Những quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Nhật Bản dành cho người mới học
Những quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Nhật Bản trông có vẻ rất phức tạp, nhưng một khi đã hiểu về chúng, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ đơn giản. Những quy tắc ứng xử được giới thiệu dưới đây đều là những quy tắc phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, hãy ghi nhớ và thực hành ngay khi có cơ hội nhé!
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Bạn muốn biết rõ hơn về quy tắc ứng xử trên bàn ăn sao? Bài viết này sẽ trình bày chi tiết về một số quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Nhật.
Luôn nói “itadakimasu” trước khi ăn.
Nói “itadakimasu” trước khi dùng bữa là quy tắc ứng xử chung cho mọi bữa ăn của người Nhật. Dịch theo sát nghĩa thì câu này có nghĩa là “mời mọi người dùng bữa”, đằng sau câu nói này có vô số những câu chuyện ly kỳ nhưng người Nhật xem đó như là cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đầu bếp, những người nuôi trồng các nguyên liệu, cũng như để cảm ơn những nguyên liệu đã từng có sức sống trước khi trở thành món ăn.
Khi bạn dùng bữa trong nhà hàng, KHÔNG CẦN phải nói quá to, nhưng nếu bạn được mời đến nhà dùng bữa, sẽ rất bất lịch sự nếu bạn không nói đủ lớn để người đã nấu bữa ăn và chủ nhà có thể nghe thấy. Hãy ghi nhớ điều này nhé!
Nếu sử dụng đũa tách dùng một lần, trước hết hãy lấy chúng ra khỏi bao giấy.
Đũa tách thường được đặt trong một chiếc bao giấy, giống như phong bì, chính vì thế, trước tiên phải lấy chúng ra đã.
Tiếp theo, tách hai chiếc đũa bằng cách kéo ra theo chiều dọc.
Theo đúng quy tắc, đôi đũa phải được cầm theo chiều ngang và tách ra theo chiều dọc, tính theo đầu gối của bạn.
Đừng tách đũa theo chiều ngang.
Việc này khá phổ biến, nhưng đối với người Nhật, đây là một hành vi kém lịch sự. Bởi vì khi tách đũa ngang sang hai bên, bạn có thể sẽ va vào ai đó.
Và sẽ càng bất lịch sự hơn khi chà xát hai chiếc đũa với nhau để gạt những vụn xước trên đũa.
Chà xát đũa vào nhau để gạt những vụn xước là hành vi biểu thị cho nhân viên nhà hàng biết rằng bạn nghĩ đũa của họ thật rẻ tiền. Nếu vụn bám trên đũa làm bạn khó chịu, hãy kín đáo dùng tay để loại bỏ chúng.
Nếu không có sẵn gác đũa, hãy tự làm một cái với chính bao giấy bọc đũa.
Sẽ thật là khiếm nhã nếu bạn đặt đũa lên trên bát khi không dùng đến, thế nên nếu không có sẵn gác đũa, hãy tự làm một cái từ vỏ bao bọc đũa nhé.
1. Đầu tiên, gấp vỏ bao làm ba.
2. Gấp đôi theo chiều dọc để tạo thành một ngọn núi nhỏ.
Hãy dùng mảnh giấy đã gấp đó để gác đũa trong bữa ăn nhé.
Đừng đặt trực tiếp đũa lên mặt bàn hay khăn ăn.
Khi ăn cơm, hãy bưng bát cơm lên trước mặt bằng tay không cầm đũa.
Khi bạn ăn cơm, đừng quên bưng bát cơm lên trước mặt. Không bưng bát lên là hành động bất lịch sự.
Quy tắc này được áp dụng kể cả khi ăn canh.
Khi ăn canh, như canh miso chẳng hạn, hãy bưng bát canh lên trước mặt bằng tay không cầm đũa. Khi bưng bát lên như thế, hãy dùng đũa gạt phần cái trong canh và chỉ uống nước canh. Sau đó, hãy dùng đũa để ăn nốt phần cái.
Các trường hợp trang trọng sẽ có nhiều quy tắc hơn cho việc ăn uống, nhưng chỉ cần bưng bát là đã đủ lịch sự cho những bữa ăn hàng ngày rồi.
Hãy ăn hết thức ăn trên đĩa.
Một số nhà hàng sẽ từ chối đóng gói thức ăn thừa mang về để đảm bảo vệ sinh, vậy nên, hãy ăn hết thức ăn trên đĩa nhé. Nếu vì lý do nào đó mà bạn không thể ăn hết, bạn không nhất thiết phải ép chính mình, nhưng hãy cố ăn thêm nhé. Bạn cũng có thể hỏi nhân viên về số lượng của mỗi phần ăn, đặc biệt là với cơm, bạn có thể gọi một phần ít cơm nếu không ăn nhiều.
Sau khi ăn xong, hãy đặt đũa lại vào bao giấy và gấp phần cuối lại.
Sau khi dùng xong, hãy đặt đũa lại vào vỏ bọc và gấp một phần ba phía cuối vỏ bọc lại để đánh dấu cho nhân viên biết rằng đũa đã dùng rồi. Tuy nhiên, nếu có sẵn gác đũa, bạn có thể để đũa ở trên đó cũng được.
Sau bữa ăn, hãy nói “gochisousama deshita”.
“Gochisousama deshita” nghĩa là “cám ơn về bữa ăn ngon này”. Từ “chisou” có nghĩa là “bữa tiệc, bữa ăn ngon” và được viết bằng hai ký tự “trì", "tẩu", ngụ ý rằng bữa ăn được tạo ra là kết quả của nhiều người cùng làm việc với nhau. “Go” và “sama” là từ ngữ rất lịch sự được sử dụng để biểu đạt sự cảm ơn với những người đã tạo ra bữa ăn này. Hãy nói “gochisousama deshita” với lòng biết ơn nhé.
Nhiều người nói “itadakimasu” và “gochisousama deshita” với hai bàn tay chắp lại như thể đang cầu nguyện, nhưng điều này không bắt buộc và chỉ là thói quen của từng vùng. Nói “gochisousama deshita” với nhân viên khi bạn rời khỏi một nhà hàng cũng được xem là cách ứng xử tốt.
Hãy thử thực hành các quy tắc ứng xử nói trên khi bạn có dịp dùng bữa ở Nhật Bản nhé. Đây là những quy tắc ở mức độ phù hợp cho các bữa ăn thông thường, trong những trường hợp khác chẳng hạn như ăn tại nhà hàng sushi cao cấp hoặc dùng bữa tối kaiseki ryori có thể đòi hỏi những quy tắc tinh tế hơn, nhưng vẫn dựa trên những quy tắc cơ bản này.
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố