Bí quyết chọn mua nồi cơm điện và cách nấu cơm ngon từ nhà sản xuất nồi cơm điện hàng đầu Nhật Bản
Là một đất nước của lúa gạo, Nhật Bản có rất nhiều món ăn được làm từ gạo. Ngoài cơm trắng là món không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, còn có các món khác như sushi, cà ri, donburi, v.v. Ở Nhật Bản có nhiều công cụ nấu cơm khác nhau, trong số đó phải kể đến nồi cơm điện với sự đổi mới liên tục về công nghệ và nhiều chức năng đa dạng. Có thể nói nồi cơm điện là vật dụng thiết yếu trong gia đình người Nhật hiện đại, giúp họ nấu cơm đơn giản chỉ bằng cách cắm điện và nhấn nút. Nhưng làm thế nào để lựa chọn một chiếc nồi phù hợp trong vô vàn chủng loại trên thị trường ngày nay? Làm thế nào để có thể nấu cơm ngon bằng nồi cơm điện? Hãy để Tiger Corporation, một hãng sản xuất nồi cơm điện hàng đầu Nhật Bản hướng dẫn cho bạn nhé!
*Interview opportunity provided for free by Tiger Corporation.
Cách chọn nồi cơm điện
Chọn kích thước của nồi cơm điện theo số lượng người trong gia đình
Trước khi nói về nồi cơm điện, chúng ta cần hiểu rằng khi nấu cơm ở Nhật, người ta sử dụng đơn vị là "go". Một "go" là một cốc đong khoảng 150g gạo, tương đương với thể tích 180ml, nấu được lượng cơm cho khoảng 2 người ăn. Để chọn nồi cơm điện, trước tiên chúng ta cần cân nhắc về kích thước.
Hiện nay, kích thước của các loại nồi cơm điện trên thị trường ở Nhật thường là từ 3 ~ 5,5 go. Để cơm được ngon, khi nấu 3 go thì bạn nên dùng loại nồi cơm có dung tích 5 ~ 5,5 go, thay vì loại chỉ có dung tích 3 ~ 3,5 go. Điều này là do lòng nồi cần có khoảng trống để giúp không khí và cơm đối lưu đủ, tránh hiện tượng lượng nhiệt phân tán không đều.
Chọn nồi theo cơ chế sinh nhiệt
1. Loại điều khiển bằng vi tính
Loại nồi này có thiết bị tạo nhiệt được lắp đặt dưới đáy, nhiệt được truyền vào bên trong nồi và được điều khiển bởi thiết bị vi tính. Do chỉ có một nguồn nhiệt duy nhất và công suất tạo nhiệt khá yếu nên nhiệt trong nồi sẽ không đều. Lượng nhiệt không thể lan tỏa đến mọi vị trí, nên có khi dù lớp cơm phía dưới đã chín mềm nhưng phía trên vẫn còn cứng, sượng. Vì vậy, loại này phù hợp để nấu lượng cơm ít, chẳng hạn như chỉ cho một người ăn. Nồi cơm loại này là dòng máy cấp thấp, giá cả nhìn chung hợp lý.
2. Loại cao tần (IH)
Nồi này sử dụng công nghệ gia nhiệt dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ, tạo ra nhiệt lượng trong lòng nồi bằng kim loại nên nhiệt năng truyền đều hơn so với loại trên, khiến từng hạt gạo đều nhận được phần nhiệt lượng như nhau. Loại nồi này thích hợp cho những người muốn được ăn cơm ngon mà không cần nhiều thao tác.
3. Loại cao tần áp suất
Đây là loại nồi kết hợp giữa cơ chế gia nhiệt cao tần nói trên và nguyên lý của nồi áp suất, dùng áp suất để tăng nhiệt độ sôi, giúp cho nhiệt độ nhanh chóng đạt 100 độ trở lên khi gia nhiệt. Loại nồi này có khả năng nấu cơm rất nhanh, tạo vị ngọt và độ dẻo cho cơm, thành phẩm thường có độ săn, chắc nhất định. Loại nồi này có hiệu suất cao và hiệu quả giữ nhiệt tuyệt vời, hầu hết được liệt vào hàng cao cấp.
Chất liệu của lòng nồi cũng là một điểm mấu chốt khi lựa chọn nồi cơm điện
Chất liệu của lòng nồi cơm điện được chia thành hai loại là kim loại và phi kim, tùy thuộc vào chất liệu và hình dáng mà có thể ảnh hưởng đến tốc độ truyền nhiệt, độ đồng đều của nhiệt lượng, hiệu quả giữ nhiệt, độ dẻo của cơm, v.v.
1. Lòng nồi bằng kim loại
Ưu điểm lớn nhất của loại nồi này là dẫn nhiệt nhanh, hiệu quả và có thể truyền nhiệt rất tốt. Chất liệu kim loại của lòng nồi thường là sắt, thép không gỉ, nhôm hoặc đồng. Lòng nồi bằng sắt có mức sinh nhiệt cao nhất, lòng nồi bằng đồng dẫn nhiệt tốt, có tác dụng phát tia hồng ngoại xa. Mặc dù vậy, lòng nồi kim loại cũng có một số khuyết điểm nhất định. Chúng ta vẫn thường nói rằng càng nấu cơm ở nhiệt độ cao thì cơm càng ngon, tuy nhiên với lòng nồi kim loại, nhiệt lượng rất dễ thoát ra ngoài và khả năng tích nhiệt thấp. Do đó nhiệt độ nấu thường được giới hạn trong khoảng 130°C. Vì vậy, hương vị và kết cấu của cơm có thể sẽ không được đảm bảo.
2. Lòng nồi bằng phi kim
Các vật liệu phi kim tự nhiên như đất sét và than được sử dụng khá phổ biến để làm lòng nồi. Đặc biệt, nồi bằng đất nung có hiệu ứng truyền nhiệt hồng ngoại xa rất tốt, truyền nhiệt trực tiếp vào tâm hạt gạo. Bên cạnh đó, lòng nồi được làm từ chất liệu đất sét cũng có khả năng giữ nhiệt và tích nhiệt cực tốt, tạo nhiệt lượng cao gấp đôi nồi kim loại, giúp nấu chín hạt gạo từ bên trong, đồng thời giúp cơm chín có vị ngọt đậm đà. Lòng nồi bằng chất liệu than cũng có khả năng dẫn nhiệt tốt và tác dụng truyền nhiệt hồng ngoại xa, tuy nhiên chất liệu than dễ vỡ hơn kim loại, cần thận trọng khi sử dụng.
Nồi cơm điện cao cấp và nồi cơm điện "bình dân" khác nhau như thế nào?
Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đọc đã có hình dung nhất định về việc lựa chọn nồi cơm điện. Hiện nay, thị trường nồi cơm điện tại Nhật Bản đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa nhiều dòng sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau từ vài ngàn yên đến cả trăm ngàn yên, cũng như sự khác nhau giữa kích cỡ, cơ chế tạo nhiệt, chất liệu lòng nồi và tính năng, v.v. Vậy đâu là sự khác biệt giữa dòng nồi cao cấp và dòng nồi "bình dân"?
Phần tiếp theo đây, thông qua chiếc nồi cơm điện cao tần áp suất lõi đất nung JPL-G100 đời 2021 - một sản phẩm tiêu biểu từ nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Nhật Bản Tiger Corporation, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết về những ưu điểm vượt trội của dòng nồi cơm điện cao cấp nhé.
Nồi cơm điện cao tần áp suất lõi bằng đất nung JPL-G100
1. Chiếc lõi nồi bằng đất nung chính hiệu mất tới 3 tháng chế tác mới hoàn thành
Như đã đề cập ở trên, công nghệ cao tần áp suất hiện là phương pháp gia nhiệt được khuyên dùng nhiều nhất. Phần lõi của chiếc nồi này không chỉ sử dụng công nghệ cao tần áp suất mà còn được làm hoàn toàn bằng đất nung được sản xuất tại Yokkaichi ở tỉnh Mie - trung tâm sản xuất đồ gốm Banko nổi tiếng Nhật Bản. Hầu hết các nồi bằng đất nung thực chất chỉ có mặt trong được phủ một lớp đất sét, nhưng lỗi nồi của JPL-G100 lại được làm hoàn toàn bằng đất nung, và phải mất khoảng 3 tháng mới có thể hoàn thiện. Đất sét sẽ được gia giảm tùy theo nhiệt độ và độ ẩm, nung thô (không tráng men) ở nhiệt độ cao 3 lần. Sau đó, từng chiếc một được kiểm tra cẩn thận về ngoại quan, trọng lượng và kích thước để đảm bảo cho ra đời những chiếc lõi nồi có chất lượng tốt nhất.
Nguyên liệu được sử dụng để sản xuất ra loại lõi nồi này là đất cao cấp được chọn lọc kỹ càng, chịu được nhiệt cao (nhiệt độ tối đa 280 độ), khó nứt vỡ ngay cả khi làm nguội đột ngột, bền và duy trì hiệu suất sinh nhiệt đều đặn từ đáy đến thành nồi. Sản phẩm có khả năng giữ nhiệt tuyệt vời và hiệu ứng hồng ngoại xa, đồng thời thúc đẩy quá trình hồ hóa tinh bột, tối đa hóa độ tươi và vị ngọt của cơm nhờ cơ chế truyền nhiệt năng đồng đều và ổn định đến toàn bộ lòng nồi.
Bên cạnh đó, một đặc điểm nổi bật của chất liệu lõi đất nung là khi nấu cơm ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra một lượng lớn bọt mịn và đồng nhất. Những bong bóng này sẽ nhẹ nhàng bao lấy bề mặt cơm, giảm nứt vỡ do ma sát giữa cơm khi đối lưu không khí và nhiệt năng trong lòng nồi, giúp giữ kết cấu của tinh bột - nguồn gốc của thành phần tạo vị ngọt cho cơm. Đặc biệt, với sản phẩm này, Tiger Corporation ấn định thời hạn bảo hành 5 năm cho phần lõi nồi.
2. Được trang bị công nghệ tiên tiến nhất "cơ chế áp suất đa giai đoạn" và "hari tsuya pump"
Ở bên trong lòng nồi của một chiếc nồi cơm điện, sự thay đổi lên xuống của nhiệt độ diễn ra rất thường xuyên. Với cơ chế áp suất đa giai đoạn, một trong những công nghệ mới của nồi JPL-G100, nhiệt độ được thay đổi từ từ để kiểm soát áp suất theo từng giai đoạn (xem hình trên), tạo ra vị ngọt cho cơm. Một công nghệ khác tên là "hari tsuya pump" có tác dụng hấp thụ hơi nước dư thừa tương tự như bát gỗ hoặc nắp gỗ truyền thống. Nhiệt độ được phát hiện thông qua cảm biến nhiệt độ được lắp đặt dưới đáy nồi, khi nhiệt độ nấu lên cao thì lượng hơi ẩm dư thừa trong nồi được xả ra, từ đó kiểm soát độ ẩm của cơm ở trạng thái tối ưu. Thêm vào đó, khi độ ẩm của cơm ở mức thích hợp thì cơm chín sẽ có màu trắng bóng bẩy, khi ăn vào có độ dẻo và săn.
3. Vung nồi giúp điều chỉnh dung tích phù hợp khi nấu cho một người ăn
Ngay cả khi bạn đang sống chung với gia đình thì vẫn có những lúc phải nấu cơm ăn một mình. Nồi JPL-G100 có kích cỡ 5.5 go, quá rộng để nấu lượng cơm cho 1 người (0.5 go). Vì vậy mà hãng Tiger đã thiết kế ra chiếc vung bằng đất nung đặc biệt sử dụng bên trong lòng nồi. Bạn có thể tùy chỉnh thể tích về mức tối ưu để nấu một lượng gạo vừa đủ bằng cách sử dụng nắp bên trong đi kèm này. Dù sống một mình hay trong gia đình 4 người, bạn vẫn có thể điều chỉnh kích thước bên trong lòng nồi để nấu được cơm ngon nhất.
4. Thiết kế thuận tiện cho việc sử dụng và vệ sinh
Nồi cơm điện là thiết bị gia dụng được sử dụng hầu như hàng ngày, ngoài việc sở hữu nhiều chức năng thì đây còn là sản phẩm dễ dàng sử dụng và bảo quản. Những dòng nồi cơm điện hiệu suất cao trước đây được trang bị nhiều bộ phận nên sẽ hơi bất tiện khi tháo rời để vệ sinh. Tuy nhiên, chiếc nồi JPL-G100 này lại có thiết kế rất đơn giản, bạn chỉ cần rửa hai bộ phận là lõi và vung nồi mà thôi.
Bí quyết nấu cơm ngon bằng nồi cơm điện
Khi bạn đã chọn được nồi cơm điện ưng ý, bước quan trọng tiếp theo là vo gạo, nấu cơm và bảo quản phần cơm thừa sau bữa ăn. Theo Tập đoàn Tiger, một thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất nồi cơm điện, có một số điểm mà chúng ta cần lưu ý như sau:
Vo gạo
Điểm mấu chốt để tạo nên độ ngon của gạo là giữ được hình dạng và chất dinh dưỡng của hạt gạo. Vì vậy, khi vo gạo chỉ nên vo vừa đủ để loại bỏ cám và bụi bám trên gạo. Người xưa thường quan niệm vo gạo phải vo thật sạch, nhưng thực tế hiện nay trên thị trường, gạo thường đã qua sơ chế sạch rồi mới bán. Nếu bạn vo với lực quá mạnh sẽ làm nứt vỡ bề mặt và phá hủy chất dinh dưỡng của gạo.
Khi vo gạo, nên dùng nước sạch và lạnh để vo. Đó là bởi khi sử dụng nước âm ấm hoặc nước nóng để vo gạo sẽ làm tăng độ ẩm trong hạt gạo, tăng khả năng hút nước của gạo và dễ hấp thụ các mùi khác trong quá trình vo gạo. Khi vo gạo lần đầu, không nên ngâm gạo quá lâu trong nước, chỉ cần 10 giây là chắt bỏ nước đi. Chà nhẹ bằng đầu ngón tay từ 20 đến 30 lần mà không cần thêm nước mới. Sau đó mới đổ thêm nước, xả ngay và lặp lại 3 hoặc 4 lần cho đến khi nước trong một chút.
Lượng nước
Một trong những yêu cầu cần thiết để nấu cơm ngon là nắm bắt chính xác tỷ lệ gạo và nước. Trong quá trình nấu cơm, nồi cơm điện tự động tính toán thời gian ngâm gạo và thời gian nấu nên không cần ngâm gạo trước. Tuy nhiên, khi đổ nước, hãy đặt lòng nồi cơm điện thật cân bằng, dàn phẳng gạo, sau đó thêm nước theo tỷ lệ nước đánh dấu bên trong nồi. Nếu lượng nước không đúng tiêu chuẩn có thể gây cháy cơm hoặc tràn nước ra ngoài.
Xới cơm
Thông thường, người ta cho rằng sau khi nấu cơm xong nên để khoảng 10 đến 15 phút để cơm hút nước trở lại và dẻo hơn. Tuy nhiên trên nhưng thực tế, quy trình nấu cơm của những nồi cơm điện gần đây đã bao gồm cả bước này. Khi nấu cơm xong, bạn có thể ngay lập tức mở nắp nồi, xới cơm và thưởng thức. Bạn có thể chia cơm bằng muôi cơm thành hình chữ thập, sau đó tiếp tục chia nhỏ thành từng phần, dùng muôi cơm xới cơm ra bát để không làm nát hạt cơm.
Trữ đông và rã đông
Khi nhà bạn có cơm thừa, bạn sẽ muốn giữ ấm phần cơm này trong nồi cơm điện, làm lạnh trong ngăn mát, hay cho vào ngăn đá? Theo gợi ý của Tiger Corporation, nồi cơm điện có chức năng giữ nhiệt tiện lợi, nhưng tránh giữ nhiệt lâu sẽ tốt hơn vì cơm sẽ bị khô hoặc mất màu trong quá trình giữ nhiệt và làm hỏng hương vị. Còn nếu bạn để cơm trong ngăn mát, khi nhiệt độ của cơm giảm xuống, nước trong hạt cơm bay hơi, hương vị của cơm cũng sẽ theo đó bị mất, tinh bột bị lão hóa và các vấn đề khác xảy ra, hạt cơm trở nên khô và cứng lại. Do đó, nhà sản xuất không khuyến khích bạn bảo quản theo cách này.
Cách tốt nhất để tránh tình trạng này là đông lạnh trực tiếp cơm thừa thật nhanh chóng để giữ cơm ở trạng thái ngon nhất. Phương pháp bảo quản phổ biến là cho cơm vào hộp hoặc trải đều từng phần cơm lên màng bọc thực phẩm, bọc phẳng và dùng giấy nhôm phủ lớp ngoài cùng để tránh làm nát hạt cơm. Tuy nhiên, nếu bạn cho cơm nóng trực tiếp vào ngăn đá, điều đó có thể gây ảnh hưởng đến các thực phẩm khác trong đó. Do vậy, trước tiên bạn cần làm nguội phần cơm thừa bằng cách xới cơm vào đĩa kim loại hoặc cho vào hộp đựng rồi đặt lên trên nước đá để làm lạnh gián tiếp. Ngay khi cơm vừa nguội, hãy cho vào ngăn đá tủ lạnh. Điều này không chỉ giữ ẩm cho hạt cơm mà còn giữ cho hương vị được nguyên vẹn.
Khi rã đông, bạn chỉ cần cho phần cơm đã trữ đông vào lò vi sóng, quay ở 600W trong 30 giây đến 1 phút, dùng đũa xới tơi cơm lên một chút, sau đó chuyển cơm sang hộp chịu nhiệt, bọc lại rồi tiếp tục quay lần thứ hai ở khoảng 600W trong vài phút (thời gian quay cần điều chỉnh theo lượng cơm mà bạn sử dụng). Bằng cách loại bỏ phần hơi ẩm dư thừa thông qua "phương pháp hâm nóng hai giai đoạn", bạn sẽ được thưởng thức món cơm với mùi vị thơm ngon, săn dẻo và không hề bị ướt.
Hãy lựa chọn nồi cơm điện tốt nhất theo nhu cầu của bạn
Việc nấu cơm tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra lại không hề dễ dàng chút nào. Để nấu cơm ngon, trước tiên bạn cần có dụng cụ phù hợp, và nồi cơm điện cũng là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên món cơm ngon. Ngày nay, hầu như gia đình nào cũng có một chiếc nồi cơm điện hiện đại với nhiều tính năng vô cùng tiện lợi. Nhiều du khách nước ngoài đến Nhật Bản cũng không quản ngại mua những chiếc nồi cơm điện này về làm quà. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp ích cho bạn để chọn lựa một chiếc nồi cơm điện phù hợp nhất với nhu cầu của mình!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố