Tham quan Nishijn - Vùng đất của nghề dệt may lâu đời tại Kyoto
Khu vực Nishijin của cố đô Kyoto nổi tiếng với các sản phẩm dệt may thủ công, tiêu biểu là những bộ kimono truyền thống tinh tế. Để hiểu rõ hơn về ngành dệt may truyền thống của vùng Nishijin, tác giả của bài viết đã đến bảo tàng Orinasu-kan và có những trải nghiệm thú vị tìm hiểu về các loại vải thủ công, gặp gỡ những thợ dệt "bậc thầy" tại xưởng Watabun cạnh đó. Tiếp tục cuộc hành trình là chuyến ghé thăm Tondaya, một ngôi nhà truyền thống vùng Nishijin, nơi du khách có thể mặc thử những bộ kimono truyền thống, được thiết kế vô cùng tinh tế của gia đình nhà buôn Tanaka và trò chuyện với người quản lý ngôi nhà này - người tiếp nối truyền thống của mười ba thế hệ đi trước.
Đối với nhiều du khách, hình ảnh của cố đô Kyoto có lẽ gắn liền với âm thanh từ đôi guốc gỗ truyền thống của những nàng maiko - geisha tập sự, dạo trên con hẻm nhỏ của phố Gion. Thế nhưng, bạn sẽ khám phá ra một âm thanh đặc biệt khác của Kyoto khi đến với vùng Nishijin, đó là âm thanh của những khung cửi dệt vải.
Những âm thanh lớn, văng vẳng phát ra từ xưởng dệt Watabun.
Dệt vải trên những chiếc khung cửi lâu đời của Kyoto
"Bạn có thấy ở phía bên này không?" - ông Murai - một thợ dệt bậc thầy, chỉ tay về phía những sợi chỉ màu trắng ở khung cửi. "Mặt bên phải của tấm vải sẽ được dệt từ đây", và từ phía ông Murai chỉ, một phần vải màu trắng lấp lánh ánh vàng xuất hiện.
Nằm về phía Tây Bắc trung tâm thành phố Kyoto, vùng Nishijin được biết đến là khu vực phát triển ngành dệt thủ công và là nơi sản xuất ra những bộ kimono truyền thống cùng những sản phẩm từ lụa ấn tượng.
Ông Murai ngồi xuống và chỉ cho tôi một vài kỹ thuật dệt cơ bản: các thanh gỗ trên khung cửi từ trần nhà đưa xuống những vòng chỉ lớn, trông giống như một cây cầu treo nhỏ. Người thợ dệt thêm một vài sợi chỉ óng ánh, cứ như vậy, các thanh gỗ phía bên trên lại phát ra âm thanh lạch theo những thao tác khéo léo của ông.
Quả thực, ông Murai cùng các thợ dệt thủ công khác ở đây đều là những nghệ nhân tài ba. Nhiều sản phẩm may mặc mà họ tạo ra lấy cảm hứng từ những bộ trang phục cổ xưa với màu sắc rực rỡ và kiểu dáng độc đáo. Để làm ra những sản phẩm tuyệt vời như vậy đòi hỏi người nghệ nhân phải dày công học hỏi và nghiên cứu ít nhất là 10 năm (mỗi thợ thủ công ở đây đều có 20 - 50 năm kinh nghiệm). Tuy vậy, quá trình sản xuất không phải chỉ có duy nhất một người thợ dệt tham gia: mỗi nghệ nhân tại đây đều có nhiệm vụ riêng của mình, người thì làm việc phía sau với nhiệm vụ quay sợi, người thì có nhiệm vụ luồn sợi qua khung dệt.
Tại phòng trưng bày bên cạnh xưởng có một bộ sưu tập obi (một loại đai quấn ở phần thắt lưng cho trang phục kimono) của các nghệ nhân. Để hoàn thành một sản phẩm trong bộ sưu tập này, những người thợ thủ công tại đây phải mất từ hai tuần đến một tháng.
Triển lãm sản phẩm dệt vùng Nishijin và còn nhiều hơn thế
Bảo tàng trưng bày sản phẩm dệt thủ công Orinasu-kan, nằm cạnh xưởng dệt, là một minh chứng cho lịch sử lâu đời của nghề dệt thủ công vùng Nishijin. Được xây dựng vào năm 1936, Orinasu-kan trong nhiều năm vừa là nhà, vừa là một cửa tiệm bán hàng của nhà buôn obi - ông Watabun. Sau đó, Orinasu-kan tiếp tục đóng vai trò là một bảo tàng, nơi trưng bày nhiều sản phẩm dệt theo chủ đề khác nhau, bao gồm những trang phục của nhà hát Noh truyền thống, những tấm vải mang họa tiết độc đáo nhất trên khắp đất nước cùng những bộ kimono cổ hết sức tinh tế.
Du khách đến tham quan bảo tàng Orinasu-kan không chỉ được chiêm ngưỡng những triển lãm đặc sắc tại đây mà còn được thưởng thức một tách trà ngon cùng vài đồ ngọt ăn kèm tại khu nhà cổ hướng ra vườn. Hãy nhớ mang theo tất đi chân khi đến thăm bảo tàng bởi giống như nhiều ngôi nhà khác ở Nhật Bản, bảo tàng sẽ yêu cầu bạn phải tháo giày trước khi vào bên trong.
Ngoài ra, khi đặt chỗ trước (*), bạn cũng có thể tham quan xưởng dệt Watabun bên cạnh bảo tàng và trải nghiệm dệt vải thủ công bằng một khung cửi phiên bản đơn giản hơn máy dệt chuyên dụng mà những thợ thủ công tại đây sử dụng. Hãy chắc chắn đặt chỗ trước vì không giống như bảo tàng Orinasu-kan, xưởng dệt Watabun cạnh đó hoạt động độc lập và không phải lúc nào cũng mở cửa tiếp đón du khách.
(*): Lưu ý đặt trước 10 ngày đến hai tuần đối với nhóm khách từ 3 người trở lên.
Cách bảo tàng Orinasu-kan không xa, tại một con phố vắng vẻ khác có một nhà gỗ truyền thống machiya được dựng lên từ năm 1885, có tên là Tondaya. Mặc dù không có bất cứ một người thợ dệt nào ở đây nhưng thay vào đó, bạn sẽ được thỏa thích chiêm ngưỡng những tấm lụa và khám khá văn hóa vùng Nishijin.
Sống theo lối sống của vùng Nishijin
Tondaya là cơ sở hoạt động của gia đình nhà buôn kimono Tanaka qua nhiều thế hệ. Hiện tại, người quản lý của Tondaya là cô Mineko Tanaka - một người phụ nữ thanh lịch và duyên dáng, đồng thời là một chuyên gia am hiểu về văn hóa kimono, trà đạo, nghệ thuật cắm hoa ikebana và văn hóa, lối sống của vùng Nishijin. Dưới sự điều hành của cô, Tondaya đã được công nhận là Báu vật Văn hóa Quốc gia và hoạt động đến ngày nay với vai trò là một bảo tàng văn hóa Nishijin.
Khéo léo giúp vị khách của mình mặc kimono từ bộ sưu tập truyền thống của gia đình, cô Tanaka toát lên vẻ thanh lịch và nhẹ nhàng của một người hướng dẫn giàu kinh nghiệm. "Bạn thấy không, thật dễ dàng đúng không nào?" cô nói, "Bạn hoàn toàn có thể mặc một bộ kimono chỉ trong 5 phút. Quan trọng nhất là mọi thứ tại đây đều là những sản phẩm thực sự chất lượng!". Quả thực, đưa mắt nhìn xung quanh khi cô Tanaka chỉ vào những tấm vải dệt từ sợi tổng hợp trưng bày tại đây, tôi không thể không đồng tình.
Căn phòng trưng bày chính tại đây hướng ra khu vườn đã 130 năm tuổi với những gồ đất gồ ghề, bị xói mòn bởi dòng nước chảy qua. Nơi đây mang một vẻ đẹp tuyệt vời đến nỗi nếu có lỡ bị thay đổi thì chắc sẽ chẳng có một nghệ nhân tài ba nào có thể trả lại vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu cho nơi đây.
Cô Tanaka giải thích rằng, cô mong muốn Tondaya là một nơi mà mọi người có thể đến và tìm hiểu về lối sống và văn hóa truyền thống Nhật Bản. Cô nói rằng, đối với những người dân đang sinh sống trong các ngôi nhà kiểu này, họ luôn duy trì 3 quan điểm sống rõ ràng: hy vọng và ước mơ (negai), cầu nguyện (inori) và lòng biết ơn (kansha). "Thông thường, sống trong những căn nhà cổ machiya nghĩa là sống cùng những vị thần linh thổ địa nơi đây. Và điều này cũng chính là lối sống và quan niệm "gốc rễ" của người dân Nhật Bản", cô giải thích. Ngôi nhà chính là một nơi tâm linh.
Ẩn trong hàng rào thấp, Tondaya có các phòng trà, một nhà hát Noh truyền thống, 3 ngôi vườn và 3 phòng trưng bày, nơi chứa đựng những "bí mật" mang giá trị lịch sử riêng. Tham gia một tour tham quan ngôi nhà cổ machiya có hướng dẫn viên, bạn không những có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm đặc sắc như một chiếc bàn lớn được làm từ gỗ xà cừ khảm hình rồng uốn lượn hay những tấm ván dọc trần nhà được phủ một lớp bột vàng óng ánh, mà còn được nghe câu chuyện về phòng trưng bày thứ ba - căn phòng đã không được mở cửa cho khách du lịch đến tham quan từ lâu. Lý do là vì người ta tin rằng căn phòng này là lãnh địa của một vị thần trong ngôi nhà.
Tondaya là nơi tổ chức những sự kiện mang tính truyền thống quanh năm như trà đạo, nghệ thuật cắm hoa ikebana, cách mặc kimono và những nghệ thuật truyền thống khác. Mọi hướng dẫn viên tại Tondaya qua 13 thế hệ luôn trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức hữu ích về văn hóa của vùng Nishijin để giới thiệu đến du khách.
Nghề dệt may thủ công tại vùng Nishijin luôn đòi hỏi những kiến thức chuyên môn sâu rộng và những kĩ năng chuyên biệt. Vì vậy, đừng bỏ lỡ cơ hội cảm nhận nét đẹp truyền thống của nghề dệt thủ công tại vùng Nishijin trong chuyến du lịch tham quan Kyoto lần tới của mình nhé!
Tham khảo thông tin về những địa điểm được giới thiệu trong bài
Watabun (Tiếng Anh)
Bảo tàng dệt thủ công Orinasu-kan (Tiếng Nhật)
Nishijin Tondaya (Tiếng Anh)
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter, Instagram của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố