Các sự kiện hàng năm gắn liền với đời sống của người Nhật
Người Nhật Bản vốn rất coi trọng các sự kiện hàng năm diễn ra theo từng mùa. Nhiều cửa hàng, siêu thị cũng thay đổi cách bài trí hay mặt hàng buôn bán theo mỗi sự kiện. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu những sự kiện truyền thống hàng năm vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Sự kiện hàng năm là gì ?
Người Nhật cảm nhận sự thay đổi mùa theo sự di chuyển của mặt trời và mặt trăng, sự thay đổi nhiệt độ và sự dịch chuyển tự nhiên. Các sự kiện được hình thành và diễn ra theo từng mùa. Có rất nhiều sự kiện hàng năm gắn liền với đời sống con người Nhật Bản vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.
Từ tháng 1 đến tháng 3
・Ngày Tết
Ngày 1/1 (ngày đầu năm mới) là ngày vị thần năm mới có tên gọi là “Toshigami-sama” đến với mỗi gia đình. Mọi người cầu mong vị thần này sẽ mang đến một năm mới với vụ mùa bội thu (gokuhojo/ vụ mùa thu hoạch dồi dào) và gia sự an yên (Kanai Anzen/ sự an toàn và sức khỏe cho cả gia đình).
Bên cạnh đó, mỗi gia đình sẽ trang trí Kadomatsu và Shimenawa để nghênh đón vị thần năm mới Toshigami. Kagami-mochi được làm từ những chiếc bánh mochi hình tròn, dẹt, xếp chồng hai hoặc ba chiếc lên nhau, là nhà của Toshigami. Mọi người sẽ trang trí năm mới bằng matsunouchi và chúc Tết nhau cho đến ngày 7/1 (thậm chí là cho đến ngày 15 ở một số vùng). Và đến ngày 11/ 1 (một số nơi có thể là ngày khác), mọi người sẽ “kagami biraki” – cắt bánh kagami-mochi để ăn, với mong muốn rằng sẽ có thêm sức mạnh sau khi ăn Kagami-mochi, nơi trú ngụ của vị thần, và có một năm khỏe mạnh.
・Ngày Tiết phân – Setsubun
Lễ Tiết phân – Setsubun diễn ra vào ngày 3/2 hàng năm. Người Nhật chuyển đổi từ Âm dương lịch sang Dương lịch vào khoảng 150 năm trước. Khi đó, ngày đầu năm mới là ngày 4/2, tức là ngày 3/2 là ngày giao thừa theo lịch cũ. Người xưa cho rằng các linh hồn ma quỷ có thể dễ dàng xâm nhập vào thời điểm chuyển mùa, nên họ thường ném hạt đậu để xua đuổi tà ma vào ngày giao mùa. Một người đóng vai quỷ sẽ đi vào trong nhà từ cửa trước, mọi người trong nhà sẽ ném những hạt đậu về phía con quỷ và nói “Oni wa soto! fuku wa uchi! (Ma quỷ đi ra ngoài, may mắn đi vào trong)”. Sau khi con quỷ hoảng sợ và ra khỏi nhà thì mỗi người sẽ ăn số hạt đậu bằng với tuổi của mình để cầu cho một năm hạnh phúc.
Ở một số địa phương, người ta sẽ xiên đầu của con cá mòi sống – một loại cá mà ma quỷ rất sợ – vào cành ô liu, rồi treo ở cửa trước. Ngoài đậu tương, thời điểm này các siêu thị còn bán cả ehomaki (một loại món ăn cuốn gồm cơm trộn dấm và các loại nhân). Mọi người sẽ ăn cả thanh cơm cuộn rong biển, không cần cắt nhỏ để cầu mong cho một năm khởi sắc, may mắn. Không chỉ vậy, người ta còn nói rằng nếu vừa ăn ehomaki vừa nói chuyện thì mọi phước lành sẽ tan biến.
・Hina-matsuri (Lễ hội trái đào)
Lễ hội Hina-matsuri được tổ chức vào ngày 3/3, cầu mong cho các bé gái khôn lớn, khỏe mạnh. Những gia đình có con gái thường trưng bày búp bê Hina từ ngày 4/2 đến cuối tháng 2 và dọn dẹp ngay khi kết thúc ngày lễ. Trong ngày Hina-matsuri, mọi người sẽ ăn bánh gạo “Hishi mochi” 3 màu hình thoi, bánh gạo ngọt “Hina-arare”, món ăn làm từ ngao, và chirashi-zushi (món ăn kết hợp nhiều nguyên liệu khác nhau với cơm trộn giấm),…
Từ tháng 4 đến tháng 6
・Hana-matsuri
Hana-matsuri, lễ hội hoa đăng là sự kiện Phật giáo được tổ chức vào ngày 8/4, để chúc mừng ngày sinh của Đức Phật, người sáng lập ra Phật giáo. Vào ngày này, người ta đặt nhiều bồn hoa nhỏ, có tên gọi là hanamido trong chùa. Trong bồn có một khay nước kanbutsuoke chứa đầy amacha (trà ngọt) và an vị ở chính giữa khay là bức tượng “Phật mới sinh”, tượng trưng cho Đức Phật mới được ra đời.
Truyền thuyết kể lại rằng rồng chín đầu xuất hiện trên trời trước khi Đức Phật ra đời, và đổ cơn mưa sương ngọt (mưa của những phước lành từ trời) từ đầu của Đức Phật. Do đó, những người đi đi chùa thường dâng trà ngọt để chúc mừng ngày sinh của Đức Phật.
・Tango-no-sekku (Ngày bé trai)
Sự kiện này diễn ra vào ngày 5 tháng 5, cầu cho sự trưởng thành, khỏe mạnh và vui vẻ của các bé trai. Các gia đình sẽ trang trí búp bê samurai, mũ sắt và treo cờ cá chép. Mũ sắt và áo giáo mặc trên người búp bê samurai để bảo vệ cơ thể nên mang ý nghĩa bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn và bệnh tật. Cá chép là loài cá có sức sống mãnh liệt, có thể sống ở ao hồ, đầm lầy nên được trang trí với mong muốn con cái lớn lên khỏe mạnh. Các vật trang trí này sẽ được bày biện từ đầu tháng 4, và dọn dẹp ngay khi kết thúc ngày lễ Tango-no-Sekku.
Ngoài ra, vào ngày Tango-no-Sekku, người Kanto thường ăn kashiwa-mochi (bánh gạo gói bằng lá sồi), còn người Kansai thường ăn chimaki (bánh gạo nếp ngọt gói bằng lá tre). Ngoài ra, các bé trai sẽ tắm trong shobuyu – bồn tắm thả lá hoa diên vĩ, vì người ta tin rằng mùi hương của lá diên vĩ sẽ giúp xua đuổi tà ma. Đến gần ngày nay, lá diên vĩ được bán rất nhiều ở các siêu thị.
・I-gae
Mỗi năm 2 lần vào ngày 1/6 và ngày 1/10, các cơ quan chính quyền và trường học… thường tổ chức ngày “i-gae” (Thay trang phục). “I-gae” là ngày thay đổi trang phục mùa hè và mùa đông. Sự kiện này vốn xuất phát từ phong tục được thực hiện trong cung đình Trung Hoa xưa. Người ta cho rằng thay đổi kiểu quần áo vào những ngày này theo âm lịch sẽ mang lại điềm lành.
Từ tháng 7 đến tháng 9
・Lễ hội Tanabata (Ngưu lang – Chức nữ)
Ngày Tanabata diễn ra vào đêm ngày 7/7, là dịp để người ta cầu nguyện tới các vì sao bằng cách treo các dải giấy màu sắc (mảnh giấy dài, hẹp) với điều ước được viết bên trên và treo lên cành tre. Theo truyền thuyết, đây là ngày duy nhất trong năm mà Orihime, một người dệt vải tài ba, và Hikoboshi, một người chăn bò bị ngăn cách bởi dải Ngân hà có thể gặp nhau mỗi năm.
・Doyo-no-ushi-no-hi (Ngày ăn cơm lươn)
Doyo là thời điểm chuyển giao giữa các mùa trong 4 mùa xuân hạ thu đông. Ushi-no-hi là ngày “con bò” theo 12 can chi (12 loài động vật). Mỗi năm có 4 ngày doyo, và vào ngày doyo-no-ushi-no-hi của mùa hè, người Nhật Bản có thói quen ăn lươn để ngăn ngừa mệt mỏi của nắng nóng.
Nhiều giả thuyết được đặt ra để giải thích về khởi nguồn của phong tục này. Theo một giả thuyết, khoảng 300 năm trước, học giả Hiraga Gennai đã viết chữ “Hôm nay là ngày doyo-no-ushi-no-hi” cho một người quen kinh doanh nhà hàng lươn, họ đã dán giấy đó ở trước cửa hàng và kể từ đó việc làm ăn trở nên rất phát đạt.
・Obon
Tại Nhật Bản, các công ty và cửa hàng thường đóng cửa trong thời gian lễ Obon và năm mới. Mặc dù thời điểm lễ Obon sẽ thay đổi theo từng năm nhưng lễ hội Obon thường được tổ chức từ ngày 13 đến 16/8 hàng năm. Trong thời gian này, nhiều người đi thăm mộ tổ tiên hoặc về quê, nên lưu lượng sử dụng các phương tiện đi lại như máy bay, tàu cao tốc, đường cao tốc rất lớn.
・Otsukimi
Người Nhật Bản sẽ cúng cây cỏ susuki cùng bánh gạo nếp dango và ngắm trăng vào ngày jugoya (đêm 15) diễn ra trong khoảng trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10 tùy từng năm. Cây cỏ mang ý nghĩa phòng tránh tà ma và cầu mong mùa màng bội thu.
Trăng vào khoảng thời gian này được gọi là “Trung thu”, không khí trong và đẹp. Vào ngày jugoya, mặt trăng trở nên tuyệt mỹ bởi vẻ đẹp tròn đầy.
Từ tháng 10 đến tháng 12
・Kannazuki
Kannazuki là tên gọi của tháng 10 âm lịch. Người ta nói rằng, cứ đến tháng 10, các vị thần trên toàn lãnh thổ Nhật Bản sẽ đến ngôi đền Izumo Taisha ở tỉnh Tottori để nói chuyện. Vì tất cả các vị thần đều đi vắng nên người ta gọi đó là “kannazuki (tháng vô thần)”, được ghép bởi các chữ “zuki (tháng)” “na (không có)” “kami (thần)”.
Câu chuyện của các vị thần xoay quanh chủ đề sinh mệnh và nhân duyên. Vì thế mà rất nhiều người tin tưởng đền Izumo Taisha ngay nay là nơi trú ngụ của vị thần kết duyên.
・Shichigosan
Đây là dịp viếng thăm đền để cầu cho sức khỏe và sự trưởng thành của các em bé vào khoảng ngày 15/11 hàng năm. Đây là sự kiện dành cho các gia đình có bé gái 3 và 7 tuổi, bé trai 5 tuổi. Thông thường, trong ngày Shichigosan, mọi người sẽ nhận được một thanh kẹo dài có tên là chitose khi đến viếng đền. Cây kẹo này có ý nghĩa là “mong muốn các bé sẽ cao, thanh mảnh, dẻo dai, sống khỏe mạnh và thọ chito (1.000 năm) như tên gọi của thanh kẹo.
・Tori-no-ichi
“Tori-no-ichi” là chợ bán hàng được mở vào khoảng giờ Dậu (5 – 7 giờ chiều) vào ngày Dậu (gà) của tháng 11. Ngày Dậu được tính theo lịch can chi âm lịch. Vì ngày Dậu sẽ lặp lại sau mỗi 12 ngày nên người ta phân biệt ngày Dậu 1, ngày Dậu 2. Ngày này chủ yếu diễn ra ở đền chùa vùng Kanto và người ta sẽ bán những vật phẩm cầu duyên như mèo maneki-neko, bùa may mắn,…
・Omisoka (Ngày cuối năm) và Jayanokane (Chuông giao thừa)
“Omisoka” là ngày 31/12. Mọi người sẽ tổng vệ sinh toàn bộ nhà cửa và chuẩn bị đón năm mới. Vào ngày Omisoka, các ngôi chùa sẽ đánh “Jayanokane (Chuông giao thừa)” lúc nửa đêm, từ khoảng 23 giờ đến 1 giờ sáng của ngày đầu năm mới.
Nếu bạn đang sinh sống tại Nhật Bản thì bạn nhất định nên tìm hiểu các sự kiện trong năm và những mặt hàng liên quan trong văn hóa Nhật Bản; đồng thời tận hưởng những ngày lễ này qua các món ăn và đồ trang trí.
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố