Ohenro - Cung đường hành hương Phật giáo sẽ cho bạn khám phá toàn bộ khu vực Shikoku
Từ “hành hương” chắc chắn sẽ khiến bạn liên tưởng đến sự sùng tín và “El Camino” (con đường tâm linh) của Châu Âu hơn là một cuộc tản bộ giữa thiên nhiên ở Nhật Bản. Tuy nhiên, đảo Shikoku là nơi có một trong những con đường đi bộ hành hương tuyệt đẹp khiến mọi du khách đều phải rung động, có tên gọi “Ohenro”. Mặc dù cốt lõi của Ohenro là Phật giáo nhưng con đường hành hương này dành cho tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Đây là một trong những trải nghiệm tâm linh gắn liền với thiên nhiên, một con đường rộng mở và một tinh thần hiếu khách đặc biệt chỉ có thể tìm thấy ở Nhật Bản. Hãy cùng với chúng tôi khám phá những điều thú vị không nên bỏ lỡ trên cuộc hành hương trên con đường Ohenro của Shikoku.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Ohenro là gì?
Mặc dù Ohenro không phải cung đường hành hương duy nhất ở Nhật Bản nhưng được xem là con đường nổi tiếng nhất với cung đường đi bộ qua 88 ngôi chùa đặc trưng quanh đảo Shikoku (hòn đảo nhỏ nhất trong số bốn đảo chính của Nhật Bản). Con đường hành hương được hình thành với mục đích theo dấu chân của vị Thiền sư nổi tiếng nhất nước Nhật, Kobo Daishi và hành trình đi quanh khu vực đảo Shikoku để tìm kiếm sự giác ngộ của ông vào khoảng 1.200 năm trước. Thiền sư Kobo Daishi đã ghé qua cả 88 ngôi chùa trên hành trình tìm kiếm sự giác ngộ của mình vừa để giảng pháp, vừa để cầu nguyện. Tất cả những ngôi chùa này đều được chỉ định là những địa danh vô cùng linh thiêng ngày nay. Chính việc ghé thăm cả 88 ngôi đền trên hành trình của Kobo Daishi được gọi là "Ohenro", hay chính là con đường hành hương đặc biệt của đảo Shikoku.
Có vô số lý do khiến bạn có thể muốn tham gia chuyến hành hương Ohenro. Một số người mong muốn tìm kiếm sự giác ngộ. Một số khác lại muốn cuộc hành hương như một chuyến nghỉ ngơi, tránh khỏi vòng lặp của cuộc sống thường nhật. Một số khác có thể muốn đi du lịch đường bộ để trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời của vùng quê Shikoku thanh bình. Dù vì lý do nào đi chăng nữa, hầu hết những người đã trải nghiệm cung đường hành hương Ohenro đều đồng ý rằng đây là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời họ. Dù bạn đang muốn tìm kiếm bất cứ điều gì trên chuyến hành hương, Ohenro chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm thú vị sau chuyến hành hương.
Người tìm ra cung đường Ohenro: Thiền sư Kobo Daishi
Để hiểu rõ hơn về cung đường hành hương Ohenro, điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu về người đã tìm ra con đường này và cũng chính là người đã thực hiện cuộc hành hương đầu tiên, đó là thiền sư Kobo Daishi.
Kobo Daishi, hay còn được biết với tên Kukai, ông là một trong những người Nhật Bản nổi tiếng nhất trong lịch sử và là một trong những người có ảnh hưởng nhất tới văn hoá Nhật Bản. Ông sinh năm 774, Kobo Daishi đã đạt được nhiều thành tựu, từ những thành tựu về học thuật tới tinh thần và cả thể chất.
Ông đã có khoảng thời gian học tập tại Trung Quốc về Phật giáo và là người mang giáo lý Phật giáo trở lại nước Nhật, đồng thời cũng là người sáng lập giáo phái Shingon của Phật giáo Nhật Bản. Hơn nữa, ông còn là người thành lập trường công đầu tiên cho tầng lớp bình dân, một thư pháp huyền thoại và được xem là người đã sáng tạo ra bảng chữ cái Kana của Nhật Bản (mặc dù độ chính xác của thông tin này vẫn còn chưa được xác nhận). Ông cũng chính là người đã đi bộ hành hương quanh đảo Shikoku và giảng pháp tại 88 ngôi chùa trên đảo.
Thành tựu cuối cùng này đã củng cố vai trò của Thiền sư Kobo Daishi trở thành một người anh hùng dân gian đối với người dân Nhật Bản và hành trình tìm kiếm sự giác ngộ nổi tiếng của ông chính là con đường Ohenro ngày nay.
Chuẩn bị trang phục cho chuyến hành hương Ohenro
Một trong những điều khác biệt của Ohenro với những con đường hành hương nổi tiếng khác là trang phục hành hương. Trang phục hành hương này sẽ mang vai trò nhắc nhở bạn luôn có những suy nghĩ đúng đắn và đồng thời khiến bạn trông giống hệt một người hành hương đúng nghĩa trên con đường Ohenro. Trang phục bao gồm một chiếc áo khoác trắng ("hakui"), một chiếc khăn thắt cổ ("Lianga"), một chiếc mũ cói bằng rơm ("sugegasa"), một chiếc túi ("zudabukuro"), một chiếc chuông ("jirei") và chuỗi hạt cầu nguyện ("juzu").
Ngoài bộ trang phục hành hương đặc biệt, bạn nên mang theo một chiếc gậy có tên gọi "kongozue". Người ta cho rằng cây gậy này hỗ trợ những người hành hương trong việc thể hiện tinh thần của thiền sư Kobo Daishi. Do đó, chiếc gậy này là một vật dụng không thể thiếu đối với những người hành hương Ohenro. Trên thực tế, có một thuật ngữ đề cập đến những người hành hương trên cung đường Ohenro là "Dougyou Ninin". Điều này có thể dịch tạm là "Hai người cùng trên một con đường". Người ta cho rằng khi đang trên cung đường Ohenro, thiền sư Kobo Daishi sẽ luôn bên cạnh những người hành hương nếu họ mang theo một chiếc gậy Kongozue này.
Hơn nữa, áo khoác trắng còn mang ý nghĩa đặc biệt trong biểu tượng Phật giáo. Loại áo này gần giống với loại quần áo màu trắng mà người đã mất mặc trong đám tang của người Nhật. Điều này mới nghe thì có vẻ hơi đáng sợ nhưng ý nghĩa đằng sau là niềm tin rằng bằng cách mặc tang phục, người hành hương sẽ đến được "vùng đất thánh" ở thế giới bên kia.
Chiếc áo cũng đảm bảo rằng nếu một người đi hành hương qua đời trong cuộc hành trình của họ, họ sẽ được chuẩn bị để đạt được Chánh quả của Phật. Phải nói rằng, trong thời hiện đại ngày nay, khả năng "trút hơi thở cuối cùng" trên đường hành hương Ohenro là rất thấp nên trang phục hành hương chỉ mang tính biểu tượng.
Bạn không cần phải mặc trang phục này khi đi hành hương trên cung đường Ohenro nhưng những người hành hương mặc bộ trang phục này sẽ được đối đãi đặc biệt nồng hậu theo kiểu "osettai". Chúng tôi sẽ giải thích kỹ về osettai ở phần sau.
Đi tới Shikoku: Bắt đầu hành trình Ohenro từ đâu?
Cung đường Ohenro về cơ bản là một cung đường đi bộ vòng tròn quanh đảo Shikoku. Mặc dù đảo Shikoku khá tách biệt với hòn đảo chính của Nhật Bản bởi biển Nội Seto nhưng việc đi đến Shikoku khá dễ dàng.
Để bắt đầu cuộc hành trình theo cách truyền thống, bạn nên bắt đầu ở tỉnh Tokushima từ ngôi chùa đầu tiên (Ryozenji). Từ sân bay Quốc tế Narita của Tokyo đến sân bay Tokushima Awaodori chỉ mất một giờ 15 phút,
Nếu bạn xuất phát từ Osaka, bạn có thể đi tàu siêu tốc (Tokaido Sanyo Shinkansen: Nozomi 17 hướng về phía Hakata) từ ga Shin Osaka tới ga Okayama (mất khoảng 45 phút, giá vé: 6.400 yên) và chuyển sang tuyến JR Seto Ohashi (Rapid Marine Liner 29 hướng về phía Takamatsu) tới ga Takamatsu (55 phút tàu chạy) và cuối cùng, tại Takamatsu, chuyển sang tuyến Uzushio (Limited Express Uzushio 15 hướng về phía Tokushima) và tới được ga Tokushima (mất khoảng 1 giờ 10 phút).
Ngược lại, cũng có xe buýt cao tốc chạy từ ga Osaka hoặc ga Namba đến ga Tokushima, mất khoảng chưa đến 3 giờ đồng hồ và giá vé thường dưới 700 yên/ một vé khứ hồi.
Tuyến đường Ohenro: Cách hành hương tại Shikoku
Mất khoảng bao lâu để thực hiện cuộc hành hương Ohenro?
Như đã đề cập ở trên, có tổng cộng 88 ngôi chùa trên toàn bộ cung đường hành hương Ohenro. Tuỳ thuộc vào sức khoẻ và tốc độ đi bộ, bạn sẽ mất khoảng hai tháng để hoàn thành quãng đường hành hương với tổng chiều dài khoảng 1.200km này.
Tuy nhiên, ngày nay rất khó có thể dành ra trọn vẹn 2 tháng nghỉ việc để đi du lịch hành hương. Do đó, tuyến đường này thường phổ biến dành cho những người đã nghỉ hưu hoặc với sinh viên, học sinh vì chỉ họ mới có thể thu xếp được thời gian.
Bạn cũng có thể cách chia nhỏ con đường hành hương thành những đoạn đường nhỏ hơn và dành khoảng một tuần ở địa điểm này rồi tiếp tục đến một khu vực khác và duy trì trong vài năm để đi hết tất cả các ngôi chùa. Mặc dù theo truyền thống, bạn nên bắt đầu chuyến hành hương ở Tokushima và ghé thăm từng ngôi đền theo thứ tự theo chiều kim đồng hồ (gọi là jun-uchi) nhưng không có bất kì quy định nào buộc bạn phải tuân theo quy tắc này. Một số người hành hương theo chiều ngược lại (gyaku-uchi) và thậm chí còn có truyền thuyết cho rằng Kobo Daishi vẫn còn sống đến ngày nay nên nếu đi theo hành trình ngược lại, khả năng cao bạn sẽ gặp ông trên chuyến hành hương.
Tôi có phải đi bộ suốt hành trình?
Việc hành hương theo truyền thống là phải đi bộ hoàn toàn trong suốt cuộc hành trình nhưng những năm gần đây, một số người đã sử dụng xe đạp và thậm chí là ô tô để có thể chạy nhanh qua các ngôi chùa nơi đay. Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất của con đường hành hương Ohenro chính là sự khổ hạnh, được thực hiện thông qua việc bỏ lại tất cả những tiện nghi hiện đại để đạt được sự an tịnh trong tâm hồn.
Nhiều người hành hương thậm chí còn khổ hạnh đến mức ngủ ngoài trời hoặc trong các nhà nghỉ nhỏ dọc tuyến đường. Mặc dù vô cùng khắc nghiệt và đầy thử thách về thể chất khi đi hành hương theo cung đường Ohenro nhưng việc đi bộ là cơ hội để bạn được cảm nhận được tấm lòng hiếu khách Osettai của người dân địa phương (sẽ được giải thích kĩ ở phần sau). Đây chính là điều bạn sẽ không thực sự không trải nghiệm được nếu đi bằng ô tô.
Osettai: Sự hiếu khách đặc biệt của người Nhật mà chỉ những người hành hương Ohenro mới được trải nghiệm
Osettai, nói một cách đơn giản là lòng hiếu khách của người Nhật được nâng lên một tầm cao mới. Một số nơi dịch osettai là "quà tặng" trong khi một số khác lại cho rằng đó là một điều gì đó rất gần với từ "bố thí" (dựa theo hoàn cảnh). Dù mang ý nghĩa gì đi chăng nữa thì osettai vẫn trở thành một truyền thống của Shikoku và là một phần quan trọng của cuộc hành hương Ohenro.
Osettai được hiểu là những món quà từ người lạ. Đôi khi đó là một gói cơm nắm, hay đơn giản chỉ là một món đồ uống giải khát nhưng Osettai cũng có khi được thể hiện theo những cách khác, chẳng hạn như giảm giá cho khách hành hương hoặc thậm chí khá phổ biến là miễn phí tiền nhà nghỉ.
Mục đích của osettai là hỗ trợ những người hành hương trong suốt hành trình của họ bởi những người sinh sống tại khu vực này tin rằng mình mang trọng trách giúp đỡ những người không thể tự mình thực hiện cuộc hành hương. Do đó, người ta tin rằng những người hành hương nên được ủng hộ và giúp đỡ thông qua osettai.
Đôi khi, trong mắt du khách đến Nhật Bản, người dân ở Tokyo thường rất lịch sự nhưng lại khá xa cách. Điều này chắc chắn không xảy ra khi nhắc đến những người trên cung đường hành hương ở Shikoku. Trên đường hành hương Ohenro, chắc chắn sẽ có những khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy ẩm lòng, tất cả đều từ lòng tốt của những người xa lạ. Và đây chính là osettai.
Những ngôi chùa không thể bỏ qua trên cung đường Ohenro
Cho dù bạn chọn hành hương trên cung đường Ohenro trong hai tháng theo cách truyền thống hay chia nhỏ cuộc hành trình thành nhiều phần và đến đây nhiều lần thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tham quan được tất cả 88 ngôi chùa linh thiêng. Bạn thậm chí không cần phải đến thăm các ngôi chùa này theo đúng thứ tự. Tuy nhiên, hầu hết mọi người lựa chọn bắt đầu từ chùa Ryozenji ở tỉnh Tokushima và kết thúc chuyến hành hương là ngôi chùa Okuboji ở tỉnh Kagawa. Sau đây là một số ngôi chùa linh thiêng đáng chú ý trên cung đường đi mà bạn nhất định nên ghé thăm trong chuyến hành hương của mình.
Để có được bản đồ của 88 ngôi chùa, hãy truy cập Google Maps nhé!
Ngôi chùa thứ 1: Ryozenji
Chùa Ryozenji nằm ở thành phố Naruto, nơi nổi tiếng với những xoáy nước khổng lồ. Đây là điểm dừng chân đầu tiên và có lẽ cũng là điểm dừng nổi tiếng nhất trên cung đường hành hương Ohenro. Tại đây, bạn có thể mua tất cả mọi thứ đồ dùng bạn cần cho chuyến hành hương của mình. Bạn hãy dừng chân và ghé thăm ngôi chùa gỗ hai tầng tháp tại đây và cảm nhận sự hối hả, nhộn nhịp của những người hành hương chuẩn bị bắt đầu cuộc hành trình cũng như những người đã hoàn thành cuộc hành hương của mình và đang trên đường quay về điểm xuất phát ban đầu.
Ngôi chùa thứ 21: Chùa Tairyuji
Tairyuji là ngôi chùa thứ 21 trên tuyến đường hành hương Ohenro nhưng ngôi chùa lại có một điểm khác biệt khá độc đáo vì đây là nơi Kobo Daishi đã dành 50 ngày thiền định ở chùa khi ông còn trẻ. Ông đã cố gắng tìm được sự giác ngộ nhưng chưa thành công. Sau đó, ông tiếp tục cuộc hành trình của mình, tìm ra điểm dừng chân tiếp theo trong cung đường hành hương Ohenro và thêm một chương mới vào huyền thoại của mình. Ngôi chùa này nổi tiếng là nơi khó đến được vì nằm ở độ cao 610 mét so với mực nước biển. May mắn là hiện nay đã có cáp treo dành cho những ai không tự mình leo lên chùa được.
Ngôi chùa thứ 84: Chùa Yashimaji
Một trong những điểm dừng cuối cùng trên cung đường hành hương Ohenro là ngôi chùa thứ 84 Yashimaji. Truyền thuyết kể rằng Kobo Daishi đã tạc một bức tượng Phật nghìn tay ở đây và hiện đang là hình tượng quan trọng nhất của ngôi chùa. Ngoài ra còn có một số bức tượng tanukia (con lửng chó Nhật Bản) tượng trưng cho một vị thần địa phương có tên Minoyama Daimyojin. Loài vật thông minh này nổi tiếng với những trò gây cười và khả năng biến hình. Nó cũng được biết đến như là một vị thần của hôn nhân viên mãn, hạnh phúc và những mối quan hệ.
Kết luận
Như đã đề cập đến ở phần đầu bài, Ohenro là một trải nghiệm mà nhiều người yêu thích dù thuộc tầng lớp xã hội nào hay không hề liên quan đến niềm tin tôn giáo. Khám phá tuyến đường hành hương này là một trải nghiệm tinh thần và cảm nhận sự hiếu khách nồng hậu của người dân Shikoku từ những osettai chắc chắn sẽ còn đọng lại mãi trong tâm trí bạn sau này.
Ngoài khung cảnh thiên nhiên vùng quê tuyệt đẹp cùng cảm giác an yên thiền định trong tâm trí mà bạn có thể cảm nhận được trên cung đường hành hương Ohenro, bạn cũng có thể thích thú với bộ sưu tập "goshuin" hay những hình đóng dấu biểu tượng của các ngôi chùa mà bạn thu thập được từ những điểm dừng chân trên hành trình của mình.
Ngoài ra, hãy đọc kĩ bài viết dưới đây về Nghi thức cầu nguyện ở đền và chùa tại Nhật Bản có gì khác nhau? nếu bạn còn chưa rõ về cách cầu nguyện ở chùa tại Nhật Bản nhé!
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố