Đặc sản mỗi miền! Ramen tại 47 tỉnh thành Nhật Bản khác nhau như thế nào? (Phần 2)
Ramen là một món ăn không những được yêu thích tại Nhật Bản mà còn nổi tiếng đối với thực khách trên toàn thế giới. Du khách đến Nhật Bản không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn này. Tuy nhiên không phải ramen ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Nhật Bản cũng đều có hương vị giống nhau. Vì vậy, bài viết này sẽ chỉ ra những nét khác nhau đặc trưng cơ bản của món mì ramen tại 47 tỉnh thành ở Nhật Bản.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
4. Chubu
Hoto ramen (Yamanashi)
Hoto ramen là một trong những món ăn địa phương nổi tiếng của tỉnh Yamanashi với sợi mì trông vô cùng đặc biệt. So với các loại mì ramen khác, sợi mì của Hono ramen có phần dài, dẹt và to hơn. Nước dùng của món mì này thường được làm từ miso nên vô cùng thanh nhẹ và dễ ăn. Mì thường được ăn kèm với rất nhiều loại rau củ như cải thảo, nấm và giá đỗ.
Anyoji ramen (Nagano)
Anyoji ramen là một món ramen đến từ thành phố Saku, tỉnh Nagano với nước dùng được làm từ loại miso đặc biệt của địa phương có tên là shinshu miso. Loại miso này có nguồn gốc từ ngôi chùa Anyoji nổi tiếng của thành phố Saku. Nước dùng chế biến từ shinshu miso có hương vị đậm đà và thơm ngon hơn so với nước dùng chế biến từ miso thông thường. Tùy từng nhà hàng mà món mì Anyoji ramen tại đây được phục vụ theo nhiều kiểu khác nhau với nhiều loại topping đa dạng.
Tsubame-sanjo ramen (Niigata)
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những nhà hàng phục vụ mì Tsubame-sanjo ramen nổi tiếng tại hai thành phố Tsubame và Sanjo ở tỉnh Niigata. Ramen ở những vùng mát mẻ hơn như Niigata với ngành đánh cá phát triển mạnh thường có sợi mì mỏng để có thể dễ dàng nấu chín và phục vụ, tuy nhiên Tsubame-sanjo ramen lại đặc biệt có sợi mì khá dày. Nước súp được làm từ shoyu, có hương vị khá đậm đà và thường có lớp váng mỡ khá đặc phía trên tô mì khiến nước thêm phần thơm ngon và trông hấp dẫn hơn. Mì thường được ăn kèm với thịt lợn hầm thái mỏng, măng và hành lá.
Toyama black ramen (Toyama)
Toyama Black Ramen được biết đến là loại ramen hàng đầu của tỉnh Toyama. Đúng như tên gọi của nó, loại mì ramen này có màu đen khá độc đáo. Màu đen của nước súp được tạo nên nhờ loại nước tương đen đặc biệt. Mì có vị thanh nhẹ, rất dễ ăn. Bí quyết để tạo nên hương vị tuyệt vời của Toyama Black Ramen chính là nước dùng được ninh từ xương gà và cá hầm kỹ với nước tương đen. Đặc biệt, Toyama Black Ramen đã là quán quân 3 năm liên tiếp tại Tokyo Ramen Show - một sự kiện giới thiệu mì ramen từ khắp Nhật Bản.
Tsuruga ramen (Fukui)
Những tô mì Tsuruga ramen bắt đầu xuất hiện tại các quầy hàng trên phố xung quanh ga Tsuruga ở tỉnh Fukui khoảng 50 năm về trước. Nước dùng của Tsuruga ramen thường là súp tonkotsu được ninh từ xương heo và gà, kết hợp với nước tương. Món ăn thường được phục vụ kèm với thịt xá xíu thái lát mỏng, măng và hẹ tây. Trong một ngày thời tiết lạnh, còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức một tô mì thơm ngon phải không nào?
Takayama Ramen (Gifu)
Takayama ramen có nguồn gốc từ món mì của Trung Quốc. Nước dùng thường được ninh từ xương gà và nước tương shoyu, pha thêm một chút dashi và rượu mirin, mang đến hương vị thanh nhẹ. Đặc biệt, Takayama ramen có sợi mì rất nhỏ và mỏng. Mì thường ăn kèm với thịt lợn xá xíu, chả cá naruto, măng và hành lá.
Fujieda-asa ramen (Shizuoka)
Ở thành phố Fujieda thuộc tỉnh Shizuoka, người ta thường ăn ramen vào bữa ăn đầu tiên trong ngày. Văn hóa này xuất phát từ việc Shizuoka là một tỉnh chuyên về ngành công nghiệp trồng trà xanh. Lá trà xanh thường được thu hái từ rất sớm - từ 3 giờ sáng đến khoảng 6 giờ sáng. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà hàng ramen tại đây thường mở cửa vào sáng sớm để phục vụ cho công nhân đi hái chè. Do đó, tên của món mì này là sự kết hợp giữa tên của thành phố Fujieda và từ “asa” (nghĩa là buổi sáng). Vì được ăn vào buổi sáng nên món mì này thường khá thanh nhẹ, không gây cảm giác nặng bụng sau khi ăn. Nước dùng mì được chế biến từ shoyu, sợi mì thường khá mỏng. Fujieda-asa ramen thường đi kèm với thịt lợn nạc được thái lát mỏng. Nếu bạn muốn ăn Fujieda-asa ramen, hãy thử ghé qua nhà hàng Marunaka - nơi được cho là đã sáng lập ra món mì này và có hơn 100 năm lịch sử chuyên phục vụ ramen truyền thống tỉnh Shizuoka. Tại nhà hàng Marunaka, bạn có thể thưởng thức Fujieda-asa ramen theo 2 cách: nóng và lạnh.
Taiwan Ramen (Aichi)
Món ramen địa phương nổi tiếng nhất của tỉnh Aichi chính là Taiwan ramen. Món ăn này được chế biến đầu tiên bởi một đầu bếp người Đài Loan ở quận Chikusa của thành phố Nagoya, tỉnh Aichi vào những năm 1970. Người đầu bếp này đã lấy ý tưởng từ món Tantanmen - một loại mì cay của Trung Quốc và thay đổi một vài công đoạn chế biến để món mì có thể phù hợp với khẩu vị của người Nhật hơn. Nước dùng của Taiwan ramen được chế biến từ shoyu hầm với xương gà cùng với một loại tương ớt chuyên dụng tougarashi. Sợi mì mỏng, mì thường được phục vụ kèm với giá đỗ, thịt lợn băm xào tỏi ớt và hành lá. Taiwan ramen nổi tiếng với độ cay khá “nặng đô”. Tuy nhiên, các cửa hàng tại Aichi có thể gia giảm độ cay theo yêu cầu của thực khách.
5. Kinki
Takaida ramen (Osaka)
Takaida ramen có nguồn gốc từ vùng Takaida ở tỉnh Osaka, nổi bật với hương vị thơm ngon và thanh nhẹ do nước dùng được làm từ shoyu. Tuy nhiên, cách chế biến nước dùng có thể khác nhau tùy theo từng quán ăn. Sợi mì Takaida ramen có độ dày vừa phải. Có nhiều biến thể của loại ramen này nhưng nhìn chung, mì thường được ăn kèm với thịt lợn hầm thái lát mỏng, măng và hành lá. So với các nhà hàng ramen ở cùng khu vực, nhà hàng Takaida ramen là quán ăn được yêu thích hàng đầu bởi ramen tại đây được phục vụ với số lượng lớn giá đỗ, bắp cải, tỏi và các loại rau củ theo mùa khác. Nếu bạn ghé qua Osaka, đừng quên thưởng thức món mì Takaida ramen này nhé!
Banshu ramen (Hyogo)
Banshu ramen là món ramen được nhiều thực khách yêu thích và được phục vụ quanh thành phố Nishiwaki ở tỉnh Hyogo. Nước dùng của Banshu ramen được chế biến từ shoyu hầm cùng với hành tây, cá và một chút đường. Bên cạnh đó cũng có một số nhà hàng sử dụng xương lợn hoặc gà và một số rau củ địa phương hầm cùng với shoyu để làm nước dùng. Không có công thức cụ thể nào cho món Banshu ramen, nhưng nhìn chung nước dùng của món mì này thường từ shoyu. Sợi mì mỏng và được phục vụ kèm với thịt xá xíu, giá đỗ, hẹ tây và rong biển.
Kyoto ramen (Kyoto)
Ramen là một món ăn phổ biến ở Kyoto, thậm chí tại đây còn có một số tạp chí thường xuyên đăng các bài báo về nhà hàng ramen trong vùng. Trong số các món mì ramen tại đây, Kyoto ramen có thể coi là đại diện tiêu biểu của cố đô. Kyoto Ramen có thể được chia thành hai nhóm chính: mì với nước súp thanh nhẹ và loại mì với súp đậm vị. Loại mì với hương vị thanh nhẹ thường có nước dùng được làm từ shoyu hầm với xương gà còn đối với loại mì có hương vị đậm đà, một số nhà hàng sử dụng xương gà và lợn để ninh cùng shoyu. Cả hai phiên bản ramen này đều được phục vụ kèm với lượng lớn giá đỗ, hành lá và thịt lợn hầm thát mỏng.
Oumi champon (Shiga)
Món Oumi champon ramen của thành phố Hikone thuộc tỉnh Shiga vốn dĩ là món mì bổ dưỡng phục vụ cho dân lao động trước đây. Chính vì vậy mà mì thường đi kèm với rất nhiều rau củ như bắp cải, cà rốt, hẹ, nấm và cả thịt lợn. Dù có rất nhiều rau và thịt ăn kèm nhưng món mì này không hề ngấy do nước súp được hầm từ xương gà đem đến hương vị thanh nhẹ cho món ăn, rất hợp khi ăn kèm với sợi mì mỏng và nhỏ.
Tenri ramen (Nara)
Tenri Ramen có nguồn gốc từ thành phố Tenri, tỉnh Nara. Mì có vị khá cay. Nếm thử miếng đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận được vị cay của ớt, vị thơm nồng của tỏi và hương vị đậm đà của nước hầm xương pha lẫn một chút shoyu. Cũng giống Oumi champon ramen, món Tenri Ramen cũng được ăn kèm với rất nhiều loại rau củ như cải thảo, bắp cải, hẹ và thịt lợn xào. Sợi mì dày vừa phải. So với những loại ramen khác, Tenri ramen thường có sợi mì dày hơn. Nếu có dịp đến tham quan thành phố Tenri, hãy thử món ramen này nhé!
Wakayama ramen (Wakayama)
Wakayama ramen là một món ramen địa phương nổi tiếng ở phía Bắc tỉnh Wakayama. Người dân địa phương không gọi món mì này là Wakayama ramen mà thường gọi là Chuuka soba (mì Trung Quốc). Nước dùng của Wakayama ramen là sự kết hợp hoàn hảo giữa súp tonkotsu và shoyu, nên vừa đậm vị nhưng lại không đem lại cảm giác quá ngấy cho thực khách. Sợi mì khá nhỏ và mỏng. Bạn có thể dễ dàng cảm nhận được hương vị thơm ngon của nước dùng qua từng sợi mì. Wakayama ramen thường được phục vụ kèm với thịt lợn hầm thái lát, chả cá, măng và hành lá.
Kameyama ramen (Mie)
Ra đời vào năm 2013, món mì trứ danh Kameyama ramen của tỉnh Mie là một món ramen tương đối mới so với những loại ramen khác. Điểm đặc biệt của món mì này chính là có rất nhiều nấm, bao gồm nấm sò, nấm đùi gà và nấm súp lơ. Mì được làm từ loại bột mì địa phương chất lượng cao của Mie có tên là “nishino kaori”. Bên cạnh đó, nước dùng của món mì này cũng vô cùng đậm đà với sự kết hợp của ba loại miso làm từ đậu nành, lúa mạch và gạo, tạo nên hương vị thơm ngon thích hợp khi ăn kèm với mì sợi dày vừa phải.
6. Chugoku
Kasaoka ramen (Okayama)
Kasaoka ramen được biết đến là một loại ramen của thành phố Kasaoka thuộc tỉnh Okayama. Kasaoka ramen đôi khi được biết đến với những cái tên như tori soba, tori ramen hay kashiwa ramen. Điểm đặc biệt của Kasaoka ramen chính là thịt gà nướng kashiwa thơm ngon. Sợi mì của Kasaoka ramen khá nhỏ với độ dày vừa phải, ăn kèm với nước dùng được làm từ shoyu. Một số nhà hàng thường hầm xương gà, cá và một số loại rau củ để tăng độ ngọt cho nước dùng.
Onomichi ramen (Hiroshima)
Onomichi ramen có nguồn gốc từ nhà hàng Shukaen nổi tiếng của thành phố Onomichi thuộc tỉnh Hiroshima. Đặc trưng chính của Onomichi ramen là nước dùng được hầm từ xương gà và cá từ biển nội địa Seto. Ngoài ra, nước dùng mì được làm từ shoyu và sợi mì khá dày so với những loại ramen khác. Các món ăn kèm bao gồm thịt xá xíu, măng được kết hợp với những miếng mỡ heo thái nhỏ tạo độ ngậy cho nước dùng.
Tottori Ramen (Tottori)
Mì ramen Tottori là một món ramen được yêu thích ở tỉnh Tottori. Độc đáo với nước dùng làm từ xương bò, Tottori ramen là món ramen bạn sẽ không thể tìm thấy ở các khu vực khác. Mặc dù mỗi nhà hàng phục vụ Tottori ramen đều có công thức chế biến món súp theo cách riêng của mình nhưng nhìn chung nước dùng đều được hầm từ xương bò. Tottori ramen thường có sợi nhỏ và được phục vụ kèm với thịt bò hầm thái lát mỏng, măng, giá đỗ và hành lá.
Shijimi ramen (Shimane)
Shijimi ramen từ tỉnh Shimane có hương vị vô cùng đặc trưng với nước dùng được chế biến từ shoyu và miso hầm với ngao của hồ Shinji. Tuy nhiên, nước dùng lại không hề có vị đắng. Bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được kết hợp hoàn hảo giữa hương vị của ngao hòa quyện với nước dùng. Để làm ra được loại nước dùng đặc biệt này, đầu bếp nhà hàng đòi hỏi phải có kỹ thuật cao để khiến nước dùng không có vị đắng và tanh của hải sản, đồng thời phải sử dụng các loại gia vị đặc biệt để làm nổi bật lên hương vị thơm ngon của ngao.
Ube ramen (Yamaguchi)
Ube ramen là một món ăn ramen địa phương rất được yêu thích ở thành phố Ube ở tỉnh Yamaguchi. Ngày nay có rất nhiều loại ramen ở Yamaguchi, tuy nhiên có hai loại Ube ramen chính là: ramen với nước dùng từ shoyu ở khu vực phía Đông và tonkotsu ramen ở khu vực phía Tây. Tuy nhiên món mì ramen với nước dùng tonkotsu thường đậm đà hơn, nhưng nhìn chung, cả hai loại mì này đều kết hợp kèm với sợi mì mềm và dày vừa phải. Mì Ube ramen thường phục vụ kèm với hẹ tây, thịt lợn xá xíu và măng.
7. Shikoku
Yawatahama champon (Ehime)
Yawatahama champon được biết đến là món ăn linh hồn của vùng Yawatahama và được người dân địa phương vô cùng yêu thích. Trước đây, món ăn này chỉ phổ biến trong khu vực địa phương, nhưng từ khi thành phố Yawatahama ở tỉnh Ehime trở thành điểm giao thương đường biển giữa đảo Kyushu và vùng Kansai. Yawatahama champon dần dần được đông đảo thực khách trên toàn nước Nhật biết đến. Champon Yawatahama nổi tiếng với nước dùng được ninh từ xương gà, tảo bẹ và cá ngừ. Với hương vị thanh nhẹ, nhiều nhà hàng phục vụ Yawatahama champon đã chọn sợi mì loại dày của Trung Quốc để kết hợp ăn kèm. Mì thường được ăn kèm với lượng lớn rau củ, thịt lợn và chả cá kamaboko - đặc sản của Yawatahama và chả cá jakoten.
Sanuki ramen (Kagawa)
Sanuki ramen được biết đến là một món ăn ramen địa phương của tỉnh Kagawa. Sanuki ramen trông vô cùng hấp dẫn với nước dùng có màu vàng óng. Khi nếm thử, bạn chắc chắn sẽ thích mê hương vị thơm ngon của nước dùng được ninh từ hải sâm, cá biển kết hợp với xương gà và heo chất lượng hàng đầu của địa phương. Mì có độ dày vừa phải, thường ăn kèm với thịt xá xíu, măng và hành lá.
Nabeyaki ramen (Kochi)
Nabeyaki ramen được coi là đặc sản của thành phố Sasuki, tỉnh Kochi. Nabeyaki ramen đôi khi còn được gọi bằng những tên khác như Sasuki ramen hoặc Sasuki-nabeyaki ramen. Món ramen này có nước dùng được hầm từ xương gà kết hợp với shoyu. Đặc biệt, nước dùng của món ramen này được hầm kĩ trong một nồi đất nung truyền thống theo công thức riêng của địa phương nên nước dùng khá trong và có hương vị thanh nhẹ. Mì được ăn kèm với thịt gà, hẹ tây và chả cá. Đặc biệt, thịt gà ăn kèm với mì thường là gà non nên rất mềm và dễ ăn.
Tokushima ramen (Tokushima)
Tokushima ramen là một món ramen nổi tiếng ở phía Đông tỉnh Tokushima. Tokushima ramen nổi tiếng khắp Nhật Bản vào năm 1999 khi một cửa hàng ramen ở thành phố Tokushima mở cửa bên trong Bảo tàng Ramen Shin Yokohama. Tokushima ramen được chia thành ba loại: mì với nước dùng nâu, vàng và trắng. Ramen có nước dùng màu nâu nhờ sử dụng loại nước tương tamari đậm đặc kết hợp với nước dùng tonkotsu. Ramen màu vàng có nước dùng được hầm từ thịt gà và rau củ, trong khi loại ramen có nước dùng màu trong lại sử dụng nước súp tonkotsu nguyên chất để làm nước dùng. Cả ba loại đều được đánh giá là vô cùng thơm ngon và rất được lòng thực khách.
8. Kyushu
Hakata ramen (Fukuoka)
Hakata ramen là một món ramen nổi tiếng ở Fukuoka mà trên toàn nước Nhật bởi hương vị vô cùng thơm ngon và đậm đà. Hakata ramen chủ yếu được phục vụ ở thành phố Fukuoka thuộc tỉnh Fukuoka với đặc trưng là nước súp tonkotsu được hầm từ xương heo kết hợp với sợi mì thẳng và mỏng. Món mì này rất độc đáo bởi có sợi mì màu trắng, mỏng tương tự như mì somen. Mì được phục vụ tại các nhà hàng trong khu vực đều được làm từ một loại bột chất lượng cao có tên là ramugi. Chính vì thế mà sợi mì dai, ăn rất vừa miệng. Sợi mì không dai như ramen thông thường, nhưng khá đặc và có khả năng quện đều với nước dùng. Ăn thử một miếng mì, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi hương vị thơm ngon của súp thấm đẫm qua từng sợi mì. Không những nổi bật với nước dùng tonkotsu khá ngậy và béo, mì Hakata ramen còn được ăn kèm với thịt lợn ba chỉ hầm thái lát, giúp tăng thêm độ béo cho món ăn.
Saga ramen (Saga)
Có rất nhiều loại ramen ngon ở khu vực Kyushu và Saga ramen là một trong số đó. Saga ramen là loại ramen được phục vụ xung quanh thành phố Saga thuộc tỉnh Saga. Sự độc đáo của ramen Saga nằm ở sợi mì khá đặc và thẳng ăn kèm với nước dùng tonkotsu giống như Hakata ramen. Tuy nhiên, nước dùng của Saga ramen lại không quá ngậy như Hakata ramen. Mì thường được ăn kèm với thịt lợn nạc thái mỏng kèm với hành lá. Đôi khi một số nhà hàng sẽ phục vụ món mì này kèm với một quả trứng sống.
Nagasaki champon (Nagasaki)
Mì Nagasaki champon nổi tiếng khu vực Nagasaki trước đây từng được gọi là shina udon và được nhà hàng Shikairo đầu tiên ở Nhật Bản sáng tạo ra. Vốn dĩ trước đây, Nagasaki champon là món mì được nhà hàng Shikairo phục vụ cho các sinh viên trao đổi người Trung Quốc đang học tập tại Nhật Bản. Nagasaki champon có nước dùng làm từ gà và được ăn kèm với các loại hải sản như ngao, tôm và số lượng lớn rất nhiều loại rau củ đi kèm. Món mì này được rất nhiều thực khách ưa chuộng như một món ăn ngon, bổ, rẻ.
Tamana ramen (Kumamoto)
Tamana ramen là tên gọi của một món ramen được phục vụ quanh thành phố Tamana ở Kumamoto. Tamana ramen vốn được biết đến là món ăn được phục vụ cho những người lao động vùng biển thưởng thức sau một ngày làm việc vất vả. Tamana ramen có đặc trưng là nước dùng tonkotsu được hầm từ xương heo và đặc biệt thơm mùi tỏi nướng, nên rất thích hợp khi ăn với sợi mì dai vừa phải. Món mì này thường được ăn kèm với nấm, hành lá, thịt lợn hầm thái lát mỏng kèm với một miếng rong biển.
Miyazaki ramen (Miyazaki)
Miyazaki ramen là tên gọi của một loại ramen đến từ tỉnh Miyazaki. Miyazaki ramen cũng sử dụng nước súp tonkotsu được ninh từ xương heo nên chắc chắn sẽ gây ấn tượng lớn với thực khách về hương vị đậm đà ngay từ lần ăn thử đầu tiên. Về cơ bản Miyazaki ramen khá giống với Hakata ramen, tuy nhiên, Miyazaki ramen có sợi mì mềm, dày hơn so với Hakata ramen. Cùng giống như Tamana ramen, món mì này thường được ăn kèm với nấm, hành lá, thịt lợn hầm thái lát mỏng kèm với một miếng rong biển.
Kagoshima ramen (Kagoshima)
Kagoshima ramen được biết đến là một loại mì được phục vụ tại tỉnh Kagoshima và một số vùng lân cận. Nước dùng của món mì này là nước dùng tonkotsu được hầm từ xương lợn kết hợp với các loại rau củ, cá mòi khô, tảo bẹ kombu và nấm shiitake khô. Sợi mì Kagoshima dày vừa phải, ăn rất vừa miệng. Mì thường được phục vụ kèm với thịt xá xíu và nấm thái mỏng.
Okinawa soba (Okinawa)
Mì Okinawa soba hay còn gọi là mì kiều mạch thường được ăn tại tỉnh Okinawa. Okinawa soba được tạo nên bởi sợi mì có cách làm như mì Trung Quốc. Ở Okinawa, món ăn này thường được gọi với những cái tên như là "soba", "suba" và "uchina-suba". Sợi mì thường dày và được dùng với nước hầm xương tonkotsu truyền thống của Nhật. Mì được ăn kèm với thịt xá xíu và măng.
Kết luận
Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, người ta không thể không nhắc đến ramen. Tuy nhiên không phải ramen ở 47 tỉnh thành Nhật Bản đều giống nhau. Có thể nói, ramen tại mỗi tỉnh đều có hương vị độc đáo riêng, loại nào cũng thơm ngon và làm hài lòng thực khách. Sau khi đọc hết bài viết này, bạn ấn tượng với ramen từ tỉnh nào nhất?
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố