(Cập nhật ngày 11/3) Bệnh viêm phổi do chủng virus mới từ Vũ Hán, Trung Quốc: Tình hình hiện tại ở Nhật Bản và những điều cần chú ý
Bạn đang có kế hoạch du lịch đến Nhật Bản, hoặc bạn là một trong số những người nước ngoài đang lưu trú tại Nhật Bản, vậy bạn đã có đối sách gì để chống lại dịch viêm phổi do virus corona bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và đang lây lan với tốc độ chóng mặt trên phạm vi toàn thế giới chưa? Tại Trung Quốc đã có hơn 80,000 người nhiễm và hơn 3,000 người chết vì loại vius này. Với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay, đây là bệnh dịch mà những du khách tới Nhật Bản cần hết sức chú ý. Những quốc gia láng giềng của Trung Quốc đã đề cao cảnh giác với mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và những nước như Đài Loan, Hồng Kông đã ra lệnh cấm người Trung Quốc nhập cảnh. Trong bối cảnh đó, động thái chậm chạp của chính phủ Nhật Bản là một vấn đề nổi cộm, khiến người Nhật không ý thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Khẩu trang là vật dụng cần thiết để phòng tránh bệnh dịch, thì nay đã bị những người Trung Quốc sang Nhật tránh dịch mua hết, trở thành mặt hàng khan hiếm tại Nhật. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán tại Nhật Bản và đưa ra một số lưu ý với những du khách nước ngoài khi đến Nhật trong thời gian này.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Diễn biến số lượng người mắc bệnh viêm phổi do virus mới corona
Đúng như tên gọi "bệnh truyền nhiễm", số ca nhiễm virus chủng mới corona đang gia tăng mỗi ngày và ngày càng lan rộng ra phạm vi nhiều quốc gia. Dưới đây là tình hình diễn biến số người nhiễm bệnh:
Tóm tắt quá trình bùng phát dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới
Năm 2019
Ngày 9 tháng 11: Nhà chức trách Trung Quốc xác định virus corona chủng mới có trên bệnh nhân viêm phổi.
Ngày 31 tháng 12: Nhà chức trách Trung Quốc báo cáo về dịch viêm phổi không rõ nguyên nhân cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Năm 2020
Ngày 1 tháng 1: Trung Quốc đóng cửa chợ hải sản Hoa Nam.
Ngày 9 tháng 1: Xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh viêm phổi lạ.
Ngày 16 tháng 1: Xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại Nhật Bản ở tỉnh Kanagawa.
Ngày 22 tháng 1:
- Mỹ hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Vũ Hán, Trung Quốc tại 5 sân bay
- Bắc Triều Tiên ra lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Trung Quốc.
- Đài Loan hạn chế các tour du lịch giữa Đài Loan và Vũ Hán.
Ngày 23 tháng 1:
- Thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, toàn bộ phương tiện giao thông như hàng không, đường sắt và phà ngưng vận hành.
- Nhiều hãng bay của Nhật Bản, trong đó có hãng hàng không quốc gia ANA, dừng toàn bộ các chuyến bay tới Vũ Hán
Ngày 24 tháng 1:
- Đài Loan dừng cung cấp dịch vụ du lịch đến tất cả các địa điểm trên lãnh thổ Trung Quốc.
- Nhật Bản dừng toàn bộ các chuyến bay đến Hồ Bắc, Trung Quốc (trong đó có Vũ Hán).
- Philippines gửi trả 500 du khách Vũ Hán về Trung Quốc.
- Xác định trường hợp nhiễm bệnh thứ 2 tại Nhật Bản.
Ngày 25 tháng 1:
- Disneyland Thượng Hải đóng cửa.
- Chính phủ Trung Quốc quyết định cấm du lịch nước ngoài.
- Xác định trường hợp nhiễm bệnh thứ 3 tại Nhật Bản.
Ngày 26 tháng 1:
- Disneyland Hồng Kông đóng cửa.
- Xác định trường hợp nhiễm bệnh thứ 4 tại Nhật Bản.
Ngày 27 tháng 1:
- Hồng Kông cấm người từ Hồ Bắc vào lãnh thổ.
- Nhật Bản chỉ định bệnh viêm phổi do virus chủng mới corona gây ra là "bệnh truyền nhiễm".
Ngày 28 tháng 1:
- Chính phủ Nhật tổ chức cuộc họp đưa ra đối sách đối phó với dịch bệnh do virus chủng mới corona.
- Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ triển khai nghiên cứu vắc-xin điều trị bệnh viêm phổi lạ.
- Bắc Triều Tiên áp dụng các biện pháp cách ly trong 1 tháng với những người nhập cảnh từ Trung Quốc.
- Xác nhận các trường hợp thứ 5, 6 và 7 nhiễm bệnh tại Nhật Bản.
Ngày 29 tháng 1:
- Nhật Bản sử dụng máy bay đón người dân Nhật Bản đang lưu trú ở Vũ Hán về nước.
- Xác nhận các trường hợp thứ 8, 9 và 10 nhiễm bệnh tại Nhật Bản.
- Úc tái tạo thành công virus corona mới trong phòng thí nghiệm.
- Hãng hàng không British Airways của Anh hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Ngày 30 tháng 1: Xác nhận các trường hợp thứ 11, 12, 13 và 14 nhiễm bệnh tại Nhật Bản.
Ngày 31 tháng 1:
- WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
- Hãng hàng không Air France của Pháp hủy các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
- Philippines cấm nhập cảnh đối với du khách từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (trong đó có Vũ Hán).
- Xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh thứ 15, 16 và 17 tại Nhật Bản.
Ngày 1 tháng 2:
- Xác nhận các trường hợp thứ 18, 19 và 20 nhiễm bệnh tại Nhật Bản.
- Chính phủ Nhật Bản cấm nhập cảnh đối với các trường hợp "người nước ngoài lưu trú tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng hai tuần trước đó" và "những người có hộ chiếu Trung Quốc do tỉnh Hồ Bắc cấp"
Ngày 4 tháng 2: Tổng số 20.438 người nhiễm và 425 người đã tử vong.
Ngày 5 tháng 2: Một chiếc du thuyền lớn có tên Diamond Princess neo tại cảng Yokohama, gần Tokyo. Trên thuyền xác nhận 10 hành khách nhiễm virus corona trong tổng số 20 người nghi ngờ bị nhiễm.
Ngày 8 tháng 2: Nam giới người Nhật khoảng 60 tuổi - trường hợp người Nhật đầu tiên phát hiện nhiễm virus corona đã được xuất viện.
Ngày 9 tháng 2: Số người tử vong tại Trung Quốc lên đến 908 người, vượt qua số người tử vong trong đại dịch SARS.
Ngày 11 tháng 2: WHO công bố tên gọi chính thức của đại dịch lần này là "COVID-19"
Ngày 13 tháng 2:
- Nhật Bản tuyên bố cấm nhập cảnh đối với tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
- Xác nhận trường hợp nhiễm virus corona tử vong đầu tiên ở Nhật Bản, một bà cụ 80 tuổi ở tỉnh Kanagawa.
Ngày 20 tháng 2:
Tổng số người nhiễm bệnh ở Trung Quốc lên đến 75,000 người, trong đó 2,200 người đã tử vong.
Ngày 21 tháng 2:
- Chính phủ tuyên bố hủy hoặc hoãn các sự kiện có quy mô lớn, các sự kiện ẩm thực được tổ chức tại các địa phương trên toàn quốc như Tokyo, Osaka.
- Bộ Lao động và Phúc lợi Nhật Bản khuyến khích các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà hoặc điều chỉnh thời gian đi làm giúp cho các đối tượng có triệu chứng cảm cút như sốt có thể dễ dàng nghỉ ngơi, cách ly tại nhà để giảm thiểu sự lây lan của virus.
- 9 quốc gia bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Liên bang Micronesia, Tonga, Samoa, Israel, Kiribati, Quần đảo Solomon, Bhutan kêu gọi công dân trong nước hạn chế du lịch đến Nhật Bản.
- Mỹ và Đài Loan đưa ra cảnh báo về việc du lịch đến Nhật Bản.
- Tổng số người nhiễm bệnh ở Nhật Bản là 728 người, 3 người đã tử vong (trong đó tính riêng du thuyền Diamond Princess là 621 người, tử vong 2 người)
Ngày 26 tháng 2: Chính phủ Nhật Bản yêu cầu tạm hoãn hoặc hủy bỏ các sự kiện trong vòng 2 tuần.
Thông tin chi tiết về các sự kiện có thể tham khảo tại bài viết này.
Ngày 27 tháng 2: Hokkaido tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi số người nhiễm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tạm thời đóng cửa
Ngày 2 tháng 3: Các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc sẽ tạm thời đóng cửa cho đến tháng Tư.
Ngày 5 tháng 3:
- Chính phủ Nhật Bản ra quyết định cách ly với hành khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc (thời gian cách ly 2 tuần tại địa điểm quy định từ ngày nhập cảnh).
- Chính phủ ban hành đạo luật khẩn cấp ổn định chất lượng cuộc sống để đối phó với tình trạng thiếu hụt khẩu trang, đồng thời nghiêm cấm các hành vi bán lại khẩu trang.
- Tổng số người nhiễm bệnh ở Nhật Bản là 346 người, 6 người tử vong (trong đó tính riêng du thuyền Diamond Princess là 696 người, tử vong 6 người)
Ngày 10 tháng 3:
- Chính phủ Nhật Bản quyết định kéo dài thời hạn việc tạm hoãn các sự kiện, đóng cửa các khu vui chơi thêm 10 ngày nữa.
- Miền Trung và miền Bắc nước Ý, một phần của Iran và San Marino bị liệt vào đối tượng cấm nhập cảnh vào Nhật Bản, do đó những người nước ngoài đã lưu trú tại các khu vực trên trong khoảng thời gian 14 ngày sẽ không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản.
- Tổng số người nhiễm bệnh ở Nhật Bản là 568 người, 12 người tử vong (trong đó tính riêng du thuyền Diamond Princess là 696 người, 7 người tử vong).
Nguồn lây nhiễm từ đâu? Lý thuyết về loài dơi được mua bán tại chợ hải sản Hoa Nam
Nhiều người nhiễm bệnh được cho là có liên quan đến khu chợ bán buôn hải sản đã bị đóng cửa ở Vũ Hán, và người ta nghi ngờ rằng bệnh bắt nguồn từ những con dơi được mua bán tại chợ này. Dơi là loài không phổ biến lắm tại Nhật Bản nhưng ở Trung Quốc chúng được sử dụng làm thuốc trong Y học. Đây là loài vật mang virus corona đã từng gây ra dịch SARS và MERS trước đó, vì vậy mà có khả năng cao đây cũng chính là nguồn mang virus corona chủng mới.
Bản chất của bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới là gì?
Virus corona chủng mới là mầm bệnh gây ra các triệu chứng như sốt, các triệu chứng viêm đường hô hấp trên, gồm 6 chủng loại gây lây nhiễm sang người. Trong đó, có 4 loại virus gây cảm cúm thông thường ở người và 2 loại virus gây viêm phổi nặng lây nhiễm từ động vật. Hai loại kể sau cũng bao gồm những loại virus gây những bệnh nặng hơn, như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm virus corona chủng mới sẽ có những triệu chứng như sốt, ho, khó thở. Triệu chứng gần giống với cảm cúm thông thường nhưng giới chuyên môn cũng đã ghi nhận những ca nhiễm mà không hề có bất kỳ triệu chứng gì kể trên. Đây là một dịch bệnh nguy hiểm khiến toàn thế giới phải nâng cao cảnh giác. Khi diễn biến nặng, bệnh có thể gây viêm phổi hoặc trong trường hợp xấu nhất là tử vong do suy giảm chức năng thận. Phần lớn những ca tử vong cho đến nay đều có sẵn tình trạng suy giảm miễn dịch mãn tính, chẳng hạn như có tiền sử huyết áp cao, bệnh tiểu đường hay tim mạch.
Không chỉ có sốt, hãy chú ý tới những triệu chứng ban đầu khác!
Theo một cuộc khảo sát về các triệu chứng của virus corona mới công bố của Bệnh viện Đại học Vũ Hán, các dấu hiệu tương tự như cảm cúm thường xuất hiện trong giai đoạn muộn của bệnh viêm phổi, và những triệu chứng ban đầu thường không cố định. Các triệu chứng ban đầu của virus corona mới gồm: tiêu chảy, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đánh trống ngực và tức ngực.
Vì không có những triệu chứng ban đầu rõ ràng như sốt mà chủ quan không thực hiện các biện pháp phòng tránh, bệnh có thể lây lan trên diện rộng.
Trong một cuộc phỏng vấn với một quan chức y tế Trung Quốc vào ngày 26 tháng 1, thời gian ủ bệnh từ khi nhiễm bệnh đến khi khởi phát triệu chứng trung bình khoảng 10 ngày, ngắn nhất 1 ngày và dài nhất 14 ngày. Hiện tại tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 3 đến 4%, nhưng trên thực tế với tình hình dịch đang lan rộng, tỉ lệ tử vong và tỷ lệ lây nhiễm là rất khó xác định.
Bệnh lây truyền như thế nào? Phương thức lây lan của virus corona chủng mới
1. Lây nhiễm qua chất tiết
Virus sẽ ra khỏi cơ thể người nhiễm theo đường chất tiết khi ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ. Người khác có thể nhiễm virus vì hít phải qua miệng hoặc mũi.
* Những môi trường lây nhiễm chính: nơi tập trung đông người như trường học, công sở, rạp chiếu phim, nhà ga và tàu xe.
2. Lây nhiễm do chạm, tiếp xúc
Người bệnh dùng tay che khi ho hoặc hắt hơi, sau đó chạm vào những vật xung quanh khiến virus bám vào những vật đó. Những người khác khi tiếp xúc với đồ vật đó rồi đưa tay chạm vào mũi hoặc miệng cũng sẽ bị nhiễm virus.
*Những môi trường lây nhiễm chính: Dây đai trên tàu điện và xe buýt, tay nắm cửa, công tắc, v.v.
Chủ động phòng chống bằng những biện pháp thích hợp
Vậy, để ngăn ngừa virus corona chủng mới, chúng ta cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa nào?
Để tránh nhiễm bệnh, điều cần thiết đầu tiên là mỗi người phải tự bảo vệ sức khỏe và giữ gìn vệ sinh. Cụ thể, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, khử trùng bằng cồn và súc miệng. WHO khuyên bạn nên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, trong ít nhất 20 giây, rửa kỹ kẽ ngón tay và kẽ móng tay. Trong trường hợp không thể rửa tay thì sát trùng bằng cồn cũng sẽ mang lại hiệu quả. Ngoài ra, vì virus có thể xâm nhập cơ thể từ tay qua mắt, mũi và miệng nên bạn không nên đưa tay lên những vùng này khi chưa rửa. Khi đi đâu về, cũng như trước và sau khi ăn nên rửa tay.
Một chú ý quan trọng khác là phải đeo khẩu trang. Việc lây từ người sang người là một vấn đề cần tránh ở cả Trung Quốc và Nhật Bản. Hãy phòng tránh lây nhiễm bằng việc hạn chế chạm vào người khác. Việc đeo khẩu trang sẽ giúp ngăn chặn sự phân tán virus và các mầm bệnh khác theo những chất tiết khi ho hoặc hắt hơi. Việc đeo khẩu trang có thể được coi là một biện pháp phòng ngừa lây nhiễm ở những nơi đông người, đặc biệt là ở những nơi thông khí kém như trong nhà và trên tàu xe. Tuy nhiên, biện pháp này không hiệu quả cho lắm khi ở ngoài trời, trừ những nơi đông người.
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng không phải loại khẩu trang nào cũng có tác dụng tốt. Các loại khẩu trang giá rẻ trên thị trường thường được làm bằng vải không dệt, không thể ngăn không khí bên ngoài và có thể gây khó chịu khi đeo trong một thời gian dài. Chính vì vậy mà không thể nói rằng những loại khẩu trang này có đủ khả năng để ngăn ngừa lây nhiễm. Để bảo vệ các cơ quan hô hấp như mũi và cổ họng một cách hiệu quả, bạn nên chọn các sản phẩm hiệu suất cao có ghi "ngăn virus", "màng lọc siêu thoáng khí" hay "PM 2.5". Những loại khẩu trang này chỉ đắt hơn loại thông thường vài trăm yên, nhưng mang lại hiệu quả phòng ngừa vượt trội. Cách đeo khẩu trang đúng là phải đảm bảo sao cho không có khe hở dẫn tới miệng và mũi. Nên thay khẩu trang thường xuyên, 1 đến 2 lần trong ngày. Đồng thời, nên kết hợp những hành động phòng chống khác như tránh đến những nơi đông người.
Cẩn trọng với những loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và chú ý nghỉ ngơi điều độ
Nên tránh ăn những thức ăn sống hoặc không được nấu chín kỹ. Tránh tiếp xúc với người có những triệu chứng sốt, ho tại cự li gần trong thời gian dài.
Ngoài ra, hệ miễn dịch càng kém thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao. Do đó, cần chú ý tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ và ăn uống đúng cách.
Các biện pháp của Chính phủ Nhật Bản đối với người nước ngoài nhập cảnh
Nhật Bản đã thiết lập những trạm kiểm dịch với làn dành riêng cho du khách từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Macao), đồng thời tiến hành kiểm tra thân nhiệt một cách nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, để thực hiện lệnh cấm nhập cảnh đối với "những người nước ngoài lưu trú tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng hai tuần trước đó" và "những người có hộ chiếu Trung Quốc do tỉnh Hồ Bắc cấp", Nhật Bản cũng đưa ra những biện pháp để phân loại hành khách từ Hồ Bắc. Ngoài ra, tại các quầy kiểm tra nhập cảnh đã có treo áp phích viết bằng tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Anh nhắc nhở việc hành khách từ tỉnh Hồ Bắc không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới, quản lý sân bay khuyến khích nhân viên đeo khẩu trang và tăng cường vệ sinh như khử trùng tay nắm cửa, tay vịn và tay nắm xe đẩy hành lý bên trong sân bay. Thuốc khử trùng bằng cồn được đặt tại nhiều nơi trong sân bay và các biện pháp đang được thực hiện để khuyến khích du khách tự giác thực hiện phòng chống lây nhiễm.
Phải làm gì nếu bạn tới Nhật Bản và nghi ngờ bị nhiễm virus corona chủng mới
Nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho du khách nước ngoài trong trường hợp khẩn cấp, Cục Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) đã thiết lập một đường dây nóng có tên "Japan Visitor Hotline" cung cấp dịch vụ đa ngôn ngữ 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm. Đường dây nóng này sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến virus corona chủng mới. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ với đường dây nóng:
Số điện thoại: 050-3816-2787
Thời gian tiếp nhận cuộc gọi: 365 ngày/năm, 24/24 giờ
Hỗ trợ ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật.
Phạm vi hỗ trợ: Thông tin khẩn cấp (bệnh tật, tai nạn, v.v.), thông tin về thiên tai, thông tin du lịch nói chung.
Các nội dung tư vấn chính:
- Liên quan đến phí hủy dịch vụ
+ Tôi muốn hủy đặt phòng khách sạn. Nếu muốn hoàn lại tiền phòng thì tôi phải đến đâu?
- Trong trường hợp ốm đau:
+ Có triệu chứng ho và sốt, nghi ngờ nhiễm virus corona và muốn được thăm khám.
+ Một vị khách khác trong khách sạn có triệu chứng ho, sốt.
Tham khảo danh sách các cơ sở y tế trên cả nước được Bộ chỉ định điều trị bệnh viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới tại đây
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố