Trải nghiệm làm mì ramen và đồ mộc trong khung cảnh thiên nhiên rộng lớn của Aizu, Fukushima
Tỉnh Fukushima nằm ở phía Nam vùng Tohoku của Nhật Bản. Khu vực Aizu được giới thiệu sau đây là ở phía Tây tỉnh Fukushima. Aizu từng được xây dựng làm bối cảnh cho nhiều bộ phim cổ trang, bởi nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa cùng các món ăn đặc sản địa phương thơm ngon đến từ khắp các vùng trong thành phố. Lần này, các biên tập viên của tsunagu Japan đã cùng với hướng dẫn viên du lịch tham gia trải nghiệm nấu ăn, các hoạt động văn hóa để hiểu thêm về những khía cạnh khác của Fukushima. Bạn sẽ biết thêm những địa điểm tham quan thú vị, những món ăn đêm độc đáo hay được thử tự làm mì Kitakata ramen - một trong ba loại mì ramen nổi tiếng nhất ở Nhật Bản. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ là gợi ý hữu ích cho hành trình khám phá Aizu sắp tới của bạn!
*This article was sponsored by the Fukushima Prefecture Tourism & Local Products Association.
Đặc điểm tự nhiên của Fukushima
Đặc điểm tự nhiên
Tỉnh Fukushima nằm ở cực Nam của vùng Tohoku và là tỉnh lớn thứ ba ở Nhật Bản. Dãy núi chạy từ Bắc xuống Nam chia tỉnh thành 3 khu vực là Nakadori, Aizu và Hamadori. Ngoài yếu tố địa hình, ba khu vực này còn khác nhau về khí hậu, kinh tế, văn hóa, phương ngữ và đặc điểm tự nhiên. Khu vực Aizu tập trung nhiều địa danh nổi tiếng như hồ Inawashiro, cao nguyên Bandai, Ouchi-juku, lâu đài Tsuruga,... Đặc trưng của khí hậu ở Fukushima là sự chênh lệch nhiệt độ lớn, giao động trong khoảng -4°C ~ 29°C tùy khu vực. Khu vực Nakadori nóng vào mùa hè và ít tuyết vào mùa đông, trong khi đó Aizu thì có nhiều tuyết và cảnh sắc tuyệt đẹp vào mùa đông. Còn khu vực Hamadori có thời tiết dễ chịu hơn so với hai nơi còn lại.
Ẩm thực ở Fukushima cũng rất phong phú. Các loại hoa quả như đào, lê, cherry, táo… được thu hoạch quanh năm. Ngoài ra, nhờ sự ưu đãi của tự nhiên, đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào khiến cho gạo và rượu sake trở thành đặc sản chính của vùng này. Một món đặc sản khác cũng không thể không nhắc đến của Fukushima đó là món mì ramen Kitakata Aizu nổi tiếng có nước dùng làm từ nước hầm tương được coi là một trong 3 loại mì ramen nổi tiếng nhất ở Nhật Bản cùng với Sapporo ramen và Hakata ramen.
Cách di chuyển đến Aizu
Tỉnh Fukushima là tỉnh thuộc khu vực Tohoku gần Tokyo nhất, nên bạn có thể sử dụng phương tiện công cộng để đến Aizu từ Tokyo. Sau đây là một số cách thức phổ biến để di chuyển từ Tokyo đến ga Aizu Wakamatsu - trung tâm của Aizu.
<Di chuyển bằng Shinkansen>
Ga Tokyo (tàu Tohoku Shinkansen, thời gian khoảng 1 giờ 22 phút) → Ga Koriyama (Tuyến tàu nhanh Ban-Etsusai, thời gian khoảng 1 giờ 5 phút) → Ga Aizu Wakamatsu
<Di chuyển bằng các tuyến tàu điện cũ>
Ga Asakusa (Đường sắt Yagan tuyến Aizu Kinugawa, thời gian khoảng 3 giờ 11 phút) → Aizu Kogen Ozeguchi (Đường sắt Aizu tuyến tàu nhanh kaisoku, thời gian khoảng 1 giờ 12 phút) → Ga Aizu Wakamatsu
<Di chuyển bằng xe buýt cao tốc>
Ga Shinjuku (Trạm xe buýt Cao tốc Shinjuku, thời gian 35 phút) → Ga Oji (thời gian 3 giờ 45 phút) → Ga Aizu Wakamatsu
Tham quan ngắm cảnh Aizu từ taxi Minami-Aizu
Minami-Aizu Shuttle Taxi là loại hình xe taxi tham quan địa phương ở Aizu, Fukushima giúp mọi người chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của Minami-Aizu, những điều mà thậm chí ngay cả người dân Fukushima cũng có thể chưa biết đến. Xe khởi hành từ ga Aizu Tajima hoặc các điểm khác trong Minami-Aizu, và đưa bạn đến các điểm du lịch của Minami-Aizu trong 3-4 giờ. Hoặc bạn cũng có thể yêu cầu một điểm đến cụ thể nào đó ở Minami-Aizu. Và tiếp theo là những thắng cảnh mà hướng dẫn viên đã giới thiệu cho chúng tôi khi di chuyển bằng xe taxi tham quan này.
Nông trại táo (Akairingo-en)
Người lái taxi hôm nay là một phụ nữ hiền lành và cô đã kể cho chúng tôi rất nhiều câu chuyện về vùng đất này trên đường đến điểm dừng chân đầu tiên - Nông trại táo Akairingo-en. Nói về vùng trồng táo ở Nhật Bản, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tỉnh Aomori, nhưng Fukushima cũng là một trong những nơi chuyên trồng táo ở Nhật Bản với sản lượng xếp thứ 4 cả nước.
Một trong những ưu điểm của chuyến du lịch có hướng dẫn viên với số lượng tương đối ít khách du lịch là bạn sẽ dễ dàng thân thiết với người hướng dẫn và yên tâm tận hưởng chuyến đi. Bạn cũng sẽ nhận được phản hồi cho những thắc mắc dù là rất nhỏ hoặc hỗ trợ chụp ảnh.
Người hướng dẫn vừa cho chúng tôi xem tài liệu vừa kể rất chi tiết các câu chuyện. Qua đó, tôi hiểu rằng chính nhờ đặc điểm khí hậu chênh lệch nhiệt độ lớn ở Fukushima giúp táo ngon hơn, và tôi đã biết cách lựa chọn táo ngon…
Tiếc là tôi không thể hái táo, nhưng tôi cũng kịp mua một chút táo tươi với mức giá phải chăng và tiếp tục di chuyển đến địa điểm tiếp theo.
Cây bạch quả 800 năm tuổi (Cây bạch quả khổng lồ)
Thời tiết ở Minami Fukushima vào cuối tháng 10 khá đẹp, nhưng hơi se lạnh, và bạn cũng có thể nhìn thấy tuyết phủ trên đỉnh núi. Lúc này cũng là thời điểm lá cây bắt đầu đổi màu, và khi tôi đang say sưa với những tán lá thu bên ngoài cửa sổ xe taxi thì đã đến điểm tiếp theo – cây bạch quả cổ thụ ở Furumachi.
Trước mặt tôi là một cây bạch quả với tán lá rộng hơn 800 năm tuổi sừng sững giữa sân của trường tiểu học Inami.
Cây bạch quả này đang được quản lý như một di tích tự nhiên của tỉnh Fukushima, và được biết đến như một địa điểm linh thiêng ở khu vực. Tuy đã hơn 800 năm tuổi, lá cây vẫn còn màu xanh và chứng tỏ còn nhiều sức sống hơn so với những cây bạch quả có lá đã nhuộm vàng. Khi ngắm cây, bạn có thể một lần nữa cảm nhận thấy cuộc sống của con người ngắn ngủi như thế nào so với cây cối. Sau một chút hoài niệm trong sân chơi trường tiểu học cũ, chúng tôi đi đến địa điểm tiếp theo.
Bãi đá Byobu-iwa
Điểm đến tiếp theo sau khi di chuyển khoảng 20 phút bằng taxi là bãi đá Byobu-iwa - một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Minami-Aizu. Bãi đá này được hình thành sau rất nhiều năm do sự xói mòn của dòng nước trong thung lũng chảy vào sông Ina. Bạn sẽ thấy nhiều tảng đá với hình thù kì lạ ở bãi đá này.
Tại Byobu-iwa có nhiều vị trí đẹp để ngắm cảnh, và chúng tôi đã chọn một nơi để dừng chân nghỉ ngơi, ăn táo hái từ vườn cây ăn quả và thưởng thức phong cảnh trong khi chụp một số bức ảnh. Khung cảnh đẹp đến mức tôi dường như bị cuốn vào đó và quên hết mọi thứ xung quanh cho đến khi nhận ra thì đã đến lúc cả đoàn phải di chuyển đến một địa điểm khác. Dường như thế giới ngừng chuyển động khi chúng ta đắm mình trong khung cảnh ngoạn mục được đan xen bởi những chiếc lá đầy màu sắc, bầu trời xanh, những tảng đá trắng với hình thù kỳ lạ và làn nước trong vắt.
Trải nghiệm làm mộc (Kijinosato Club)
Phần thú vị nhất của chuyến tham quan bằng taxi Minami-Aizu là trải nghiệm chế tạo các vật dụng và cốc bằng gỗ cùng nghệ nhân làm mộc. Tại đây, bạn sẽ được hướng dẫn trực tiếp bởi một thợ thủ công chuyên nghiệp để tự làm vật dụng bằng gỗ cho riêng mình.
Để làm ra sản phẩm bạn phải cầm những thân cây gỗ đưa vào máy quay đang hoạt động, sau đó sử dụng các đồ vật sắc nhọn để tạo hình cho sản phẩm. Công đoạn này có lẽ hơi phức tạp và nguy hiểm, nhưng với sự hướng dẫn của người thợ mộc chuyên nghiệp và tốt bụng, chúng tôi đã tạo ra những món đồ thủ công bằng gỗ của riêng mình một cách an toàn và thành công!
Sau khi cắt gỗ và mài nhẵn mịn bề mặt, bạn thoa men lên là hoàn thành sản phẩm! Thành phẩm hoàn hảo đến mức tôi tự hỏi liệu đó có phải là thứ do tôi làm ra nữa hay không. Đây thực sự là món quà lưu niệm hoàn hảo cho chuyến đi này và tôi sẽ giữ gìn nó như một thứ gợi nhắc tôi nhớ về Fukushima.
Trải nghiệm làm đồ mộc này thực sự là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Nếu bạn đang tìm một hoạt động mới lạ và độc đáo cho chuyến đi của mình vậy sao không thử tham gia hoạt động thú vị này?
Trang trại hình chữ L Maezawa (Maezawa Magariya Shuraku)
Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là ngôi làng Maezawa. Trong khi khu phố trọ cổ Ouchijuku được biết đến là địa danh du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh với không gian và bầu không khí cổ kính vẫn được bảo tồn từ xa xưa, thì Maezawa Magariya Shuraku lại được biết đến như một ngôi làng cổ kính mà người dân địa phương vẫn sinh sống cho đến ngày nay. Địa điểm này cũng được công nhận là “Khu Bảo tồn các công trình kiến trúc truyền thống quan trọng" của quốc gia.
Ở đây, bạn sẽ được trông thấy hình ảnh thôn quê bình yên mà gần gũi với guồng quay nước bằng sức gió tự nhiên, phát ra âm thanh của tiếng giã chày; cánh đồng lúa mì đã thu hoạch xong vụ thu; một ngôi đền ẩn mình trong vách núi gần đó; hay một ngôi nhà có khói tỏa ra bởi thiết bị sưởi ấm kiểu cũ “irori”,... Những thứ đó làm tôi chợt cảm thấy lạ lẫm như đang ở một đất nước hoàn toàn khác vậy.
Bạn sẽ có cơ hội hiểu hơn về cuộc sống của người dân địa phương tại đây thông qua việc quan sát các hoạt động thường ngày của họ như làm ruộng, phơi nấm và những cuộc trò chuyện của người dân với nhau.
Sau khi đi một vòng quanh làng, bạn đừng quên thưởng thức suất mì soba làm từ chính lúa mì soba trồng tại làng ở quán soba truyền thống "Kakuya" ở ngay cổng làng nhé.
Khám phá Tour ẩm thực truyền thống ban đêm tại Aizu Wakamatsu
Thành phố Aizu Wakamatsu vốn là một thị trấn lâu đài bao quanh lâu đài Tsuruga ở khu vực Aizu rất phát triển trong thời kỳ Edo. Cho đến nay, nơi đây vẫn lưu giữ được những khu phố cổ kính được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của nhà kho. Ngoài ra, trong thành phố cũng có rất nhiều cửa hàng ăn uống phục vụ các món ăn địa phương được người dân địa phương yêu thích từ xưa đến nay.
Chúng tôi đã tham gia "Tour ẩm thực truyền thống ban đêm tại Aizu Wakamatsu" với hướng dẫn viên bản địa ở khu vực Nanokamachi thuộc Aizu Wakamatsu, và được thưởng thức rất nhiều món ăn ngon. Sau đây sẽ là những hình ảnh thực tế các quán ăn mà chúng tôi đã ghé thăm.
Shibukawadon-ya
Bạn có biết từ "Taisho Roman" không? Đó là từ nói về thời đại Taisho trong khoảng thời gian ngắn giữa thời Minh Trị và thời Showa ở Nhật Bản từ năm 1912 đến năm 1926. Đây là giai đoạn ổn định về xã hội và là thời kỳ mà chủ nghĩa lãng mạn lên ngôi khi các văn hóa phẩm và phong cách phương Tây được nhiều người dân đón nhận. Ở Aizu Wakamatsu, có rất nhiều công trình kiến trúc và cửa hàng mang phong cách phương Tây gợi nhớ đến thời “Taisho Roman” và quán Shibukawadon-ya chính là một nơi như thế.
Theo giải thích của hướng dẫn viên, khu vực Aizu cách xa biển nên cá ở đây rất quý. Vì vậy, phương pháp chế biến phổ biến thời đó hầm với nguyên liệu chính là cá trích khô - một loại thực phẩm dự trữ khi đó. Tại quán Shibukawadon-ya, chúng tôi cũng đã được thưởng thức món cá trích ninh nhừ. Ngoài ra, còn có rượu và các món ăn địa phương truyền thống mà các võ sĩ và người dân địa phương thường ăn xưa kia. Món nào cũng rất ngon nhưng hành trình tiếp theo còn 2 quán ăn nữa, nên tôi không thể ăn quá nhiều.
Rakutenka
Khác với vùng đồng bằng Tokyo thường không có đồi núi lớn, Aizu được bao quanh bởi các dãy núi và thiên nhiên trù phú. Rượu sake ở đây được ủ bằng nguồn nước tinh khiết chảy ra từ núi cũng được yêu thích trên khắp cả nước.
Rakutenka là một quán rượu, phục vụ các món ăn địa phương như sashimi ngựa nổi tiếng, rượu sake. Aizu xếp thứ hai ở Nhật Bản về sản xuất và tiêu thụ sashimi ngựa. Đây sẽ là món ăn bạn khó có thể thưởng thức nếu đến du lịch ở các vùng khác.
Phòng lớn ở tầng 2 có không gian giống như ở nhà hơn là một quán rượu thông thường. Tôi vô cùng ấn tượng với kiểu nhà truyền thống và phong cách nội thất được bài trí như phòng sinh hoạt gia đình này và cảm thấy rất thoải mái.
Thực đơn hôm nay là rượu sake nổi tiếng của Aizu "Hiroki" và sashimi ngựa tươi, được cho là khó tìm thấy ở các siêu thị và cửa hàng thông thường. Sashimi ngựa mềm nhưng vẫn có độ giòn, rất tuyệt vời khi kết hợp với rượu sake. Ngoài ra, Aizu còn nổi tiếng là nơi sản xuất đồ sơn mài truyền thống được gọi là “Aizu-nuri”. Tại quán ăn này, bạn sẽ được thưởng thức rượu sake bằng những chiếc cốc sơn mài Aizu-nuri sáng chói tuyệt đẹp!
Kohikan Kura
Cá nhân tôi không phải là người ăn nhiều nên tôi không thích ăn buffe, tiệc tăng hai, tiệc tăng ba; nhưng hôm nay với bầu không khí này, tôi lại muốn thưởng thức thêm nhiều món ăn ngon nữa. Và địa điểm cuối cùng trong chuyến hành trình khám phá ẩm thực Aizu của chúng tôi là quán cà phê nổi tiếng “Kohikan Kura”.
Bên trong quán ngoài bức tượng Phật rất lớn, còn có đủ các phụ kiện và đồ trang trí khác nhau, tất cả đều toát lên bầu không khí rất độc đáo và đặc trưng của Nhật Bản. Tôi cảm thấy như mình đang ở trong một viện bảo tàng nhỏ vậy.
Nghe nói quán cà phê này vốn được dùng làm nhà kho vào thời Minh Trị (1868-1912) giai đoạn trước thời Taisho. Không gian quán mang âm hưởng retro và món bánh ngọt ở đây rất ngon. Bạn có thể đến một mình nếu muốn tìm không gian riêng cho bản thân hoặc đi cùng người yêu.
Thử thách làm mì Kitakata ramen
Nhật Bản là thiên đường của các loại mì, và một trong số đó không thể không nhắc đến là món mì ramen. Vậy bạn có biết tên của 3 loại mì ramen nổi tiếng nhất ở Nhật Bản không? Đó chính là Hakata ramen, Sapporo ramen và Kitakata ramen. Quê hương của món ramen Kitakata này là thành phố Kitakata, nằm ở phía Bắc vùng Aizu thuộc tỉnh Fukushima. Sợi mì ramen dẻo và có độ dày vừa phải kết hợp với nước dùng có vị nước tương, ninh từ xương heo và hải sản, mang đến hương vị thanh nhẹ và vô cùng dễ ăn.
"Trải nghiệm làm Kitakata Ramen" mà chúng tôi tham gia lần này rất thú vị, mà bất kỳ ai cũng có thể làm và nếm thử Kitakata ramen. Địa điểm thực hiện thử thách là "Oguni Exchange Town", trước đây là một trường tiểu học.
Đầu bếp ramen ở địa phương sẽ hướng dẫn bạn cách chế biến một bát mì ramen hoàn chỉnh từ cách nấu nước dùng, làm nhân mì, cho đến cách làm sợi mì để bạn vừa nghe vừa thực hiện toàn bộ quy trình. Trước đây, thành phố Kitakata từng có nhiều quán ramen, và tỉ lệ số lượng quán ramen so với dân số là lớn nhất ở Nhật Bản. Người ta còn nói rằng số lượng quán ramen tại đây còn nhiều hơn số lượng các cửa hàng tiện lợi. Vậy còn gì tuyệt vời hơn khi được trải nghiệm làm mì ramen tại một nơi như vậy.
Thông thường, nước dùng của mì Kitakata ramen phải mất từ 4-5 tiếng để nấu, nhưng chương trình trải nghiệm này chỉ diễn ra trong khoảng 2 tiếng. Tranh thủ trong lúc chờ hầm xương lợn và các nguyên liệu khác, chúng tôi tản bộ trên con dốc tình nhân và trong làng, ngắm khung cảnh của vùng nông thôn Nhật Bản.
Cuối cùng thì bát mì ramen của tôi đã hoàn thành. Nhân mì là thịt xá xíu, măng khô, hành baro, chả cá,... Người tham gia trải nghiệm sẽ được tự tay thái miếng thịt xá xíu mỏng để đặt lên tô mì. Tuy cùng được làm từ xương lợn, nhưng nước dùng được thêm tương sẽ có vị ngọt và mặn đúng kiểu ramen Nhật, khác hẳn với Hakata ramen. Đây chắc chắn là một trải nghiệm thú vị mà bạn nhất định phải tham gia khi đến đây.
Lời kết
Bạn thấy sao về hành trình du lịch này? Là tỉnh thuộc vùng Tohoku gần Tokyo nhất, Fukushima đang trở thành điểm đến thân quen với nhiều khách du lịch, nhưng Aizu hẳn vẫn còn nhiều địa điểm mà bạn chưa biết đến. Đặc biệt với các du khách nước ngoài, trải nghiệm tham quan bằng taxi cùng với hướng dẫn viên địa phương chắc chắn sẽ khiến bạn thích thú. Chúng tôi hi vọng thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn lên kế hoạch khám phá chi tiết hơn về khu vực Aizu ở tỉnh Fukushima.
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố