưởng sản xuất thủy tinh glass calico do nghệ nhân chế tác thủy tinh Iwasawa Tatsu sáng lập từ năm 1998. Chiếc chuông gió này được thiết kế với chủ đề “Iro-asobi” (tạm dịch là “sự chơi đùa của màu sắc”) dựa trên việc sử dụng thủy tinh màu với bề mặt có đường cong giúp người dùng có thể quan sát được sự biến đổi màu sắc tùy theo từng góc độ phản chiếu của ánh sáng. Vì làm từ thủy tinh nên âm thanh phát ra vô cùng trong trẻo giống như bản nhạc hòa tấu giữa mùa hè. Chiếc chuông gió này chắc chắn sẽ làm cho ngày hè của bạn dịu mát hơn rất nhiều.

Chất liệu: Thủy tinh
Thương hiệu: glass calico

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Ý nghĩa của chuông gió trong đời sống và văn hóa Nhật Bản

Klook.com

Chuông gió đem đến sự thư thái trong tâm hồn

Những chiếc chuông gió rất đỗi thân thuộc với cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Theo quan niệm của người Nhật, hướng Tây - Nam thường là hướng xấu, nên người ta thường hay treo chuông gió tại hướng này với mong muốn xua đuổi tà ma và bệnh tật. Không những được treo để làm bùa may mắn, chuông gió còn đem đến bầu không khí thư giãn và dễ chịu cho không gian.

Âm thanh phát ra từ chuông gió cũng giống như tiếng suối chảy róc rách trong rừng hay tiếng chim hót líu lo, được cho là có tác dụng giảm bớt căng thẳng, giúp tinh thần trở nên thư thái, dễ chịu hơn. Theo nghiên cứu khoa học, âm thanh của chuông gió có dao động 1/f có khả năng tạo ra sóng alpha (sóng não khi cơ thể được thư giãn) tạo cảm giác thoải mái cho người nghe, giúp điều hòa nhịp tim, thư giãn cơ bắp.

Chuông gió trong văn hóa Nhật Bản

Vào mùa hè hàng năm, từ khoảng tháng 7 đến tháng 8, có rất nhiều ngôi đền, chùa ở Nhật Bản tổ chức Lễ hội chuông gió. Đó là do trước đây, người Nhật tin rằng gió lớn mang theo bệnh dịch và tai họa, đặc biệt là vào mùa hè nóng ẩm khi dịch bệnh có khả năng lây lan. Vì vậy, họ tổ chức lễ hội chuông gió để cầu mong sức khỏe, xua tan bệnh tật và những điều không may.

Người Nhật thường viết điều ước của mình lên dải giấy tanzaku được gắn ở lưỡi chuông với ý niệm cầu mong mọi điều ước sẽ đến được với thần linh qua âm thanh của chuông gió. Mỗi khi gió thổi qua, dải giấy sẽ đung đưa tạo nên thanh âm trong trẻo như gửi những điều ước đến các vị thần linh và khi tiếng chuông vang lên cũng đồng nghĩa điều ước đã được các vị thần linh chứng giám.

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

*Không thể vận chuyển sản phẩm đến một số quốc gia. Vui lòng tham khảo trang web của đại lý bán lẻ để biết thêm thông tin chi tiết.

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

tsunagu
tsunagu Japan
Xin chào, đây là tài khoản chính thức của Tsunagu Japan
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng