Tổng hợp 23 địa điểm "Di sản cải cách công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản"
Chắc hẳn có nhiều bạn lần đầu nghe đến cái tên "Di sản cải cách công nghiệp Minh Trị Nhật Bản", và đang thắc mắc đó là di sản như thế nào đúng không? Thực ra di sản này có chút khác biệt so với những di sản mà bạn đã được nghe đến trước đây như núi Phú Sĩ hay đền thờ Itsukushima. Đây là cách gọi của 23 di sản thuộc 8 tỉnh và 11 thành phố ở Nhật Bản. Những di sản này nằm ở các địa điểm khác nhau trải dài từ khu vực Tohoku đến Kyushu, và mỗi di sản lại đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình hiện đại hoá của Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị. Vậy đó là những địa danh như thế nào, hãy cùng chúng tôi khám phá “Di sản cách mạng công nghiệp Minh Trị Nhật Bản" qua bài viết dưới đây nhé
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Khu vực 1: Hagi (tỉnh Yamaguchi/5 di sản)
(1) Lò phản xạ Hagi (thành phố Hagi tỉnh Yamaguchi, năm 1856)
(2) Xưởng đóng tàu Ebisugahana (thành phố Hagi, năm 1856)
(3) Di tích luyện thép Ohitayama Tatara (thành phố Hagi, năm 1855)
(4) Thị trấn lâu đài Hagi (thành phố Hagi, thời kỳ Edo)
(5) Học viện Shokasonjuku (thành phố Hagi, năm 1857)
Vào thời kỳ cuối thời Mạc Phủ (năm 1850), các miền lãnh địa có thế lực vùng Tây Nam bắt đầu lo lắng trước sự mở rộng sang châu Á của các quốc gia phương Tây lớn mạnh, đã bắt đầu sử dụng công nghệ luyện thép của riêng mình. Tại Hagi (Phiên Choshu), để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về các quốc gia phương Tây, một vài cơ sở học vấn như "cơ sở học vấn phương Tây" đã được xây dựng. Cùng với đó, việc xây dựng những lò phản xạ dùng cho việc luyện thép cũng đã được xúc tiến (lò phản xạ Hagi). Ngoài ra, tại xưởng đóng tàu Ebisugahana, hai chiếc tàu chiến theo kiểu phương Tây đã được tạo ra từ các tấm kim loại được sản xuất tại xưởng luyện thép Ohitayama Tatara.
Thị trấn Hagijo Kamachi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự của phiên Hagi (Choshu) - một trong những miền lãnh thổ Tây Nam có thế lực mạnh thời đó. Từ sau năm 1604, ông Mori Terumoto đã cho xây dựng những toà lâu đài chạy song song tạo nên một khu phố phong tình còn tồn tại đến tận ngày nay. Học viện Shokasonjuku là một nơi nổi tiếng mà hầu như ai cũng biết đến. Rất nhiều chí sĩ tài giỏi đã được đào tạo ra ở đây qua việc nghe, bàn luận về các bài giảng của nhà chính trị gia Yoshida Shoin.
Khu vực 2: Kagoshima (tỉnh Kagoshima/3 di sản)
(1) Kyushuseikan (thành phố Kagoshima, tỉnh Kagoshima, năm 1854)
Dấu tích Lò phản xạ Kyushuseikan (năm 1851)
Xưởng cơ khí Kyushuseikan (năm 1865)
Toà nhà của các công nhân dệt tại Kagoshima (năm 1867)
(2) Di tích lò than Terayama (thành phố Kagoshima, năm 1852)
(3) Kênh đào Sekiyoshi (thành phố Kagoshima, năm 1858)
Vào năm 1851, lãnh chúa Shimazu Nariakira đứng đầu phiên Satsuma đã bắt đầu công cuộc Shuseikan (thành lập các hội tập trung trong các nhà máy - bước đầu của quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Công cuộc Shuseikan là một dự án mà lãnh chúa Shimazu Nariakira đã tiến hành nhằm mục đích phát triển ngành công nghiệp của Nhật Bản do ông cảm thấy lo sợ về nguy cơ Nhật Bản bị các nước phương Tây chiếm làm thuộc địa. Đặc biệt ông chú trọng phát triển những ngành như luyện sắt, đóng thuyền và ngành dệt, tạo hiệu quả to lớn trong công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá của Nhật Bản.
Di tích lò than Terayama là nơi cung cấp một lượng lớn nhiên liệu than gỗ - thứ rất cần thiết trong công cuộc Shuseikan. Và kênh đào Sekiyoshi được tạo ra để cung cấp nước cho ngành công nghiệp.
Khu vực 3: Nirayama (tỉnh Shizuoka/1 di sản)
1) Lò phản xạ Nirayama ( thành phố Izunokuni, tỉnh Shizuoka, năm 1857)
Lò phản xạ Nirayama là lò phản xạ duy nhất Nhật Bản được đưa vào hoạt động trong thực tế. Thực chất, lò phản xạ Hagi đã được nói đến phía trên chỉ dùng cho mục đích thí nghiệm chứ trên thực tế không được đưa vào sử dụng. Vào khoảng những năm 1850 khi việc phòng thủ ven biển đang được gấp rút tăng cường, lò phản xạ Nirayama đã được xây dựng để chế tại đại pháo, đến năm 1922 lò phản xạ này đã được công nhận là một di tích lịch sử của đất nước. Về sau này, khi không còn được đưa vào sử dụng nữa nó trở nên hoang tàn, đổ nát, nhưng nhờ vào hoạt động bảo tồn di sản văn hoá vào năm 1908, Bộ Quốc phòng đã cho tiến hành tu sửa lò. Kể từ sau đó, đã diễn ra nhiều hoạt động tu sửa bảo tồn quy mô lớn vào các năm 1957, giai đoạn từ 1985 đến 1989 và vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay.
Có nhiều ghi chép kể lại rằng khi lò còn hoạt động, lúc làm việc những người thợ sẽ không mặc quần áo trên mình. Một phần là do lò phản xạ quá nóng, nhưng lý do quan trọng hơn đó là để phòng bỏng, tránh việc những tia lửa bắn vào quần áo, cháy xén và bám vào da.
Khu vực 4: Kamaishi (tỉnh Iwate/1 di sản)
(1) Di tích khu vực khai thác và luyện quặng sắt Hashino (Kamaishi, Iwate, năm 1858)
Đại pháo được tạo ra bởi phương pháp luyện thép cổ xưa Nhật Bản - "luyện thép Tatara" thì không thể thắng được các nước phương Tây. Trong hoàn cảnh đó, vào năm 1858, khu vực khai thác và luyện quặng sắt Hashino đã được ra đời. Nơi đây sau đó đã được công nhận là di tích lịch sử của đất nước với tư cách là lò cao theo phong cách phương Tây cổ nhất Nhật Bản.
Quá trình xây dựng lò có sự đóng góp rất lớn của Oshima Takato - một kỹ sư của miền Morioka. Ông là người đã thử nghiệm thành công phương pháp luyện thép kiểu phương Tây đầu tiên tại Nhật Bản vào đầu năm 1857. Về sau, dưới triều đại Minh Trị, ông cũng là một kỹ sư được đánh giá cao, và được mệnh danh là "cha đẻ của ngành luyện thép cận đại".
Khu vực 5: Saga (tỉnh Saga/1 di sản)
1) Di tích Sở hải quân Mietsu (thành phố Saga, tỉnh Saga, năm 1858)
Di tích sở hải quân Mietsu ra đời vào năm 1858, nhằm chế tạo và sửa chữa tàu, chủ yếu là tàu chạy bằng hơi nước. Không chỉ là một sở hải quân, nơi đây còn được đánh giá cao trong việc giáo dục đào tạo các sĩ quan và thuỷ thủ. Vào năm 1865, nơi đây đã tạo ra chiếc tàu Ryofumaru - chiếc tàu hơi nước có thể sử dụng trong thực tế đầu tiên tại Nhật Bản. Từ năm 2009 đến năm 2014, một cuộc điều tra khai quật trong khuôn viên đã được tiến hành, kết quả là đã phát hiện ra tàn tích liên quan đến việc gia công kim loại và dấu tích xưởng cạn cổ nhất Nhật Bản. Nơi đây có thể là nơi vô cùng thú vị đối với những ai yêu thích tìm hiểu về tàu.
Khu vực 6: Nagasaki (tỉnh Nagasaki/8 di sản)
(1) Xưởng đóng tàu Kosuge (thành phố Nagasaki, tỉnh Nagasaki, năm 1869)
(2) Xưởng đóng tàu Mitsubisi Nagasaki, xưởng số 3 (thành phố Nagasaki, năm 1905)
(3) Xưởng đóng tàu Nagasaki, cần trục đúc khổng lồ (thành phố Nagasaki, năm 1909)
(4) Xưởng đóng tàu Nagasaki, Kyukigatajo (thành phố Nagasaki, năm 1989)
(5) Xưởng đóng tàu Nagasaki, Senshokaku (thành phố Nagasaki, năm 1904)
(6) Mỏ than Takashima (thành phố Nagasaki, năm 1869)
(7) Mỏ than Hashima (thành phố Nagasaki, năm 1890)
(8) Glover House (thành phố Nagasaki, năm 1863)
Tỉnh Nagasaki là một nơi với nhiều di sản nổi tiếng như Khu vườn Glover House hay mỏ than Hashima. Trong thời kỳ bế quan toả cảng, nơi đây đã phát triển phồn vinh với tư cách là một trong số ít những cửa ngõ giao lưu giữa Nhật Bản và các quốc gia phương Tây, và đồng thời cũng được biết đến là một nơi tiếp thu nhiều kiến thức và kỹ thuật tiên tiến.
Tại Nagasaki, ngành đặc biệt phát triển nhất là kỹ thuật đóng tàu. Vào năm 1855, tổng kiểm soát sở huấn luyện hải quân, ông Nagai Naoyuki nhân dịp được Hà Lan tặng thuyền chiến, đã nhờ phía Hà Lan xây dựng xưởng đóng tàu. Trong xưởng có nhiều máy móc hoạt động bằng động cơ hơi nước, và đó là một sự thúc đẩy cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá tại tỉnh Nagasaki.
Khu vườn Glover House được xây dựng vào năm 1863 là khu kiến trúc bằng gỗ theo phong cách phương Tây cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Nhà khởi nghiệp Thomas Blake Glover (1838-1911) - người đã mang kỹ thuật phương Tây vào Nhật Bản đã sử dụng nơi này làm nhà ở. Mỏ than Hashima (đảo Gunkanjima) là một đảo nhỏ rộng khoảng 6.5 ha, nổi trên mặt biển kéo dài 18km từ cảng Nagasaki về phía Tây Nam. Nơi đây là nơi khai thác than đá để cung cấp cho xưởng luyện thép Yahata. Vào giai đoạn phát triển nhất có đến trên 5 nghìn người sinh sống trên đảo và đảo còn được gọi với cái tên Gunkanjima (đảo tàu chiến). Thế nhưng vào năm 1974 mỏ than bị đóng cửa, và từ đó về sau không có ai còn sinh sống trên đảo. Hiện nay, chỉ có một phần khu vực được cho phép vào tham quan.
Khu vực 7: Miike (tỉnh Fukuoka, tỉnh Kumamoto/2 di sản)
(1) Mỏ than Miike, cảng Miike (Omuta, Fukuoka/Arao, Kumamoto)
Mỏ than Miike, mỏ Miyanohara (thành phố Omuta, năm 1898)
Mỏ than Miike, mỏ Manda (thành phố Omuta, thành phố Arao, năm 1902)
Mỏ than Miike, dấu tích tuyến đường sắt chuyên dụng (thành phố Omuta, thành phố Arao, năm 1891)
Cảng Miike (thành phố Arao, năm 1908)
(2) Cảng Misuminishi (thành phố Uki tỉnh Kumamoto, năm 1887)
Tại vùng Fukuoka・Kumamoto, những di sản góp phần vào hoạt động khai thác tại mỏ than Miike vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ví dụ như di tích tuyến đường sắt chuyên dụng cho việc khai thác than tại Miike, không chỉ vận chuyển than đá, vật tư dùng trong khai thác than tại mỏ than Miike, mà còn chuyên chở sản phẩm từ xưởng hay nguyên liệu thô. Ban đầu tuyến đường sắt này là tuyến đường dùng cho xe ngựa, nhưng từ năm 1905 đến năm 1923 đường dây điện đã được kéo đến tận cảng Miike và toàn bộ đã được điện khí hoá. Có thể nói đây là tuyến đường sắt không thể thiểu đối với mỏ than Miike.
Một nơi cũng rất đáng được chú ý đó là cảng Miike. Điểm đặc biệt của biển Ariake nơi đây là sự khác biệt rõ rệt lúc thuỷ triều lên và xuống. Vào lúc thuỷ triều xuống sẽ để lộ ra bãi cát kéo dài đến hàng kilomet cản trở sự lui tới của những tàu lớn. Để giải quyết vấn đề này, cảng Miike đã được xây dựng. Người đã chỉ huy việc xây dựng cảng là lãnh đạo của tập đoàn Mitsui - ông Dan Takuma. Những kiến thức của ông đã tạo ra một bến cảng lớn mà vẫn còn hoạt động đến tận ngày nay.
Khu vực 8: Yahata (tỉnh Fukuoka)
(1) Xưởng luyện thép quốc doanh Yahata (thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka)
Xưởng luyện thép Yahata, trụ sở chính cũ (năm 1899)
Xưởng luyện thép Yahata, công trường sửa chữa (năm 1900)
Xưởng luyện thép Yahata, công trường rèn (năm 1900)
(2) Nhà máy bơm vùng đầu nguồn sông Onga (Nakama, Fukuoka, năm 1910)
Chắc hẳn các bạn đã từng nghe tới cái tên xưởng luyện thép quốc doanh Yahata trong tiết học lịch sử tại trường học. Đây là một trong những tài sản quan trọng tập hợp nhiều di sản. Vào thời kỳ năm 1890, làng Yahata nằm cạnh mỏ than Chikuho - một mỏ than với lượng khai thác than lớn nhất Nhật Bản. Vào năm 1897, việc xây dựng xưởng luyện thép tại nơi đây đã được quyết định. Con trai của Oshima Takato - một kỹ sư của miền Morioka, người đã thành công trong kỹ thuật luyện thép bằng lò cao ở thành phố Kamaishi, dưới sự chỉ đạo của kỹ sư người Đức đã trải qua 4 năm và xây dựng nên xưởng luyện thép quốc doanh Yahata.
Mặc dù đã có một thời kỳ việc xây dựng bị trì hoãn do thiêú vốn, nhưng cuối cùng xưởng luyện thép cũng đã được hoàn thành và đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng của Nhật Bản. Không chỉ nổi bật về mặt thành tích mà trụ sở chính cũ ở đây còn thu hút du khách bởi bề ngoài bằng gạch vô cùng đẹp của nó, rất đáng để mọi người đến chiêm ngưỡng. Đây cũng là toà nhà có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền tải những giá trị lịch sử tới thế hệ ngày nay.
Thêm một di sản nữa đó là nhà máy bơm vùng đầu nguồn sông Onga. Nước được bơm lên từ sông Onga được sử dụng chủ yếu để làm nguội thép, nhà máy bơm nước có vai trò bơm hút nước phục vụ cho xưởng luyện thép Yahata. Nhìn bề ngoài có lẽ không ai nghĩ đây là một nhà máy bơm nước bởi nó được xây bằng gạch rất đẹp tái hiện thời kì thịnh vượng của ngành luyện thép những năm 1890 - 1900.
Tổng hợp 23 di sản thuộc "Di sản cải cách công nghiệp Minh Trị Nhật Bản"
Sau khi đọc bài viết này các bạn thấy thế nào nhỉ . Mặc dù không hiểu hết về “Di sản cách mạng công nghiệp Meiji Nhật Bản”, nhưng khi đi tham quan từng di sản, chắc hẳn các bạn có thể nói rằng mình biết hoặc đã từng nghe qua về chúng rồi phải không nhỉ. Vậy thì ngay bây giờ hãy cùng lên kế hoạch để đến với những di tích có một không hai này ngay thôi!
※Thông tin bài viết được cập nhật tại thời điểm hiện tại 2015
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố