Ý nghĩa của các biểu tượng thường thấy tại đền thờ thần đạo ở Nhật Bản
Với những người nước ngoài, Thần đạo là một tôn giáo mang màu sắc thần bí của Nhật Bản. Thậm chí có những khía cạnh nhất định của Thần đạo mà nhiều người Nhật cũng không biết rõ, đặc biệt là ý nghĩa của những biểu tượng trong Thần đạo. Khi tìm hiểu về Thần đạo, ta sẽ bắt gặp nhiều câu hỏi như: tại sao chiếc cổng lại sơn màu đỏ, những vật trang trí bằng giấy hình tia chớp có ý nghĩa gì; hay tại sao người ta lại chằng dây thừng quanh những thân cây? Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau thâm nhập sâu hơn vào thế giới của Thần đạo, bàn về nền tảng của tôn giáo này cũng như tìm hiểu ý nghĩa đằng sau những biểu tượng nổi bật nhất của Thần đạo nhé.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Thần đạo là gì?
Trước khi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa đằng sau các biểu tượng Thần đạo, hãy cùng tìm hiểu qua một số khái niệm cơ bản liên quan đến Thần đạo để hiểu rõ hơn về tôn giáo này. Như bất kỳ tôn giáo nào, rất khó để định nghĩa chính xác Thần đạo trong một vài từ. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất của Thần đạo là việc thờ phụng đa thần gọi là “kami”, mang ý nghĩa “các vị thần hay linh hồn tồn tại trong vạn vật” bởi người Nhật tin rằng Kami xuất hiện ở tất cả mọi vật trong tự nhiên, từ ngọn núi, thân cây cho tới thác nước,... Thần đạo là một tôn giáo thuộc thuyết vật linh, một tôn giáo tôn thờ tự nhiên và các vị thần tự nhiên. Một thuật ngữ khác để mô tả Thần đạo là "kami-no-michi" có nghĩa là “con đường của các vị thần”.
Không giống như những tôn giáo khác, Thần đạo không có cơ quan lãnh đạo để thiết lập các quy tắc và quy định của tôn giáo, vậy nên sẽ cơ sự khác nhau trong nghi lễ và tập tục giữa các vùng hay thậm chí là giữa các đền thờ trong một vùng.
Các biểu tượng Thần đạo
Dựa trên nền tảng những hiểu biết cơ bản về nét độc đáo của Thần đạo nói trên, hãy cùng chiêm ngưỡng một số biểu tượng và họa tiết Thần đạo đáng chú ý và ý nghĩa đằng sau những biểu tượng và họa tiết này. Sáu biểu tượng Thần đạo mà hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu là "torii," "shimenawa," "shide," "sakaki," "tomoe," và "shinkyo."
Cổng Torii - Lối vào tại các đền thờ Thần đạo
Có lẽ biểu tượng dễ nhận biết nhất của Thần đạo là những cánh cổng tráng lệ mở lối vào những ngôi đền thờ. Được làm từ gỗ hoặc đá, những cánh cổng hai cột này được biết đến với cái tên “torii”, đánh dấu ranh giới lãnh địa của một "Kami". Hành động bước qua một cánh cổng torii được coi là một hình thức thanh tẩy vô cùng quan trọng khi vào thăm một ngôi đền, vì các nghi thức thanh tẩy được coi là chức năng chính của Thần đạo.
Sau khi hiểu về khái niệm Torii, chắc hẳn bạn sẽ tự hỏi tại sao những cánh cổng Torii này lại được sơn màu đỏ và màu cam rực rỡ như vậy. Ở Nhật Bản, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và cuộc sống, tránh xa khỏi những điềm xui hay thảm họa. Như vậy, bằng cách đi qua những cánh cổng màu đỏ này, du khách khi đến đền sẽ được thanh tẩy, gột rửa khỏi những nguồn năng lượng xấu, tà ác đang mang trên người, để đảm bảo chỉ có những nguồn năng lượng tích cực mới được mang vào nơi "Kami" sinh sống. Theo một cách lý giải ít tâm linh và nhiều thực tế hơn, màu đỏ đơn giản chỉ là màu của lớp sơn thường được sử dụng để phủ lên phần gỗ của cánh cổng torii để bảo vệ cổng khỏi sự bào mòn của tự nhiên.
Như đã nói, không phải mọi cánh cổng torii đều có màu đỏ. Có rất nhiều cánh cổng torii làm từ gỗ, đá không phủ sơn (thường có màu trắng hoặc xám), và thậm chí là cả kim loại nữa. Cổng torii không chỉ đa dạng về màu sắc (thậm chí có cả màu đen) mà còn đa dạng cả về hình dáng (có khoảng 60 kiểu dáng khác nhau). Tuy nhiên, hai loại phổ biến nhất là cổng torii "myojin" và "shinmei". Cổng torii "myojin" có xà ngang phía trên uốn cong ở hai đầu, thanh xà phía dưới xuyên ngang qua hai cột và chìa ra ở hai bên (ảnh trên). Trong khi đó, cổng torii "shinmei" lại có xà ngang phía trên thẳng và xà ngang phía dưới chỉ vừa chạm tới hai cột chứ không kéo dài ra bên ngoài (ảnh dưới).
・Những cánh cổng Torii nổi tiếng nhất ở Nhật Bản
Khi nói về torii, có lẽ địa điểm nổi tiếng nhất là đền Fushimi Inari ở Kyoto. Ngôi đền danh tiếng này là nơi có hàng ngàn cổng torii màu cam uốn lượn dẫn lên ngọn núi.
Một nơi khác cũng rất nổi tiếng với cổng torii là đền Ikutsushima trên hòn đảo Miyajima xinh đẹp. Chỉ cách thành phố Hiroshima 40 phút, cánh cổng torii tráng lệ này trông như đang nổi trên mặt nước, tạo nên một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục.
Đền Oarai-Isosaki ở tỉnh Ibaraki là nơi có một cánh cổng torii nổi bật khác nằm trên một mũi đá nhô ra giữa biển. Cánh cổng torii này tuy đơn giản nhưng lại có dáng vẻ diễm lệ đặc biệt khi đặt trong khung cảnh hoàng hôn hay khi những cơn sóng xô vào tảng đá trong một ngày biển động.
Một trong những cổng torii đặc trưng nhất của khu vực Tokyo là cổng torii khổng lồ ở Đền Yasukuni. Cánh cổng torii kim loại đồ sộ này có thiết kế đơn giản, nhưng lại gây ấn tượng nhờ kích thước khổng lồ với chiều cao 25 mét.
Một trong những cổng torii xuất hiện nhiều nhất trong các bức ảnh là chiếc cổng ở đền Hakone ở Hakone, tỉnh Kanagawa. Cánh cổng này nằm trên mặt hồ Ashi gần chân núi Phú Sĩ, nổi tiếng đến mức những người muốn chụp ảnh với nó thường xuyên phải xếp hàng chờ đợi trong ít nhất hai giờ đồng hồ.
Nằm nép mình trong những ngọn núi quanh thành phố Chichibu, ngôi đền Mitsumine ở tỉnh Saitama không chỉ có một khung cảnh rực rỡ mà còn có cánh cổng torii tuyệt đẹp với thiết kế "miwa" thiếp vàng hiếm gặp.
Shimenawa, sợi dây thừng linh thiêng của Thần đạo
"Shimenawa" là những sợi dây thừng thường được trang trí với những vật trang trí hình dích dắc màu trắng. Những sợi dây thừng này có thể khác nhau về kích thước và đường kính, có loại chỉ được bện bằng một vài sợi chỉ, trong khi có những loại lại vô cùng to và dày! Shimenawa thường được sử dụng để đánh dấu ranh giới của không gian linh thiêng và để xua đuổi tà ma.
Những sợi dây thừng này thường được treo trên các cổng torii, quấn quanh những thân cây và phiến đá linh thiêng (nơi kami cư ngụ), hoặc thậm chí buộc chặt quanh eo của các đô vật là nhà vô địch sumo! Những thân cây, phiến đá, và "yokozuna" (những nhà vô địch sumo) đặc biệt này được biết đến với tên gọi “yorishiro”, mang ý nghĩa người/vật linh thiêng thu hút các vị thần hoặc được thần nhập vào.
Shide, những miếng giấy trắng hình dích dắc
Một vật phẩm đặc biệt ta thường bắt gặp khi đi trong dạo quanh khuôn viên của đền thờ Thần đạo là những tờ giấy trắng ngoằn ngoèo, thường được treo dưới những sợi dây thừng shimenawa nói trên. Những vật trang trí này xuất hiện ở khắp nơi trong các ngôi đền và thường được sử dụng để phân định ranh giới của không gian linh thiêng bên trong đền thờ với cõi phàm tục. Các đồ trang trí hình tia sét được gọi là "shide" và cũng được sử dụng trong rất nhiều các nghi lễ thanh tẩy. Nếu tới lễ đền đúng thời điểm, bạn thậm chí có thể thấy shide được gắn vào những chiếc gậy đặc biệt được các đại sư Shinto sử dụng để thực hiện những nghi lễ nói trên.
Có hai giả thuyết đằng sau lý do tại sao shide có hình tia sét. Có người cho rằng hình dạng này đại diện cho sức mạnh vô hạn của các vị thần, và cũng có những người khác cho rằng vì mây, mưa và sét là những thành tố tạo nên một vụ mùa bội thu, nên hình sấm sét chính là lời cầu nguyện của người dân đến các vị thần để cầu mong mùa màng tươi tốt.
Có rất nhiều loại gậy phép trang trí shide khác nhau được sử dụng trong Thần đạo, với sự khác biệt tinh tế về kiểu dáng. Hai trong số những cây gậy phép này có tên gọi là “gohei” và “haraegushi". Những người hầu gái trong đền thờ gọi là “miko” sử dụng cây gậy phép với 2 shide trong các nghi lễ và nghi thức để ban phước cho mọi người, nhưng mục đích chính của chúng là để ban phước cho các vật thể hoặc thanh tẩy những nơi linh thiêng có sự xuất hiện của nguồn năng lượng tiêu cực.
Cây gậy phép haraegushi treo rất nhiều shide được sử dụng cho cùng một mục đích thanh tẩy nhưng trong các trường hợp khác nhau. Một đại sư Shinto sẽ dùng haraegushi vẩy một cách nhịp nhàng lên một người hay một vật mà người đó mới mua, như một ngôi nhà hoặc xe hơi mới để thực hiện nghi thức thanh tẩy.
Sakaki - cây linh thiêng của Thần đạo
Như đã đề cập trước đó, thờ phụng thiên nhiên chính là triết lý của Thần đạo, và trong đó cây cối đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Một số loại cây được coi là linh thiêng và được biết đến với tên “shinboku”. Giống như torii, những cây này được trồng quanh một ngôi đền, tạo ra một hàng rào linh thiêng để bảo vệ không gian thanh tịnh bên trong.
Tuy có tới vài loại cây khác cũng được coi là cây thiêng nhưng có lẽ loài cây quan trọng nhất là sakaki, một loại cây thường xanh có hoa có nguồn gốc từ Nhật Bản. Cây Sakaki thường được trồng xung quanh các đền thờ tạo nên một hàng rào linh thiêng, và đôi khi một cành sakaki được dùng làm đồ cúng tế cho các vị thần. Một trong những lý do mà cây sakaki trở thành cây linh thiêng trong Thần đạo là vì chúng là cây thường xanh, điều này đồng nghĩa với sự bất tử. Một lý do quan trọng khác gắn liền với một truyền thuyết trong đó một cây sakaki được trang trí để dụ nữ thần mặt trời Amaterasu ra khỏi nơi ẩn náu trong hang động. Truyền thuyết này (sẽ được mô tả chi tiết hơn trong phần shinkyo bên dưới) mang đến một giá trị tượng trưng đặc biệt cho cây sakaki được cử hành trong nghi lễ Thần đạo cho đến ngày nay.
Tomoe - vòng xoáy của các dấu phẩy
Biểu tượng vòng xoáy "tomoe" có thể gợi nhớ nhiều về biểu tượng âm dương nổi tiếng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ý nghĩa và cách sử dụng của hai biểu tượng này khá khác nhau. Tomoe, thường mang nghĩa là dấu phẩy, được sử dụng trên những huy hiệu thể hiện quyền lực của Nhật Bản gọi là “mon”, thường có liên quan đến samurai.
Tomoe có thể có hai, ba hoặc thậm chí bốn dấu phẩy. Tuy nhiên, ba dấu phẩy "mitsu-domoe" được sử dụng phổ biến nhất trong Thần đạo và được cho là đại diện cho sự tương hợp của ba cõi tồn tại: thiên đường, dương gian và âm phủ.
Hãy chú ý tới tomoe và bạn sẽ thấy chúng được sử dụng trong trang trí rất nhiều, từ trống taiko và bùa may mắn đến đèn lồng và mái nhà theo phong cách Nhật Bản!
Shinkyo - tấm gương thần trong Thần đạo
Biểu tượng Thần đạo cuối cùng chúng ta sẽ cùng thảo luận trong bài là “shinkyo” (gương thần). Tương truyền đây là một vật linh thiêng được dùng để kết nối cõi dương gian với thế giới tâm linh. Shinkyo có thể xuất hiện tại những bàn thờ Thần đạo với tư cách là hình ảnh đại diện của Kami, và các vị thần sẽ đi vào gương để giao tiếp với những con người trần thế.
Niềm tin này đã xuất hiện cùng với một truyền thuyết liên quan đến nữ thần mặt trời Amaterasu của Nhật Bản, người đã từng ẩn mình trong hang động, khiến thế giới bị bao trùm trong bóng tối. Để dụ nữ thần ra khỏi hang, nhiều vị thần khác đã tập trung bên ngoài hang và tổ chức một lễ hội. Các vị thần treo trang sức và một chiếc gương lên cây sakaki trước cửa hang để đánh lạc hướng sự chú ý của Amaterasu nếu nữ thần ra khỏi hang. Tò mò về những tiếng ồn ào bên ngoài, Amaterasu lén ra khỏi hang và hỏi tại sao các vị thần khác lại ăn mừng. Đáp lại, các vị thần nói với Amaterasu rằng có một nữ thần thậm chí còn xinh đẹp hơn cả Amaterasu ngoài hang. Khi ra khỏi hang, Amaterasu được chào đón bởi tấm gương và hình ảnh phản chiếu của chính mình. Đúng lúc đó, các vị thần khác đã nhân cơ hội lấp cửa hang lại bằng một sợi thừng shimenawa.
Sau này, chiếc gương đã được trao lại cho cháu trai của Amaterasu để thờ phụng như bài vị của vị thần này. Như vậy, người ta không khấn cầu shinkyo, mà là đang gửi lời khẩn cầu tới vị thần của ngôi đền, còn chiếc gương chỉ là vật tượng trưng. Shinkyo được coi là một "shintai", hay một thể tồn tại vật chất của Kami trong cõi nhân gian.
Bạn có biết, hang động trong truyền thuyết trên đây nằm ở đâu không? Ngày nay, nơi đây chính là đền Amanoyasugawara ở Miyazaki (hình trên). Đó là một nơi khá hẻo lánh và được ít người biết đến, nhưng khi đã biết tới truyền thuyết này thì việc ghé thăm nơi đây hẳn sẽ vô cùng thú vị!
Kết luận
Sau bài viết này, chắc hẳn vẫn còn rất nhiều điều thú vị mà bạn muốn biết về Thần đạo, con đường của các vị thần. Nếu bạn quan tâm và muốn tìm hiểu về văn hóa cũng như các đền thờ Nhật Bản, mời bạn đọc bài “10 điều quan trọng cần lưu ý khi tới cầu nguyện tại đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản” và 12 cổng torii độc đáo giúp bạn khám phá thế giới thần linh ở xứ Phù Tang trên tsunagu Japan.
Tuy bài viết mới chỉ giới thiệu sơ qua những điểm cơ bản nhất về những biểu tượng trong Thần đạo, hy vọng rằng chừng đó đã giúp bạn hiểu hơn và trân trọng giá trị của những chi tiết nhỏ cũng như cảm thấy thú vị về những câu chuyện đằng sau những biểu tượng này. Khi có dịp tới thăm một đền thờ Thần đạo, bạn đừng quên để mắt tới những biểu tượng kể trên nhé!
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter hoặc Instagram của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố