Arita, Imari và Karatsu - Khám phá ba ngôi làng gốm sứ của tỉnh Saga
Nằm ở phía Tây Bắc Kyushu, tỉnh Saga không chỉ được ban tặng vô số kỳ quan thiên nhiên và di tích lịch sử, mà còn nổi tiếng với nghề sản xuất gốm sứ tinh xảo từ thời cổ đại. Là một địa điểm nổi tiếng với nghề nung gốm và là nơi sản sinh ra đồ sứ của Nhật Bản, Saga có ba làng gốm lưu giữ và phát triển các di sản nghệ thuật địa phương. Có ngôi làng độc đáo ẩn mình trong "thâm sơn cùng cốc", có nơi thì lại nổi bật duyên dáng nhờ được trang trí bằng đồ sứ. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những ngôi làng như vậy, hãy cùng chúng tôi tham gia một chuyến đi đến Karatsu, Arita và Imari để khám phá thêm về nghề gốm sứ ở Saga cũng như những giá trị văn hóa mà nghề thủ công này mang lại cho khu vực nhé!
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Arita - Khám phá quê hương của đồ sứ Nhật Bản
Với những tòa nhà truyền thống và xưởng gốm nằm rải rác, Arita là một ngôi làng cổ kính được bao quanh bởi những ngọn núi xanh tươi. Điều khiến ngôi làng này trở thành một phần nổi bật trong lịch sử là ở chỗ: đây là nơi đầu tiên sản xuất đồ sứ ở Nhật Bản khi cao lanh, loại đất sét khoáng cần thiết để làm đồ sứ đã được phát hiện ở đây vào đầu thời kỳ Edo năm 1616. Kể từ đó, các nghệ nhân của Arita đã tạo ra những kiệt tác, góp phần hình thành nên nghề làm gốm sứ có lịch sử 400 năm lẫy lừng ở Nhật Bản. Đồ gốm Arita vô cùng tinh tế đã và đang được đánh giá cao đến nỗi nó không chỉ được sản xuất cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu, đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của nghề thủ công ở địa phương.
Đồ gốm sứ ở Arita ban đầu chủ yếu được trang trí họa tiết màu lam dưới lớp men. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 17, Nhật Bản đã phát triển kỹ thuật trang trí bằng sơn enamel trên lớp men, mang đến cho đồ sứ địa phương thêm nhiều màu sắc đa dạng như đỏ, vàng, tím và xanh lá cây. Một số tác phẩm thậm chí còn sử dụng các chi tiết mạ vàng nổi bật. Ngày nay, đồ sứ Arita có nhiều phong cách khác nhau, từ sứ trắng đơn giản nhưng thanh lịch được phủ một lớp men thủy tinh mờ cho đến sứ phủ màu xanh coban dưới men và thậm chí cả đồ sứ tráng men đa sắc với những thiết kế táo bạo và màu sắc tươi sáng.
Được coi là một trong những loại sứ tốt nhất ở Nhật Bản, đồ sứ Arita không chỉ được công nhận về hàm lượng kỹ thuật thủ công trong quá trình chế tác mà còn được đánh giá cao vì độ mỏng, nhẹ nhưng đặc và bền. Vì lý do này, sứ Arita rất được yêu thích trong việc sản xuất bát đĩa.
Những địa điểm không thể bỏ qua ở Arita nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về nghề gốm sứ tại đây
◾️ Đền thờ Tozan
Ngôi đền độc đáo này được làm bằng sứ Arita là minh chứng rõ nhất cho thấy nghệ thuật gốm sứ bắt nguồn từ di sản văn hóa của ngôi làng này. Nhiều tòa kiến trúc linh thiêng trong đền Tozan được trang trí bằng đồ sứ trắng xanh mang tính biểu tượng của địa phương, có thể kể tới như chiếc cổng torii duyên dáng ở lối vào, những chiếc đèn lồng tinh xảo và tượng sư tử "komainu" thủ hộ đền. Tại đây, du khách cũng có thể mua những tấm thẻ gỗ "ema" để ghi điều ước và bùa may mắn "omamori", tất cả đều được làm bằng sứ Arita có màu xanh coban trên nền sứ trắng tinh khiết.
◾️ Tường Tombai
Cạnh các tòa kiến trúc truyền thống và xưởng sứ của Arita là những bức tường Tombai. Tông màu đất của bức tường góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp của những con hẻm, biến chúng thành những bức tranh vẽ của Arita và những núi rừng xung quanh. Không những vậy, những bức tường này còn có một lịch sử vô cùng thú vị. Được làm từ phế liệu gốm và tàn dư từ những bức tường lò nung đắp bằng đất sét đỏ, những bức tường độc đáo này một lần nữa chứng minh mối liên hệ bền chặt giữa Arita và kỹ thuật gốm tinh tế của nơi đây. Sẽ là một trải nghiệm thú vị khi bạn rảo bước trên những con hẻm xung quanh những bức tường Tombai, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên của Arita và khám phá các tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn của nghệ nhân địa phương trong các xưởng gốm.
◾️ Công viên sứ Arita
Công viên giải trí với nét chấm phá đầy bản sắc văn hóa này là "bản sao" của một ngôi làng nước Đức, nằm bao quanh một cung điện theo phong cách kiến trúc baroque thế kỷ 18 và được tô điểm bởi một khu vườn theo phong cách châu Âu. Du khách có thể chiêm ngưỡng cả đồ sứ châu Âu và đồ sứ Arita trong khu trưng bày, cũng như tìm hiểu về lịch sử của đồ sứ Arita và ảnh hưởng của nó đối với nghệ thuật và đồ gốm sứ châu Âu. Công viên sứ Arita là một địa điểm tuyệt vời để tham quan cùng cả gia đình và trải nghiệm những hoạt động mới lạ như làm đồ sứ hay thư giãn trong các nhà hàng và quán cà phê.
Imari - Khám phá văn hóa gốm tại một trong những ngôi làng hẻo lánh nhất ở Nhật Bản
Ngành sản xuất đồ sứ chất lượng cao từ đầu thời kỳ Edo phân bố trên toàn bộ khu vực Arita và vùng phụ cận, trong đó có thị trấn Imari. Cảng Imari trở thành điểm vận chuyển chính cho đồ sứ sản xuất tại địa phương xuất khẩu sang châu Âu và Trung Quốc. Trong thời kỳ đỉnh cao của ngành sứ, Imari được biết đến là một trong những nơi tập trung nhiều nghệ nhân và thương nhân nhất. Dinh thự cổ của một số nhà buôn hiện nay vẫn được bảo tồn và mở cửa cho khách tham quan, góp phần tạo nên bầu không khí truyền thống của thị trấn.
Vì đồ sứ ở đây chủ yếu được vận chuyển từ cảng Imari nên ở nước ngoài, chúng được biết đến với tên gọi "đồ gốm sứ Imari". Phong cách đồ gốm Nhật Bản này đã tác động rất lớn đến nghệ thuật ở các nước khác tới mức chúng còn được các thợ thủ công nước ngoài sao chép lại.
Để phân biệt giữa các kiểu dáng ngày một tăng, đồ sứ nhiều màu hoặc phủ sơn enamel bắt đầu được định nghĩa là sứ Imari trong khi đồ sứ trắng xanh được gọi là sứ Arita, mặc dù chúng được sản xuất tại cùng một lò. Ngày nay, dù được sản xuất ở đâu thì những sản phẩm này vẫn được gọi chung là đồ sứ Arita hoặc đồ sứ Hizen (tên cũ của tỉnh Saga).
Những địa điểm không thể bỏ qua ở Imari nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về nghề gốm sứ tại đây
◾️ Làng Okawachiyama
Okawachiyama là một ngôi làng nhỏ, cuốn hút nằm ẩn mình trong núi cách Imari không xa. Được bao quanh bởi những đỉnh núi cao và rừng rậm, đây có lẽ là một trong những nơi hẻo lánh nhất ở Nhật Bản. Vị trí bất thường này là do trong lịch sử, ngôi làng ban đầu là nơi sản xuất bí mật của loại đồ sứ quý. Trong thời kỳ Edo, đồ sứ được sản xuất ở khu vực này được coi là có chất lượng vượt trội, vì vậy gia tộc Nabeshima cai trị Saga thời bấy giờ đã quyết định xây dựng ngôi làng trong thung lũng biệt lập và dễ phòng thủ này. Từ đó tới nay, ngôi làng không có nhiều thay đổi. Vì vậy mà du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng những ống khói từ xa xưa của lò nung rải rác quanh thị trấn, những xưởng gốm và chi tiết trang trí bằng sứ.
◾️ Bảo tàng Thương gia gốm thành phố Imari
Được xây dựng bên trong ngôi nhà của một thương gia thời Edo đã được tân trang lại, bảo tàng này mang đến một cái nhìn thú vị về cuộc sống hàng ngày của tầng lớp thương gia Imari từ một thời đại đã qua. Những tòa nhà có tường trắng là phong cách kiến trúc điển hình của các thương gia địa phương và có từ năm 1825. Ban đầu chúng thuộc sở hữu của gia tộc Inuzuka, một trong những gia tộc thương nhân đồ gốm nổi tiếng nhất Imari. Bảo tàng trưng bày những món đồ Imari có giá trị từ thế kỷ 18 và 19.
◾️ Cầu Imari Aioi
Cách ga Imari không xa, bạn có thể dạo bước trên con đường xinh xắn giữa những chi tiết trang trí bằng sứ độc đáo, đầy màu sắc tô điểm cho thị trấn. Bạn có thể đi về phía cầu Aioi để chiêm ngưỡng Đồng hồ Koimari tự động nổi tiếng làm bằng sứ Imari hoặc băng qua cầu để tận mắt ngắm nhìn một chiếc bình sứ được trang trí lộng lẫy đặt bên lối đi bộ. Lang thang quanh thị trấn, bạn chắc chắn sẽ bắt gặp nhiều món đồ trang trí tinh xảo bằng sứ Imari và hành trình này giống như một cuộc truy tìm kho báu, khi mà bạn lần lượt khám phá ra nhiều món đồ thú vị!
Karatsu - Tìm hiểu về thị trấn Samurai với truyền thống làm gốm lâu đời hàng thế kỷ
Là điểm dừng chân chính của những con tàu đến Hàn Quốc và Trung Quốc, Karatsu là một thị trấn lâu đài hùng mạnh phát triển rực rỡ trong thời kỳ Edo. Vào thời Meiji và Taisho, nơi đây đã phát triển thành một trung tâm khai thác than. Vì lý do này, Karatsu có một nền văn hóa Samurai phong phú với nhiều tòa nhà lịch sử từ các thời kỳ khác nhau. Với một lâu đài trang nhã trên đỉnh đồi hướng ra biển và nhiều khu dân cư truyền thống được bảo tồn, thị trấn là nơi bạn không thể bỏ qua nếu muốn thưởng ngoạn các địa điểm lịch sử và văn hóa của khu vực.
Karatsu không chỉ có nguồn gốc Samurai cổ đại mà còn là một trong những nhà sản xuất gốm chính của Kyushu. Lịch sử của Karatsu với tư cách là trung tâm sản xuất đồ gốm sứ quan trọng được ưa chuộng rộng rãi bắt đầu từ cuối thời Muromachi (1336-1573). Gốm sứ Karatsu sở hữu vẻ đẹp tinh tế được bày bán trên khắp Nhật Bản và thậm chí còn trở thành đồ gốm chính thức của miền Karatsu trong thời kỳ Edo. Nhờ vẻ ngoài đơn giản và màu sắc nhẹ nhàng gợi nhớ đến thiên nhiên, gốm Karatsu được yêu thích trong thế giới trà đạo Nhật Bản cũng như là một loại gốm có tính ứng dụng cao, được sử dụng hàng ngày nhờ sự đa dạng về kiểu dáng.
Những địa điểm không thể bỏ qua ở Karatsu nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về nghề gốm sứ tại đây
◾️ Lò nung Taroemon Nakazato
Chỉ cách ga Karatsu một đoạn đi bộ ngắn, bạn sẽ được khám phá lò nung Nakazato Taroemon và bảo tàng gốm Ochawangama. Bảo tàng phản ánh mối liên hệ giữa gốm Karatsu và các dụng cụ trong trà đạo, đồng thời trưng bày các tác phẩm của bốn thế hệ thợ gốm Nakazato. Thông qua các tác phẩm quý giá của gia tộc thợ thủ công danh giá này, du khách có thể tìm hiểu lịch sử của đồ gốm Karatsu, sự phát triển của nó qua nhiều thế kỷ, trong đó có một số cổ vật có giá trị. Bảo tàng nằm bên trong một tòa kiến trúc truyền thống từng là nhà của Nakazato Taroemon đời thứ 12. Du khách có thể tìm hiểu về kiến trúc truyền thống và những chiếc lò nung của gia tộc được xây dựng vào năm 1734, đây là chiếc lò hình rồng leo lâu đời nhất còn sót lại ở Nhật Bản (ảnh trên).
◾️ Công viên Kitahata Koyohnomori
Khu vực Kitahata của Karatsu được coi là quê hương của đồ gốm Karatsu. Tại đây, trong những năm 1580, gia tộc Hata cư trú tại lâu đài Kishidake và cai trị vùng Kitahata đã mời các thợ gốm Hàn Quốc và Trung Quốc về để xây dựng lò nung và phát triển ngành công nghiệp gốm sứ địa phương. Những người thợ gốm này phát hiện ra rằng đất sét xung quanh Kishidake thủy tinh hóa ở nhiệt độ cao, tạo ra đồ gốm cứng, không thấm nước với kết cấu độc đáo, mộc mạc. Họ cũng mang tới đây loại lò nung hình rồng giúp tăng chất lượng thành phẩm, quyết định sự thành công của đồ gốm Karatsu.
Khi đi dạo quanh công viên Kitahata Koyohnomori, bạn sẽ bắt gặp một số di tích là minh chứng lịch sử cho ngành gốm sứ địa phương. Nhiều lò nung và xưởng sản xuất vẫn đang hoạt động ở Kitahata và mở cửa cho công chúng tham quan, mang đến cơ hội có một không hai để chiêm ngưỡng văn hóa và truyền thống gốm sứ địa phương.
Hãy ghé thăm ba ngôi làng gốm sứ của Saga!
Saga không phải là tỉnh duy nhất ở Kyushu ẩn chứa nhiều nét lịch sử và vẻ đẹp tự nhiên! Hãy cùng chúng tôi khám phá phần còn lại của Kyushu để hiểu thêm về những địa điểm hấp dẫn là minh chứng cho vẻ đẹp tự nhiên và lịch sử của Nhật Bản nhé!
Truy cập trang web chính thức của Kyushu: https://www.visit-kyushu.com/en/
Ảnh tiêu đề: kan_khampanya / Shutterstock.com
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên Facebook của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố