Khám phá trà đạo - nét tinh hoa của văn hóa Nhật Bản và 5 địa điểm trải nghiệm trà đạo tại Tokyo dành cho khách du lịch

Trà đạo, tiếng Nhật là 茶道(さどう, 茶: trà và 道: đạo lí), được biết đến như một loại nghệ thuật thưởng thức trà. Đây chính là một nét tinh hoa trong văn hóa Nhật Bản và được bạn bè quốc tế vô cùng yêu thích. Hãy cùng khám phá những điều thú vị về trà đạo cũng như những địa điểm tổ chức dịch vụ trải nghiệm văn hóa trà đạo nổi tiếng tại thành phố Tokyo trong bài viết này nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Nguồn gốc của trà đạo

Tài liệu xưa ghi chép rằng, trà Nhật vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Vào thế kỷ thứ VIII (giai đoạn từ thời Nara đến thời Heian), trà đã được du nhập vào Nhật Bản, tương truyền là do các sứ thần và du học sinh đã mang từ Trung Quốc về. Thưởng trà thời bấy giờ chưa phổ biến và được biết đến là một trong những nghi lễ xa hoa chỉ có trong giới quý tộc.

Đến thế kỉ XII (thời Kamakura), vị cao tăng người Nhật Eisai (1141-1215) sang Trung Hoa để học đạo và đã mang một vài hạt giống trà để trồng tại sân chùa, nhưng ông đã nghĩ đó là thuốc. Đây cũng chính là lý do giải thích cho sự ra đời của cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki) do ông viết nên, ghi chép về những công dụng của trà. Cuốn sách sau đó được lưu truyền rộng rãi và cũng từ đó việc thưởng trà dần trở nên phổ biến với những vị thiền sư tại Nhật Bản. 

Vào thế kỉ XIII, trà đạo trở thành biểu tượng cho quyền lực của giới thượng lưu và những nghi lễ thưởng trà được quy định bởi giai cấp thống trị - tầng lớp samurai. Sau đó, trà đạo cũng dần trở nên phổ biến trong tầng lớp bình dân nhưng chỉ dành cho nam giới. Mãi đến đầu thời Meiji (1868-1912) thì phụ nữ mới chính thức được tham dự tiệc trà. Từ đó đến nay, văn hóa trà đạo càng được hoàn thiện và phổ biến, trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Nhật Bản.

Giới thiệu về một buổi trà đạo hoàn chỉnh

Bước 1: Sự chuẩn bị từ phía người tổ chức

Trước khi buổi trà đạo bắt đầu, tất cả những dụng cụ cần thiết phải được chuẩn bị kỹ càng. Bộ dụng cụ cần thiết cho buổi trà đạo được gọi là chabako (茶箱), bao gồm một cái chén, một cây khuấy trà bằng gỗ, một cái muỗng nhỏ múc trà và một vài vật dụng khác. Đặc biệt, trong suốt quá trình chuẩn bị này, người tổ chức tiệc trà phải thực sự đạt được sự thanh thản, không còn vướng bận trong tâm hồn. 

Bước 2: Sự chuẩn bị từ phía khách tham dự

Không chỉ chủ nhà mà cả các vị khách cũng phải chuẩn bị khi được mời tham gia một buổi tiệc trà. Khách tham dự nên để cho tâm hồn được thư thái, gạt bỏ đi những lo âu thường nhật.

Trước khi vào phòng trà hoặc nơi tổ chức, khách tham dự phải rửa tay. Điều này không chỉ đơn thuần là để đảm bảo vệ sinh mà còn có ý nghĩa như một hành động gột rửa mọi bụi bẩn, trần tục để tâm hồn được thanh tịnh, sẵn sàng tham gia vào buổi trà đạo. Khi buổi trà đạo đã sẵn sàng, chủ nhà sẽ ra dấu hiệu và mời khách vào phòng trà. Khách tham dự phải cúi đầu như một dấu hiệu tôn trọng người tổ chức và biết ơn với sự chuẩn bị mà người này đã thực hiện.

Bước 3: Làm ấm dụng cụ pha trà

Để đảm bảo vệ sinh và giữ cho trà luôn ấm thì những dụng cụ pha trà phải được tráng qua nước sôi rồi lau khô bằng khăn bông mềm sạch sẽ trước khi sử dụng. Đặc biệt, khi thực hiện thao tác này, chủ nhà phải làm với thái độ trang nghiêm, tập trung cao độ, đồng thời các động tác lau, rửa cũng phải thật uyển chuyển, duyên dáng. 

Bước 4: Pha trà

Lượng bột sử dụng để pha trà:

Trà xanh matcha truyền thống được chia thành hai loại chính, đó là trà đắng (濃茶) và trà thanh (薄茶). Để pha một tách trà đắng thơm nồng và đậm vị, người pha trà phải cho khoảng 3,75g bột matcha (tương ứng với hai thìa đo trà), còn đối với loại trà thanh, ta chỉ sử dụng khoảng 1,8g (tương ứng với một thìa đo trà).

Nhiệt độ nước sôi sử dụng để pha trà:

- Vào mùa đông: khoảng từ 75°C đến 85°C. Nước pha trà thường được đổ vào tách hai lần, lần đầu đến lưng cốc rồi tiếp tục cho thêm nước lần hai đến lưng cốc.
- Vào mùa hè: khoảng từ 70°C đến 80°C. Nước pha trà đổ trực tiếp vào tách một lần duy nhất.

Cách pha:

Cho một lượng trà thích hợp với chén, đổ nước nóng vào và hòa tan bằng dụng cụ khuấy trà (chasen). Đầu tiên, khuấy mạnh và đều tay ở phần đáy chén trà để bột trà được hòa tan hoàn toàn. Đến khi bọt nổi lên thì khuấy nhẹ tay ở bề mặt chén để tạo một lớp bọt mịn rồi được đặt chén trà trên tatami trước mặt khách, mặt trước của ly đối diện với khách.

Bước 5: Thưởng trà

Sau khi được chủ nhà mời trà, vị khách đầu tiên sẽ đặt chén trà vào lòng bàn tay trái và giữ chén bằng tay phải rồi cúi đầu, nâng nhẹ tách trà lên và thưởng thức. Thông thường, phần mặt chén (正面) thường mang ý nghĩa rất quan trọng, vì vậy, khi uống cần phải xoay chén để tránh không chạm môi vào phần mặt chén. Không uống cạn ly trà trong một lần mà nên chia thành ba ngụm. Cúi đầu và bày tỏ lòng biết ơn sau khi nhận và uống hết tách trà của mình. Khi đưa lại chén trà, phải hướng mặt trước của chén về phía người mời trà để thể hiện sự tôn trọng. Khách thưởng trà cũng sẽ được mời thưởng thức những loại bánh ngọt truyền thống Nhật Bản. 

Trong suốt buổi thưởng trà, người tiếp trà và khách mời sẽ thường giao lưu về những vấn đề liên quan đến nghệ thuật, văn hóa mang tính giáo dục cao. Không khí trang nghiêm và tôn kính luôn là tiêu chí hàng đầu trong buổi giao lưu. Thông thường, người ngồi chiếu đầu mang vị trí quan trọng nhất, thông thái và hiểu biết nhất và sẽ là đại diện cho nhóm người thưởng trà. 

Klook.com

Bước 6: Hoàn thành buổi lễ

Sau khi tất cả khách đã thưởng trà, chủ nhà cũng sẽ rửa và lau sạch những dụng cụ đã được sử dụng trong buổi lễ. Khách cần kiểm tra các dụng cụ này sau khi đã được làm sạch như một cách để bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với chủ nhà. Sau đó, chủ nhà sẽ cất gọn những dụng cụ này và tiễn khách tham dự. 

Quy tắc thưởng trà và những giá trị thiêng liêng của trà đạo

Thưởng trà là một phương tiện hữu ích giúp tâm hồn thêm thư thái và rèn luyện sự tỉ mỉ, cẩn thận. Có 4 quy tắc thưởng trà cơ bản được đề ra bởi đại trà sư người Nhật Sen no Rikyu - người có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa trà đạo Nhật Bản, đó chính là: Hòa (hài hòa) – Kính (tôn kính) – Thanh (thanh thản) – Tịch (tĩnh lặng).

Trà đạo không chỉ giúp thư giãn tinh thần mà còn có ý nghĩa giáo dục rất cao. Từ nghi thức thưởng trà tới những bước pha trà đều tuân thủ những quy tắc cơ bản, trà đạo với những giá trị thiêng liêng không chỉ được đúc kết thành một nét văn hóa mà thậm chí còn được người Nhật coi như là tôn giáo và thuật sống được lấy ra làm tiêu chuẩn trong lối sinh hoạt hàng ngày. 

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

5 địa điểm trải nghiệm trà đạo dành cho khách du lịch tại Tokyo

Văn hóa trà đạo ngày càng phổ biến hơn trên thế giới, có rất nhiều bạn bè quốc tế muốn tìm hiểu và trải nghiệm thực tế nét văn hóa độc đáo này. Nếu bạn cũng là một trong số đó thì hãy cùng khám phá những địa điểm tổ chức trải nghiệm trà đạo Nhật Bản dành cho du khách nước ngoài nhé!

1. MAIKOYA

Bạn có thể dễ dàng tìm đến phòng trà Maikoya tại cả 3 thành phố chính của Nhật Bản: Tokyo, Kyoto và Osaka. Đây cũng là địa điểm tổ chức trà đạo duy nhất tại Nhật Bản nhận được giải thưởng Dịch vụ tốt nhất dành cho khách du lịch của Tripadvisor trong hai năm 2018 và 2019. Một trong những gói dịch vụ được yêu thích nhất của Maikoya chính là Trải nghiệm trà đạo cơ bản trong vòng 45 phút. Bạn sẽ được giới thiệu về trà đạo Nhật Bản, đồng thời cũng được trải nghiệm thưởng trà đúng cách dưới sự hướng dẫn của nhân viên phục vụ tại đây.

Bên cạnh đó còn có gói dịch vụ Trải nghiệm mặc kimono thưởng trà đạo trong không gian riêng (60 phút) phù hợp với tour gia đình hay dịch vụ Trải nghiệm trà đạo cùng maiko Nhật Bản trong vòng 60 phút, đây cũng chính là gói dịch vụ độc quyền, chỉ có duy nhất tại Maikoya. Nơi đây hứa hẹn đem đến cho bạn những giây phút tuyệt vời, vì vậy, hãy đến đây và trải nghiệm văn hóa trà đạo đặc sắc của Nhật Bản nhé!

2. HAPPO-EN

Nếu bạn muốn trải nghiệm trà đạo trong một không gian đậm chất truyền thống và gần gũi với thiên nhiên thì hãy đến với phòng trà HAPPO-EN nằm tại Minato, thành phố Tokyo. Phòng trà và có tầm nhìn hướng ra khu vườn xanh mát với những cây bonsai quý hơn 500 tuổi. Không gian yên tĩnh tại đây không chỉ phù hợp với việc thưởng trà đạo mà còn đem lại cho du khách khoảng lặng bình yên trong tâm hồn. 

Tại đây có cung cấp 3 gói dịch vụ cơ bản: thưởng trà đạo, trải nghiệm trà đạo tại phòng trà truyền thống và trải nghiệm trà đạo tại phòng chiếu tatami. Bạn không chỉ có cơ hội khám phá nghệ thuật trà đạo Nhật Bản, thưởng các loại trà, bánh ngọt truyền thống mà còn được hòa mình vào thiên nhiên xanh mát tại đây. Còn gì tuyệt vời hơn khi ghé qua HAPPO-EN trong chuyến du lịch Nhật Bản vào mùa hè và trải nghiệm nghệ thuật trà đạo độc đáo của xứ sở Phù Tang? Hãy thư giãn thưởng trà và để những tán cây xanh mát nơi đây giúp bạn quên đi những lo lắng muộn phiền.

3. Shizu-kokoro

Phòng trà Shizu-kokoro tọa lạc ngay tại điểm du lịch nổi tiếng Asakusa của thành phố Tokyo. Nơi đây hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm trà đạo tuyệt vời. Tại đây chỉ có duy nhất một khóa trải nghiệm trà đạo kéo dài khoảng 90 phút với số lượng giới hạn 8 người tham gia.

Đầu tiên, bạn sẽ được xem một bộ phim ngắn giới thiệu về nguồn gốc và những nghi lễ cơ bản của trà đạo. Sau đó, nhân viên tại đây sẽ hướng dẫn bạn cách pha trà, thưởng trà theo đúng lễ nghi trà đạo. Bạn cũng có thể tự tay pha trà và thưởng thức những “sản phẩm” do chính mình làm ra.

4. DO EDO

Đến với phòng trà DO EDO nằm trên tầng 5 của nhà hát kịch truyền thống Nhật Bản Kabuki, bạn chắc chắn sẽ phải ấn tượng bởi không gian hiện đại nhưng không kém phần tinh tế. Từ những dụng cụ làm từ gỗ đến những tủ kính đựng trà, bánh đều được làm từ đá hoa đen kết hợp sử dụng những cây trúc trang trí dọc theo những bức tường và trần nhà khiến không gian nơi đây trở nên khác biệt hoàn toàn với những phòng trà khác. 

Tham gia vào khóa trải nghiệm trà đạo tại đây, bạn sẽ được giới thiệu về những dụng cụ pha trà, cách pha và thưởng thức trà xanh cùng với những món bánh ngọt truyền thống Nhật Bản. Đặc biệt, khi kết thúc khóa trải nghiệm trà đạo thú vị tại DO EDO, bạn còn được mang về một set bột trà xanh trị giá 4,270 yên làm quà lưu niệm nữa đó! Thật tuyệt vời phải không nào!

5. HiSUi Tokyo

HiSUi Tokyo mang đậm nét hoài cổ và được thiết kế mô phỏng lại phòng trà vào thế kỷ 16 - thời kỳ Azuchi-Momoyama, đây là thời kỳ nổi tiếng bởi có một số lãnh chúa samurai hùng mạnh nhất như Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi. Từ chiếu lót tatami truyền thống, những đồ dùng dụng cụ được làm từ tre nứa đến những thanh gươm samurai được bài trí trong căn phòng sẽ đưa bạn trở về Nhật Bản của những ngày xưa cũ.

Ngoài ra, bạn sẽ được mặc kimono truyền thống và có những trải nghiệm thực tế nhất về cách pha trà đạo, thưởng thức trà cùng với một số loại bánh ngọt. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng tốt nhất, mỗi khóa trải nghiệm trà đạo tại đây đều giới hạn chỉ 2 người tham gia. Điều khiến HiSUi Tokyo trở nên nổi bật chính là nhờ không gian trang nghiêm, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với những giá trị văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Bên cạnh khóa trải nghiệm về trà đạo, HiSUi Tokyo còn có cả khóa viết thư pháp Nhật Bản, đào tạo kiếm thuật như một Samurai thực thụ không kém phần thú vị.

Xứ sở mặt trời mọc luôn được biết đến là một đất nước có những nét văn hóa vô cùng đặc sắc và tinh tế, trong đó phải kể đến trà đạo. Trà đạo không chỉ đơn thuần là nghệ thuật trong cách thưởng trà mà còn giúp tu dưỡng tinh thần, nâng cao tư tưởng, tự làm chủ bản thân thay vì trông chờ vào ngoại cảnh. Cũng chính vì vậy mà trà đạo mới được ví như một khoảnh đất phì nhiêu giữa sa mạc khô cằn, nơi để con người ta tĩnh tâm và tìm thấy được hạnh phúc, chân lý sống đích thực. Qua nét văn hóa đặc sắc này, chúng ta phần nào thấu hiểu hơn về người Nhật, kính nể sự tinh tế và những đức tính quý báu của con người xứ sở Phù Tang. Hãy đến đây để có được những trải nghiệm và cảm nhận riêng về trà đạo Nhật Bản nhé!

 

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang FacebookTwitter hoặc Instagram của chúng tôi!

Tuyển tập Kanto

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Lien
Lien Nguyen
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng