Tính cách người Nhật và những điều chưa kể: Không chấp nhận thất bại? Ý kiến của đa số luôn luôn đúng!?

Có lẽ bất kỳ ai dù đã đến Nhật hay chưa đều có ấn tượng chung về người Nhật là những người "thân thiện" và "quan tâm đến mọi người". Nói cách khác, đây chính là đặc trưng tính cách dân tộc của người Nhật đó là luôn "cố gắng hành xử một cách thân thiện nhất có thể". Trong giao tiếp, ít nhiều chúng ta cũng sẽ có những xung đột không thể tránh được, nhưng người Nhật luôn cố gắng để không xảy ra những mâu thuẫn ấy dựa trên nguyên tắc "cư xử khéo léo trong mọi hoàn cảnh" (hay còn được gọi bằng từ "tatemae"). Nói cách khác, người Nhật luôn cố gắng hành động để giữ gìn những mối quan hệ giữa người với người, tránh những rắc rối không cần thiết bằng mọi giá, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ phải nói dối. Bài viết này sẽ đề cập đến văn hóa "tatemae", bản chất thực sự của xã hội Nhật Bản, những nét tính cách "ngầm" của người Nhật mà người nước ngoài ít để ý đến dựa trên quan điểm và phân tích của một tác giả người Nhật sinh ra và lớn lên tại đây.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Người Nhật thường bị cuốn theo suy nghĩ đám đông! Nếu đa số cho là "Đúng" vậy thì nó là "Đúng"

Ở Nhật Bản, mọi người thường coi trọng mối quan hệ tập thể hơn là cá nhân. Ví dụ, trong trường hợp phải đối mặt với một tình huống nhất định, nếu đại đa số mọi người cùng phản ứng theo một hành động thì hành động đó được xem là "hành động đúng". Từ xa xưa, giáo dục Nhật Bản đã luôn đề cao hoạt động theo nhóm, vì thế những người không hành động giống như đám đông, tách rời khỏi đám đông sẽ bị gọi là "kusemono" (tạm dịch là: tên vô lại).

Nói cách khác, mặc dù thông tin sai lệch hoặc không đáng tin cậy nhưng nếu số đông cho rằng điều đó là đúng thì nghĩa là nó đúng. Đương nhiên, qua thời gian, những thông tin như thế sẽ được chọn lọc tự nhiên và chỉ còn lại những thông tin chính xác, thế nhưng vẫn có nhiều người Nhật được dạy dỗ từ nhỏ với tư tưởng rằng hành động theo đám đông là đúng đắn sẽ luôn cho rằng đa số là chính xác còn thiểu số thì không. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của sự toàn cầu hóa mà suy nghĩ này cũng dần được nhìn nhận lại nhưng khái niệm "Khác với mọi người là tốt" vẫn chưa thực sự phổ biến tại Nhật Bản.

Mặc dù vậy, cũng có một điều tuyệt vời được sinh ra nhờ suy nghĩ làm theo đám đông. Đó là sự tuân thủ các quy tắc ở nơi công cộng. Người Nhật thường sẽ xếp hàng để chờ lên tàu, họ sẽ đợi hành khách trên tàu xuống hết rồi mới lên. Ngay cả khi đi thang cuốn cũng vậy, họ luôn đứng gọn một bên và để lối đi bên còn lại cho những người đang vội có thể đi trước. Bên cạnh đó, một hình ảnh có lẽ không còn quá xa lạ ở đất nước Phù Tang đó là việc xếp hàng chờ đến lượt vào nhà hàng hay xếp hàng chờ thanh toán ở cửa hàng tiện lợi. Người Nhật luôn tuân thủ thứ tự và các quy tắc để những người xung quanh và ngay chính bản thân họ cảm thấy thoải mái nhất. Có lẽ tới đây bạn đã thấy được việc "Hành động theo đám đông" của người Nhật không chỉ có mặt tiêu cực mà cũng có cả những mặt tích cực đúng không nào? 

Thay vì nói lên suy nghĩ của bản thân thì việc làm sao để đối phương nghĩ tốt về mình mới là đức tính tốt

Người Nhật dù ở bất kì tình huống nào cũng luôn để ý đến suy nghĩ của những người xung quanh, họ luôn cố gắng làm sao để không làm phiền người khác. Họ có một thói quen kì lạ là không làm phiền người khác và muốn được người khác nghĩ tốt về bản thân mình. Trong tiếng Nhật điều này được gọi là "Tatemae" (tạm dịch là: khách sáo). Điều này nghĩa là người ta thường đề cao suy nghĩ của đối phương hơn so với suy nghĩ của bản thân, và luôn cố gắng thể hiện mình thật tốt trước đối phương ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải nói ra những điều mà bản thân bạn không hề nghĩ như vậy.

Từ trước đến nay, bản tính của người Nhật là ngại ngùng, họ có xu hướng rất khó để có thể làm thân được với người mới gặp lần đầu. Lý do là bởi họ luôn để ý đến sự khác biệt và suy nghĩ của đối phương cũng như không quá thích những mối quan hệ mở. Sau khi trò chuyện với một người mới gặp lần đầu trong bữa tiệc, đối phương sẽ ngỏ lời: "Lần sau chúng ta lại cùng đi uống tiếp nhé", phần lớn mọi người sẽ trả lời rằng "Nhất định rồi". Tuy nhiên, câu trả lời đó chưa chắc đã mang ý nghĩa như vậy. Có thể với một số người, họ cảm thấy khoảng cách đã được thu hẹp và thực sự muốn giao lưu nhiều hơn với đối phương thì họ sẽ gặp lại lần nữa, tuy nhiên đấy không phải là số đông. Họ chỉ lịch sự trả lời vậy chứ thực chất thì không hề muốn đi. Điều này không phải là họ đang nói dối đối phương - một người họ may mắn có duyên được trò chuyện vui vẻ, mà là bởi họ muốn được mọi người xung quanh nghĩ tốt về mình nên cố gắng để không gây mâu thuẫn trong tình huống đó mà thôi.

Người Nhật luôn cẩn trọng trong mọi tình huống? Lối suy nghĩ KHÔNG chấp nhận thất bại và ảnh hưởng của giáo dục cộng đồng

Ở Nhật Bản, người ta thường chia sẻ ý kiến và chuẩn bị kỹ lưỡng (đôi khi là quá mức) để mọi thứ có thể diễn ra một cách chính xác nhất. Điều này đương nhiên biến Nhật Bản trở thành một xã hội không có chỗ cho việc tha thứ với những sai lầm. Nguyên nhân của điều này là bởi trong khi giáo dục lối sống "coi trọng mối quan hệ tập thể", người ta đã vô tình tạo nên lối suy nghĩ "sợ bản thân khác với những người khác". Và điều này đã tạo nên đức tính tốt đẹp của người Nhật đó là luôn "hành động cẩn trọng".

Vậy thì ở Nhật, mỗi khi bạn mắc lỗi, chuyện gì sẽ xảy ra? Hãy cùng chúng tôi đến với một ví dụ thường nhật nhé!

Ở bất cứ đất nước nào trên thế giới, mỗi khi đi tàu xe, nếu chẳng may có va phải người khác vì xe rung lắc bất ngờ thì phần lớn mọi người sẽ nói lời "Xin lỗi" và đối phương sẽ đáp lại rằng "Không sao đâu", phải không? Thế nhưng ở Nhật thì khác. Giả sử bạn có nói lời "Xin lỗi" trong tình huống đó thì hầu như đối phương cũng sẽ chỉ im lặng, hoặc thậm chí là họ còn chép miệng không hài lòng. Có thể hiểu rằng họ đang cảm thấy không thoải mái khi mà tất cả mọi người đều đang đứng yên lại có người mất thăng bằng để rồi "lạc khỏi số đông" như thế. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy bản chất thực sự của văn hóa Nhật Bản. Đương nhiên, cũng sẽ có những người rất thoải mái nếu bạn xin lỗi, họ sẽ đáp lại rằng "Không sao đâu, đừng quá bận tâm!", hay hạn hữu lắm cũng sẽ có người phản ứng tiêu cực như tặc lưỡi với suy nghĩ rằng "người làm sai đó thật tồi tệ". Tuy nhiên, việc im lặng, không đáp lại lời xin lỗi của người lạ là thói quen thường thấy ở người Nhật.

Ở Nhật Bản, dù bạn có mắc lỗi lớn hay nhỏ thì mọi "thất bại" đều "xấu". Chính những tin đồn về tập quán không được mắc quá nhiều sai lầm mà có những người gọi Nhật Bản là "Xã hội không có cơ hội thứ hai".

Ngay cả trong công việc cũng vậy. Dù lỗi sai có lớn hay nhỏ, người Nhật cũng đều tìm hiểu kĩ xem nguyên nhân tại sao và truy cứu trách nhiệm của người mắc lỗi. Người Nhật thường có xu hướng tìm hiểu "nguyên nhân gây ra sai sót" đó hơn là hướng đến tương lai và tìm giải pháp xem "Chúng ta phải làm sao?"

Bên cạnh đó, các công ty ở Nhật khi áp dụng một mô hình kinh doanh nào đó mới thường rất dễ bị đổ bể, hoặc ngay cả khi họ có thành công đi chăng nữa thì cũng không được dư luận để ý đến bằng lúc họ gặp thất bại. Việc đánh giá kĩ lưỡng trước khi bắt đầu một công việc kinh doanh nào đó của người Nhật có khi tốn đến hàng năm trời. Chính bởi thế mà người ta thường nói xã hội Nhật là một xã hội "khó tiếp nhận những cái mới".

Con người chúng ta phải trải qua thất bại thì mới có thể trưởng thành. Cựu thủ tướng Anh - ông Winston Churchill đã từng nói “If you don’t make mistakes, you aren’t really trying.” (tạm dịch: Nếu bạn không mắc sai lầm, nghĩa là bạn chưa thực sự trải nghiệm). Thế nhưng, người Nhật vẫn luôn sống với tính cách cẩn trọng, họ luôn cho rằng "Ý kiến số đông là đúng", họ sợ thất bại bởi suy nghĩ "Nếu sai thì phải làm sao đây?", và kết quả là "họ luôn ưu tiên việc hòa hợp với những người xung quanh hơn là tích cực thể hiện bản thân", cũng như "thay vì lựa chọn cái mới, họ sẽ lựa chọn những cách làm việc thân quen, khó gặp phải thất bại hơn".

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tính độc quyền? Giá trị quan mang tính chất bảo thủ được tạo nên bởi giáo dục và cơ cấu xã hội Nhật Bản

Người Nhật thường hành động theo số đông, coi những thất bại là điều không tốt và luôn cố gắng để mọi việc đều được diễn ra một cách suôn sẻ, chính điều đó đã sinh ra lối suy nghĩ "độc quyền" và "bảo thủ" - không tiếp nhận những thứ đến từ "nước ngoài". Nói chính xác hơn là họ vẫn du nhập rất nhiều "thứ, đồ" từ nước ngoài nhưng lại "tách biệt" với "người nước ngoài".

Ví dụ tiêu biểu nhất cho "hàng ngoại" có thể kể đến là "đồ ăn". Câu chuyện du nhập đồ ăn từ các nước trên thế giới thì có lẽ ở đâu cũng có. Cũng giống như việc bạn có thể ăn mì ramen hay sushi ở các nước ngoài Nhật Bản, việc bạn có thể ăn các món Mexico, Ý, Pháp, Trung, Thái, Việt, Đài, Hàn,... ở nước ngoài là điều hết sức bình thường. Nhưng điều khác biệt ở Nhật Bản là gì? Họ sẽ tự chế ra những món ăn mang hơi hướng Nhật Bản từ những món ăn du nhập từ nước ngoài đó. Chẳng hạn như từ món bánh Taco của Mexico sẽ có cơm Taco (Taco rice); từ món trứng tráng của Pháp sẽ có món cơm trứng (omu-rice); món pizza của Ý cho thêm ngô, mayonnaise trở thành món pizza kiểu Nhật; món mì Naporitan của Nhật thực chất là mì Ý xào cùng với hành tây, ớt chuông, thịt hun khó và tương cà; món mỳ Ý "kiểu Nhật" còn sử dụng cả trứng cá mentaiko; thậm chí là cả món cơm Doria - một phiên bản Nhật của món Gratin được chế biến bằng cách cho sốt kem và phomai lên trên cơm thay cho mì nui,... Sự tiếp nhận và tính sáng tạo của người Nhật đối với những thứ đến từ nước ngoài quả thực rất thú vị. Bên cạnh đó, họ cũng đón cả những ngôn ngữ ngoại lai bằng cách biến thể chúng sang chữ Katakana, tiêu biểu là những từ tiếng Anh. Cuộc sống thường nhật của người Nhật dường như có rất nhiều cơ hội để được tiếp xúc với "văn hóa ngoại lai" như thế.

Tuy nhiên, đối với người nước ngoài thì họ lại có xu hướng tách biệt. Ví dụ cụ thể và dễ hiểu nhất ở đây có thể nói đến việc người nước ngoài nếu muốn cư trú tại Nhật đều phải trải qua những bước xét duyệt nghiêm ngặt. Có rất nhiều những khu nhà mà cho dù bạn là ai, làm công việc gì, tính cách thế nào thì bạn cũng sẽ bị "từ chối" vì đơn giản "bạn là người nước ngoài". Tất nhiên, Nhật Bản có nhiều quy định riêng so với các quốc gia khác trên thế giới, cũng có những người không tuân theo những quy định chỉ có tại đất nước này, thế nhưng chúng ta không thể phủ định rằng về cơ bản có rất nhiều những căn hộ ở Nhật không cho người nước ngoài thuê, hoặc họ sẽ bị từ chối với lý do "là người nước ngoài" dù đã trải qua rất nhiều bước xét duyệt xem có được vào ở hay không.

Những điều trên còn ảnh hưởng cả tới khách du lịch nước ngoài khi đến Nhật Bản. Có không ít những trường hợp nhân viên của các nhà hàng Nhật Bản hay các nhà hàng đồ ăn Trung Hoa từ chối tiếp khách nước ngoài với những lý do như "Chúng tôi không thể tiếp khách bằng tiếng nước ngoài" hay "Ở đây chúng tôi không nói ngôn ngữ của bạn". Mặc dù số lượng cửa hàng ở Nhật Bản ngày càng tăng lên nhưng có rất nhiều cửa hàng vẫn giữ nguyên phong cách kinh doanh từ xa xưa. Có lẽ điều này chính là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc tiếp khách ngoại quốc. Ngoài lý do "không thể tiếp khách bằng tiếng nước ngoài", họ còn nói rằng "Chúng tôi không có thời gian để tiếp những vị khách lạ", hay "Chúng tôi có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn nhờ từ những vị khách quen". Bên cạnh đó, còn có không ít người Nhật thể hiện thái độ không thoải mái đối với người nước ngoài không tuân thủ những quy tắc hay cách hành xử khi đi tàu xe, khi dùng đũa,... ở Nhật Bản. Thậm chí, ngay cả khi những người nước ngoài đó không hề biết về những quy định đó.

Nếu như ngày nay, việc có thêm người nước ngoài được cho là rất tốt khi tạo nên áp lực bên ngoài, phần nào xóa bỏ đi sự những áp lực đồng điệu hay những quan niệm bảo thủ đặc trưng của người Nhật. Thế nhưng, người Nhật lại không nghĩ vậy. Họ cảm nhận được mối nguy hại khi người nước ngoài đến Nhật Bản, với suy nghĩ "Đừng thay đổi cách làm của chúng tôi", họ luôn nhấn mạnh việc "Những ai không tuân thủ quy định mà người Nhật đang thực hiện (những người không làm theo tập thể) đều là không đúng".

Klook.com

Tổng kết

Nhật Bản có rất nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, đặc biệt là những tài sản văn hóa hiện đại với công nghệ mới nhất đang dẫn đầu xu hướng thế giới. Điều này khiến đất nước mặt trời mọc mang một sức quyến rũ không thể chối cãi. Thế nhưng, trong thời kì toàn cầu hóa như hiện nay, Nhật Bản có lẽ vẫn đi chậm hơn so với nhiều quốc gia về khả năng giao tiếp hay cách ứng xử với du khách nước ngoài đến đây. Là một quốc gia có nhiều tài nguyên du lịch từ xa xưa cho đến hiện đại, Nhật Bản cần tiếp nhận những ý kiến đa chiều, tích cực thay đổi lối suy nghĩ, thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như tiếp nhận sự đa dạng, đa chiều để có thể phát huy những truyền thống văn hóa vốn có. Chỉ có như vậy Nhật Bản mới có thể trở nên đẹp hơn, an toàn hơn trong mắt thế giới.

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang FacebookTwitter hoặc Instagram của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Keisuke
Keisuke Tsunekawa
Sở thích của tôi là thỉnh thoảng được rời xa cuộc sống đô thị ở Tokyo, đi khám phá những điều chưa biết ở một đất nước khác.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng