Bí mật của Cung điện Hoàng gia: Những điều sẽ được khám phá trong chuyến tham quan cùng những bí mật chưa được tiết lộ
Khi nói tới hoàng gia, chúng ta luôn có một sự liên tưởng đầy hấp dẫn và bí ẩn, từ những lời khẳng định về dòng máu thiêng liêng, vai trò then chốt trong các sự kiện lịch sử, cho đến lối sống vương giả trong những tòa cung điện và cả quá trình sụp đổ của mỗi đế chế. Cho dù là lí do gì đi nữa, sức quyến rũ của hoàng gia chắc chắn cũng đến từ lối sống quyền quý của họ ẩn sau những bức tường thành. Nếu bạn muốn có một cái nhìn cận cảnh hơn về đời sống của một vị quân vương, hãy theo dõi bài viết dưới đây và cùng chúng tôi thảo luận về Hoàng cung Tokyo, khám phá những điểm tham quan trong chuyến đi và vén lên bức màn bí ẩn về ngai vàng với biểu tượng hoa cúc nhé!
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Tóm tắt bối cảnh lịch sử: Từ lâu đài đến cung điện
Trước năm 1869, vị trí hiện tại của Cung điện Hoàng gia là vị trí của Lâu đài Edo. Tuy nhiên, từ sau năm 1869, thời điểm diễn ra Cách mạng Minh Trị (một cuộc cách mạng phục hồi quyền lực cai trị từ tay Shogun về tay Thiên hoàng), thủ đô của Nhật Bản được chuyển từ Kyoto về Tokyo và tòa lâu đài này cũng trở thành Cung điện Hoàng gia ngày nay. Cung điện đã trải qua nhiều thay đổi lớn qua các thời đại với những sự kiện như: cuộc hỏa hoạn thiêu rụi lâu đài Edo cũ vào năm 1873 và sau đó là công cuộc đại tái thiết sau khi Cung điện bị phá hủy vào năm 1945. Ngay tại trung tâm Tokyo, khoảng 10 phút đi bộ từ ga Tokyo chính là khuôn viên Cung điện Hoàng gia với những khu vườn bao quanh. Đây được coi là một trong những tài sản có giá trị nhất ở Nhật Bản, và trong "thời kỳ kinh tế bong bóng" ở Nhật những năm 1980, nơi đây thậm chí còn được cho là có giá trị hơn tất cả các bất động sản ở toàn bộ tiểu bang California!
Các tour tham quan có hướng dẫn viên và các sự kiện đặc biệt
Khu vực xung quanh Cung điện Hoàng gia luôn mở cửa cho du khách đến tham quan quanh năm và cũng là nơi nổi tiếng với nhiều điểm tham quan thú vị như khu vườn Phía Đông xinh đẹp, công viên Kitanomaru thơ mộng, những hào nước lớn, các công trình kiến trúc bắt mắt và nhiều phòng trưng bày với những vật phẩm quý giá. Tuy nhiên, nếu muốn tiếp xúc gần hơn với Hoàng tộc, bạn sẽ cần đăng ký một trong những tour du lịch có hướng dẫn miễn phí được tổ chức hàng ngày tại đây.
Thông tin chung về tour
Mặc dù bạn có thể tham quan Cung điện Hoàng gia mà không cần đặt trước, nhưng nếu bạn có ý định đến đây với một nhóm đông người (mỗi nhóm tham quan có thể lên tới 50 người) thì tốt hơn hết là bạn nên đặt trước. Số lượng khách tham quan tối đa mỗi ngày là 500, trong đó 300 suất dành cho khách không đặt trước, vì vậy bạn chỉ cần đến sớm hơn thời gian tham quan theo lịch trình, khả năng cao là bạn sẽ được tham gia tour bằng cách đăng ký tại cổng Kikyomon vào cung điện.
Chuyến tham quan cũng bắt đầu từ cổng Kikyomon và được tổ chức hai lần trong một ngày với hướng dẫn bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, lần đầu vào lúc 10:00 và lần thứ hai lúc 13:30. Chuyến tham quan kéo dài khoảng 75 phút và trên đường đi, bạn sẽ được ghé thăm 11 điểm tham quan, bao gồm cả khu vực phía trước Cung điện Hoàng gia (tiếc rằng du khách không được phép vào bên trong).
Những món quà lưu niệm đặc biệt chỉ có trong chuyến tham quan
Khi tham quan tour này, ngoài việc được phép vào thăm những phần của khu vườn Hoàng gia mà người thường không được vào, bạn còn có thêm đặc quyền là được ghé thăm Cửa hàng lưu niệm “Kunaicho Seikatsu Kyodokumiai”. Tuy có vẻ ngoài khiêm tốn nhưng đây là nơi duy nhất có bán những món quà lưu niệm Hoàng gia vô cùng độc đáo.
Một trong những món đồ đặc biệt được bày bán tại đây chính là rượu Nihonshu "Misono" (hình bên phải dưới đây), một loại rượu khá ngon được sản xuất tại một nhà máy rượu nổi tiếng ở Nagano. Rượu Misono được phân loại là loại rượu sake "Daiginjo", được coi là loại rượu hảo hạng của các nhà máy rượu sake. Do đó, chỉ với mức giá 1,600 yên, rượu Misono được bày bán tại đây quả là một món hời!
Ngoài ra, có những mặt hàng như cốc và vải furoshiki đều có con dấu của Hoàng gia (con dấu hình hoa cúc) chỉ được bày bán duy nhất tại đây với mức giá khá hợp lý (Cốc có giá 500 yên và vải furoshiki là 1,000 yên).
Cửa hàng này khá đặc biệt vì nó hạn chế số người đến mỗi ngày, do đó cũng không có nhiều người Nhật biết đến địa chỉ này. Nếu bạn đang muốn trả ơn hoặc bày tỏ lòng biết ơn với một người bạn Nhật, một món quà từ cửa hàng này chắc chắn sẽ vô cùng ý nghĩa. Những món đồ ở đây cũng là những món quà lưu niệm Nhật Bản vô cùng độc đáo để bạn mang về nhà.
Tham quan trong mùa hoa anh đào
Một trong những khoảng thời gian tuyệt vời nhất để tham quan cung điện và khuôn viên xung quanh là từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 7 tháng 4, khoảng thời gian chính thức để ngắm hoa anh đào, hay còn được gọi là Hanami. Nằm dọc theo phía Đông Bắc của công viên Kitanomaru là "Con đường màu xanh Chidorigafuchi", một địa điểm tuyệt vời để ngắm hoa anh đào, với khoảng 260 cây anh đào dọc hai bên hào tạo nên những tán hoa hồng phấn đẹp đến mê hồn.
Tận mắt nhìn thấy Nhật Hoàng
Nếu bạn có chút thất vọng vì không được tham quan khuôn viên bên trong cung điện, đừng lo vì bạn vẫn còn cơ hội. Mỗi năm hai lần, công chúng sẽ được vào khuôn viên bên trong cung điện và thậm chí có thể gặp các thành viên của Hoàng tộc. Những dịp đặc biệt này là vào ngày 2 tháng 1 khi Nhật Hoàng gửi lời chúc mừng năm mới đến toàn thể người dân và ngày sinh nhật của Nhật Hoàng. Từ khi Nhật Hoàng Naruhito lên ngôi và khởi đầu Thời kỳ Reiwa, ngày đặc biệt này rơi vào ngày 23 tháng 2.
Những bí mật chưa được tiết lộ và các phân khu riêng trong Cung điện Hoàng gia!
Cuối cùng cũng đến phần mà bạn đang mong chờ! Mặc dù tour hướng dẫn có nhiều điểm tham quan, nhưng còn nhiều khía cạnh của Cung điện Hoàng gia vẫn chưa được bật mí. Trước khi kết thúc bài viết này, chúng ta hãy cùng điểm qua một số điều đặc biệt diễn ra ở "hậu trường" của cung điện và những khu vực khác nhau với những mục đích sử dụng cụ thể. Nếu may mắn, bạn có thể tình cờ chứng kiến một số hoạt động này trong chuyến tham quan.
Phương tiện đi lại và ngựa
Trong khuôn viên Hoàng cung, có một chuồng ngựa với 30 con ngựa do Bộ phận Vận tải và Ngựa quản lý. Thực ra các thành viên Hoàng tộc không cưỡi những con ngựa này, chúng chỉ được sử dụng để kéo xe trong các nghi lễ và khi chào đón các vị đại sứ. Những con ngựa được huấn luyện trong 10 năm, và những người lái xe ngựa phải trải qua 6 năm huấn luyện mới được điều khiển ngựa trong các nghi lễ này.
Đối với các phương tiện đi lại, có 5 xe chính thức: 3 chiếc Nissan prince Royal (ảnh trên) là xe của Nhật Hoàng và 2 chiếc Rolls Royces được sử dụng cho việc đưa đón khách của chính phủ. Những chiếc xe này không có biển kiểm soát và chỉ mang một dấu hiệu đặc biệt của Hoàng gia.
Bộ phận quản lý vườn
Khuôn viên của Cung điện Hoàng gia rộng tới mức có cả một cánh đồng lúa hữu cơ do Bộ phận quản lý vườn Hoàng gia chăm sóc. Cánh đồng lúa sử dụng phân ngựa từ chuồng ngựa và vào tháng 6 hàng năm, Nhật Hoàng sẽ đích thân gieo mạ. Bộ phận quản lý vườn cũng chăm bón cho một khu vườn bonsai, trong đó có những cây đã hơn 1000 năm tuổi, chính điều này khiến khu vườn trở thành một kho báu với những cây bonsai Nhật Bản vô cùng quý giá.
Cảnh vệ Hoàng gia: Cảnh sát và Lính cứu hỏa
Cảnh vệ Hoàng gia đặc biệt ở chỗ họ vừa đóng vai trò là cảnh sát vừa là lính cứu hỏa cho cung điện. Nhiều công trình trong Cung điện được làm bằng gỗ, trong đó có ba khu điện thờ được sử dụng cho các nghi lễ và nghi thức, việc bảo vệ những công trình này là một trong những nhiệm vụ của Cảnh vệ Hoàng gia. Ngoài ra, cảnh sát Cảnh vệ Hoàng gia cũng trực thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, vì vậy cảnh sát trong cung điện được gọi là "Sĩ quan Cảnh vệ Hoàng gia".
Bổ sung: Sân ga Hoàng gia???
Không thực sự nằm trong khuôn viên Cung điện Hoàng gia, "bí mật cuối cùng" của Hoàng Cung nằm cách ga JR's Harajuku khoảng 100m về phía Bắc. Tại đây có một sân ga đặc biệt (được xây dựng vào năm 1921) dành riêng cho Hoàng gia khi cần rời Tokyo bằng đường sắt. Tàu Hoàng gia bao gồm 5 toa và cũng có biểu tượng hoa cúc giống như các phương tiện giao thông khác của Hoàng gia.
Mặc dù sân ga Hoàng gia này đã không được sử dụng trong nhiều năm (ghi nhận lần cuối là vào năm 2001), nơi này đã từng mở cửa cho công chúng tham quan vào một ngày năm 2016. Bạn có thể dễ dàng đi bộ bên ngoài sân ga đặc biệt này, nhưng sẽ khó mà thấy được gì ngoài cánh cổng cao màu trắng. Hi vọng rằng sân ga đặc biệt này sẽ sớm được mở cửa cho công chúng.
Kết luận
Với rất nhiều điểm tham quan trong tour du lịch miễn phí, những khu vườn rộng lớn và những sự kiện đặc biệt, lại nằm ở trung tâm Tokyo, rất có thể bạn sẽ muốn ghé thăm Cung điện Hoàng gia không chỉ một lần. Cho dù bạn đang sống ở Tokyo hay chỉ tới đây một vài ngày, việc đến tham quan Cung điện Hoàng gia chắc chắn là việc bạn nên làm trong danh sách những việc cần phải làm khi đến thủ đô Tokyo. Và biết đâu được, nếu tới đây nhiều lần, bạn lại có thể khám phá thêm những bí mật khác không được liệt kê trong bài viết này!
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter, hoặc Instagram của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố