Những lễ hội độc đáo theo từng mùa bạn không thể bỏ lỡ khi đến Kyushu

Kyushu nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, nổi tiếng là vùng đất có lịch sử lâu đời từ thế kỉ 3, bên cạnh môi trường tự nhiên phong phú và các món ăn ngon. Một trong những điều bạn không nên bỏ lỡ khi đến Kyushu chính là những lễ hội địa phương độc đáo ở đây, nơi sẽ cho bạn cảm nhận bầu không khí náo nhiệt ở khu vực này. Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn các lễ hội khác nhau được tổ chức theo từng mùa ở Kyushu như lễ hội mùa hè, lễ hội mùa thu. Nếu bạn có dịp đến đây vào thời điểm diễn ra lễ hội, hãy dừng chân và ghé qua đây nhé!

*Bài viết được hoàn thành với sự hỗ trợ của Cơ quan xúc tiến du lịch Kyushu

Vài nét về Kyushu

Khác với vùng Kanto (phía Đông Nhật Bản như Tokyo) hay vùng Kansai (phía Tây Nhật Bản như Osaka, Kyoto), Kyushu là khu vực diễn ra các hoạt động giao thương với nước ngoài sớm hơn nhiều vùng khác, tiêu biểu như đảo Dejima ở Nagasaki (vào thời Edo 1603~1868) là nơi duy nhất ở Nhật Bản được chấp nhận giao dịch thương mại với Hà Lan, chính vì lẽ đó mà Kyushu cũng có lịch sử và văn hóa vô cùng độc đáo khác hẳn với vùng Honshu. Khi đến Kyushu ngoài việc thăm thú thành phố Fukuoka và Kumamoto, còn rất nhiều địa điểm tham quan, các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống và nghệ thuật biểu diễn lịch sử của vùng đất này mà bạn không nên bỏ lỡ. Cho dù bạn đã đi qua nhiều vùng đất thú vị trên đất nước Nhật Bản như Tokyo, Nagoya, Osaka hay Kyoto đi chăng nữa thì điều chắc chắn là bạn vẫn nên đến Kyushu để cảm nhận Nhật Bản theo một góc nhìn khác.

Kyushu bao gồm 7 tỉnh: Fukuoka, Kumamoto, Kagoshima, Oita, Nagasaki, Saga và Miyazaki. Nằm ở phía Nam của Nhật Bản nên nhiệt độ trung bình quanh năm ở đây thường cao hơn Tokyo khoảng 1-2℃. Nói đến sự hấp dẫn của du lịch Kyushu thì không thể không nhắc đến các món ăn. Người dân địa phương vẫn luôn tự hào về các món mì, đặc biệt là ramen xương lợn nổi danh của Hakata, Fukuoka, mì udon Hakata mềm dẻo, hay “Nagasaki chanpon” của Nagasaki - vùng đất được coi là nơi sản sinh ra món ăn này. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều suối nước nóng tự nhiên với thành phần khoáng chất phong phú như natrium, muối khoáng; nhiều khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ như núi lửa dạng tầng lớn nhất thế giới. Với sự phong phú về cảnh quan thiên nhiên, Kyushu sẽ là điểm đến tuyệt vời suốt bốn mùa trong năm đối với mọi du khách.

Giao thông công cộng ở Kyushu cũng rất thuận tiện cho việc di chuyển. Hệ thống đường sắt đã mở rộng đến hầu hết các vùng ở Kyushu; bạn cũng có thể dễ dàng di chuyển từ các vùng khác trên đất nước Nhật Bản đến đây bằng Shinkansen hoặc máy bay. Tuy nhiên, việc di chuyển hoàn toàn bằng tàu điện đôi khi cũng có những bất tiện ở một vùng đất có cảnh quan thiên nhiên rộng lớn như Kyushu. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn nên thuê xe để di chuyển khi tham quan nơi này.

Ngoài những đặc điểm nói trên, Kyushu còn có nhiều nét văn hóa đặc trưng và truyền thống lâu đời. Mỗi tỉnh hay thành phố đều có những lễ hội thể hiện giá trị quan và tín ngưỡng được truyền lại từ xa xưa. Cách tốt nhất đối với du khách và người nước ngoài muốn trải nghiệm cuộc sống của người dân bản xứ nơi đây là trực tiếp tham gia vào những lễ hội này. Hầu hết các lễ hội đều được tổ chức định kỳ hàng năm nên bạn nhớ tìm hiểu về địa điểm và thời gian tổ chức lễ hội khi lên kế hoạch tham quan Kyushu để có một chuyến đi đầy ý nghĩa khi tới Nhật Bản nhé!      

Các lễ hội ở Kyushu

※Các hình ảnh và video được sử dụng trong bài viết này được chụp tại lễ hội "Kyushu Matsuri Island 2019".

Lễ hội mùa hè (tháng 7-8)

Tháng 7 đến tháng 8 là thời điểm nóng nhất trong năm ở Nhật Bản. Trong thời tiết oi nóng như vậy, còn gì thú vị hơn khi cảm nhận cái nóng cũng như cảm giác mát mẻ qua hình ảnh những chiếc kiệu rước của Kyushu và đoàn người trong trang phục truyền thống của những lễ hội Nhật Bản.

Tháng 7: Đặc trưng mùa hè ở Hakata! Cảm nhận không khí náo nhiệt của Lễ hội Hakata Gion Yamakasa hoành tráng (Fukuoka)

Thời gian lễ hội: mùng 1, mùng 9 - 15 tháng 7 hàng năm

Nếu bạn đến Hakata, Fukuoka vào đúng dịp này, thì đây chắc chắn là một trong những lễ hội bạn nhất định phải đến xem. Năm 2016, Hakata Gion Yamakasa cùng với 33 lễ hội khác trên toàn Nhật Bản đã được UNSECO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể với tên gọi là "Yama/Hoko/Yatai Gyoji". Hakata Gion Yamakasa là một nghi thức đạo Shinto của Đền Kushida - ngôi đền bảo hộ của Hakata. Có khá nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của lễ hội này, một trong số đó có kể lại rằng lễ hội được bắt đầu từ năm 1241 và là một trong những lễ hội Gion được tổ chức để thể hiện sự tôn thờ vị thần Susano Onomikoto (một vị thần trong Thần thoại Nhật Bản), sau này dần dần được phát triển trở thành nghi thức rước kiệu trong đạo Shinto kết hợp với tín ngưỡng Gion về việc loại trừ những điều xui xẻo. Kể từ đó, lễ hội đã tồn tại và kéo dài trong khoảng thời gian trên 770 năm với sự yêu thích của người dân địa phương, nó được diễn ra hàng năm với mong muốn loại bỏ những điều xấu và trở thành một nét đặc trưng của mùa hè ở Hakata.

7 chiếc kiệu rước kakiyamakasa (đồ tế được sử dụng trong các lễ hội hàng năm của đền, trong ảnh là vật mà mọi người đang dùng tay để khiêng) được trang trí hoàn toàn khác nhau. Có vô số những con búp bê được trang trí làm vật chủ đạo trên những chiếc kiệu yamakasa từ búp bê tướng lĩnh vô cùng sống động cho đến những tiên nữ thanh lịch và lộng lẫy, tất cả đều được được chế tạo ra nhờ kỹ thuật điêu luyện của những nghệ nhân làm búp bê nổi tiếng ở Hakata. Ngoài ra, Shingaku (tấm biển ghi tên ngôi đền) cũng được trang trí, chạm khắc công phu và lộng lãy. Vào mùa hè Hakata, bạn sẽ bắt gặp chúng khi đi qua các tuyến phố ở Tenjin, Nakasu, Gion, Gofukumachi.

Điểm nổi bật của lễ hội là việc những người khiêng kiệu được chia thành 7 nhóm theo 7 khu vực riêng như Chiyonagare, Ebisunagare,... cùng khiêng yamakasa chạy đua trong một khoảng thời gian giới hạn. Nhóm chạy nhanh nhất sẽ không được nhận cờ chiến thắng, thay vào đó trong phần "Oiyama Narashi" và "Oiyamakasa" nhóm này sẽ được hát bài hát kỷ niệm của Hakata để truyền tải tinh thần cũng như niềm tự hào của địa phương đến các nhóm đang thi đấu.

Từ ngày 10/7, kakiyamakasa được khiêng và diễu hành qua các con phố. Các nhóm sẽ tham dự cuộc thi rước kiệu chay đua tính thời gian; trong đó phần thi Oiyama Narashi sẽ diễn ra vào 15:59 ngày 12/7 và cao trào của cuộc thi - phần thi Oiyamakasa sẽ chính thức diễn ra vào 4:59 ngày 15/7.

Oiyama Narashi là buổi diễn tập của phần thi chính thức Oiyamakasa. Mỗi đội sẽ khiêng kakiyamakasa trên vai từ trong khuôn viên đền Kushida-jinja và chạy đua với quãng đường 112m, phần này gọi là "Kushida-iri" và nó cũng được diễn ra trong ngày thi chính thức "Oiyamakasa" do đó mọi người cũng tiến hành luyện tập trước đó. Sau đó, các đội sẽ dốc toàn lực để khiêng kiệu và chạy đua với quãng đường 4km đến vạch đích là góc phố Naramachi. Đội chạy nhanh nhất trong phần "Kushida-iri" sẽ được phép dừng kiệu và hát bài hát kỷ niệm của Hakata.

Từ 15:30 ngày 13/7, người ta tổ chức Shudanyamamise ở ngã tư Gofukumachi đến Tenjin (tòa thị chính thành phố Fukuoka), những nhân vật nổi tiếng sẽ lên ngồi trên các kiệu để mọi người đều có thể nhìn thấy. Ngày 14/7 sẽ diễn ra phần Nagaregaki, các đội tham dự sẽ khiêng kiệu và diễu hành qua các quận trong thành phố, những chiếc kiệu này đi qua cả những con hẻm nhỏ nhất nên đây chính là cơ hội để bạn có thể từ từ chiêm ngưỡng chúng. Cuộc thi chạy Oiyamakasa vào ngày sau đó và cả phần luyện tập Kushida-iri đều rất đáng để bạn đến xem.

"Oiyamakasa" - phần thú vị nhất của lễ hội sẽ được diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội (ngày 15/7) lúc 4:59 phút. Sau khi có hiệu lệnh từ tiếng trống, các đội sẽ lần lượt khiêng kiệu chạy ra khỏi khu vực đền Kushida đến Susakicho với quãng đường 5km. Bạn sẽ được chứng kiến 7 đội tận dụng hết sức lực của mình để khiêng những chiếc kiệu và chạy đua đến giây phút cuối cùng, đây chính là điểm thu hút và gây ấn tượng của lễ hội này.

Chỉ cần một lần được chứng kiến lễ hội này, bạn sẽ hiểu được truyền thống lịch sử lâu đời, vẻ đẹp lộng lẫy của kakiyamakasa, sức mạnh của người khiêng kiệu cũng như hiểu được lý do tại sao lễ hội này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO.

Tháng 7: Choáng ngợp với "núi đồ trang trí" trên xe rước lộng lẫy trong lễ hội Hita Gion (Oita)

Thời gian lễ hội: Thứ Bảy & Chủ nhật của tuần ngày 20/7 hàng năm

Lễ hội Hita Gion được tổ chức hàng năm tại thành phố Hita, tỉnh Oita. Người xem lễ hội sẽ bị bất ngờ với xe rước khổng lồ có chiều cao trên 10m, được khiêng bởi những thanh niên trai tráng. Trên xe rước, các món đồ trang trí được sử dụng cho màn trình diễn kabuki (một loại kịch truyền thống của Nhật Bản) như búp bê, hình ngôi nhà, hoa giả được xếp chồng lên nhau; phía sau xe rước là bức màn thêu hình loài động vật trong truyền thuyết Nhật Bản.

Những tiếng hô khỏe khoắn của các chàng trai đẩy kiệu hòa cùng điệu nhạc truyền thống tạo nên bầu không khí lễ hội náo nhiệt, để lại dấu ấn đậm nét cho những người tới tham dự. Sau 19 giờ là tiết mục Shudankaomise của lễ hội Hita Gion, 9 xe rước tập trung trước cửa ga Hita, hình ảnh những chiếc đèn lồng giấy trên xe rước được thắp sáng tạo ra một khung cảnh huyền ảo khác hẳn lúc buổi trưa.

Người ta nói rằng, lễ hội Hita Gion bắt nguồn từ việc cầu nguyện thần linh bảo vệ cho sự yên bình của người dân khỏi bệnh dịch và thiên tai từ 300 năm trước. Trải qua thời gian, hình thức tổ chức lễ hội đã có ít nhiều thay đổi và được người dân địa phương rất yêu thích. Hiện tại, đây cũng là một trong những lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO của tỉnh.

Lễ hội thường diễn ra vào thứ Bảy, Chủ nhật của tuần ngày 20/7 hàng năm tại Mamedachi-ku và Kumachi-ku thuộc thành phố Hita, tỉnh Oita. Không chỉ vậy, 2 ngày trước lễ hội, toàn bộ 9 xe rước sẽ tập trung ở trước cửa ga JR Hita, thu hút sự chú ý của rất nhiều người tại đây. Vì vậy, nếu có dịp ghé qua Kyushu vào cuối tháng 7, đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm lễ hội thú vị này nhé.

Tháng 7: Kim tự tháp ánh sáng cao 7m trong lễ hội Tobata Gion Oyamagasa (Fukuoka)

Thời gian lễ hội: Thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật thứ 4 của tháng 7 hàng năm

Lễ hội Tobata Gion Oyamagasa được tổ chức hàng năm tại Tobata-ku thuộc tỉnh Fukuoka. Điểm nổi bật của lễ hội này là bạn sẽ được chứng kiến những màn trình diễn khác nhau giữa ban ngày và ban đêm. Ban ngày bạn sẽ được nhìn thấy những chiếc kiệu yamakasa được trang trí những lá cờ hồng và trắng được gọi là "Nobori-yamakasa" đi diễu hành trên đường phố. Buổi tối, những lá cờ này sẽ được thay thế bằng 309 chiếc đèn lồng giấy chia thành 12 tầng cao 7m, biến thành một chiếc Chochin-yamakasa. Số lượng đèn lồng lớn thắp sáng rực rỡ trong đêm thu hút rất nhiều du khách đến Tobata Gion Oyamagasa.

Theo những ghi chép còn lại thì lễ hội Tobata Gion Oyamagasa có từ 210 năm trước. Người ta nói rằng, năm 1802 bùng phát rất nhiều dịch bệnh ở khu vực Tobata-ku, người dân khi đó đã cầu nguyện thần Suga để mau chóng thoát khỏi bệnh dịch, họ cũng đã làm ra những chiếc kiệu rước như ngày nay với niềm tin chúng sẽ giúp họ thoát khỏi bệnh tật.

Hiện tại, lễ hội này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và được tổ chức vào thứ Sáu, Bảy, Chủ nhật thứ 4 của tháng 7 hàng năm. Vào ngày thứ Sáu, lễ hội được tổ chức tại đền Tobihata-hachimangu, đền Sugawara-jinja và đền Nakabaru-hachimangu. Vào 1 giờ chiều ngày thứ Bảy, tất cả yamakasa sẽ được tập trung ở đền Tobihata-hachimangu để làm lễ rửa tội. Bắt đầu từ 6 giờ tối, cuộc thi Oyamakasa sẽ được diễn ra trên đường đường phố quanh công viên Aso thu hút rất nhiều người đến xem. Còn Chủ nhật sẽ là sự thay đổi giữa Nobori-yamakasa của ban ngày và Chochin-yamakasa vào ban đêm.

Tháng 7 - 8: Say sưa với buổi diễu hành Long Thần trong lễ hội Omuta Daijayama (Fukuoka)

Thời gian lễ hội: 2 ngày trong khoảng thời gian từ ngày của Biển (thứ Hai tuần thứ 3 của tháng 7) đến tháng 8. Lịch trình có thể thay đổi theo từng năm.

Lễ hội của thành phố Omuta ở tỉnh Fukuoka có 2 điều đặc biệt: một là dân địa phương và du khách sẽ cùng nhau diễu hành quanh thành phố Omuta với vị Thần Rồng Daijayama dài hơn 10m đang phun lửa do chính người dân trong vùng cùng nhau làm. Xe rước Daijayama được làm từ gỗ và trang trí bằng các chất liệu do địa phương sản xuất ra như washi (một loại giấy truyền thống của Nhật Bản), tre, rơm,... Thần Rồng được làm ra với đầy đủ 3 phần: đầu, thân và đuôi.

Điều đặc biệt thứ hai là đoàn diễu hành nhảy múa tập thể kéo dài tận 2km. Đây là một điệu nhảy với tổng cộng 10,000 cùng tham gia, bao gồm người dân địa phương và cả khách du lịch. Mọi người cùng tham gia nhảy múa và hòa vào làn điệu của những bài hát lễ hội như Tanko-Bushi, Daijayama-bayashi.

Omuta Daijayama là lễ hội lớn nhất của thành phố Omuta, thể hiện tính kế thừa lịch sử, truyền thống và văn hóa của thành phố. Theo thông lệ, lễ hội thường được diễn ra trong 2 ngày, trong khoảng thời gian từ ngày lễ của Biển (thứ Hai tuần thứ 3 của tháng 7) đến khoảng tháng 8. Tuy nhiên, lịch trình lễ hội có thể thay đổi theo từng năm, nên bạn nhớ kiểm tra thông tin trên website trước khi lên kế hoạch du lịch nhé!

Tháng 8: Cùng cười, ca hát và nhảy múa trong lễ hội mùa hè Hyuga Hyottoko (Miyazaki)

Thời gian lễ hội: ngày chính hội là thứ Bảy đầu tiên của tháng 8, lễ hội sẽ được khai mạc vào đêm thứ Sáu trước đó.

Hyuga Hyottoko là lễ hội ở thành phố Hyuga, tỉnh Miyazaki, nằm ở phía Đông Nam Kyushu. Hình ảnh những người tham gia biểu diễn đeo mặt nạ hyottoko, okame và nhảy múa tạo nên những tràng cười sảng khoái cho du khách. Đây là một lễ hội vui nhộn đến mức bạn sẽ chẳng mấy chốc cùng chuyển động cơ thể và tâm trí của mình để cùng hòa vào nhịp điệu của những người biểu diễn.

Những người tham gia sẽ đeo các loại mặt nạ kitsune (mặt nạ cáo), okame (mặt nạ nữ giới), hyottoko (mặt nạ nam giới) như trong “Truyện kể về điệu nhảy Hyuga Hyottoko” được người dân nơi đây lưu truyền và cùng nhau nhảy múa. Truyện kể rằng có đôi vợ chồng Okame và Hyosuke sống ở ngôi làng có tên là Nagata. Hai người sống với nhau đã lâu mà vẫn chưa có con. Vì vậy, mỗi sáng họ đều đặn dâng cơm lên đền Inari để cầu xin có một mụn con. Một ngày nọ, một thầy tu đói bụng đã ăn phần cơm được dâng cúng. Thần Inari đã biến thành một con cáo và đuổi theo trừng phạt thầy tu. Trên đường đuổi theo, thần đã gặp Okame và đem lòng yêu mến nên đã đưa Okame đi theo. Hyosuke và dân làng đã đuổi theo để giữ họ lại.

Lễ hội mùa hè Hyuga Hyottoko mô phỏng điệu nhảy khi Hyosuke và dân làng cùng đuổi theo con cáo và Okame. Đêm thứ Sáu trước ngày chính hội sẽ diễn ra cuộc thi cá nhân giữa các nhóm kitsune, okame và hyottoko. Lễ hội chính vào ngày thứ Bảy là cuộc thi nhảy theo nhóm.

Hiện nay, lễ hội mùa hè Hyottoko được tổ chức vào thứ Bảy đầu tiên của tháng 8, các cuộc thi và màn biểu diễn nhảy múa được bắt đầu từ tối thứ Sáu trước đó. Đây là một lễ hội mùa hè hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những tràng cười sảng khoái, bạn sẽ thoải mái hòa mình vào những điệu nhảy và âm nhạc vui nhộn tại đây. Vì vậy, nếu bạn có cơ hội thức dậy ở Kyushu vào đầu tháng 8, hãy thử tham gia lễ hội này nhé!

Tháng 8: Cùng nhảy với người dân thành phố Kumamoto trong lễ hội Hi-no-kuni (Kumamoto)

Thời gian lễ hội: thứ Sáu, Bảy, Chủ nhật đầu tiên của tháng 8 hàng năm

Nếu bạn hỏi người dân thành phố Kumamoto về lễ hội mùa hè thì có lẽ hầu hết câu trả lời sẽ là lễ hội Hi-no-kuni. Đây là một sự kiện lớn của Kumamoto, được tổ chức trong suốt 3 ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật đầu tiên của tháng 8 hàng năm trong suốt hơn 40 năm qua. Điểm nhấn của lễ hội này là chương trình biểu diễn nhảy múa tập thể ở trung tâm  thành phố Kumamoto vào ngày thứ Bảy.

Vũ điệu Otemoyan là điệu múa tập thể diễn ra trong giai điệu nhẹ nhàng của bài hát dân gian truyền thống “Otemoyan” của vùng Kumamoto. Điều đặc biệt của lễ hội là không chỉ người dân Kumamoto mà bất kì ai cũng có thể tham gia nhảy múa. Số lượng người tham dự lên đến hơn 5.000 người mỗi năm với khoảng 60 nhóm cùng tập trung trên đường phố, tạo nên cảnh tượng đông vui, náo nhiệt khác hẳn ngày thường. Ngoài hoạt động nhảy múa tập thể, các gia đình và trẻ em có thể tham gia hoạt động thể thao. Ngoài ra, tại đây còn có các gian hàng ăn uống hoạt động trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội.

Lễ hội mùa thu ở Kyushu (tháng 9 - 11)

Mùa thu ở Nhật Bản thường kéo dài trong khoảng tháng 9 đến tháng 11. Đây là thời điểm khí hậu mát mẻ, không nóng, không lạnh nên rất phù hợp để tham gia các hoạt động ngoài trời. Nhiều hoạt động như nhảy múa, rước linh vật, diễu hành,.. được tiến hành trong các lễ hội.

Tháng 10: Say sưa với điệu nhảy nồng nhiệt trong lễ hội YOSAKOI Sasebo (Nagasaki)

Thời gian lễ hội: thứ Sáu, Bảy, Chủ nhật cuối tháng 10; thời gian có thể thay đổi theo từng năm

YOSAKOI Sasebo là lễ hội được tổ chức thường niên tại Sasebo-shi thuộc tỉnh Nagasaki. Khi đó, mọi người không phân biệt già trẻ cùng tham gia nhảy múa nhiệt tình và vui vẻ trong lễ hội.

Hơn 170 nhóm cùng tham gia trình diễn trong thời gian lễ hội diễn ra biến thành phố Sasebo trở thành quảng trường lễ hội lớn với 1 sân khấu chính và 13 sân khấu phụ. Lễ hội này thường được tổ chức vào các ngày thứ Sáu, Bảy, Chủ nhật cuối tháng 10, nhưng lịch trình có thể thay đổi theo từng năm nên bạn nhớ kiểm tra lịch công bố trên website lễ hội để không bỏ lỡ những điều thú vị nhé!

Tháng 10: Cùng múa đĩa trong lễ hội Arita Sarayama (Saga)

Thời gian lễ hội: Chủ nhật thứ 3 của tháng 10 hàng năm

Thành phố Arita của tỉnh Saga nổi tiếng là nơi sản xuất ra các sản phẩm gốm mang thương hiệu "đồ gốm Arita" từ đầu thế kỉ 17. Người dân Arita mong muốn có thể truyền bá cho người dân ở các vùng khác và thế hệ trẻ về ý nghĩa và niềm tự hào về tài sản văn hóa mà địa phương này đã tạo ra. Điểm thu hút của lễ hội là phần biểu diễn của những người tham gia, mỗi người sẽ cầm 2 chiếc đĩa là những sản phẩm gốm truyền thống của Arita ở 2 tay, nhảy và tạo ra những âm thanh hòa cùng với giai điệu của âm nhạc.

Bất kỳ ai cũng có thể tham dự cuộc diễu hành, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Đây cũng là nơi duy nhất bạn có thể thưởng lãm màn biểu diễn trống gốm Arita.

Lễ hội Arita Sarayama được tổ chức thường niên vào ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 10 tại Hội trường trước ga Arita ở thành phố Arita, tỉnh Saga. Chương trình chi tiết và hướng dẫn đường đi đến lễ hội được đăng tải trên website của thành phố Arita để mọi người đều có thể tham khảo. Chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc khi dành thời gian tham dự lễ hội này.

Tháng 10: Lễ hội Myoenji-mairi – nơi chiêm ngưỡng cuộc diễu hành của các chiến binh kì lạ để hiểu về lịch sử Kagoshima (Kagoshima)

Thời gian lễ hội: thứ Bảy & Chủ nhật thứ 4 của tháng 10 hàng năm

Myoenji Mairi là lễ hội bắt nguồn từ việc các binh sĩ diễu hành đến viếng chùa Myoen-ji để tưởng nhớ Shimazu Yoshihiro - nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử của Kagoshima, người đã trở về sau khi chiến đấu chống lại kẻ thù trong trận chiến Sekigahara năm 1600. Quãng đường diễu hành đến chùa Myoen-ji dài hơn 40km (tính cả 2 chiều).

Điểm đặc biệt thu hút của lễ hội là những hàng dài binh lính thời Chiến quốc của Nhật Bản trong trang phục áo giáp và mũ sắt hùng dũng trình diễn các điệu nhảy thông qua những hành động diễn tập bắn súng như trong thời chiến.

Ngoài các cuộc diễu hành của binh sĩ còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, triển lãm sản vật của địa phương kéo dài 10km thậm chí 20km dọc tuyến phố từ thành phố Kagoshima, nên bạn hoàn toàn có thể đi bộ và tham gia vào những hoạt động này. Myoenji-mairi được tổ chức thường niên vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật thứ 4 của tháng 10, thời điểm thời tiết dễ chịu nhất, phù hợp để mọi người có thể thoải mái hòa mình trong bầu không khí lễ hội. 

Tháng 10: Trải nghiệm bầu không khí của triều đại Ryukyu và đắm mình trong giai điệu âm nhạc truyền thống Okinawa trong lễ hội Yomitan (Okinawa)

Thời gian lễ hội: Thứ Bảy & Chủ nhật thứ 4 của tháng 10 hàng năm

Trước đây, Okinawa vốn không thuộc lãnh thổ Nhật Bản, mà là một quốc gia độc lập với tên gọi “Vương quốc Ryukyu”. Lễ hội Ryukyu là sự kiện lớn nhất ở Okinawa với hơn 80.000 người tham dự trong 2 ngày. Điều hấp dẫn nhất trong lễ hội là Chương trình hòa nhạc cổ điển Ryukyu được biểu diễn bởi hơn 300 vũ công Ryukyu đang hoạt động tại làng Yomitan. Đây là một sự kiện để tôn vinh nhân vật huyền thoại Akainko, người được cho là ông tổ của âm nhạc sanshin. Âm nhạc cổ điển của Ryukyu vang lên trong làng Yomitan từ các nhạc cụ truyền thống, tạo ra một bầu không khí tráng lệ ở nơi đây.

Tiết mục chính của lễ hội là phần biểu diễn kịch Shinkosen, mô tả lại tiến trình giao thương với Trung Quốc ở triều đại Ryukyu. Khi đó, Taiki được cho là người đầu tiên đã lên một con thuyền rất lớn để sang Trung Quốc làm ăn buôn bán.

Lễ hội Yomitan được tổ chức hàng năm tại làng Yomitan, Okinawa vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật của tháng 10. Hãy ghé qua đây để trải nghiệm không khí lễ hội nếu bạn đến Okinawa vào dịp này nhé. 

Tháng 11: Đến lễ hội Yatsushiro Myouken để xem lễ rước loài động vật trong truyền thuyết của Nhật Bản (Kumamoto)

Thời gian lễ hội: ngày 23 tháng 11 hàng năm

Lễ hội Yatsushiro Myouken được tổ chức ở vùng Mizuho và Yatsushiro thuộc tỉnh Kumamoto, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và là tài sản văn hóa dân gian phi vật thể quan trọng được Nhà nước chỉ định. Sự kiện chính của lễ hội diễn ra vào buổi sáng với khoảng 1.700 người tham gia đám rước gồm 40 vật phẩm như rắn rùa, kasa-boko (kiệu rước được trang trí lộng lẫy) và sư tử,... trên hành trình dài 6km từ đền Shioya-Hachimangu đến đền Yatsushiro (đền Myomiya). 

Tại sân khẩu biểu diễn bên bờ sông Tosaki, các màn biểu diễn của sư tử, rắn rùa, đua ngựa được diễn ra thu hút nhiều khách tham quan.

Lễ hội Yatsushiro Myouken diễn ra vào ngày 23 tháng 11 hàng năm, là một sự kiện lớn của Kumamoto. Vì vậy, bạn cũng đừng bỏ lỡ nếu có dịp ghé qua Kumamoto vào thời gian này nhé.

Tháng 11: Cuộc đua lăn cuộn rơm khổng lồ trong lễ hội Tamana Otawara (Kumamoto)

Thời gian lễ hội: ngày 23 tháng 11 hàng năm

Lễ hội Tamana Otawara được tổ chức với mục đích cảm tạ vụ mùa bội thu và cầu nguyện cho sự thịnh vượng hơn nữa ở thành phố Tamana tỉnh Kumamoto. Điều thu hút nhất của lễ hội này là cuộc đua cuộn rơm có đường kính 2,5m, chiều dài 4m và trọng lượng hơn 1 tấn. Du khách sẽ bị choáng ngợp bởi không chỉ kích thước khổng lồ của cuộn rơm mà còn bởi tốc độ lăn mà những người chơi thực hiện.

Bên cạnh cuộc thi lăn rơm, lễ hội còn có chương trình ăn thử các món ăn địa phương tại sân khấu lễ hội. Đây là sự kiện không thể bỏ lỡ nếu bạn đến Kyushu vào khoảng cuối tháng 11.

Những sự kiện được tổ chức nhiều lần trong năm

Nakae Iwado Kagura – tiết mục hoành tráng về thần thoại Nhật Bản (Kumamoto)

Thời gian lễ hội: Chủ nhật đầu tiên của tháng 4 - 11 (ngoại trừ tháng 10)

Nakae Iwado Kagura được tổ chức tại thành phố Aso, tỉnh Kumamoto. Khác với nhiều lễ hội chỉ diễn ra 1 hoặc 2 lần trong năm, lễ hội này được thực hiện suốt trong năm từ tháng 4 đến tháng 11 (ngoại trừ tháng 10), nhưng chỉ làm vào một ngày Chủ nhật đầu tiên hàng tháng.

Chủ đề của lễ hội là câu chuyện thần thoại Nhật Bản “Amano Iwato”. Trong đó, thần Amaterasu vì quá tức giận với sự xấu xa của em trai mình là Susano-onomikoto đã trốn khỏi thế gian và đến ở ẩn trong hang động có tên là Amano Iwato, từ đó thế giới trở nên tối đen. Nhiều vị thần thấy lo lắng đã muốn đưa Amaterasu ra khỏi hang nên đã hát múa rất náo nhiệt ngay trước cửa hang. Cuối cùng thì Amaterasu đã ra khỏi hang.

Trong lễ hội này, nhiều điệu nhảy khác nhau như Miya Kagura, Sato Kagura, Miyagagaku và điệu nhảy Kume của Nhật Bản được đan xen biểu diễn. Bạn sẽ thấy những trang phục biểu diễn lộng lẫy và thiết bị sân khấu hoành tráng, tiết mục kagura được thực hiện bởi các học sinh tiểu học địa phương. Đây là một chương trình rất thú vị và đáng xem.
 

Nakae Iwado Kagura có lịch sử trên 270 năm và được công nhận là tài sản văn hóa dân gian phi vật thể được Nhà nước chỉ định vào năm 1975. Người dân thành phố Aso và du khách đều có thể chiêm ngưỡng tài sản văn hóa quốc gia này. Do đó, nếu bạn có dịp đến Aso nhớ ghé qua xem lễ hội này nhé!

Tháng 1, 3, 4, 5, 10: Xem các kĩ nữ Oiran diễu hành trên phố và các tiết mục nghệ thuật truyền thống ở ngày hội vui chơi Tsuboigawa thành Kumamoto (Kumamoto)

Thời gian lễ hội: 4 lần/năm: 2 ngày thứ Bảy & Chủ nhật bất kì trong khoảng từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 sẽ diễn ra "Lễ hội ngắm hoa anh đào"; từ thứ Năm - Chủ nhật đầu tiên của tháng 5 là "Bữa tiệc Oenyukai"; 3 ngày trong đó có thứ Bảy & Chủ nhật của tuần thứ 2 tháng 10 sẽ diễn ra "Dạ tiệc mùa thu"; và từ ngày 1/1 đến 3/1 sẽ là "Dạ tiệc mùa xuân".

Mỗi năm 4 lần, lễ hội văn hóa và biểu diễn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản lại được tổ chức ở thành Kumamoto, vườn Jyosaien, sông Tsuboigawa. Tên của lễ hội thay đổi tùy theo từng mùa và sự kiện mùa nào cũng rất thú vị.

“Dạ tiệc mùa thu” tháng 10 sẽ tái hiện hình ảnh các cô kĩ nữ hạng sang còn được gọi là Oiran trong thời kì Edo (1603 - 1868) tiếp khách ở phòng trà và cùng nhau diễu hành trên phố. Bạn cũng không thể bỏ lỡ sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống địa phương trong “Bữa tiệc Oenyukai” tháng 5.

Ngoài ra, trải nghiệm đi thuyền trên sông Tsuboi-gawa cũng là một hoạt động nằm trong chương trình lễ hội. Đây chính là nơi bạn nên đến nếu là người yêu thích nghệ thuật truyền thống.

Tháng 1: Chương trình biểu diễn đánh trống thấu tận trời xanh vào ngày đầu năm mới Kirishimakumen daiko (Kagoshima)

Thời gian lễ hội: ngày 1 tháng 1 hàng năm

Tensonkourin-kirishima-kumen-daiko là chương trình biểu diễn trống được diễn ra 2 lần/ năm vào thời điểm 0 giờ và 2 giờ sáng ngày 1 tháng 1 tại đền Kirishimajingu ở Kagoshima. Thời điểm biểu diễn trống này nhằm mục đích báo cáo những lời hứa của năm mới đến những vị thần trên trời nên họ tạo ra những tiếng trống thấu tận trời xanh. Các tay trống mặc trang phục màu trắng và tím nhạt, đeo 9 loại mặt nạ khác nhau để hóa trang thành những vị thần từ trên trời rơi xuống.

Bạn có thể đến xem buổi biểu diễn này miễn phí nên hãy đến đây thưởng thức nghệ thuật truyền thống địa phương của tài sản văn hóa phi vật thể của thành phố Kirishima này nhé!

Kết luận

Nằm ở Tây Nam Nhật Bản, Kyushu là nơi mà người dân địa phương còn lưu giữ và duy trì nhiều lễ hội truyền thống cho đến ngày nay, thu hút sự chú ý của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Với rất nhiều những lễ hội đặc sắc, tại đây bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những xe rước được trang trí lộng lẫy và hoành tráng, cùng tham gia vào những điệu nhảy trong âm nhạc với người dân địa phương, hay đắm mình trong những vũ điệu truyền thống. Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn đã có được cái nhìn rõ nét hơn về các lễ hội ở Kyushu cũng như những câu chuyện lịch sử phía sau đó, và tại sao bạn không thử mình trải nghiệm những điều đó bằng cách trực tiếp tham gia trong chuyến du lịch Nhật Bản lần tới của mình. Chắc chắn chuyến du lịch Kyushu sẽ trở thành một kỷ niệm đáng nhớ đối với bạn đó.

Tuyển tập Kyushu
Rent the car you want at the price you want. Rental Cars. Perfect if you're looking to rent a car in Japan! Learn more.

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

eve_elmt
eve_elmt
Tôi đến từ Thái Lan và hiện tôi đã sống ở Nhật được 3 năm. Tôi có niềm đam mê với văn hóa Nhật Bản và rất thích đi du lịch, khám phá những điều mới mẻ. Tôi mong muốn có thể chia sẻ những trải nghiệm ở Nhật Bản của bản thân đến tất cả mọi người. Hãy chờ đón những bài viết của tôi nhé.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng