10 điều cấm kị khi dùng đũa ở Nhật Bản
Đũa ăn đã trở thành một dụng cụ không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Dù là các bữa ăn kiểu Nhật hay các món Âu, món Trung Hoa thì người Nhật đều sử dụng đũa. Bên cạnh các quốc gia châu Á vốn có truyền thống lâu đời về văn hóa dùng đũa, thì gần đây tại các nước phương Tây, người ta cũng bắt đầu sử dụng đũa nhiều hơn do ảnh hưởng bởi sự du nhập các món ăn Nhật Bản. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng đũa đúng cách. Ở một đất nước có nhiều phép tắc như Nhật Bản thì việc hiểu rõ về văn hóa ẩm thực và cách sử dụng đũa là một điều hết sức cần thiết. Nếu không nắm rõ những điều này, rất có thể bạn sẽ khiến cho những người xung quanh cảm thấy không thoải mái hoặc bản thân phạm phải những điều kiêng kị mà không hề biết. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn 10 điều nên tránh khi dùng đũa của người Nhật.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Những điều kiêng kị trong văn hóa dùng đũa ăn của người Nhật
Nhật Bản là một trong nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng đũa làm dụng cụ ăn uống. Theo các nguồn tài liệu có ghi lại, đũa ăn bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ VII, do các đoàn sứ giả "Khiển Tùy sứ" mang từ Trung Quốc về, nhưng mãi đến tận thời kỳ Asuka (592 - 710) văn hóa sử dụng đũa mới trở nên phổ biến nhờ ảnh hưởng của nhà chính trị gia nổi tiếng lúc bấy giờ là Thái tử Shotoku (Thái tử Thánh Đức).
Trong bối cảnh đó, những quan niệm và phép tắc trong việc sử dụng đũa của người Nhật dần được hình thành và cũng từ đó thuật ngữ Kiraibashi ra đời. Cụm từ này được dùng để chỉ chung những điều cấm kỵ khi sử dụng đũa ăn, thường là những hành động bị coi là thô lỗ, gây cảm giác không thoải mái cho những người xung quanh, hoặc thiếu tôn trọng những người làm ra món ăn của bạn.
Bài viết này sẽ giới thiệu 10 điều cần lưu ý khi sử dụng đũa ở Nhật Bản để không làm mất lòng những người xung quanh. Có thể bạn đã quen với việc sử dụng đũa ăn, nhưng sẽ có những quy tắc cơ bản của người Nhật mà bạn cần phải ghi nhớ đó.
1. Tatakibashi - Đừng dùng đũa gõ vào bát, đĩa
Một trong những điều đầu tiên bị cấm kị đó là việc coi đũa ăn như cây dùi trống và gõ vào bát đĩa, cốc chén. Trong tiếng Nhật, hành động này được gọi là Tatakibashi. Những tiếng gõ bát đĩa này không chỉ khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu mà nó còn khiến cho mọi người đánh giá bạn là một người chưa trưởng thành. Mặt khác, người Nhật cũng tin rằng việc gõ vào bát, đĩa sẽ đánh thức những linh hồn ác quỷ. Có lẽ đây cũng là một lí do khác để người Nhật đưa hành động này vào danh sách những điều cần tránh trong văn hóa dùng đũa.
2. Watashibashi - Không gắp nối đũa
Trong tiếng Nhật, người ta gọi việc truyền thức ăn từ đũa người này sang đũa người khác là Watashibashi. Có thể bạn chỉ muốn chia sẻ thức ăn với những người xung quanh một cách trực tiếp, nhưng đối với người Nhật, đây là điều cấm kị vì hành động này giống như việc nhặt xương của người quá cố sau khi được hỏa táng. Quy tắc này có lẽ xuất phát từ quan niệm tôn giáo riêng của Nhật Bản, khác với những quốc gia chủ yếu sử dụng phương pháp địa táng. Do đó, nếu muốn chia sẻ đồ ăn với người khác, thay vì làm hành động trên bạn hãy lấy phần thức ăn ra một chiếc đĩa rồi sau đó chia sẻ cho họ nhé.
3. Kosuribashi - Không chà sát đũa dùng một lần
Chắc hẳn bạn đã quá quen với những chiếc đũa dùng một lần (waribashi) ở các nhà hàng và cửa hàng tiện lợi rồi đúng không? Nhưng bạn có biết rằng ngay cả khi sử dụng những chiếc đũa này, người Nhật cũng có những quy tắc riêng? Để lấy đi những vụn gỗ còn sót lại trên đũa, có một số người thường chà hai chiếc đũa với nhau, hành động này được gọi là Kosuribashi. Tuy nhiên, đối với người Nhật, đây cũng là một điều không nên làm. Việc chà đũa như vậy không chỉ là một hành vi không đẹp mà nó còn mang ý nghĩa ám chỉ nhà hàng đó dùng loại đũa không tốt, nhà hàng đó bán những món ăn kém chất lượng. Bạn sẽ bị coi là thiếu tôn trọng với cửa hàng đó. Do đó, nếu muốn lấy đi những vụn gỗ, thay vì chà đũa vào nhau, hãy dùng tay nhẹ nhàng nhặt những mảnh vụn đó đi nhé.
4. Tatebashi - Cắm đũa vào bát cơm là điều đại kị
Điều đại kị trong việc sử dụng đũa đối với người Nhật là việc cắm thẳng đũa vào bát cơm đầy - Tatebashi (hay còn gọi là Hotokebashi). Tại sao lại như vậy? Lí do rất đơn giản, đó là bởi ở Nhật Bản, trong lễ tang theo Phật giáo, người ta có phong tục cúng cho người quá cố bát cơm có cắm đũa. Hành động này là để tưởng nhớ người đã mất, nhưng nếu bạn làm nó trong bữa cơm nó sẽ bị coi là một điềm xấu, thế nên nhất định bạn phải tránh hành động này nhé. Nếu gác đũa, bạn có thể để đũa của mình ở đĩa thay vì trên bát ăn. Việc để đũa trên bát ăn như vậy cũng được gọi là Watashibashi, đó không phải là hành động nên làm bởi việc này mang hàm ý "Tôi không ăn nữa". Do đó, hãy chú ý vị trí để đũa của bạn trong bữa ăn nhé!
5. Không để hai chiếc đũa chéo nhau
Ở các nước châu Á như Trung Quốc, hành động mang đũa chéo hoặc để chéo đũa khiến người ta liên tưởng đến cái chết. Đối với người Nhật cũng vậy, họ cho rằng đây là điềm xấu và không nên làm như vậy. Có thể tùy từng tình huống khác nhau nhưng hãy cố gắng để đũa hoặc cầm đũa theo chiều nằm ngang so với phía bạn nhé.
6. Ogamibashi - Không cầm đũa khi mời cơm
Trong văn hóa ăn uống, người Nhật có phong tục chắp hai tay và nói "Itadakimasu" trước khi bắt đầu bữa ăn. Những năm gần đây, nhờ sự bùng nổ của ẩm thực Nhật Bản trên thế giới mà có không ít người nước ngoài cũng biết nói câu "Itadakimasu" hay "Gochisosama". Tuy nhiên, việc vừa cầm đũa, vừa chắp tay và nói "Itadakimasu" như vậy là không nên. Lí do là bởi việc để người khác thấy đầu đũa bị coi là một hành động thất lễ. Hãy nhớ thứ tự đúng mà chúng ta nên làm trong bữa ăn đó là chắp tay nói "Itadakimasu", sau đó mới cầm đũa lên và bắt đầu ăn nhé.
7. Yosebashi - Không dựng đũa vào thành bát
Hành động đưa đũa vào trong lòng bát và nghiêng về trước trong tiếng Nhật được gọi là Yosebashi. Đây không chỉ bị coi là hành động thô lỗ mà khi bạn để đũa như vậy và di chuyển bát, đĩa nó có thể tạo những âm thanh khó chịu trên bàn ăn hoặc gây sánh đổ nước dùng ra bàn nữa. Do đó, hành động này cũng bị coi là một trong những Kiraibashi. Khi muốn di chuyển vị trí bát đĩa, nhất định bạn phải dùng tay để chuyển từng phần một nhé.
8. Sashibashi - Không dùng đũa chỉ vào người khác
Việc dùng đũa chỉ vào đồ ăn hay người khác được gọi là Sashibashi. Hành động này là thất lễ ngay cả khi bạn hướng đũa vế phía đối phương để tán thưởng câu chuyện của họ hay chỉ vào một món ăn nào đó và khen ngon. Việc dùng đũa chỉ thay vì dùng tay sẽ khiến mọi người nghĩ bạn thật thô lỗ.
9. Nigiribashi - Không nắm đũa như thìa
Có lẽ đối với những người nước ngoài không hiểu rõ về văn hóa dùng đũa thì việc sử dụng đũa thành thạo là một điều khá khó khăn. Với những người chưa sử dụng thành thạo và không biết cách cầm đũa, ban đầu họ có thể nắm đũa bằng hai tay và dùng chúng như một chiếc thìa. Tuy nhiên, đối với người Nhật đây là hành động không nên làm. Trong tiếng Nhật, hành động cấm kị này được gọi là Nigiribashi, nó mang hàm ý thể hiện sự công kích thế nên rất có thể sẽ làm cho người ngồi cùng bàn ăn với bạn cảm thấy không thoải mái. Trong trường hợp bạn chưa sử dụng quen cũng không vấn đề gì, nhưng hãy cố gắng ghi nhớ điều này để tránh nhé!
10. Tsukibashi - Không dùng đũa để xiên vào thức ăn
Tsukibashi là từ chỉ việc bạn dùng đũa để đâm vào thức ăn. Nhìn thì có vẻ như hành động này giống như cách bạn sử dụng dĩa và không ít người nghĩ việc chọc đũa vào thức ăn chỉ là để xem nó đã chín tới chưa. Tuy nhiên, hành động này lại rất thiếu lịch sự, và thể hiện sự không tôn trọng đối với người đã nấu ra món ăn đó.
Hiểu về Kiraibashi và dùng đũa đúng cách
Trên đây là tất cả những nguyên tắc của người Nhật về việc dùng đũa trong bữa ăn để không tạo cảm giác khó chịu cho những người xung quanh. Bạn có thể cảm thấy rằng văn hóa dùng đũa của người Nhật có quá nhiều thứ cần phải nhớ. Tất nhiên, bạn không cần phải ghi nhớ tất cả nhưng ít nhất hay nhớ tránh những việc sau: không cắm đũa thẳng đứng vào bát ăn (Tatebashi); không gắp nối đũa (Watashibashi). Hãy ghi nhớ những quy tắc căn bản về những điều kiêng kỵ trên để có thể dùng đũa đúng cách nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố