Ngã tư Shibuya không một bóng người!? Nhật Bản, trước và trong mùa dịch Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới khiến hàng trăm ngàn người bị nhiễm bệnh, hàng triệu người buộc phải hủy kế hoạch du lịch của mình và hàng tỷ người khác đang phải cách ly, hạn chế ra ngoài. Tình trạng giãn cách xã hội tại Nhật Bản dựa theo tinh thần tự giác là chính, mọi người dân đều được khuyến khích không nên ra ngoài khi không thực sự cần thiết để giảm số lượng ca nhiễm. Do đó, số lượng người lưu thông tại các thành phố lớn và những địa điểm du lịch chính tại đây đã thưa thớt dần. Hãy cùng xem những điểm tham quan nổi tiếng đông đúc ở Tokyo, Kyoto, Osaka và các thành phố lớn khác tại Nhật Bản trông như thế nào thời điểm trước và trong mùa dịch Covid-19 nhé!
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Tokyo
Sân bay Narita: Chỉ còn tiếng bước chân vọng lại
Trước khi dịch bệnh bùng phát, sân bay Narita của thành phố Tokyo luôn đông đúc với số lượng lớn hành khách lên đến khoảng 120.000 người mỗi ngày. Tuy nhiên, khi Covid-19 bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, không chỉ có Trung Quốc mà cả các nước khác trên thế giới đã ngừng mọi hình thức du lịch đến Nhật Bản. Do đó, bên cạnh số lượng khách nội địa giảm 93% trong tháng 3, khách du lịch đến từ Trung Quốc cũng giảm tới 98,5%.
Đây là khung cảnh sân bay trước khi dịch bùng phát.
Và đây là hình ảnh sân bay khi dịch bùng phát.
Shibuya: Giao lộ nổi tiếng đông vui, nhộn nhịp giờ đây không còn một bóng người
Virus lây lan ở Nhật Bản một cách nhanh chóng, dẫn đến việc chính phủ kêu gọi toàn dân tự cách ly và hạn chế ra ngoài. Do đó, các khu vui chơi giải trí đông vui một thời đã trở nên yên ắng đến lạ thường. Đây là ngã tư Shibuya Scramble nổi tiếng ở Tokyo - trước kia thường hối hả và nhộn nhịp, ngay cả vào các ngày trong tuần - nhưng nay đã hoàn toàn im ắng vào một buổi chiều trong thời kỳ dịch bùng phát.
Ginza: Các cửa hàng tại khu phố thời trang đã tạm ngừng hoạt động
Điều tương tự cũng xảy ra ở Ginza - khu mua sắm sầm uất quy mô lớn tại Tokyo.
Lý do chính là các cửa hàng bách hóa trong thành phố, như Mitsukoshi và Isetan, cũng như hầu hết các cửa hàng khác đã bị yêu cầu đóng cửa trong tương lai gần sau khi ban hành tình trạng khẩn cấp. Kết quả là, số lượng người ra ngoài đã giảm hơn trước. Bạn có thể thấy sự khác biệt rõ ràng trong hai bức hình dưới đây.
Các cửa hàng tạp hóa, quán cà phê không phải là doanh nghiệp duy nhất tạm thời ngừng hoạt động mà cả những bảo tàng và các điểm du lịch khác cũng đã đóng cửa trong thời gian này để giảm ca nhiễm bệnh. Chúng tôi đã tổng hợp thông tin về các địa điểm đóng cửa do Covid-19, bạn có thể tham khảo khi cần thiết.
Asakusa: những quầy hàng tại con phố mua sắm nổi tiếng buộc phải đóng cửa
Đền Senso-ji tại khu phố Asakusa là ngôi đền cổ nhất ở Tokyo và là một trong những nơi được khách du lịch ghé thăm nhiều nhất, thu hút khoảng 30 triệu người mỗi năm. Nhưng số khách tham quan năm nay đã giảm đi đáng kể. Đây là các quầy hàng dọc theo con đường đến ngôi đền, con phố mua sắm Nakamise nổi tiếng, trước và khi dịch. Một số cửa hàng cũng đã tự đóng cửa.
Công viên Ueno: Lẻ bóng những rặng cây anh đào
Điều đáng tiếc là dịch bùng phát cùng thời điểm với mùa hoa anh đào (sakura) tại Nhật Bản, thường rơi vào khoảng giữa tháng 3 đến đầu tháng 4. "Hanami" - chỉ buổi dã ngoại được tổ chức trong công viên để ngắm hoa anh đào và đối với người Nhật, đây là một hoạt động không thể thiếu hàng năm để tạm biệt mùa đông đã qua và mừng xuân đang tới. Trong mùa dịch này, việc tổ chức Hanami là vi phạm quy định giãn cách xã hội, tuy vậy, vẫn có nhiều người Nhật tụ tập và tổ chức dã ngoại ngắm hoa tại công viên. Để ngăn chặn điều này, một số công viên thậm chí còn căng dây khoanh vùng một số địa điểm ngắm hoa để ngăn người dân không tụ tập. (Đây là một biện pháp phòng chống hữu hiệu nhưng hầu hết vẫn chưa được nhiều công viên áp dụng).
Đây là hai bức ảnh chụp công viên Ueno ở Tokyo - một tấm chụp vào năm 2018 và tấm còn lại được chụp vào thời điểm dịch bùng phát trong năm nay. (Tấm áp phích ở phía bên trái của bức ảnh phía dưới là yêu cầu của ban quản lý về việc ngừng các hoạt động ngắm hoa hanami do đại dịch Covid-19).
Kyoto
Ninenzaka, Chùa Kiyomizu-dera: Chỉ còn lại những lối đi bộ
Không chỉ mỗi Tokyo mà Kyoto cũng chịu không ít thiệt hại bởi số lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt là vào tháng Hai năm nay, số lượng đặt phòng bởi khách du lịch nước ngoài đã sụt giảm đáng kể ở mức 54%. Đây là hình ảnh về địa điểm du lịch Ninenzaka, những bậc thang dẫn đến chùa Kiyomizu-dera. (Ảnh đầu được chụp vào tháng 3 năm 2018.)
Rừng tre Arashiyama: Những cây tre đứng trong im lặng
Một điểm đến nổi tiếng khác ở Kyoto là những khu rừng tre Arashiyama - một địa điểm du lịch Nhật Bản nổi tiếng trên Instagram với vẻ đẹp thơ mông. Thật trớ trêu rằng khi dịch bệnh bùng phát, số lượng khách du lịch giảm mạnh có thể lại là thời điểm tuyệt vời nhất để có thể cảm nhận được vẻ đẹp thanh bình và tĩnh lặng của khu rừng này - dù vậy nhưng chúng tôi khuyên bạn không nên ghé thăm khu rừng tre vào thời điểm này!
Tất nhiên, điều này đã khiến ngành du lịch của Kyoto rơi vào tình trạng khó khăn, đến mức đầu năm nay, thành phố đã phát động một chiến dịch mới có tên "Empty Arashiyama", sử dụng khu rừng trống tại đây để làm điểm bán hàng giúp thu hút nhiều khách du lịch hơn. Chúng tôi không khuyến khích mọi người ghé thăm rừng tre trong thời điểm này, nhưng đừng quên hoạt động thú vị này khi hết dịch trong tương lai nhé!
Osaka
Dotonbori: Còn đâu hình ảnh con phố đông vui và kênh đào nhộn nhịp người qua lại
Khu vực Dotonbori gần Namba là khu vực giải trí chính của thành phố Osaka. Đây thường là một địa điểm du lịch nhộn nhịp với rất nhiều nhà hát, câu lạc bộ và nhà hàng. Thật không may, vì thành phố Osaka có số lượng ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai ở Nhật Bản nên địa điểm du lịch đông vui, nhộn nhịp một thời này đã trở thành một thị trấn "không người", hầu như không có một ai đến đây vào thời điểm này.
Mỗi khi nhắc đến cái tên “Dotonbori” là người ta nghĩ ngay đến một con kênh hẹp và những đoàn khách du lịch nô nức đi dạo dọc theo bờ sông với ánh đèn rọi sáng từ hai bên, trông giống như cảnh tượng tại Quảng trường Thời đại - đây cũng chính là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất trong thành phố. Những ánh đèn đường vẫn còn đây, nhưng lượng khách du lịch đã giảm đáng kể từ khi bệnh dịch bùng phát.
Ga Osaka: Tàu điện vẫn hoạt động nhưng không một bóng người
Ga Osaka (hay ga Umeda) là một trung tâm giao thông chính trong thành phố, cũng là một trong những nhà ga đẹp nhất ở Nhật Bản, có một mái nhà bằng kính khổng lồ và một quảng trường dành cho người đi bộ nhìn ra sân ga.
JR West đã thông báo vào giữa tháng Tư rằng lượng hành khách trong nhà ga đã giảm tới 88% vào một ngày cuối tuần và lưu lượng giao thông trong khu vực đã giảm 93%. Sự sụt giảm này thậm chí còn đáng kể hơn tại nhà ga lớn khác ở Nhật Bản và là một dấu hiệu cho thấy người dân đang chấp hành nghiêm ngặt lệnh giãn cách xã hội của chính phủ.
Liệu rằng tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản có thực sự đáng lo ngại? Và chính phủ Nhật Bản đã có những biện pháp gì để đối mặt với tình trạng này? Chúng tôi đã viết một bài báo cung cấp cho bạn đầy đủ các thông tin cơ bản cần thiết để bảo vệ bản thân giữa mùa dịch Covid-19 tại Nhật Bản.
Sapporo
Susukino: Tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai
Susukino là khu giải trí chính của thành phố Sapporo, trung tâm của Hokkaido. Hokkaido là tâm chấn đầu tiên của dịch Covid-19 tại Nhật Bản và đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên vào cuối tháng Hai. Đã từng có một thời điểm, tình hình dịch bệnh tại đây được cải thiện, nhưng khi các trường hợp nhiễm bệnh bắt đầu gia tăng trên toàn quốc vào cuối tháng 3, Hokkaido lại một lần nữa tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Covid-19 cũng tác động đến các phương tiện giao thông công cộng
Số lượng khách du lịch ít hơn đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng giảm mạnh. Số lượng khách đi tàu shinkansen tại phía Đông Tokyo đã giảm tới 60-80% và các khu vực khác trên toàn quốc cũng tương tự như vậy.
Nếu bạn bắt một chuyến tàu shinkansen vào thời điểm này, khả năng cao là cả khoang tàu chỉ có một mình bạn. Hoặc có thể không, vì các nhà khai thác vận chuyển đã bắt đầu cắt giảm số lượng tàu chạy để duy trì hoạt động.
Tóm lại...
Có thể việc các địa điểm du lịch nổi tiếng rơi vào tình trạng "không một bóng người" đang thôi thúc bạn nắm bắt cơ hội này để ghé thăm, nhưng hãy gạt bỏ ngay ý định đó. Du lịch chính là cách mà vi-rút corona có thể dễ dàng lây lan từ nơi này sang nơi khác và chính phủ đang nỗ lực đề ra những chính sách để giảm 80% tiếp xúc trực tiếp giữa người với người đồng thời ngăn chặn vi-rút lây lan. Khi chúng ta đã đạt được những chỉ tiêu đặt ra, sớm muộn gì thì các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Nhật Bản cũng sẽ đông vui và nhộn nhịp trở lại.
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter, Instagram của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố