Từ tháng 4/2020, các nhà hàng ở Nhật Bản sẽ nói không với khói thuốc! Nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới 50.000 yên?
Không ít du khách nước ngoài từng tới Nhật có lẽ đều có những trải nghiệm không vui về khói thuốc: "Khi vào các nhà hàng ở Nhật tôi hay ngửi thấy mùi thuốc lá rất khó chịu" hay "Tại sao Nhật Bản lại cho phép hút thuốc trong các nhà hàng? Mùi thuốc lá khiến tôi cảm thấy khó chịu nên muốn ở lại lâu một chút cũng không được". Tin vui là những quy định lạc hậu về việc hút thuốc tại Nhật Bản sẽ được thay đổi từ tháng 4/2020. Đó là nhờ việc ban hành hai văn bản pháp luật nhằm thay đổi thực trạng trên bao gồm "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe" của chính phủ Nhật và "Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo" của chính quyền thành phố Tokyo có hiệu lực từ mùa xuân năm nay. Cả hai văn bản này đều cấm hành vi hút thuốc trong nhà tại những nơi đông người, và nếu được thực thi một cách nghiêm chỉnh thì chắc chắn sẽ mang lại những chuyển biến tích cực và đáng kể cho tình trạng hút thuốc ở Nhật. Trong bài viết này, nhằm mục đích tránh nhầm lẫn quy định về hút thuốc của Nhật Bản trong bối cảnh cả hai văn bản luật trên được áp dụng toàn diện từ tháng 4 năm 2020, chúng tôi sẽ giải thích những điểm quan trọng của "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe" và "Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo" cũng như chỉ ra cách xác định khu vực được phép và khu vực không được phép hút thuốc.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
55 quốc gia trên thế giới đã ban hành luật cấm hút thuốc tại các khu vực trong nhà! Theo đánh giá của WHO, mức độ kiểm soát hút thuốc tại Nhật Bản đang ở mức thấp nhất?
Sẽ không quá lời khi nói rằng lịch sử kiểm soát thuốc lá cũng chính là lịch sử hoạt động của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới). Năm 1970, nhằm thực hiện nghị quyết chống lại tác hại của việc hút thuốc thụ động tới sức khỏe, WHO đã đưa ra khuyến nghị cho chính phủ các nước về việc thực hiện các biện pháp kiểm soát hút thuốc. Khi những mối nguy hại về sức khỏe do hút thuốc thụ động gây ra dần được công nhận là một vấn đề chung trên toàn thế giới, vào năm 1988, WHO đã chọn ngày 31 tháng 5 hàng năm là "Ngày thế giới không thuốc lá" với mục đích biến việc không hút thuốc trở thành một thông lệ xã hội. Cùng với sự phát triển của thời đại, vào năm 2003, Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá, trong đó có những quy định về quảng cáo và bán thuốc lá, đã được Đại hội đồng WTO thông qua, nhờ đó đẩy nhanh khung pháp chế về các biện pháp chống khói thuốc lá đặc biệt là ở các nước phát triển.
Nhờ những hoạt động tích cực của WHO, các quốc gia như Ireland, New Zealand, Uruguay, Anh, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ và hơn nữa số tiểu bang của Mỹ đã đưa ra luật cấm hút thuốc tại toàn bộ các khu vực trong nhà. Ngoài ra, 55 quốc gia đã cấm hút thuốc trong nhà ở những nơi công cộng (tính đến năm 2016).
Tuy nhiên, việc kiểm soát hút thuốc ở Nhật Bản có vẻ tụt hậu hơn so với thế giới. Theo khảo sát của WHO, khi đánh giá tình trạng các biện pháp hạn chế hút thuốc thụ động ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới theo thang điểm bốn, thì từ năm 2018 trở về trước, Nhật Bản xếp hạng thấp nhất là cấp 1 (tại thời điểm hiện tại là cấp 2). Điều này là do Nhật Bản không có luật pháp và quy định bắt buộc đối với hành vi hút thuốc.
Sự lỏng lẻo trong quy định về hút thuốc ở Nhật Bản được phản ánh rõ ràng trong giá bán và mức tiêu thụ của thuốc lá. Thử lấy ví dụ về các quốc gia kiểm soát chặt hành vi hút thuốc: Úc là quốc gia có giá thuốc lá cao nhất và giá một bao thuốc ở nước này vào khoảng 4000 yên, ở Anh là khoảng 1400 yên, ở Mỹ là khoảng 750 yên, ở Pháp khoảng 900 yên. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Nhật Bản là khoảng 400 đến 500 yên/bao, hay nói cách khác, ở Nhật bạn có thể mua thuốc lá với giá rẻ hơn nhiều so với các nước khác. Ngoài ra, nếu so sánh về số lượng điếu thuốc trung bình mà một người tiêu thụ trong 1 năm, Vương quốc Anh là 828 điếu, Hoa Kỳ là 1017 điếu và Pháp là 1090 điếu, trong khi Nhật Bản là 1583 điếu. Tại các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, v.v., giá cả và mức tiêu thụ thuốc lá cũng ở mức tương tự, tuy nhiên khách du lịch từ các nước láng giềng châu Á này vẫn không khỏi ngạc nhiên trước sự lạc hậu về quy định hút thuốc của Nhật Bản.
Đẩy mạnh việc thắt chặt quy định về hút thuốc tại Nhật Bản để hướng tới Olympic và Paralympic tại Tokyo
Như đã đề cập, tuy Nhật Bản có thể coi là một quốc gia lạc hậu trong việc kiểm soát hút thuốc, nhưng quốc gia này cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chống hút thuốc để chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo vào năm 2020. Từ năm 1988 tới nay, toàn bộ những thành phố đăng cai tổ chức Olympic đều là những thành phố cấm hút thuốc lá. Trong bối cảnh Olympic Tokyo đang tới gần, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Nhật Bản. Nhận thức được tình trạng này, vào tháng 7/2018, chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe" nhằm ngăn chặn hút thuốc thụ động. Vào tháng 6 cùng năm, với tư cách là thành phố đăng cai Thế vận hội Olympic, Tokyo cũng ban hành "Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo" với mục đích tăng cường các biện pháp hạn chế hút thuốc thụ động. Hiện tại, các công tác chuẩn bị đang được tiến hành để hai văn bản pháp luật này được thực thi một cách nghiêm túc từ tháng 4/2020 trước kỳ Thế vận hội.
Chỉ có khoảng 45% trong tổng số các nhà hàng trên khắp nước Nhật cấm hút thuốc?!
Vào tháng 7/2018, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi một phần nội dung của "Luật Nâng cao Sức khỏe" với những quy định nhằm củng cố và nâng cao sức khỏe của người dân Nhật Bản và ban hành "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe". Trước khi sửa đổi, có thể nói Luật Nâng cao Sức khỏe không có tính cưỡng chế cao, chỉ yêu cầu những người quản lý những cơ sở nhà hàng và khách sạn phải "nỗ lực" trong việc thực hiện những biện pháp ngăn chặn hút thuốc thụ động. Do đó, tình hình thực hiện các biện pháp chống hút thuốc thụ động ở các cơ sở là không đồng đều, không cải thiện được đáng kể tình trạng những người không hút thuốc bị tổn hại sức khỏe do hút thuốc thụ động. Chính phủ Nhật Bản nhận thấy rằng quy chế hiện tại không đủ để khuyến khích những người quản lý cơ sở chủ động trong vấn đề này, từ đó quyết định sửa đổi luật và áp dụng những hình hình phạt có tính cưỡng chế hơn.
Nếu "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe" được thi hành tại Nhật Bản, hút thuốc trong nhà sẽ bị cấm tại những cơ sở tập trung đông người. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại cơ sở mà sẽ có những quy tắc ngoại lệ.
Ví dụ, về nguyên tắc, hành vi hút thuốc sẽ bị cấm trong khuôn viên của các cơ sở như trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường mẫu giáo, trường đại học, cơ sở y tế, cơ sở phúc lợi trẻ em, cơ quan hành chính hoặc trên xe buýt, taxi, máy bay. Tuy nhiên, tại những nơi này vẫn có thể đặt những khu vực cho phép hút thuốc ngoài trời.
Ngoại trừ những cơ sở và nhà hàng kể trên, tại những nơi như khách sạn, cơ sở thể dục thể thao, đường sắt, v.v. cũng sẽ có quy định cấm hút thuốc, tuy nhiên cho phép hút thuốc tại những phòng riêng biệt được lắp đặt đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Ngoài ra, về nguyên tắc thì tất cả các nhà hàng sẽ cấm hút thuốc trong nhà, tuy nhiên tại những cửa hàng có số vốn từ 50 triệu yên trở xuống và diện tích chỗ ngồi từ 100 m2 trở xuống, nếu có biển báo được phép hút thuốc thì bạn vẫn có thể hút thuốc. Như vậy, vì có nhiều ngoại lệ nên chỉ có khoảng 45% các nhà hàng ở Nhật Bản cấm hút thuốc lá trong nhà. 55% số nhà hàng còn lại được nằm vào diện ngoại lệ và sẽ tiếp tục cho phép việc hút thuốc.
Trong khi đó, người dân vẫn được phép hút thuốc tại các quán rượu không có dịch vụ chủ yếu là phục vụ đồ ăn, nơi chỉ phục vụ rượu kèm đồ ăn nhẹ, hoặc những cửa hàng bán thuốc lá trực tiếp cho khách nhưng dịch vụ phục vụ đồ ăn không phải là dịch vụ chủ yếu, bên cạnh đó là những điểm hút thuốc lá công cộng phân bố khắp thành phố. Theo quy định, những địa điểm được phép hút thuốc này, bao gồm cả những trường hợp ngoại lệ, phải có treo biển giải thích loại hình khu vực được phép hút thuốc. Những loại biển báo này sẽ được giải thích trong phần sau.
Với tư cách là chủ nhà cho Olympic 2020, Tokyo dự định đưa ra những quy định riêng nghiêm ngặt hơn
Hướng tới tổ chức thế vận hội Olympic và Paralympic, chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe", tuy nhiên như đã đề cập, có nhiều cơ sở thuộc đối tượng ngoại lệ, và chính vì vậy mà đây vẫn chưa phải là biện pháp đủ mạnh để quản lý tình trạng hút thuốc nhằm đảm bảo đáp ứng điều kiện của một nước chủ nhà Olympic. Nhận thức được điều này, bên cạnh Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe, Tokyo đã ban hành một quy định hút thuốc riêng biệt áp dụng với tất cả các khu vực thuộc Tokyo. Đó chính là "Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo".
Pháp lệnh này nghiêm ngặt hơn so với "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe", hạn chế những trường hợp ngoại lệ được phép hút thuốc xuống còn rất ít. Ví dụ, trong "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe", những cơ sở như trường tiểu học, trung học cơ sở, trường mẫu giáo và nhà trẻ sẽ cấm hút thuốc trong khuôn viên nhưng vẫn được phép thiết lập những khu vực hút thuốc ngoài trời, nhưng theo "Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo", những cơ sở này sẽ cấm việc hút thuốc hoàn toàn và không có ngoại lệ. Điều này là do trẻ em dưới 20 tuổi đặc biệt dễ bị tổn hại về sức khỏe do khói thuốc.
Một ví dụ khác, trong "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe", người dân vẫn có thể hút thuốc tại các cửa hàng có số vốn từ 50 triệu yên trở xuống, diện tích chỗ ngồi từ 100 m2 trở xuống và có biển báo cho phép hút thuốc. Tuy nhiên, "Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo" quy định rằng những nhà hàng có thuê nhân viên sẽ phải cấm hút thuốc, chỉ những nhà hàng không có nhân viên mới được phép tự quyết định có cấm hút thuốc hay không. Theo pháp lệnh này, nhiều nhà hàng nằm vào diện áp dụng quy định cấm hút thuốc, dự kiến sẽ có khoảng 84% nhà hàng ở Tokyo cấm hút thuốc trong nhà.
Như vậy, xét thấy số lượng cơ sở thuộc đối tượng áp dụng là lớn hơn, nên có thể nói rằng "Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo" do chính quyền Tokyo ban hành nghiêm ngặt hơn so với "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe" do chính phủ ban hành.
Sự khác biệt giữa hai văn bản luật trên được giải thích dưới đây.
■Sự khác nhau giữa "Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe" và "Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo"
Điểm chung giữa hai quy định trên là đều có những hình phạt bằng tiền. Tuy nhiên, mức tiền phạt của hai quy định có sự khác biệt. Ví dụ, trong "Bản sửa đổi Luật nâng cao Sức khỏe", nếu cơ sở nào nằm trong diện cấm hút thuốc mà không thực hiện thì chủ cơ sở sẽ bị phạt 500.000 yên, cá nhân nào vi phạm quy định cấm hút thuốc sẽ bị phạt 300.000 yên. Trong khi đó, theo "Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo", cả hai đối tượng vi phạm nói trên đều phải chịu mức phạt 50.000. Cần chú ý rằng không chỉ những chủ cơ sở vi phạm quy định mà cả những cá nhân hút thuốc sai quy định cũng sẽ chịu phạt.
■ Nội dung hình phạt:
Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo:
Chủ cơ sở: 500.000 yên trở xuống; Người hút thuốc vi phạm: 300.000 trở xuống.
Bản sửa đổi Luật nâng cao Sức khỏe:
Chủ cơ sở: 50.000 yên trở xuống; Người hút thuốc vi phạm: 50.000 trở xuống.
Cách phân biệt khu vực cấm hút thuốc với khu vực được phép hút thuốc
Cả hai văn bản luật nói trên đều yêu cầu những khu vực được phép hút thuốc, bao gồm cả những trường hợp ngoại lệ, phải treo biển báo giải thích loại hình khu vực hút thuốc. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một số loại biển báo mà bạn sẽ thấy ở nhiều nơi tại Nhật Bản sau tháng 4/2020. Hãy ghi nhớ các biển báo dưới đây để xác định khu vực hút thuốc và khu vực cấm hút thuốc.
■ Biển báo tại những nơi cấm hút thuốc
■ Biển báo có phòng hút thuốc chuyên dụng
■Biển báo có phòng hút thuốc lá điện tử chuyên dụng
■ Biển báo quán rượu được phép hút thuốc
■ Biển báo khu vực hút thuốc công cộng
Lời kết
Để chào đón Thế vận hội Tokyo vào năm 2020, Nhật Bản đang khẩn trương hành động để cải thiện môi trường cũng như nỗ lực trở thành một quốc gia toàn cầu hóa hơn. Vấn đề quản lý việc hút thuốc lá nổi cộm từ lâu thì nay đã được chú ý và có những hành động cải thiện đáng kể.
Tại Nhật Bản, với nét nghĩ đặc trưng là luôn suy nghĩ tới những người xung quanh, đã có nhiều hành vi ứng xử được pháp luật hóa như việc xếp hàng tại các nhà hàng đông khách, xếp hàng khi lên tàu, mang rác về nhà vứt, v.v. thì chắc chắn việc cấm hút thuốc cũng có thể trở thành quy định nghiêm minh. Hi vọng rằng những quy định mới sẽ được nghiêm chỉnh chấp hành, góp phần to lớn vào mục tiêu đẩy lùi hút thuốc tự động và tạo ra một xã hội hạnh phúc, khỏe mạnh hơn.
Nguồn:
Tabacco Atlas: Tình hình tiêu thụ thuốc lá
Về Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động của chính quyền thành phố Tokyo (Ngày 8/6/2018)
Sổ tay dành cho những người quản lý cơ sở - Bản sửa đổi Luật Nâng cao Sức khỏe/ Pháp lệnh phòng chống hút thuốc thụ động tại Tokyo-
Danh sách biển báo "hạn chế hút thuốc thụ động" của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố