Tại sao người nước ngoài khó có thể thuê nhà ở Nhật Bản? Hướng dẫn các bước tìm nhà ở Nhật
Nhiều người tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản thông qua việc đọc truyện tranh hoặc xem các bộ phim truyền hình Nhật Bản và một số người yêu thích Nhật Bản đến mức họ quyết định sinh sống ở đây. Tuy nhiên, việc tìm một căn hộ để thuê có thể khá khó khăn và không phải ai cũng có thể sống ở một "thế giới màu hồng" như trong các bộ phim truyền hình. Khi bạn bắt đầu tìm một công ty môi giới để thuê nhà, bạn sẽ cần nộp những giấy tờ xác nhận thu nhập hàng tháng, phải tìm một người bạn Nhật Bản hoặc người thân là người bảo lãnh và có đủ tiền cho trả phí đầu vào. Bên cạnh đó, bạn cũng phải đáp ứng đủ tiêu chí đề ra mới có thể đủ điều kiện để thuê nhà. Vì vậy, làm thế nào để một người nước ngoài có thể thuê nhà ở Nhật Bản? Bạn cần phải làm những gì? Hãy đọc bài viết này để tìm hiểu nhé!
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Bốn bước để thuê một căn nhà ở Nhật Bản: Xem nhà, đăng ký thuê nhà, đánh giá và bàn giao
Bốn bước chính để thuê một căn nhà ở Nhật Bản là xem nhà, đăng ký thuê, chờ đơn đăng ký của bạn được xem xét và cuối cùng là bàn giao chìa khóa. Toàn bộ quá trình mất khoảng một tháng để hoàn thành nhưng cũng có thể nhanh hơn, kéo dài khoảng hai tuần. Ở các nước khác, thuê nhà có lẽ dễ dàng hơn nhưng ở Nhật Bản, đây là bốn bước bắt buộc.
Nghe có vẻ khá đơn giản nhưng trên thực tế, có khá nhiều quy tắc bất thành văn, hãy cùng nhau tìm hiểu về điều này.
Xem nhà: Bạn có thể xem, nhưng không được thuê - Chính sách "nói không với người nước ngoài"
Để thuê một căn nhà ở Nhật Bản, bạn thường cần phải đàm phán với chủ nhà thông qua một công ty bất động sản. Bạn gần như sẽ không bao giờ gặp hay giao dịch trực tiếp với chủ nhà mà không thông qua cơ quan bất động sản. Hầu hết mọi người tìm thấy thông tin về nhà cho thuê từ các trang web, ứng dụng quảng cáo, áp phích tại các cửa hàng và tờ rơi. Nếu bạn tình cờ bắt gặp được thông tin về một ngôi nhà ưng ý, bạn có thể liên hệ với cơ quan bất động sản để đặt lịch hẹn xem nhà.
Tuy nhiên, đối với người nước ngoài, việc tìm thuê một chỗ ở trên các kênh quảng cáo kể trên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trên thực tế, nhiều chủ nhà ở Nhật Bản "từ chối cho người nước ngoài thuê nhà". Một vài chủ nhà thậm chí còn đưa ra danh sách các quốc tịch không được coi là khách thuê nhà tiềm năng của họ. Điều kiện thuê nhà sẽ không chỉ rõ là không nhận khách nước ngoài thuê nhà. Tuy nhiên, khi bạn gửi email hoặc liên lạc trực tiếp với công ty môi giới, bạn sẽ nhận được thông báo "Xin lỗi, nơi này không nhận khách thuê nhà là người nước ngoài."
Do đó, cho dù ngôi nhà đó có tốt hay rẻ đến mấy, bạn vẫn phải hỏi công ty môi giới liệu người nước ngoài có thể thuê căn nhà này hay không, cách hỏi như sau:「すみません、こちらの物件は外国人でも借りられますか。」(Sumimasen, kochira no bukken wa gaikokujin demo kariraremasuka?)
Bạn cần lưu ý rằng cũng có rất nhiều nhân viên môi giới sẽ chào mời bạn bằng việc quảng cáo những ngôi nhà tốt và tiền thuê rất rẻ để trục lợi, nhưng trên thực tế, đây chỉ là một chiêu thức lừa đảo. Những ngôi nhà như vậy một là đã được cho thuê, hai là không tồn tại, mục đích là để dụ khách hàng ghé qua công ty môi giới của họ. Sau đó, bạn sẽ cần làm một cuộc khảo sát về các tiêu chí tìm nhà, điều này chỉ khiến bạn lãng phí thời gian và công sức mà thậm chí, những căn nhà cho thuê mà họ giới thiệu còn có nhiều vấn đề bất cập khác. Bạn hãy lưu ý về điều này nhé!
Sau khi đã dẫn bạn đến xem nhà, nhân viên môi giới sẽ đưa cho bạn danh sách những chi phí bạn đầu mà bạn phải chi trả khi thuê nhà trong tháng đầu tiên. Những khoản phí này bao gồm tiền đặt cọc, reikin (tiền lễ cho chủ nhà), phí đổi khóa và tiền hoa hồng cho đại lý môi giới, tổng tiền có thể gấp 4 đến 5 lần tiền thuê của một tháng. Chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết hơn về phí đầu vào và các thông tin khác về nhà cho thuê sau.
◎Lời khuyên hữu ích giúp bạn không gặp phải nhiều rắc rối khi thuê nhà:
1. Nếu bạn thành thạo tiếng Nhật, bạn có thể đến một trong những công ty bất động sản lớn ở địa phương (Ví dụ: Công ty 21st Century). Thậm chí, một số công ty còn giúp bạn thuyết phục chủ nhà hoặc công ty quản lý tài sản cho bạn thuê nhà.
2. Các tài sản được xây dựng, quản lý hoặc cho thuê trực tiếp bởi các công ty bất động sản thường đắt hơn, nhưng cũng có chất lượng cao hơn.
Đăng kí thuê nhà: Đăng kí trước nhưng không được hỗ trợ? Hãy tìm một người bạn Nhật Bản!
Khi bạn đã đồng ý về các khoản phí đầu vào, công ty môi giới sẽ yêu cầu bạn điền thông tin cá nhân cơ bản như nơi làm việc, nghề nghiệp, người bảo lãnh để liên hệ khẩn cấp vào một tờ đơn.
Chắc hẳn bạn đang thắc mắc về mục người bão lạnh phải không nào? Ở Nhật Bản, việc thuê bất động sản yêu cầu phải có người bảo lãnh, thường là người bạn hoặc người thân của người thuê nhà. Bạn cũng có thể thuê dịch vụ từ một công ty bảo lãnh nhưng vẫn cần cung cấp thông tin về người thân hoặc bạn bè tại Nhật Bản (đôi khi cũng có thể là một người nước ngoài bạn quen đang sống tại Nhật) để có thể liên lạc trong một số trường hợp cần thiết. Vì vậy, nếu bạn muốn thuê nhà, bạn cần có một người Nhật sẵn sàng bảo lãnh cho bạn hoặc bạn phải bỏ một số tiền mặt để thuê một công ty bảo lãnh, nếu không, bạn sẽ không thể tiếp tục thuê nhà.
Hơn nữa, một khi bạn đã hoàn thành các thủ tục thuê nhà, công ty môi giới sẽ yêu cầu bạn không được hủy, hoặc nếu bạn có ý định hủy, bạn cần phải báo với công ty này càng sớm càng tốt. Lý do là bởi sau khi thủ tục thuê nhà đã hoàn tất và được chủ nhà chấp thuận, công ty quản lý tài sản sẽ liên hệ với các công ty Internet và truyền hình cáp để cung cấp các dịch vụ cần thiết cho ngôi nhà bạn thuê và điều này rất tốn công. Vì vậy, việc các công ty môi giới yêu cầu bạn không được hủy hoặc nếu có thì phải thông báo sớm nhất có thể là vô cùng cần thiết để ngăn không cho một số người đăng ký thuê nhà bừa bãi và lấy đi cơ hội của những người thuê nhà chân chính.
Tuy nhiên, nếu bạn tìm thấy một ngôi nhà khác ưng ý hơn sau khi vừa mới đăng ký thuê nhà hoặc vì lý do cá nhân mà không thể tiếp tục thuê, hãy chắc chắn gửi email hoặc gọi cho đại lý môi giới để hủy đơn đăng ký của bạn càng sớm càng tốt. Nhưng bạn cũng cần lưu ý rằng điều này không chỉ gây rắc rối cho cơ quan môi giới, mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín của bạn và cũng đồng nghĩa với việc công ty sẽ không còn sẵn lòng hộ trợ bạn thuê nhà trong tương lại.
Đánh giá đơn đăng ký thuê nhà: Phụ thuộc vào may mắn nhưng công việc và người bảo lãnh của bạn cũng là yếu tố rất quan trọng
Sau khi nộp đơn đăng ký thuê nhà, sẽ có thể mất một đến hai tuần để chủ nhà hoặc công ty quản lý xem xét. Đây có thể là một thời gian căng thẳng đối với người nộp đơn thuê nhà, vì nếu bị từ chối, bạn sẽ phải bắt đầu lại quá trình tìm nhà và bên phía cho thuê thường không tiết lộ lý do từ chối bạn.
Vì vậy, làm thế nào để đơn đăng ký thuê nhà của bạn được xét duyệt? Thông tin về người bảo lãnh hoặc người liên lạc khẩn cấp cùng thông tin về nghề nghiệp của bạn là chính là yếu tố quyết định.
Việc xem xét chủ yếu là để giúp chủ nhà tránh các rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn như việc không trả tiền thuê nhà, người thuê nhà rời đi mà không báo trước, hoặc người thuê nhà làm hỏng tài sản trong nhà. Do đó, chủ nhà cần đánh giá cẩn thận dựa trên thông tin bạn điền trong đơn.
Đối với hầu hết người nước ngoài, thông thường, thông tin về lịch sử tín dụng tại Nhật Bản, thu nhập hàng năm, nghề nghiệp và người bảo lãnh được chọn sẽ là tiêu chí hàng đầu để đánh giá. Một người làm việc trong một công ty quy mô lớn hoặc có một công ty sẵn sàng bảo lãnh cho họ thường sẽ rất ít gặp vấn đề khi đăng ký thuê nhà. Nhưng ngay cả khi bạn làm việc cho một công ty nhỏ hơn, miễn là bạn có một công việc toàn thời gian và có thể chứng minh rằng bạn có đủ thu nhập để trả tiền nhà thì chắc chắn bạn vẫn sẽ được cho thuê. Một lưu ý phụ, tiêu chuẩn chung để đánh giá khả năng chi trả của người thuê nhà chính là liệu chi phí thuê nhà có nằm trong khoảng 25-30% mức lương hàng tháng của bạn hay không. Nếu tiền thuê vượt quá 30% thu nhập của bạn, bạn sẽ ít có khả năng được thuê nhà hơn.
Ngoài ra, nghề nghiệp của người liên lạc và người bảo lãnh khẩn cấp của bạn cũng rất quan trọng. Ví dụ: nếu người bảo lãnh là một công chức, chẳng hạn như một giáo viên trường công, một nhân viên của chính quyền thành phố Tokyo, hoặc ở vị trí quản lý trong một công ty nổi tiếng, bạn sẽ có nhiều khả năng được chấp nhận, vì điều này khiến chủ nhà hoặc công ty quản lý yên tâm hơn khi cho bạn thuê nhà.
◎Lời khuyên hữu ích giúp bạn không gặp phải nhiều rắc rối khi thuê nhà:
1. Về cơ bản, việc có một công việc toàn thời gian trong một công ty hợp pháp là điều kiện tiên quyết.
2. Nếu bạn chỉ làm một công việc bán thời gian? Hãy tìm người thuê nhà chung, hoặc đăng ký dịch vụ tại công ty quản lý nước ngoài hoặc chủ nhà là người nước ngoài (tốt nhất là có cùng quốc tịch với bạn).
3. Sinh viên nước ngoài nên tìm hiểu liệu trường học của bạn có thể bảo lãnh hộ bạn hay không và đăng ký "Bảo hiểm toàn diện cho người thuê nhà là sinh viên nước ngoài" (留学生住宅総合補償) để không phải đóng phí cho các công ty bảo lãnh đắt tiền.
Bàn giao nhà: Sau khi nhận được chìa khóa nhà sẽ là gì? Đây mới chỉ là bước khởi đầu ...
Sau khi đơn đăng ký thuê nhà của bạn đã được chấp nhận, bạn sẽ phải ký hợp đồng cho thuê và nhận chìa khóa nhà! Nhưng đừng vội mừng, vì đây là Nhật Bản và vẫn còn nhiều vấn đề cần bạn phải giải quyết.
Thông thường, nhà được bàn giao cho người thuê nhà mới thường không có đồ đạc hay các thiết bị gia dụng nào, thậm chí còn không có bóng đèn. Bạn cần phải đăng ký sử dụng các dịch vụ như nước, ga và điện bằng cách gọi điện hoặc liên lạc trực tuyến với các công ty cung cấp dịch vụ. Nếu không, ngôi nhà mới thuê của bạn chắc chắn sẽ chả có gì ngoài bốn bức tường. Vì vậy, hãy dành thời gian để sắp xếp những việc này trước tiên nhé.
Việc bàn giao lại nhà sẽ được tiến hành tại văn phòng bất động sản. Bạn sẽ được giải thích rõ ràng về các điều khoản có trong hợp đồng cũng như về các điều khoản bồi thường nếu xảy ra thiệt hại. Đây cũng là một yêu cầu pháp lý của Nhật, bắt buộc người môi giới bất động sản phải giải thích về các điều khoản có trong hợp đồng và trả lời câu hỏi của bạn nếu bạn có thắc mặc về những điều khoản này. Trong trường hợp người môi giới không làm điều này, hãy yêu cầu họ để bảo vệ quyền lợi của bạn.
Việc này rất quan trọng bởi vì nếu bạn hiểu sai về hợp đồng cho thuê, bạn có thể sẽ phải trả một khoản tiền lớn khi kết thúc hợp đồng.
Khi ký xong hợp đồng, bạn sẽ nhận được một biểu mẫu hoặc bưu thư đi kèm với hợp đồng và chìa khóa nhà từ công ty môi giới. Nói chung, nhân viên công ty môi giới sẽ đi cùng bạn để kiểm tra nhà có vết trầy xước hay vết lõm nào không, bạn hãy ghi rõ trên mẫu hoặc bưu thư nếu tìm thấy bất kỳ vấn đề nào. Do đó, điều đầu tiên cần làm khi bạn đến nhà mới không phải là chuyển đến, mà là xem xét kỹ mọi bức tường và các góc, ghi chép hoặc chụp ảnh lại nếu tìm thấy bất kỳ vấn đề nào và gửi lại biểu mẫu hoặc bưu thư cho cơ quan quản lý. Quan trọng hơn, nếu có bất cứ thứ gì bị hỏng hóc hoặc trong tình trạng xấu đến mức không thể sử dụng được, hãy thông báo ngay cho công ty quản lý để kiểm tra và sửa chữa, nếu không, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về chi phí sửa chữa.
◎Lời khuyên hữu ích giúp bạn không gặp phải nhiều rắc rối khi thuê nhà:
1. Khi điền vào mẫu kiểm tra trạng thái nhà ở, bạn không ghi quá chi tiết như "vết bẩn 5cm trên tường bếp". Nếu không thiếu bất kỳ thứ gì khác, bạn chỉ cần mô tả đơn giản như vết bẩn trên tường bếp là đủ.
2. Hãy chụp ảnh nhà ở trước khi bạn chuyển đến để chứng minh với công ty quản lý rằng bạn không làm hỏng hóc hay làm hư bất cứ thứ gì trong nhà.
3. Một số công ty bất động sản có thể cố gắng tính các khoản bồi thường quá mức vào cuối thời hạn thuê nhà. Hãy chuẩn bị bằng chứng để tránh bị bắt trả một khoản tiền không đáng.
Những điều cần lưu ý khi thuê nhà tại Nhật Bản
Một số từ tiếng Nhật phổ biến khi thuê nhà: Reikin (礼金)/ Shikikin (敷金)/ Kyoekihi (共益費)/ Kanrihi (管理費)
Bốn từ khóa phổ biến nhất liên quan đến thuê nhà là: reikin, shikikin, kyoekihi và kanrihi.
・Reikin: Reikin là một khoản tiền lễ mà bạn phải trả cho chủ nhà để thuê nhà của họ. Khoản tiền này tương đương với một hoặc hai tháng tiền thuê nhà của bạn, nhưng cũng có vài nơi không yêu cầu trả khoản phí này.
・Shikikin: Shikikin là khoản tiền cọc, thường tương đương với một hoặc hai tháng tiền thuê nhà. Số tiền này sẽ được trả lại cho bạn sau khi trừ chi phí vệ sinh và sửa chữa khi hết thời hạn thuê nhà. Trên thực tế, rất hiếm khi bạn có thể được trả lại toàn bộ số tiền này hoặc nếu may mắn, bạn có thể nhận lại được một nửa.
・Kyoekihi: Kyoekihi là phí trả cho việc duy trì các khu vực chung của tòa nhà, tuy nhiên, khoản phí này thường hiếm khi phải đóng và thường được gộp chung với phí quản lý.
・Kanrihi: Kanrihi là phí trả cho quản lý và sửa chữa cơ sở vật chất chung, thường dưới 10.000 yên mỗi tháng.
Cấu trúc xây dựng của tòa nhà/ Dịch vụ nước và ga chung
Điều quan trọng cần lưu ý là cấu trúc xây dựng của tòa nhà, dịch vụ sử dụng nước chung và ga là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như chi phí sinh hoạt mà bạn sẽ phải chi trả. Cấu trúc xây dựng tòa nhà cho biết ngôi nhà này được xây dựng từ những nguyên vật liệu nào: gỗ, thép nhẹ hoặc thép cứng. Bạn không nên chọn những tòa nhà làm từ gỗ, thay vào đó, hãy chọn những ngôi nhà làm từ thép cứng.
Đường nước công cộng và đường dẫn ga đều do chính phủ quản lý và không thuộc điều hành của bất kỳ công ty dịch vụ nào. Bạn có thể chọn từ các công ty ga và điện uy tín nhất, hoặc ký hợp đồng với một công ty cung cấp ưu đãi đặc biệt như các công ty điện thoại di động cũng cung cấp điện giảm giá.
Phương thức giao dịch/ Công ty bất động sản
Phí quản lý có liên quan đến các loại giao dịch nên nếu bạn lựa chọn không cẩn thận, bạn sẽ có thể phải trả thêm một khoản phí ngoài ý muốn! Vì vậy, lựa chọn một công ty môi giới uy tín cũng vô cùng cần thiết, hãy tìm một công ty nổi tiếng hoặc có chiến dịch quảng cáo giảm giá để đảm bảo bạn tìm được một ngôi nhà tốt nhất mà không phải tốn nhiều tiền.
Bạn không biết nên sống ở đâu? Hãy xem xét các khu vực phổ biến nhất ở Tokyo năm 2020
Hàng năm, công ty bất động sản nổi tiếng của Nhật Bản LIFULL HOMES công bố bảng xếp hạng các khu vực nổi tiếng nhất đối với người dân Nhật Bản ở Tokyo. Nếu bạn chưa biết nên thuê nhà ở đâu, hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây.
1. Ikebukuro
Xếp thứ nhất trong bốn năm liên tiếp, khu vực Ikebukuro cực kỳ nổi tiếng không chỉ với người Nhật Bản mà còn với cả người nước ngoài. Đây là một khu vực trung tâm, giao thông thuận lợi, nơi các tuyến JR, tuyến Seibu-Ikebukuro, tuyến Tobu-Tojo và tàu điện ngầm Tokyo đều đi qua. Hơn nữa, có rất nhiều cửa hàng bách hóa, khu phố mua sắm hay siêu thị giá rẻ, khiến việc mua sắm tại đây rất thuận tiện và rẻ hơn nhiều so với những nơi như Shinjuku, Shibuya. Không có gì ngạc nhiên khi Ikebukuro được nhiều người lựa chọn yêu thích!
2. Kasai
Ngày càng nhiều nhà hàng hoạt động trong khu vực Kasai - nơi chỉ cách ga Tokyo 20 phút đi tàu. Từ đây đến sân bay Haneda và Narita, bạn chỉ cần bắt một chuyến xe buýt hay thậm chí cũng có thể đến Tokyo Disneyland chỉ bằng xe buýt. Kasai là một nơi lý tưởng bởi không quá xa khu vực trung tâm thành phố, giá thuê nhà tương đối rẻ mà lại có nhiều quán ăn để bạn lựa chọn. Một khi bạn đã sống ở khu vực này, bạn chắc chắn sẽ không muốn rời đi! Nhược điểm duy nhất của Kasai chính là các chuyến tàu từ đây đều luôn chật cứng người trong giờ cao điểm vào buổi sáng.
3. Kawasaki
Kawasaki khá nổi tiếng với thế hệ trẻ, đây là khu vực đã trải qua quá trình tái phát triển và đổi mới gần đây, với các trung tâm mua sắm hoàn toàn mới nằm bên cạnh nhà ga. Kawasaki nằm giữa Tokyo và Yokohama nên vô cùng thuận tiện và cũng có thể dễ dàng tới Atami và các khu vực tham quan nổi tiếng khác. Điều duy nhất bạn cần lưu ý chính là khu vực phía tây của nhà ga này từng là khu phố đèn đỏ. Do đó, bạn nên tìm thuê một ngôi nhà ở phía đông Kawasaki.
Qua bài viết về những điều cần lưu ý khi thuê nhà ở Nhật Bản này, chúng tôi mong rằng với những lời khuyên và gợi ý trên sẽ giúp bạn hạn chế được những rắc rối khi tìm thuê một ngôi nhà ưng ý!
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter hoặc Instagram của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố