Không chỉ phục vụ cho mục đích di chuyển! Những điều bạn cần biết về thẻ IC card của Nhật Bản
Bạn sắp đến Nhật Bản và đã nghe rất nhiều về hệ thống tàu điện của quốc gia này, nhưng bạn đang băn khoăn không biết làm sao để sử dụng tàu điện một cách hiệu quả? Mua một chiếc vé thông hành JR Pass để sử dụng cho tất cả các chuyến đi của JR là một ý kiến tuyệt vời nhưng không hợp lí về chi phí và chỉ có thể sử dụng trong 21 ngày. Bạn thắc mắc hẳn là phải có một lựa chọn tiện lợi hơn cho việc sử dụng hệ thống giao thông tại đây chứ. Câu trả lời chính là IC card, cách nhanh chóng và thuận tiện để sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở phần lớn các thành phố trên đất nước Nhật Bản. Chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết về các loại IC card, cách mua và sử dụng trong bài viết này.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Thẻ IC là gì ?
Bạn có biết rằng “Thẻ tích hợp vi mạch” hay “Thẻ thông minh” đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và trong những chiếc thẻ này có một loại chíp điện tử là chip IC; vì vậy loại thẻ này thường được gọi tắt là thẻ IC. Nhiều người sở hữu vài chiếc thẻ loại này để sử dụng trong giao dịch, sinh hoạt hàng ngày. Thẻ IC có nhiều chức năng từ nhận diện đến bảo mật thông tin máy tính. Nhưng trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ nói về loại thẻ IC của Nhật Bản dành cho việc sử dụng phương tiện công cộng như tàu điện, tàu điện ngầm và xe buýt.
Sử dụng thẻ IC Nhật Bản như thế nào?
Các thẻ IC Nhật Bản đều có cảm ứng nên bạn chỉ cần đưa thẻ chạm vào đầu đọc là có thể đi qua cửa soát vé. Đầu đọc thẻ sẽ phát tiếng kêu “bíp” và hiển thị số dư còn trong thẻ. Đầu đọc thẻ và màn hình hiển thị thường được đặt phía bên phải cửa soát vé ở các nhà ga tàu điện hay ngay bên cạnh tài xế xe buýt ở cửa lên xe.
Bạn có thể đọc thêm bài viết này để biết những điều nên và không nên khi đi tàu điện ở Nhật Bản.
Làm sao để mua và nạp tiền thẻ IC?
Bạn có thể mua thẻ IC cho riêng mình rất dễ dàng bằng việc thao tác trên máy bán vé có ở hầu hết các ga tàu. Tại các trạm JR, máy này sẽ hiển thị chữ “Suica” màu đen ở phía tay trái của bạn. Khoản tiền đặt cọc lần đầu đối với thẻ Suica là 500 yên; một số loại thẻ khác sẽ yêu cầu bạn nạp tối thiểu 1.500 yên cho lần giao dịch đầu tiên.
Khoản tiền đặt cọc lần đầu sẽ được hoàn trả khi bạn trả lại thẻ cho giám đốc nhà ga ở quầy dịch vụ. Nhưng cũng có một số thẻ sẽ thu tiền phí là 200 yên, và nếu vậy thì thà giữ lại thẻ làm kỉ niệm còn hơn.
Cách nạp tiền cho thẻ cũng rất dễ dàng. Bạn chỉ cần đưa thẻ IC vào máy bán vé và nhập số tiền muốn nạp thêm (nhớ là số tiền tối đa cho phép của mỗi thẻ IC là 20.000 yên). Loại máy nạp tiền không nhất thiết phải giống y sì máy bạn mua thẻ ban đầu, tức là thẻ IC có thể được nạp thêm tiền ở nhiều loại máy khác nhau. Ví dụ là thẻ mua ở vùng Đông Nhật Bản cũng có thể nạp ở vùng Tây Nhật Bản.
Nhật Bản có bao nhiêu loại thẻ IC?
Câu trả lời ngắn gọn là “rất nhiều”. Nhật Bản có nhiều loại thẻ IC dành cho nhiều công ty đường sắt khác nhau. Nhưng bài viết này sẽ tập trung vào 10 loại thẻ chính với một vài điểm khác biệt nhỏ, nhưng nhìn chung chúng đều có thể sử dụng thay thế cho nhau.
Thẻ Suica (Tokyo, Niigata và Sendai)
Suica là viết tắt của "Super Urban Intelligent Card", nghĩa là thẻ thông minh siêu đô thị và có nghĩa là “dưa hấu” trong tiếng Nhật. Thẻ có màu xanh lá. Suica là thẻ IC dùng cho vùng Đông JR và bạn nên mua nếu đến Tokyo. Từ tháng 9/2019, loại thẻ “Welcome Suica” được đặc biệt phát hành dành cho khách du lịch và có thể sử dụng trong 28 ngày, không phải đặt cọc nhưng có chức năng tương tự như thẻ Suica bình thường, lại được giảm giá vé nữa.
Bạn có thể mua thẻ Welcom Suica ở ngay sân bay Narita và Haneda tại các máy bán thẻ Welcome Suica đặc biệt cũng như ở các nhà ga chính trong thành phố Tokyo tại quầy dịch vụ du lịch JR EAST.
Thẻ Pasmo (Tokyo)
Pasmo là thẻ IC dành cho hệ thống tàu điện ngầm Tokyo. Ban đầu, Pasmo dành cho tàu điện ngầm và xe buýt, còn Suica chỉ dành cho tàu JR; nhưng sau đó các chức năng của các thẻ này kết hợp liên thông với nhau. Pasmo cũng có loại thẻ IC đặc biệt dành cho khách du lịch, gọi là Pasmo Passport có hạn sử dụng 4 tuần và không mất phí đặt cọc. Bạn cũng có thể mua thẻ này ở sân bay Narita và Haneda hoặc ở các quầy bán hàng của hầu hết các nhà ga tàu điện ngầm Tokyo. Thẻ này có giá 2.000 yên (trong đó, tiền đặt cọc là 500 yên).
Thẻ Icoca (Osaka, Hiroshima và Okayama)
Icoca là thẻ IC Tây JR dành cho vùng Kansai. Phiên bản dành cho khách du lịch của thẻ này có tên là Kansai One Pass và kèm theo một số chương trình giảm giá nhằm thu hút du lịch Kansai, như giảm giá 20% vé vào cửa thành Himeji hoặc tặng bưu thiếp miễn phí ở Bảo tàng truyện tranh quốc tế Kyoto… Thẻ Kansai One Pass có giá ban đầu là 3.000 yên (bao gồm 500 yên tiền đặt cọc) và không giới hạn ngày sử dụng như thẻ của Đông JR. Vì vậy, bạn có thể giữ thẻ để sử dụng mãi mãi. Bạn có thể mua thẻ này ở sân bay Kansai và các ga chính ở Kyoto, Osaka và Kobe.
Thẻ Pitapa (Osaka, Kyoto, Nara, Nagoya và Shizuoka)
Pitapa tương tự như Pasmo nhưng chỉ dùng ở Kansai, dành cho tàu điện ngầm và các tuyến tàu không phải là JR trong vùng. Đây là thẻ trả sau và bạn bắt buộc phải liên kết thẻ với tài khoản tại ngân hàng Nhật Bản nên nó không thể áp dụng đối với những người không có địa chỉ thường trú tại Nhật Bản.
Thẻ Toica và Manaca (Nagoya và Shizuoka)
Toica là thẻ IC dành cho tuyến tàu Trung JR ở Nagoya và một phần Shizuoka, còn Manaca là thẻ IC dành cho hệ thống tàu điện ngầm của Nagoya. Loại thẻ rất thú vị ở chỗ bạn vẫn có thể lên tàu ngay cả khi số dư trong thẻ là 0 yên, nhưng bạn phải nạp lại số tiền đó vào thẻ trước khi ra khỏi ga.
Thẻ Sugoca, Nimoca và Hayakaken (Fukuoka, Kumamoto, Kagoshima, Oita và Nagasaki)
Sugoca là thẻ IC dành cho tuyến JR Kyushu trên toàn bộ vùng Fukuoka, Kumamoto, Kagoshima, Oita và Nagasaki; còn Nimoca là thẻ IC dành cho tàu Nishitetsu ở Fukuoka và nhiều thành phố ở Kyushu và Hakodate. Hayakaken là thẻ IC dành cho tàu điện ngầm Fukuoka. Bạn có thể lên tàu bằng các loại thẻ này nếu có tối thiểu 10 yên trong thẻ, nhưng bạn phải trả phí còn thiếu trước khi ra khỏi ga hoặc xe buýt.
Thẻ Kitaca (Sapporo)
Kitaca là thẻ IC dành cho tuyến JR Hokkaido và có thể sử dụng cho tất cả phương tiện giao thông công cộng ở Hokkaido. Bạn phải có số dư tối thiểu bằng tiền vé tàu để có thể lên tàu.
Như đã nói ở trên, các loại thẻ này được sử dụng giới hạn ở các vùng khác nhau. Do đó, hạn chế của việc sử dụng loại thẻ này là khi bạn đi khỏi vùng đó và đến một vùng khác (bạn phải đến quầy giao dịch của ga để nhận hóa đơn và giữ nó để kích hoạt thẻ ở ga gốc) hoặc khi đi du lịch quá 200km (giả sử trong trường hợp bạn sử dụng thẻ Icoca). Nhiều người có một bộ sưu tập các loại thẻ IC của từng vùng miền và đây sẽ là món quà kỉ niệm đặc biệt cho chuyến đi xuyên Nhật Bản. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết này để biết một vài mẹo hữu ích khi đi du lịch Nhật Bản bằng tàu.
Sử dụng thẻ IC để mua sắm và nhiều mục đích khác
Tuy thẻ IC chủ yếu dùng để di chuyển tàu nhưng thực tế chúng cũng có thể dùng để giao dịch trong một số lĩnh vực khác rất nhanh chóng và thuận tiện.
Một cách tiết kiệm thời gian là dùng thẻ IC để thanh toán ở máy bán hàng tự động tại các sân ga tàu. Hãy tưởng tượng rằng bạn phải chạy để kịp giờ tàu và từ sân ga, bạn nhận thấy tàu vẫn đang trong khoảng cách đủ để bạn có thể kịp. Khi đó bạn có thể dừng lại chọn món đồ uống yêu thích từ máy bán hàng tự động và chạm thẻ IC để thanh toán. Vậy là bạn vẫn mua được đồ uống và vẫn kịp giờ tàu, thật là tiện biết bao!
Sử dụng thẻ IC đi mua sắm không chỉ dừng lại ở đó. Hầu hết các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản đều chấp nhận hình thức thanh toán bằng thẻ IC, và thậm chí một số nhà hàng cũng cho phép thanh toán bằng loại thẻ này.
Không chỉ vậy, bạn còn có thể sử dụng thẻ IC thanh toán phí sử dụng tủ locker ở các nhà ga. Cách sử dụng này rất tiện lợi vì tủ locker thường chỉ chấp nhận tiền xu 100 yên và 500 yên, mà không phải lúc nào bạn cũng có loại tiền mệnh giá đó trong túi. Nhưng không phải tất cả tủ locker đều có thể sử dụng thẻ IC vì một số nơi không được trang bị đầu đọc thẻ IC.
Kết luận
Thẻ IC cũng rất hữu ích cả khi bạn đến Nhật Bản một thời gian ngắn, vì nó sẽ giúp bạn dễ dàng di chuyển và mua sắm những món đồ nhỏ một cách nhanh chóng. Bạn cũng không phải e ngại cách sử dụng những đồng tiền lạ hay mất thời gian chờ thanh toán tại quầy – bạn chỉ cần nạp thẻ IC khi đến Nhật và tự do khám phá thôi!
Vậy bạn phải xử lý sao với thẻ IC sau khi kết thúc chuyến đi? Như chúng tôi đã hướng dẫn ở trên, bạn có thể trả lại để nhận lại 500 yên tiền đặt cọc, nhưng bạn cũng có thể giữ lại như một món đồ kỉ niệm. Đặc biệt, nếu bạn vẫn còn ý định quay lại Nhật Bản thì thẻ IC có hạn sử dụng 10 năm kể từ khi phát hành và sử dụng lần đầu tiên.
Và nếu ngoài những thông tin chúng tôi cung cấp ở trên, bạn vẫn muốn biết nhiều hơn về thẻ IC và hệ thống điểm mới của Suica và Pasmo thì có thể xem qua bài viết này.
Nguồn ảnh: japantrends/Flickr
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố