Tất cả những điều bạn cần biết về thanh toán không tiền mặt và chính sách hoàn tiền bằng điểm thưởng ở Nhật
Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% kể từ ngày 1/10/2019. Tuy nhiên, có lẽ để làm yên lòng người dân và cũng là một cách để thúc đẩy chi tiêu trong nước, Chính phủ thực hiện chính sách hoàn tiền bằng điểm thưởng cho người tiêu dùng nếu họ sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt kể từ ngày 1/10/2019 đến tháng 30/6/2020. Vậy cụ thể cơ chế này là như thế nào? Cùng đọc bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích nhé.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
1. Phương thức thanh toán không tiền mặt (cashless) và chính sách hoàn tiền bằng điểm thưởng?
Đúng như tên gọi của nó, bạn có thể hiểu đơn giản đây là hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Thay vào đó bạn sẽ sử dụng thẻ tín dụng, các ứng dụng thanh toán bằng mã QR trên điện thoại thông minh,... để thanh toán. Hình thức này có lẽ không phải là điều xa lạ ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới khi cả thế giới đang hướng đến việc xây dựng một xã hội không tiền mặt, nhưng ở Nhật thì nó chưa thực sự phổ biến.
Có lẽ chính vì điều đó mà Chính phủ Nhật Bản đã đề ra chính sách hoàn tiền bằng điểm thưởng khi sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt. Một mặt đây là cơ chế nằm trong chiến lược xây dựng một xã hội không tiền mặt của chính phủ Nhật Bản, mặt khác Chính phủ thực hiện chính sách này để nắm được doanh thu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó có thể thu hồi lại toàn bộ số tiền thuế.
Cơ chế này được áp dụng từ ngày 1/10/2019 đến tháng 6/2020, trong khoảng thời gian này bạn sẽ được hoàn trả 2% từ các đại lý lớn và 5% từ các cửa hàng nhỏ và vừa khi thanh toán cashless. Tuy nhiên sẽ có sự khác nhau về số tiền được hoàn trả đối với từng hình thức thanh toán.
Những cửa hàng áp dụng chính sách này sẽ có biểu tượng Cashless ở trước cửa hàng (như hình dưới). Bạn có thể tìm kiếm các cửa hàng này tại đây
2. Phân biệt các hình thức thanh toán không tiền mặt ở Nhật
Có thể phân các hình thức thanh toán này thành 3 nhóm:
Thẻ tín dụng (credit card) hoặc thẻ ghi nợ (debit card)
Hình thức này có lẽ không còn xa lạ với nhiều người, vì nó được áp dụng ở khá nhiều nước và đặc biệt là hình thức thanh toán phổ biến với những người hay đi du lịch nước ngoài.
Một số loại thẻ tín dụng bạn có thể thanh toán khi đi du lịch ở Nhật như: VISA, MasterCard, JCB, American Express, Diners.
Ngoài ra, nếu là người đang sinh sống tại đây bạn có thể thanh toán bằng một số loại thẻ khác.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý không phải tất cả các thẻ tín dụng đều áp dụng chính sách hoàn lại tiền này. Tùy mỗi cửa hàng sẽ quy định loại thẻ khác nhau, cũng như cùng một ngân hàng phát hành thẻ, nhưng sẽ có thẻ được hoàn tiền, có thẻ không. Bạn nên tìm hiểu trước thông tin này để tránh nhầm lẫn.
Mã QR
Đây là hình thức thanh toán mà bạn sử dụng các ứng dụng cài đặt trên điện thoại và thanh toán bằng cách đọc mã QR hiển thị trên màn hình. Đối với hình thức này cũng được chia thành các loại khác nhau:
- Trường hợp thanh toán trả trước:
Đối với loại này, bạn cần phải liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc mua thẻ nạp tiền được bán ở combini để nạp tiền vào ứng dụng. Ưu điểm của hình thức này là bạn có thể quản lý chi tiêu một cách khoa học. Một số ứng dụng thanh toán phổ biến: LINE Pay, PayPay, pring, d払い,...
- Trường hợp thanh toán ngay lập tức hoặc thanh toán trả sau:
Số tiền thanh toán về cơ bản sẽ được rút từ thẻ tín dụng đã đăng ký. Hình thức này khá giống với việc bạn thanh toán bằng thẻ tín dụng (credit card) hoặc thẻ ghi nợ (debit card). Một số ứng dụng thanh toán phổ biến: ORIGAMI Pay, d払い,...
Thẻ thanh toán điện tử
Ngoài 2 hình thức thanh toán trên, còn 1 hình thức thanh toán nữa cũng giúp bạn tiết kiệm chi phí sinh hoạt khi ở Nhật, đó là hình thức thanh toán điện tử, mà phổ biến nhất là thanh toán bằng thẻ IC đi tàu (Pasmo, Suica). Hình thức thanh toán này cũng được chia ra nhiều kiểu như trả trước, thanh toán ngay lập tức và thanh toán trả sau. Hình thức thanh toán trả trước có thể kể đến như Suica, Rakuten Edy, nanaco, WAON, Kyash,... Và một vài hình thức thanh toán trả sau như iD・QUICPay.
Đối với thẻ đi tàu bạn chỉ cần nạp tiền vào thẻ tại các nhà ga, đăng kí hệ thống tích điểm và sau đó sử dụng chúng khi thanh toán. Ngoài ra thì có một số loại thẻ như Rakuten Edy, nanaco bạn có thể mua chúng ở các cửa hàng tiện lợi.
3. Một vài hình thức thanh toán phổ biến và các chương trình tích điểm
LINE Pay
LINE Pay là ứng dụng thanh toán bằng mã QR của ứng dụng liên lạc LINE. Bạn chỉ cần sở hữu tài khoản LINE là có thể đăng ký LINE Pay qua một vài bước rất đơn giản. LINE Pay hiện chỉ hỗ trợ trả sau, do đó bạn chỉ cần liên kết với tài khoản ngân hàng và nạp tiền vào là có thể tiến hành thanh toán.
Khi thanh toán bằng mã QR của LINE Pay bạn sẽ được hoàn lại từ 0,5%~2% trên tổng số tiền thanh toán.
Ngoài ra, LINE Pay cũng đang áp dụng dịch vụ “My color” (màu thẻ LINE), nghĩa là số tiền được hoàn trả của bạn sẽ thay đổi dựa trên số tiền thực tế bạn sử dụng tháng trước. Cụ thể như sau:
-
Thẻ màu trắng: tối đa 10,000 yên, hoàn lại 0,5%
-
Thẻ màu đỏ: từ 10,000 yên - 50,000 yên, hoàn lại 0,8%
-
Thẻ màu xanh: từ 50,000 yên - 10,000 yên, hoàn lại 1,%
-
Thẻ màu xám: trên 10,000 yên, hoàn lại 2%
Như vậy nếu bạn sử dụng triệt để việc thanh toán bằng LINE Pay bạn sẽ có cơ hội tích được rất nhiều điểm và số điểm này sẽ được quy đổi ngay khi thanh toán.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ 18/10 đến 31/10 LINE Pay sẽ có chiến dịch hoàn lại tối đa 12% số tiền thanh toán cho tất cả các đối tượng tiến hành thanh toán qua ứng dụng này.
▼Tham khảo thông tin về các cửa hàng hỗ trợ thanh toán LINE Pay tại đây.
PayPay
PayPay cũng là ứng dụng thanh toán bằng mã QR trên điện thoại của hãng Softbank kết hợp với Yahoo. Tuy nhiên, điểm khác với LINE Pay là ứng dụng này hỗ trợ cả thanh toán trả trước và trả sau. Để đăng ký PayPay bạn chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại và thiết lập tài khoản.
Hiện có 2 phương thức để nạp tiền vào PayPay, một là kết nối với tài khoản ngân hàng, hai là kết nối với thẻ tín dụng. Tuy nhiên, một điểm trừ của ứng dụng này là số lượng ngân hàng có thể liên kết khá hạn chế (*ví dụ như hiện tại hệ thống này chưa hỗ trợ liên kết với ngân hàng MUFJ), và nếu không tìm thấy ngân hàng tương thích bạn buộc phải tạo lập thẻ tín dụng Yahoo card và liên kết qua tài khoản đó.
Số tiền được hoàn trả khi sử dụng ứng dụng là 1,5% trên tổng số tiền thanh toán.
So với LINE Pay thì có vẻ số lượng cửa hàng hỗ trợ thanh toán bằng PayPay nhiều hơn và bạn sẽ gặp rất nhiều biển quảng cáo có khi dòng chữ “PayPay使えます”. Tại những địa điểm này bạn có thể sử dụng PayPay để thanh toán.
Từ 1/10/2019 đến 30/11/2019, khi thanh toán bằng PayPay tại các cửa hàng áp dụng hoàn trả 5% bạn sẽ được cộng thêm 5% điểm PayPay, như vậy tổng cộng bạn sẽ được hoàn trả 10% trên tổng số tiền thanh toán.
Một vài cửa hàng hỗ trợ thanh toán PayPay: 7-eleven, Lawson, Family Mart, Ministop, Daiso, Bic Camera, Kojima, EDION, Cửa hàng thuốc Welcia,...
▼Tìm hiểu thông tin ứng dụng, tải về cũng như tham khảo các chương trình khuyến mãi tại đây (chỉ có tiếng Nhật).
Rakuten Pay
Rakuten Pay là một ứng dụng thanh toán được vận hành bởi Rakuten Group, tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ đa dạng như mua sắm online, điện thoại giá rẻ, ngân hàng. Ứng dụng này cũng cho phép bạn thanh toán bằng hai hình thức trả trước và trả sau bằng cách liên kết với thẻ tín dụng. Bạn có thể kết nối với thẻ tín dụng của Rakuten hoặc với thẻ tín dụng của các ngân hàng khác. Những loại thẻ có thể đăng ký trên Rakuten Pay là VISA, MasterCard. Ngoài ra, ứng dụng này còn có chức năng cho phép bạn tự động thanh toán bằng điểm tích lũy Rakuten.
Hiện tại có khá nhiều cửa hàng cho phép thanh toán bằng ứng dụng Rakuten như các cửa hàng tiện lơi 7-eleven hay Family Mart, cửa hàng thuốc, nhà sách và đặc biệt sẽ rất tiện lợi khi bạn là tín đồ của việc mua sắm online.
Đặc biệt trong thời gian từ 1/10/2019 đến 2/12/2019, khi thanh toán bằng ứng dụng này ở bất kỳ cửa hàng nào (kể cả những cửa hàng không thực hiện chính sách hoàn trả) bạn cũng sẽ được hoàn lại 5% số tiền thanh toán. Tuy nhiên, để có thể nhận được 5% này bạn cần phải đăng ký thông tin cá nhân. Bạn có thể tiến hành đăng ký tại đây
▼Tìm hiểu thông tin về ứng dụng và tải về tại đây (chỉ có tiếng Nhật)
d払い
d払い là ứng dụng thanh toán được cung cấp bởi tập đoàn viễn thông docomo. Để đăng ký ứng dụng bạn chỉ cần tải về và sau đó thiết lập tài khoản (bạn bắt buộc phải có tài khoản d thì mới có thể đăng ký được d払い). Sau khi đăng ký tài khoản xong bạn chọn loại thẻ credit card và nhập thông tin.
Đặc biệt nếu bạn đang sử dụng dịch vụ điện thoại của NTT docomo, bạn có thể quy đổi số điểm tích lũy này thành tiền và trừ luôn vào tiền điện thoại hàng tháng.
Tính đến tháng 4/2018 cả nước có 1700 cửa hàng hỗ trợ thanh toán bắng d払い. Bạn cũng có thể dùng ứng dụng này để tiến hành thanh toán trên Amazon. Thật tiện lợi đúng không nào?
Đặc biệt trong khoảng thời gian từ 14/9/2019 đến ngày 14/10/2019, hãng này đang áp dụng chiến dịch hoàn trả tối đa 20% số tiền thanh toán cho những đối tượng thanh toán bằng d払い. Điều này có thể hiểu là khi bạn sử dụng ứng dụng này và tiến hành thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven, Famaly Mart hay Lawson, ngoài việc được hoàn trả 2% ngay tại thời điểm thanh toán, bạn còn được tích lũy thêm 20% điểm point vào thẻ d-point.
▼Tìm hiểu về thông tin ứng dụng và tải về tại đây (chỉ có tiếng Nhật)
Thẻ đi tàu (Pasmo hoặc Suica)
Một phương thức thanh toán đơn giản nữa các bạn cũng có thể áp dụng để được hoàn lại tiền đó là thanh toán bằng thẻ đi tàu (IC card). Cách thức để có thể được hoàn lại tiền là bạn đăng ký dịch vụ thẻ point của từng loại thẻ Pasmo hoặc Suica. Bạn vừa có cơ hội nhận lại tiền khi sử dụng thẻ để thanh toán, vừa có thể tích lũy point khi nạp tiền vào thẻ.
Sau khi đọc bài viết này bạn đã phần nào hiểu hơn về phương thức thanh toán không tiền mặt ở Nhật rồi chứ. Mỗi hình thức thanh toán lại có những điểm tiện lợi và hạn chế riêng, tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi cá nhân mà bạn có thể lựa chọn một hoặc nhiều phương thức thanh toán tương thích. Hãy tận dụng triệt để những phương thức thanh toán này để có thể tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố