Khám phá sức hấp dẫn của Fukushima qua các sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản địa phương: đồ sơn mài Aizu, Akabeko và rượu Whisky!
Fukushima không chỉ được biết đến với thiên nhiên phong phú và nền văn hóa samurai đặc sắc tồn tại từ thời cổ đại ở Nhật Bản đến nay, mà còn hấp dẫn du khách bởi các mặt hàng thủ công truyền thống và đặc sản địa phương như Akabeko, đồ sơn mài Aizu, hay rượu Whisky. Và còn gì tuyệt vời hơn khi bạn được đến tận nơi trực tiếp tham gia trải nghiệm làm đồ thủ công để tự tay làm ra những sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình? Trong bài viết lần này, ban biên tập tsunagu Japan sẽ giới thiệu đến bạn các tour trải nghiệm làm đồ thủ công truyền thống cùng với những hướng dẫn viên địa phương mà bạn có thể tham gia khi đến Fukushima. Cùng đọc bài viết để khám phá xem có điều gì thú vị đang chờ đón bạn ở Fukushima nhé!
*This article was sponsored by the Fukushima Prefecture Tourism & Local Products Association.
Fukushima là khu vực như thế nào?
Nhắc đến Fukushima chắc chắn sẽ có nhiều người liên tưởng ngay đến thảm họa động đất và sóng thần Tohoku 2011. Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của 11 năm trước. Fukushima đã phục hồi rất nhiều sau thảm họa. Ngày nay khi đến đây bạn sẽ thấy một vùng đất với thiên nhiên trù phú, thắng cảnh đẹp, đồ ăn ngon và một nền văn hóa truyền thống đặc sắc.
Fukushima nằm ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản, cách Tokyo khoảng 200km về phía Bắc, và là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 ở Nhật Bản sau Hokkaido và Iwate. Địa hình Fukushima chia thành 3 vùng rõ rệt là khu vực Aizu, Nakadori và Hamadori. Mỗi khu vực có sự khác nhau về địa hình, khí hậu, kinh tế, văn hóa, phương ngữ và đặc điểm tự nhiên. Khu vực Aizu tập trung nhiều địa danh nổi tiếng như hồ Inawashiro, cao nguyên Bandai, Ouchi-juku, lâu đài Tsuruga,... Trong khi đó Nakadori với khí hậu ôn hòa được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại trái cây thơm ngon theo mùa như đào, nho, táo,... Khu vực còn lại là Hamadori nằm giáp biển lại nổi tiếng với nhiều món hải sản tươi ngon.
Các hoạt động trải nghiệm lần này của chúng tôi diễn ra ở 3 thành phố là Nihonmatsu, Koriyama ở Nakadori và Aizu Wakamatsu ở Aizu. Mỗi khu vực có một truyền thống lịch sử riêng và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các sản phẩm thủ công truyền thống của từng vùng. Thông qua việc tham gia trải nghiệm làm đồ thủ công truyền thống địa phương, chúng tôi còn có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử, địa lý và những điều thú vị khác ở mỗi thành phố tại Fukushima.
Cách di chuyển đến Fukushima
Từ nước ngoài: hiện chưa có đường bay bay thẳng từ nước ngoài đến sân bay Fukushima, mà chỉ có thể đến hai sân bay quốc tế gần nhất là sân bay quốc tế Sendai (Miyagi) và sân bay quốc tế Narita (Chiba). Sau đó, du khách có thể di chuyển đến Fukushima bằng tàu điện, Shinkansen hoặc thuê xe ô tô tự lái.
Từ Tokyo: Bạn có thể đi shinkansen từ ga Tokyo đến ga Fukushima trong khoảng 1 giờ 30 phút, sau đó từ đây bạn có thể di chuyển đến các địa điểm khác. Thêm một lựa chọn khác là di chuyển bằng tàu Tobu Railway Revaty từ ga Asakusa đến ga Aizu Tajima trong khoảng 3 giờ 10 phút, sau đó chuyển sang đường sắt Aizu để đến nơi bạn muốn đến.
●Trang thông tin du lịch chính thức tỉnh Fukushima: https://fukushima.travel/vn/ (tiếng Việt)
●Các tour du lịch tại Fukushima: https://fukushima.travel/tours/ (tiếng Anh)
Trang trí đèn lồng làm bằng giấy washi tại Bảo tàng giấy Washi thành phố Nihonmatsu
Giấy “washi” là một sản phẩm giấy truyền thống của Nhật Bản đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vào năm 2014. Kỹ thuật làm giấy Washi được du nhập từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 7, tuy nhiên khác với Trung Quốc sử dụng cây gai dầu, người Nhật lại sử dụng cây dâu giấy để làm nguyên liệu chính trong sản xuất giấy.
Tại thành phố Nihonmatsu, tỉnh Fukushima nghề làm giấy washi đã phát triển từ giữa thời Heian, cách đây khoảng 1000 năm, và giấy Kami-Kawasaki washi đã trở thành một nghề thủ công truyền thống của khu vực này. Vào thời kỳ đó, giấy Kami-Kawasaki washi rất phổ biến trong giới quý tộc và thường được các nhà văn sử dụng để viết tiểu thuyết. Để tìm hiểu về quy trình làm ra loại giấy này, chúng tôi đã có dịp ghé thăm “Bảo tàng giấy Washi thành phố Nihonmatsu” - nơi diễn ra hoạt động sản xuất và kinh doanh giấy Kami-Kawasaki washi. Bảo tàng được chia thành hai khu vực chính: khu vực sản xuất giấy washi, và khu vực trưng bày, bán giấy washi và các sản phẩm làm từ giấy washi như đèn lồng, tranh,...
Điều đặc biệt của giấy Kami-Kawasaki washi là chúng được làm hoàn toàn thủ công, 100% từ cây dâu giấy (Kozo). Tại đây chúng tôi đã được nghe giới thiệu về quy trình sản xuất giấy washi, bao gồm các công đoạn từ thu hoạch thân cây dâu giấy, sau đó đem hấp, tước vỏ cây, cạo vỏ đen, rồi ngâm vào trong nước, đun sôi, loại bỏ các chất bẩn để thu được nguyên liệu giấy gọi là “shiryou”,... Sau đó nguyên liệu giấy này sẽ được đem trộn với hỗn hợp nước và “neri” (chất nhầy của một loại thực vật gọi là Tororo aoi để giúp cho hỗn hợp không bị vón cục) trong một chiếc bồn. Công đoạn tiếp theo là tạo hình cho giấy washi.
Sau khi tìm hiểu về quy trình làm giấy washi, chúng tôi được tham gia trải nghiệm trang trí đèn lồng. Những chiếc đèn lồng tại đây đều được làm bằng giấy Washi dạng hình cầu có đường kính 11cm. Bề mặt giấy washi hơi nhám tạo cho chiếc đèn lồng vẻ bề ngoài vô cùng độc đáo và lạ mắt. Vì quá trình làm đèn lồng mất khá nhiều thời gian nên họ đã chuẩn bị sẵn chụp đèn cho chúng tôi, công việc còn lại chỉ là trang trí theo sở thích của từng người.
Trước khi bắt tay vào làm bạn có thể tham khảo một số mẫu đèn lồng có sẵn tại bảo tàng để tìm kiếm ý tưởng. Ở đây cũng chuẩn bị sẵn một số họa tiết trang trí bằng giấy màu như momiji, hoa anh đào, hoa cúc,... Công việc của chúng tôi là cắt, dán họa tiết để trang trí cho chiếc đèn lồng của mình. Việc cắt, dán này không khó, cái chính là bạn phải suy nghĩ xem sẽ sắp xếp các họa tiết đó lên chiếc đèn như thế nào.
Sau khi hoàn thành sản phẩm của mình, hãy đặt chúng vào một chiếc hộp có gắn đèn, ánh sáng tỏa ra bên trong sẽ khiến cho chiếc đèn lồng của bạn trở nên lung linh hơn rất nhiều. Với chiếc đèn lồng thủ công này bạn có thể dùng nó để trang trí cho chính căn phòng của mình hoặc dành tặng cho bạn bè và người thân như một món quà lưu niệm độc đáo và ý nghĩa.
Trang trí mặt nạ cáo tại xưởng chế tác búp bê 300 năm tuổi Dekoyashiki Daikokuya
Deko Yashiki là một cơ sở chuyên sản xuất búp bê bằng gỗ được chạm khắc thủ công nằm ở thị trấn Nishida, thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima. Đây cũng là nơi sản sinh ra các nghề thủ công dân gian Miharu như Miharu Koma, Miharu Hariko. Khu vực này đã tồn tại cách đây 300 năm được biết đến như một ngôi làng nơi tập trung các thợ thủ công chuyên làm búp bê Hariko (loại búp bê được làm bằng tre, hoặc gỗ rỗng bên trong và được dán giấy và trang trí bên ngoài). Chúng tôi đã có dịp tham quan xưởng chế tác búp bê với rất nhiều các mô hình búp bê được trưng bày tại đây như mặt nạ, daruma, 12 con giáp,...
Trước khi tham gia trải nghiệm vẽ mặt nạ cáo, chúng tôi được hướng dẫn viên và nghệ nhân tại đây giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của mặt nạ cáo trong đời sống của người Nhật. Mặt nạ cáo thường được sử dụng trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật như Nogaku hay Kagura (một điệu múa liên quan đến việc thờ phụng trong thần Đạo). Ngoài ra, cáo thường xua đuổi loài chuột, giúp bảo vệ mùa màng nên từ thời cổ đại nó được xem như một vị thần trong nông nghiệp, được thờ tại các ngôi đền Inari trên khắp Nhật Bản. Đặc biệt ở khu vực Koriyama nơi nổi tiếng với nghề nuôi tằm, dệt lụa, cáo có ý nghĩa rất lớn trong các hoạt động nông nghiệp và sản xuất tại đây.
Hoạt động trải nghiệm của chúng tôi diễn ra trên tầng 2 của một ngôi nhà cũ có lịch sử 114 năm - cũng là phòng trưng bày các tác phẩm búp bê Hariko mới. Mỗi người sẽ được chuẩn bị sẵn cho một chiếc mặt nạ cáo trắng tinh chưa được trang trí, cùng với màu nước và bút vẽ. Nhiệm vụ của chúng tôi là trang trí chiếc mặt nạ cáo đó theo sở thích của mình.
Trước khi bắt tay vào vẽ, nghệ nhân Hashimoto đã cho chúng tôi xem hai chiếc mặt nạ mẫu đã được vẽ sẵn, một chiếc là mặt nạ cáo đực, một chiếc là cáo cái. Mỗi chiếc được trang trí với những họa tiết đặc trưng riêng, và bạn có thể chọn trang trí theo một trong hai chiếc, tuy nhiên chiếc mặt nạ cáo đực được xem là khó vẽ hơn. Tất nhiên, nếu không thích vẽ như mẫu, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo theo sở thích của mình.
Việc vẽ mặt nạ cáo khó hơn tôi tưởng vì bạn cần phải vẽ làm sao để hai bên trái và phải của khuôn mặt đều nhau, và đặc biệt là với những chi tiết nhỏ rất cần đến sự khéo léo của đôi tay. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng, vì nếu có lỡ vẽ sai bạn hoàn toàn có thể sửa lại được bằng cách xóa đi bằng màu nước trắng. Hãy thỏa sức sáng tạo để tạo nên chiếc mặt cáo độc đáo của riêng bạn nhé.
Sau khi hoàn thành tác phẩm của mình, chúng tôi đã đem những chiếc mặt nạ đến một ngôi đền thần Đạo gần đó để chụp ảnh. Không gian xanh mát vô cùng yên tĩnh và mang một chút gì đó thần bí, giúp tôi cảm nhận được phần nào sức mạnh của vị thần cáo trong văn hóa Nhật Bản.
Trang trí đồ dùng sơn mài Aizu tại Bảo tàng sơn mài Aizu Suzuzen
Khu vực Aizu ở Fukushima là một trong 4 khu vực có nghề sơn mài nổi tiếng lâu đời và phát triển nhất ở Nhật Bản bên cạnh Kanazawa (Ishikawa), Echizen (Fukui) và Kishu (Wakayama). Sơn mài đã phát triển như một ngành công nghiệp ở khu vực này vào khoảng thế kỷ 16 nhờ công rất lớn của lãnh chúa Aizu lúc bấy giờ là Gamo Ujisato. Mặc dù đã có một thời gian bị ảnh hưởng do tác động của chiến tranh, nhưng sau đó sơn mài Aizu đã được phục hồi và Aizu trở thành khu vực sản xuất đồ sơn mài lớn nhất ở Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị. Các sản phẩm sơn mài Aizu còn được xuất đi các vùng khác và ra cả nước ngoài, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của khu vực Aizu Wakamatsu.
Trong lần ghé thăm thành phố Aizu Wakamatsu lần này, chúng tôi may mắn có dịp ghé thăm Suzuzen - Bảo tàng đồ sơn mài Aizu để tìm hiểu về lịch sử đồ sơn mài Aizu, và trực tiếp tham gia trải nghiệm vẽ sơn mài dưới sự hướng dẫn của một nghệ nhân lâu năm. Suzuzen là một khu phức hợp bao gồm nhiều khu vực như bảo tàng lịch sử sơn mài Aizu, phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sơn mài, khu vực trải nghiệm - nơi du khách sẽ được tham gia vẽ sơn mài,...
Sau khi được giới thiệu về lịch sử và kỹ thuật làm đồ sơn mài, chúng tôi được trực tiếp xem nghệ nhân vẽ sơn mài bằng kỹ thuật Maki-e (Kỹ thuật rắc bột kim loại vàng, hoặc bạc để tạo hoa văn trên lớp sơn mài. Một trong những kỹ thuật trang trí tiêu biểu của nghề thủ công sơn mài,) và tham gia trải nghiệm trang trí lên các vật dụng làm từ sơn mài. Vật dụng lần này chúng tôi trang trí là một chiếc đĩa. Vì tất cả đều là những người lần đầu tiên tiếp xúc với loại hình thủ công này nên người nghệ nhân đã giảm bớt độ khó cho chúng tôi bằng cách hướng dẫn chúng tôi tạo họa tiết momiji từ chính chiếc lá thật thay vì phải tự tay vẽ.
Đầu tiên hãy chọn kích cỡ lá momiji mà bạn muốn, sau đó nhúng chiếc lá vào nhựa sơn mài rồi đặt chiếc lá đó lên trên đĩa. Hãy dùng một tay giữ phần cuống lá, tay còn lại miết chặt sao cho phần nhựa sơn mài trên lá được in đều lên trên đĩa. Sau khi đã xong một lá bạn có thể lấy một chiếc lá có kích cỡ khác để in hình, hoặc sử dụng tiếp chiếc lá đó để tạo nên một hình momiji thứ 2. Tuy nhiên, khi này phần nhựa sơn mài không còn nhiều nên hãy cố gắng dùng lực để miết chặt chiếc lá trên đĩa nhé. Sao khi đã in xong hình lá, bước tiếp theo là phủ màu lên. Có rất nhiều màu bột Maki-e đã được chuẩn bị sẵn cho bạn tha hồ lựa chọn. Sau khi phủ màu bột xong, tiếp đến người nghệ nhân sẽ giúp lau lớp bột màu thừa trên đĩa. Vậy là bạn đã có một chiếc đĩa sơn mài với họa tiết momiji vô cùng đẹp rồi.
Bước tiếp theo người nghệ nhân hướng dẫn chúng tôi tạo hình các họa tiết khác như hoa anh đào, chuồn chuồn. Tất cả đều trầm trồ khi chứng kiến người nghệ nhân đưa chiếc bút tạo nên những nét vẽ dứt khoát và vô cùng sắc nét. Những bông hoa anh đào dần dần hiện lên một cách sống động trông như thật sau khi được phủ màu. Việc sử dụng cọ vẽ và vẽ trên chất liệu sơn mài đòi hỏi bạn phải có một đôi tay khéo léo, tinh tế, sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, vì sẽ khó sửa lại được nếu bạn vẽ sai.
Thật là một thử thách không hề đơn giản với chúng tôi nhưng tất cả đều đã hoàn thành xuất sắc tác phẩm của mình dưới sự hướng dẫn của người nghệ nhân. Những họa tiết lấp lánh nhiều màu sắc nổi bật trên nền đen bóng của chiếc đĩa khiến cho mỗi sản phẩm đều trở nên lung linh hơn dưới ánh đèn. Đây thật sự là một trải nghiệm vô cùng quý giá vì mỗi người đã có một tác phẩm nghệ thuật của riêng mình để mang về.
Tham quan lâu đài Tsuruga và trải nghiệm trang trí Akabeko
Lâu đài Tsuruga màu trắng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua khi đến Fukushima. Tòa lâu đài này được xem là biểu tượng của gia tộc Aizu vào cuối thời kỳ Edo được xây dựng vào năm 1384. Khi đến đây bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng một số hình ảnh trong quá khứ của tòa lâu đài để hiểu rõ hơn những thay đổi của nó qua từng thời kỳ. Một điểm thú vị và độc đáo khác của tòa lâu đài này là phần mái ngói màu đỏ. Ban đầu phần ngói vốn có màu đen, nhưng đến năm 2011 người ta quyết định thay bằng mái ngói đỏ để chống chọi tốt hơn với nhiệt độ thấp và lượng tuyết rơi dày ở vùng phía Bắc. Ở những khu vực tuyết rơi nhiều như Aizu, mái ngói thường dễ bị đóng băng và nứt, nên mái ngói màu đỏ với hàm lượng sắt cao hơn giúp ngăn hơi ẩm và nước thấm vào bề mặt gạch. Bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng lâu đài Tsuruga là lâu đài duy nhất ở Nhật Bản hiện nay có mái ngói đỏ.
Chúng tôi đã có dịp ghé thăm lâu đài trong một buổi sáng mùa thu dưới bầu trời xanh trong vắt. Hình ảnh lâu đài màu trắng sừng sững nổi bật trên nền trời xanh tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, vô cùng hùng vĩ và tráng lệ. Trong khi đi tham quan lâu đài các hướng dẫn viên địa phương đã có một trò chơi nho nhỏ cho chúng tôi đó là trả lời những câu đố liên quan đến lâu đài, samura,... Thật khó để trả lời đúng hết tất cả, nhưng những câu hỏi thú vị đó đã giúp chúng tôi phần nào hiểu thêm về lịch sử và văn hóa Nhật Bản, khiến cho chuyến tham quan trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn.
Sau khi tham quan lâu đài Tsuruga, chúng tôi đã ghé thăm “Trung tâm lâu đài Tsuruga” ngay gần đó để tham gia trải nghiệm trang trí Akabeko. Akabeko là một chú bò màu đỏ được xem là biểu tượng của Fukushima - hình ảnh mà bạn sẽ thấy ở rất nhiều nơi khi đến đây. Tên gọi Akabeko bắt nguồn từ khu vực Aizu, tại đây người ta gọi gia súc nói chung là “beko”. Còn “aka” trong tiếng Nhật có nghĩa là màu đỏ, nên “Akabeko” có nghĩa là "con bò màu đỏ". Cách đây 1,200 năm, bò được sử dụng làm vật chuyên chở gỗ để phục vụ cho việc xây dựng các ngôi chùa trong khu vực. Trong quá trình vận chuyển, trong khi nhiều con bò khác bị ngã, chỉ có con bò màu đỏ là có thể vượt qua. Từ đó mọi người tin rằng những con gia súc màu đỏ sẽ đem lại may mắn cho họ, nên bất cứ gia đình nào có con cái cũng thường tổ chức sinh nhật cho con cùng với một chú Akabeko đồ chơi. Ở Aizu, mọi người vẫn sử dụng món đồ chơi Akabeko như một vật mang lại may mắn.
Với trải nghiệm lần này, mỗi người chúng tôi được chuẩn bị sẵn cho một chiếc hộp bên trong có một con bò màu đỏ chưa được trang trí, một hộp bút lông, sơn và khăn ướt. Trên bàn cũng đặt một chú Akabeko đã được trang trí từ trước để tham khảo. So với việc trang trí đồ sơn mài thì việc này đơn giản hơn rất nhiều vì bề mặt của con bò trơn bóng nên nếu chẳng may vẽ sai bạn hoàn toàn có thể dùng khăn ướt lau đi. Bạn cũng có thể sáng tạo những chi tiết độc đáo khác trên thân con bò để tạo ra một tác phẩm độc đáo của riêng mình.
Và đây là những chú Akabeko do chúng tôi trang trí. Thật đáng yêu phải không nào? Đây chắc chắn sẽ là một món quà lưu niệm vô cùng ý nghĩa gợi nhắc tôi về chuyến đi Fukushima mỗi khi nhìn vào chúng.
Tìm hiểu cách người Nhật chế biến rượu Whisky qua chuyến tham quan xưởng rượu Sasanokawa Shuzo
Bạn có biết Nhật Bản là một trong 5 khu vực sản xuất rượu whisky lớn trên thế giới bên cạnh Hoa Kỳ, Scotland, Ireland và Canada không? Chính vì vậy sẽ thật đáng tiếc nếu bạn đến Nhật Bản mà không thử đi thăm quan một xưởng rượu whisky. Thật may mắn, trong chuyến đi lần này, chúng tôi đã có dịp ghé thăm xưởng rượu Sasanokawa Shuzo ở Fukushima, nơi sản xuất rượu whisky địa phương lâu đời nhất ở Tohoku. Xưởng bắt đầu sản xuất rượu từ năm 1765 nhưng chủ yếu là rượu sake, phải đến sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc rượu whisky mới bắt đầu được sản xuất tại đây. Đến cuối tháng 10, năm 2016, khu vực chưng cất rượu whisky Asaka đã được thành lập như một nơi kế thừa truyền thống và lịch sử của xưởng rượu Sasanokawa.
Chúng tôi đã được đến khu vực chế biến rượu nơi đặt các máy móc để nghiền ngũ cốc, hai thiết bị chưng cất lớn bằng đồng và một loạt các thiết bị khác để phục vụ cho quá trình chưng cất rượu. Sau khi nghe hướng dẫn viên giải thích về quy trình chế biến chúng tôi đã đi một vòng tham quan trong khu vực này để tận mắt xem mọi thứ hoạt động ra sao. Quy trình sản xuất rượu trải qua rất nhiều công đoạn từ làm sạch nguyên liệu, đường hóa, lên men, chưng cất, lưu trữ.
Tiếp đến chúng tôi được đến xưởng rượu nơi lưu trữ hàng trăm chiếc thùng gỗ đang ủ rượu whisky. Tại đây sử dụng các loại thùng gỗ khác nhau để tạo nên những hương vị rượu khác nhau. Bên cạnh loại thùng phổ biến nhất là thùng gỗ sồi, còn có thùng rượu vang, thùng rượu cognac, rượu vang Port, hay thùng rượu Mizunara chỉ có ở Nhật Bản. Giá của mỗi loại rượu cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại thùng chứa.
Phần thú vị nhất của chuyến đi này chính là nếm thử rượu của xưởng rượu Sasanokawa Shuzo và Asaka Jouryusho. Đầu tiên nhân viên cho chúng tôi nếm thử rượu sake trước, sau đó là đến các loại rượu whisky khác nhau. Loại đầu tiên là "Yamazakura Single Malt Whisky" - thương hiệu rượu nổi tiếng nhất và thuộc dòng cao cấp của xưởng, có độ cồn khoảng 50 độ. Tiếp đến là "Yamazakura Umesyu" có mùi mơ và hơi chua, tuy nhiên, chính hương vị này cũng giúp làm giảm đi độ nặng của rượu, nên phù hợp với những ai muốn thưởng thức rượu whisky nhưng lại không uống được quá nhiều. Ngoài ra còn có rượu whisky highball "Yamazakura Fine Blended Whisky" (nhãn đen) - một loại đồ uống vô cùng phổ biến tại các quán nhậu ở Nhật.
Cá nhân tôi không phải là người quá am hiểu về rượu, nhưng sau chuyến tham quan này, tôi tự dưng có hứng thú muốn tìm hiểu về các loại rượu và cách người ta sản xuất ra chúng. Trước khi ra về mỗi người chúng tôi đều mua cho mình một chai rượu whisky để làm quà. Còn gì tuyệt vời hơn nữa khi được mua rượu tại chính xưởng sản xuất phải không nào. Nếu có dịp đến Fukushima đừng quên ghé thăm xưởng rượu Sasanokawa Shuzo nhé.
Lời kết
Những trải nghiệm thú vị trên đã giúp tôi phần nào hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và con người của vùng đất Fukushima. Không chỉ được tìm hiểu về văn hóa, việc tự tay làm nên những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn của chính mình chính là điều khiến cho chuyến đi trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn. Mỗi sản phẩm này sẽ trở thành những món quà lưu niệm ý nghĩa gợi nhớ cho tôi về vùng đất Fukushima và những kỷ niệm thú vị cùng những hướng dẫn viên bản địa nhiệt tình tại đây. Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn cảm nhận được sức hấp dẫn của Fukushima và lên kế hoạch hoàn hảo khi du lịch đến đây.
●Bài viết về du lịch Fukushima: https://fukushima.travel/vn/blogs/ (tiếng Việt)
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố