Những ngôn ngữ cơ thể bạn cần biết khi giao tiếp với người Nhật
Bạn có biết rằng ngôn ngữ cơ thể chiếm đến 40% trong thành công của một cuộc hội thoại. Đó là lý do vì sao khi bạn học ngoại ngữ, những cuộc hội thoại trực tiếp thường dễ hiểu hơn khi trò chuyện qua điện thoại, vì bạn có thể nhìn thấy khẩu hình miệng, biểu cảm khuôn mặt và thậm chỉ là biểu cảm trên cơ thể của đối phương. Người Nhật vốn được biết đến là dân tộc khá lạnh lùng, họ thường ít khi biểu hiện cảm xúc thật ra bên ngoài. Tuy nhiên, không phải vì thế mà có thể kết luận ngay rằng họ không có ngôn ngữ cơ thể, có chăng là vì bạn chưa biết hoặc chưa hiểu về chúng thôi. Cùng tìm hiểu điều đó qua bài viết này để có thể giao tiếp tốt hơn với người Nhật nhé.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Ngôn ngữ cơ thể trong văn hóa giao tiếp của người Nhật
Cũng giống như ngôn ngữ (verbal) thì phi ngôn ngữ (non-verbal) hay còn được gọi là ngôn ngữ cơ thể (body language) đều có ảnh hưởng lớn từ truyền thống văn hóa, đặc tính dân tộc của mỗi quốc gia. Bởi vậy mỗi quốc gia sẽ có một ngôn ngữ cơ thể riêng bạn cần phải lưu ý. Có những cử chỉ đúng ở đất nước này nhưng lại bị coi là thô lỗ, kém văn hóa hoặc mang ý nghĩa hoàn toàn trái ngược ở đất nước khác. Do đó, tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp bạn giao tiếp một cách dễ dàng hơn, và đây cũng chính là cách để bạn hòa nhập vào văn hóa của một quốc gia.
Với một dân tộc coi trọng nghi lễ, phép tắc trong văn hoá ứng xử như Nhật Bản thì điều này càng quan trọng hơn bao giờ hết. Người Nhật ít khi biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài và nhiều khi cũng rất tiết kiệm lời nói. Những ai đã học tiếng Nhật chắc đều biết cách nói vòng vo, không đi thẳng vào vấn đề của người Nhật. Do đó, để có thể hiểu được nội dung của cuộc nói chuyện cũng như ý muốn của đối phương, bên cạnh vốn từ vựng, cấu trúc ngữ pháp bạn cũng cần hiểu thêm về ngôn ngữ cơ thể của người Nhật để có thể giao tiếp một cách hiệu quả hơn.
Một vài ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ thường xuất hiện trong giao tiếp của người Nhật
1. Cúi chào
Không giống như Việt Nam thường chào hỏi bằng cách vẫy tay hay bắt tay, thì người Nhật vốn khá giữ khoảng cách với đối phương chọn cách cúi đầu như một nghi lễ chào hỏi trong giao tiếp.
Có nhiều cách cúi chào khác nhau tùy theo mối quan hệ của bạn với đối phương. Tuy nhiên, thường có 3 kiểu cúi chào:
- Kiểu Eshaku là cách cúi chào nghiêng 15 độ, thường là cách chào hỏi nhẹ nhàng với đồng nghiệp, bạn bè
- Kiểu Keirei là cách cúi chào nghiêng khoảng 30~45 độ, thường được sử dụng khi chào hỏi khách hàng. Trong văn hóa doanh nghiệp của Nhật, khi gặp gỡ các đối tác khách hàng, khi ra về bạn sẽ phải cúi chào và giữ nguyên tư thế cho đến khi đối phương quay đi hoặc đến khi cửa đóng. Đây là một hành động thể hiện sự tôn trọng với đối phương.
- Kiểu Sankeirei là cách chào nghiêng 60~70 độ, đầu cúi thấp, thường được sử dụng khi muốn bày tỏ sự cảm ơn hoặc xin lỗi. Thông thường bạn sẽ phải gập người và giữ tư thế này trong khoảng 3 giây để thể hiện sự thành tâm với đối phương.
Thông thường, ngay cả người Nhật khi mới bắt đầu đi làm cũng phải học cách cúi chào sao cho đúng. Nên nếu bạn có ý định làm việc và sinh sống lâu dài tại Nhật thì cũng nên tự tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản này nhé.
2. Những cử chỉ của ngón tay
Tiền
Ở Nhật, hành động đầu ngón cái và ngón trỏ khum lại thành một hình tròn, nó có ý nghĩa là tiền. Bạn có thể sẽ dễ nhầm nó với dấu hiện "Ok" nên hãy chú ý nhé.
Vợ bé/ Người yêu
Bạn có biết khi người Nhật giơ một ngón tay út lên thì nó có nghĩa là gì không. Hành động này được thực hiện khi họ muốn nói đến bồ nhí hoặc người yêu. Những bạn nào hay đi nhậu với đồng nghiệp và sếp trong công ty nhớ để ý nhé. Có lẽ cũng xuất phát từ hành động này mà các cặp đôi người Nhật khi yêu nhau thường mua nhẫn đôi đeo ở ngón út, để cho những đối tượng đang có ý định khác biết rằng "tôi đã có người yêu rồi đó!"
Nhắc tới bản thân
Khi nói chuyện, sẽ có những lúc người Nhật giơ ngón tay trỏ lên và chỉ vào mũi mình. Hành động này để chỉ chính bản thân mình. Nó thưởng xảy ra trong tình huống khi đối phương nói điều gì đó về bạn và bạn không nghe rõ hoặc không chắc chắn, bạn sẽ giơ tay chỉ vào mũi mình với hàm ý là: "Anh đang nói đến tôi á" (Watashi?)
3. Hết giờ/ Thanh toán
Nhiều khi bạn thấy người Nhật gọi nhân viên phục vụ lên và làm một vài cử chỉ bằng tay và sau đó hóa đơn được đem ra. Vậy thực tế, họ đã ra dấu hiệu như thế nào? Bạn chỉ cần để một lòng bàn tay nằm ngang úp xuống, lòng bàn tay kia dựng đứng và tạo với bàn tay còn lại thành hình chữ T. Điều này có ý nghĩa là "Làm ơn thanh toán cho tôi". Trong một vài trường hợp khác nó cũng có nghĩa là "Hết giờ". Nếu lần sau có dịp đi ăn cùng bạn bè, bạn hãy thử làm như vậy xem nhá, mọi người sẽ phải trầm trồ vì sự hiểu biết của bạn đó.
4. Xin lỗi hoặc nhờ vả
Những bạn nào học tiếng Nhật lâu chắc đã rất quen với hành động chắp hai tay vào và để trước mặt. Hành động này có hai ý nghĩa, một là xin lỗi (Gomennasai), hai là khi bạn muốn nhờ ai đó việc gì với hàm ý "Làm ơn giúp tôi" (Onegaishimasu). Đừng quên hành động với một khuôn mặt đầy biểu cảm nhé.
5. "Không" hoặc "Tôi không biết"
Khi một người nào đó xua tay trước mặt thì nó không có nghĩa là người đó xua đuổi bạn hay có ý xấu gì đâu. Đây chỉ là hành động người Nhật thể hiện là "Tôi không biết" hoặc đôi khi là sự từ chối "Không". Nếu lần tới khi nói chuyện với người Nhật, thay vì lắc đầu bạn hãy xua tay để nói là "mình không biết" nhé.
Trong một vài trường hợp khác, nó còn có ý nghĩa là "Không có gì" (Tondemonai!) thường đáp trả khi bạn nhận được một lời cảm ơn từ ai đó.
6. "Đồ nói dối!"
Hành động để tay trước mặt nắm lại và mở ra liên tục có vẻ hơi khó hiểu đúng không? Người Nhật thường làm vậy khi muốn nói những lời nói và hành động của đối phương là nói dối. Đây cũng là một ngôn ngữ cơ thể khá thú vị bạn có thể áp dụng trong những cuộc đối thoại với bạn bè đó.
7. Đồng ý, phải rồi
Hành động nắm một bàn tay lại và đấm vào lòng bàn tay kia cho thấy bạn thực sự đồng tình với lời nói của một ai đó và thể hiện là mình có cùng suy nghĩ với đối phương. Hành động này thường cho thấy sự tán thành tuyệt đối của bạn khi ai đó nói đúng điều bạn đang suy nghĩ. Dịch ra tiếng Việt thì có thể hiểu là "chuẩn không cần chỉnh".
8. Tức giận
Khi bạn giơ hai ngón tay lên đầu như hai chiếc sừng đối phương sẽ hiểu là bạn đang tức giận. Tuy nhiên, có mấy ai tức giận mà lại bảo là mình đang tức giận đâu, đúng không? Thường bạn sẽ làm điều này để ám chỉ hành động tức giận của một ai đó.
9. Thể hiện sự quyết tâm
Hành động gập cánh tay lại, tay còn lại đặt lên bắp tay đó sẽ cho mọi người thấy sự quyết tâm của bạn như thế nào. Thường thì người Nhật ít khi làm hành động này trước mặt người khác, nếu có thì cũng chỉ những người thân quen thôi, nên nó thường mang hàm ý thể hiện sự tự cổ vũ bản thân.
10. Chen vào đám đông
Khi đi trên tàu đông người hoặc ở những đám đông trên đường phố, nếu bạn muốn thoát ra khỏi đó, hãy giơ một tay lên đầu và nói sumimasen, mọi người sẽ biết được là bạn đang muốn đi và sẽ nhường lối cho bạn.
Một vài ngôn ngữ cơ thể cần tránh khi giao tiếp với người Nhật
Nhìn vào mắt ai quá lâu
Người Nhật vốn là một dân tộc khá xấu hổ, do đó trong giao tiếp, nếu bạn cứ nhìn chằm chằm vào mắt họ, họ sẽ cảm thấy ngại và vô cùng lúng túng. Đôi khi, nó cũng khiến họ nghĩ bạn đang có ý hăm dọa họ.
Một thông tin nữa bạn nên biết đó là người Nhật hay nhìn vào miệng của đối phương khi nói chuyện. Do đó, khi nói chuyện với người Nhật, bạn cũng có thể làm cách đó, nhìn vào mắt họ một vài giây và sau đó nhớ nhìn đi hướng khác nhé.
Đúc tay vào túi quần
Có thể những bạn nam nghĩ hành động này khá ngầu, nhưng đối với người Nhật, nó chỉ cho thấy bạn là một người luộm thuộm và lười nhác thôi. Hãy đứng thẳng người khi giao tiếp nhé, nó không chỉ thể hiện bạn là một người đàng hoàng, tử tế mà còn cho thấy sự tôn trọng của bạn với đối phương nữa đó.
Khoanh tay trước ngực
Nếu bạn làm hành động này khi đang nói chuyện với ai đó, bạn sẽ khiến họ hiểu lầm là bạn không muốn nghe cuộc nói chuyện của họ hoặc không đồng tình với họ
Chỉ tay
Chỉ tay vào người hoặc vật đều bị coi là hành động thô lỗ. Thay vì làm như vậy bạn nên dùng cả bàn tay và hướng về chủ thể mà mình muốn đề cập đến.
Trên đây là một vài ngôn ngữ cơ thể thường xuất hiện trong những cuộc giao tiếp và đời sống của người Nhật. Nếu có cơ hội bạn hãy thử áp dụng nó trong những cuộc hội thoại với người Nhật xem sao nhé, hiệu quả giao tiếp chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể đó.
Ảnh tiêu đề: Vladimir Zhoga / Shutterstock.com
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố