Bước vào thế giới của matcha tại Matcha Stand Maruni ở Tsukiji, Tokyo
Matcha từ lâu đã gắn liền với văn hóa ẩm thực Nhật Bản, được sử dụng trong nhiều món khác nhau từ đồ uống như matcha latte, cho đến các món tráng miệng và các món ăn khác. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều người nước ngoài, mỗi khi nhắc đến matcha họ thường liên tưởng đến nghi thức trà đạo truyền thống và xem nó như một thứ gì đó rất khó tiếp cận. Để xóa bỏ quan niệm này và mang văn hóa matcha đến gần hơn với cuộc sống đời thường, một cửa hàng có tên Matcha Stand Maruni nằm ở khu chợ Tsukiji đã ra đời. Tại đây bạn có thể thưởng thức những món đồ uống đơn giản được làm từ matcha, ngồi xem các nhân viên pha chế, hoặc nếu thích có thể mua những dụng cụ pha trà chuyên nghiệp được bày bán tại đây. Đây đích thực là một không gian lý tưởng dành cho những tín đồ của matcha.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
※Bài viết được viết với sự hợp tác của Matcha Stand Maruni.
Matcha được làm ra như thế nào?
Matcha là một loại trà xanh, tuy nhiên có quy trình thu hoạch hơi khác một chút, người ta thường che phủ cây chè trước khi hái để hạn chế sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp làm tăng hương vị cũng như vị ngọt của lá trà. Sau khi thu hoạch, lá trà được hấp ở nhiệt độ cao, sấy khô mà không nhào trộn để tạo thành "tencha", sau đó được đem nghiền thành bột.
Bột matcha thường có màu xanh sáng, mùi thơm và có vị khác nhau tùy thuộc vào loại lá trà và bột. Trong nghi lễ trà đạo, người ta thường dùng "Chasen" (một cây chổi được làm bằng tre) để đánh tan bột trà trong nước cho đến khi có bọt xuất hiện để làm dậy mùi thơm của matcha. Tùy thuộc vào lượng bột matcha sử dụng mà đồ uống có thể có vị đậm hoặc nhạt.
Ngày nay, không khó để bạn có thể tìm thấy các loại đồ uống hòa tan làm từ matcha pha với đường hoặc sữa bột tách béo để người tiêu dùng dễ uống hơn. Chỉ cần thêm nước hoặc sữa theo hướng dẫn trên bao bì, khuấy đều là bạn đã có cho mình một ly matcha thơm ngon rồi!
Matcha và văn hóa trà đạo Nhật Bản
Matcha được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 12. Ban đầu, matcha được xem là thức uống của giới quý tộc, nhưng tính thẩm mỹ của trà đạo dần dần được hình thành khi ý thức thẩm mỹ trong việc lựa chọn dụng cụ pha trà, đồ trang trí, cho đến địa điểm và cách thức uống trà ngày càng tăng lên. Trà đạo không chỉ là hành động uống trà đơn thuần, mà là một nghi thức làm giàu vẻ đẹp tâm hồn qua yếu tố thẩm mỹ của trà. Bên trong đó còn chứa đựng nhiều triết lý khác về sự hài hòa, tĩnh mịch, tinh khiết, trong khi bên ngoài, nó được xem là cầu nối giúp xây dựng mối quan hệ giữa chủ và khách.
Matcha trong văn hóa trà truyền thống đã phát triển hàng ngàn năm và trở thành một biểu tượng mỗi khi nhắc đến văn hóa Nhật Bản kể từ khi matcha bùng nổ ở nước ngoài vào năm 2010. Sự tiện lợi của đồ uống matcha hòa tan khiến cho matcha ngày càng được biết đến rộng rãi hơn, đặc biệt là với những người bận rộn. Tuy nhiên, mặc dù tiện lợi nhưng hương vị của matcha hòa tan không thể nào so sánh được với matcha vừa mới pha, và đặc biệt là không thể nào thay thế được trà đạo truyền thống.
Nếu bạn đang thắc mắc vậy sự khác nhau giữa matcha hòa tan và matcha pha chế là gì, và muốn tìm hiểu rõ hơn về thế giới rộng lớn của matcha, vậy thì hãy tiếp tục theo dõi bài viết để khám phá cửa hàng chuyên về matcha ở Tsukiji - "Matcha Stand Maruni".
Matcha Stand Maruni - Một cửa hàng chuyên về matcha nằm ẩn mình trong khu chợ Tsukiji
Matcha nổi tiếng và được yêu thích khắp thế giới, nhưng không nhiều người biết cách pha chế matcha làm sao cho ngon. Năm 2018, cửa hàng chuyên về matcha “Matcha Stand Maruni” đã được khai trương tại khu vực bên ngoài chợ Tsukiji với mong muốn truyền bá văn hóa matcha theo một cách mới. Không giống như một cửa hàng bán trà thông thường, đây là một cửa hàng chuyên phục vụ các sản phẩm liên quan đến trà như bột trà, lá trà và nhiều dụng cụ pha trà khác.
Chủ cửa hàng matcha đồng thời cũng là một người kinh doanh rong biển
Chủ cửa hàng - anh Shingo Ito được gọi là "Nitoryu" (người sử dụng kiếm đồng thời bằng cả 2 tay) một cách nói hình ảnh để chỉ những người làm hai công việc khác nhau, bởi anh sở hữu hai cửa hàng kinh doanh hai mặt hàng hoàn toàn khác nhau. Là con trai của một chủ cửa hàng rong biển, anh đã giúp đỡ công việc kinh doanh của gia đình tại Tsukiji từ khi còn là học sinh trung học cơ sở. Sau khoảng 15 năm làm việc tại đây, anh chính thức nối nghiệp cha và trở thành chủ cửa hàng thế hệ thứ 4 của cửa hàng bán rong biển hơn 100 năm tuổi. Bên cạnh việc điều hành cửa hàng, anh còn dành thời gian rảnh của mình để tham gia hoạt động giảng dạy về nori tại các trường tiểu học và trung tâm cộng đồng, chia sẻ những kiến thức của mình về rong biển đến mọi người.
Nori và matcha thoạt nhìn có vẻ không liên quan gì đến nhau, nhưng cả hai đều là những thực phẩm truyền thống đáng tự hào của Nhật Bản mà Ito muốn bảo vệ và giới thiệu đến nhiều người. Trên thực tế, rong biển và matcha có điểm chung. Cả hai đều nhạy cảm với độ ẩm và cần được bảo quản chuyên biệt. Vì lý do này, nhiều cửa hàng rong biển truyền thống cũng bán trà và ngược lại.
Mặt tiền cửa hàng tinh tế như một phòng trưng bày nghệ thuật
Cửa hàng chuyên bán matcha của anh Ito "Matcha Stand Maruni" nằm trên cùng một con phố với cửa hàng Ito Noriten (chi nhánh Tsukiji). Bên trong cửa hàng, mọi thứ được bài trí, sắp xếp giống như một phòng trưng bày nghệ thuật. Tại đây bạn sẽ thấy mọi thứ liên quan đến matcha từ bột matcha được sử dụng trong các buổi trà đạo và nấu ăn, cho đến các dụng cụ pha trà như cây chổi (chasen), chén trà và lưới lọc. Ngoài ra, tại đây còn bán cả trà lá, trà túi lọc của Nhật Bản như trà xanh, hojicha, genmaicha.
Cách thức tạo ra đồ uống từ matcha tại "Matcha Stand Maruni"
Tại Matcha Stand Maruni, bạn có thể mua bột trà và các dụng cụ pha trà để tự làm đồ uống matcha ngay tại nhà. Hoặc bạn cũng có thể xem các nhân viên tại đây pha chế đồ uống từ bột matcha ngay tại quầy bar của quán.
Khi nhân viên lấy matcha và cho vào lưới lọc, những hạt bột mịn sẽ rơi từng chút một vào bát Katakuchi (bát có một chiếc vòi nhỏ để chắt nước). Sau đó, từ từ rót một lượng nước nóng đã được đo lường kỹ lưỡng vào. Giữ lấy chiếc bát katakuchi bằng một tay, tay kia cầm cây chổi chasen đánh tan bột trà cùng với nước. Hãy đánh nhanh và đều tay để bột trà không bị vón cục. Đồ uống sẽ được pha tại chỗ như thế này khi có khách gọi đồ. Bạn có thể cảm nhận được tình cảm và sự nhiệt huyết của người làm ra chúng trong mỗi ly đồ uống.
Matcha tại "Matcha Stand Maruni" đều được trồng tại Uji, Kyoto, thánh địa của matcha và không chứa chất bảo quản, vì vậy bạn có thể thưởng thức hương vị và mùi thơm nguyên bản của matcha. Tuy nhiên matcha nguyên chất sẽ hơi khó uống một chút, đặc biệt với những người chưa từng thử matcha bao giờ, trong trường hợp này hãy thử matcha latte có thêm sữa. Giống như cà phê, bạn có thể điều chỉnh độ đậm, nhạt, độ ngọt của đồ uống bằng cách lựa chọn 1 hoặc 2 cốc matcha cho món đồ uống của mình.
Tôi đã gọi một ly latte đậm đặc với lượng bột matcha gấp đôi. Chất lỏng matcha đậm đà đánh bông ngay tại chỗ được đổ vào sữa lạnh để tạo nên một thức uống sang chảnh khiến bạn muốn thưởng thức ngay lập tức khi nhìn thấy. Màu xanh của món đồ uống này sẽ giúp bạn xua tan đi cái nóng của mùa hè. Ngay cả sau khi uống, bạn vẫn sẽ cảm nhận được hương thơm của matcha thanh lịch trong miệng mình.
Thực hành và hiện thân của tinh thần truyền thống
Như đã đề cập ở trên, văn hóa matcha không chỉ có bột matcha, mà còn bao gồm cả các dụng cụ pha trà được sử dụng trong quá trình làm ra đồ uống. Tất cả các dụng cụ pha trà được bày bán trong cửa hàng đều được sử dụng để pha chế đồ uống tại đây, nên bạn có thể tận mắt nhìn thấy cách chúng được sử dụng như thế nào. Chẳng hạn, chiếc bát katakuchi mà anh Ito dùng khi làm matcha là một sản phẩm của “đồ gốm Tokoname” (một trong 6 lò nung gốm lâu đời nhất ở Nhật Bản) được làm hoàn toàn thủ công, và được xem như báu vật của tỉnh Aichi với lịch sử hàng nghìn năm.
Đồ gốm Tokoname chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đồ gốm Kiyomizu của Kyoto và được làm bằng tay từng cái một. Kỹ thuật quan trọng nhất khi làm một ấm trà là làm sao để nắp và thân khớp với nhau, sau đó là đến công đoạn lắp ráp các bộ phận. Quá trình này đòi hỏi người thợ phải có một đôi bàn tay khéo léo và kỹ thuật thuần thục.
Anh Ito không chỉ bán những dụng cụ pha trà do những người thợ thủ công nổi tiếng làm ra, mà còn tự mình đến thăm khu vực sản xuất, thăm những người thợ thủ công để học hỏi các kỹ thuật pha trà của họ để hiểu sâu hơn về trà đạo.
Các xưởng gốm hợp tác với Matcha Stand Maruni không chỉ sản xuất những sản phẩm tận dụng đặc tính truyền thống của đất sét. Chiếc bát Katakuchi này kết hợp giữa phong cách đương đại và hiện đại, phù hợp với mong muốn của anh Ito là trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Tôi có thể cảm nhận được triết lý và sự chú ý đến từng chi tiết của anh Ito trong mọi thứ, từ phương pháp phục vụ đồ uống matcha cho đến cách lựa chọn những đồ dùng được bày bán trong cửa hàng.
Khám phá những khía cạnh mới của văn hóa matcha
Đối với những người coi trọng chất lượng của matcha, cửa hàng cũng có nhiều dụng cụ pha trà cao cấp truyền thống để mọi người tha hồ lựa chọn. Ví dụ, để làm matcha ngon, bạn cần một loại Chasen có thể tạo bọt mịn. Tùy vào loại tre, hình dạng ngọn tre, độ dài, màu sắc có thể tạo ra những chiếc Chasen khác nhau. Ngoài ra, công dụng, chủng loại và hình dáng cũng có sự khác biệt. Cây chổi chasen được bán tại cửa hàng là loại có 72 sợi, phù hợp để pha cả trà nhạt và trà đậm.
Kế thừa truyền thống là điều quan trọng, nhưng cũng cần phải điều chỉnh để làm sao phù hợp với nhịp sống hiện đại ngày nay để có thể tiếp nối lâu dài. Ngoài loại Chasen cán ngắn truyền thống, còn có loại Chasen phiên bản hiện đại có đầu nhỏ và cán dài hơn giống như một chiếc thìa khuấy giúp bạn dễ dàng cầm nắm. Nó không chỉ dễ cầm mà còn có thể sử dụng để pha chế matcha trong cốc thay vì bát như truyền thống nên rất thân thiện và dễ sử dụng ngay cả với người mới bắt đầu học cách pha chế.
Một nơi lý tưởng để bạn có thể tìm hiểu thế giới của matcha
Văn hóa matcha của Nhật Bản là thứ bạn không thể định nghĩa trong một câu đơn giản. Nếu bạn quan tâm đến thế giới matcha nhưng chưa hiểu rõ về nó, bạn có thể ghé thăm "Matcha Stand Maruni" ở Tsukiji. Những nhân viên thân thiện tại đây sẽ trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bạn. Đây cũng là điểm dừng chân lý tưởng để bạn nghỉ ngơi trong khi mua sắm tại chợ Tsukiji.
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố