Khám phá Jiyu Gakuen Myonichikan - kiệt tác kiến trúc của Frank Lloyd Wright giữa trung tâm Ikebukuro

Vào tháng 7 năm 2019, 8 công trình kiến trúc biệt lập, được thiết kế bởi kiến trúc sư bậc thầy người Mỹ Frank Lloyd Wright đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Được mệnh danh là "Kiến trúc sư vĩ đại nhất Hoa Kỳ", Wright có một tầm ảnh hưởng đáng kể đối với ngành kiến trúc hiện đại, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với những công trình kiến trúc tại đất nước Mặt trời mọc. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về một trong những kiệt tác của kiến trúc sư Wright tại Nhật Bản nhé.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Nhắc đến Ikebukuro, những du khách quen thuộc của Tokyo chắc hẳn sẽ nghĩ ngay tới Công viên Cửa Đông Ikebukuro, nơi có hằng hà sa số những quán ramen thơm ngon nổi tiếng cùng cơ sở chính của hệ thống cửa hàng Animate, hay các quán cà phê hầu gái và Trung tâm thương mại Sunshine City. Hình ảnh của Ikebukuro thường gắn liền với những con phố thương mại ồn ào và sôi động, nhưng hôm nay, hãy cùng tới thăm một di sản văn hóa quan trọng, mang một vẻ đẹp yên bình và duyên dáng ẩn sâu trong một góc của Ikebukuro - tòa nhà Jiyu Gakuen Myonichikan. 

Đi dọc phía Tây Nam của ga Ikebukuro, lần theo con đường nhỏ đến một khu dân cư, bạn sẽ cảm nhận được những tiếng xe cộ và sự nhộn nhịp của dòng người hối hả dần lắng xuống. Sau đó, hãy rẽ khi nhìn thấy tấm biển đề Jiyu Gakuen Myonichikan trên một chiếc cột điện, bạn sẽ phải bất ngờ với khung cảnh hàng loạt những công trình kiến trúc sẽ hiện ra trước mắt và những hàng cây anh đào rợp bóng dọc con đường. Khi chúng tôi tới đây, vừa hay là lúc những bông anh đào nở rộ, và những cánh hoa màu hồng tươi mới bao phủ khắp không gian.

Khi vào trong khuôn viên, bạn sẽ ngay lập tức bị ấn tượng bởi thiết kế của những công trình kiến trúc ở đây, sự kết hợp giữa ánh sáng và bóng tối của những chiếc cửa sổ và cửa ra vào, lối kiến trúc pha trộn giữa sự đơn giản và hiện đại sẽ cho bạn cảm nhận rõ hơn bầu không khí ấm áp tỏa ra từ không gian này.

Jiyu Gakuen Myonichikan vốn là một ngôi trường nữ sinh Công giáo được xây dựng bởi kiến trúc sư bậc thầy người Mỹ Frank Lloyd Wright và cộng sự người Nhật của ông là Arata Endo vào năm Taisho thứ 10 (1921).

Wright vô cùng yêu thích nghệ thuật Nhật Bản và cũng là một nhà sưu tầm ukiyo-e (tranh khắc gỗ Nhật Bản) nổi tiếng. Thời trẻ, ông từng nhìn thấy và rất ấn tượng với Gian hàng Nhật Bản trong Hội chợ Thế giới, với thiết kế mô phỏng kiến trúc của Sảnh Phượng Hoàng ở Chùa Byodoin. Phong cách thiết kế của ông chịu nhiều ảnh hưởng của kiến trúc truyền thống Nhật Bản, thể hiện ở nhiều khía cạnh như: tòa nhà được mở rộng theo chiều ngang thay vì chiều dọc, hạn chế trang trí để làm nổi bật chất liệu xây dựng tự nhiên, không gian nội thất mở và thiết kế hòa hợp với thiên nhiên, v.v.

Ngoài Jiyu Gakuen Myonichikan, một kiệt tác nổi tiếng khác của ông chính là Khách sạn Hoàng gia (nay đã được di rời tới Bảo tàng Meiji Mura ở tỉnh Aichi). Phong cách của Wright đã có ảnh hưởng lớn tới nhiều kiến trúc sư Nhật Bản trẻ tuổi. Tuy không có nhiều công trình tại Nhật, nhưng sức ảnh hưởng của ông tới ngành kiến trúc Nhật Bản có thể so sánh với Josiah Conder - kiến trúc sư người Anh được mệnh danh là "Cha đẻ của kiến trúc đương đại Nhật Bản".

Khuôn viên Jiyu Gakuen Myonichikan có một khoảng sân lớn, bao quanh hai phía của tòa nhà, được lấy cảm hứng từ Sảnh Phượng Hoàng tại chùa Byodoin vươn ra thành hai cánh. Đại sảnh có những cửa sổ lớn kiểu Pháp như cửa sổ ở nhà thờ, gợi nhớ về lịch sử của Jiyu Gakuen Myonichikan khi còn là một ngôi trường Công giáo. Tuy nhiên, những khung cửa sổ dạng lưới này được thiết kế theo phong cách hình học trừu tượng sáng tạo thay vì loại kính màu với những hình ảnh mô phỏng Kinh thánh tại nhà thờ.

Phía dưới là một trong những lối vào tòa nhà. Cả lối đi và những chiếc cột trụ đều được làm bằng đá oya. Những phiến đá tuy trông không mấy hấp dẫn với những lỗ to nhỏ và đốm màu, nhưng đây lại là loại đá mà Wright vô cùng yêu thích và đã trở thành một nét đặc trưng riêng trong các công trình kiến trúc của ông. Điểm độc đáo trên chiếc cột ở phía trước cửa chính là một chiếc đèn hiên với phong cách hình học trừu tượng giống với những cánh cửa chính và cửa sổ của toàn bộ công trình. Đây chính là một điểm nhấn riêng trong phong cách kiến trúc của Wright, giống như chim bồ câu trong những bộ phim của John Woo (đạo diễn của điện ảnh Hồng Kong) vậy.

Bước vào tòa nhà, nơi có một tủ để giày để du khách có thể thay giày của mình bằng những đôi dép đi trong nhà ngay tại lối vào, một đặc điểm thường thấy ở những trường tiểu học và trung học Nhật Bản.

Trong hội trường có trần cao gấp đôi là một quán cà phê mở cửa vào những ngày trong tuần. Khi mua vé vào tham quan, ngoài mức phí vào cửa 400 yên, bạn có thể trả thêm 200 yên để thưởng thức thêm một tách trà đen cùng với đồ ăn nhẹ tại đây. Nếu tới đây vào ban đêm, còn gì tuyệt vời hơn khi có thể vừa ngắm cảnh và nhâm nhi một ly rượu với giá chỉ 1000 yên!

Những bức tranh trên tường trong đại sảnh được sáng tác bởi nghệ sĩ, thầy giáo Tsuruzo Ishii và những học trò của ông vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập ngôi trường. Những bức họa tuyệt đẹp này mô phỏng một cảnh trong Sách Xuất Hành trong Kinh Cựu ước, khi Môi-dơ và những người Do Thái băng qua sa mạc dưới sự chỉ dẫn của Đức Chúa thông qua những cột lửa và mây.

Trên tầng hai là căng tin dành cho học sinh nơi mà những dấu ấn của Wright xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ bàn, ghế, cửa ra vào, cửa sổ, đèn chiếu sáng cho tới những góc tường đều rất hợp với kiểu thiết kế chung của tòa nhà. Khi bước vào đây, bạn sẽ có cảm giác như vừa bước vào một chiều không gian hoàn toàn khác mang tên “Frank Lloyd Wright”.

Đừng vội ra về khi mới chỉ tham quan tòa nhà chính của ngôi trường này vì khu vực giảng đường tại đây là một điểm đến sẽ đem lại cho bạn nhiều điều thú vị. Khu này mới mở cửa trở lại vào tháng 8 năm 2017, sau khi được tu sửa sau những trận động đất. Tòa nhà này được xây dựng biệt lập và thiết kế bởi Arata Endo. Khu giảng đường này mang phong cách đơn giản hơn, khác với vẻ khoa trương tại các khu vực khác. Endo được mệnh danh là "Môn đệ của Wright” với phong cách thiết kế ảnh hưởng lớn từ bậc thầy kiến trúc này. Tuy những công trình của ông bị nhận xét là thiếu điểm nhấn cá nhân nhưng hơn nửa những kiệt tác kiến trúc của ông trên đất Nhật đều được công nhận là tài sản văn hóa quốc gia.

Jiyu Gakuen Myonichikan có lẽ là điểm đến tuyệt vời cho những du khách muốn chiêm ngưỡng những công trình tuyệt vời của Wright - bậc thầy về kiến trúc. Sau chuyến viếng thăm ngôi trường này, có lẽ bạn sẽ có một cái nhìn mới và càng thêm trân trọng những công trình kiến trúc hơn.

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang FacebookTwitter, hoặc Instagram của chúng tôi!

Tuyển tập Kanto

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

邱立崴
邱立崴
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng