Khám phá 10 lâu đài nổi tiếng bậc nhất xứ Phù Tang
Khác với những tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy ở châu Âu thời kỳ trung cổ với những chàng dũng sĩ máu lửa và những câu chuyện tình lãng mạn gay cấn, lâu đài ở xứ Phù Tang lại nổi bật với vẻ đẹp huyền bí và tinh tế với những chiến binh samurai dũng cảm oai phong. Trải qua bao biến cố lịch sử, nhiều lâu đài ở Nhật Bản vẫn đứng sừng sững và hiên ngang, thách thức cùng với dòng chảy thời gian như một minh chứng sắt đá cho nền văn hóa rực rỡ phát triển từ rất lâu đời của xứ sở hoa anh đào. Những tòa lâu đài ở Nhật Bản lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV (bắt đầu từ thời Chiến Quốc – thời kỳ Sengoku), và ước tính đến nay có khoảng trên 25.000 lâu đài được xây dựng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai và chiến tranh, các lâu đài đa phần đều đã bị phá hủy và chỉ còn lại một số tàn tích. Những lâu đài còn tồn tại đến ngày nay đều được phục dựng và tu chỉnh lại bản gốc, nhưng không vì thế mà đánh mất đi nét nguyên bản vốn dĩ của nó. Qua bài viết này, hãy cùng Tsunagu Japan khám phá 10 lâu đài nổi tiếng bậc nhất xứ Phú Tang để hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của đất nước Mặt trời mọc nhé.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
1. Lâu đài Himeji (tỉnh Hyogo)
Hyogo là tỉnh có số lượng lâu đài nhiều nhất Nhật Bản, trong đó có lâu đài Himeji (姫路城) là lâu đài nổi tiếng nhất cả nước. Lâu đài nằm ở trung tâm thành phố Himeji, trên đỉnh một ngọn đồi có tên Himeyama, cao hơn 45m so với mực nước biển. Đây là kiến trúc tiêu biểu cho các thành quách thời cận đại của Nhật Bản, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Cùng với lâu đài Matsumoto (tỉnh Nagano) và Kumamoto (tỉnh Kumamoto), lâu đài Himeji là một trong ba lâu đài nổi tiếng nhất ở xứ sở hoa anh đào (tiếng Nhật gọi là 三大国宝城, Tam đại quốc bảo thành).
Nhìn từ xa, lâu đài Himeji như mang trên mình một áo khoác trắng nhẹ nhàng, tinh tế tựa như một con hạc – loài chim cao quý tượng trưng cho sự thanh khiết cao thượng của người quân tử – đang cất cánh bay trên bầu trời nên thường được gọi là “Lâu đài hạc trắng”. Lâu đài bắt đầu được xây dựng như một pháo đài phòng thủ vào năm 1333 theo lệnh của lãnh chúa Akamatsu Norimura. Đến năm 1946, con trai của Akamatsu Norimura là Akamatsu Sadanori đã làm thêm các khu nhà ở và một số công trình phụ khác. Sau đó, trải qua nhiều lãnh chúa cầm quyền và các cuộc chiến tranh, lâu đài ít nhiều đã có thay đổi trong cấu trúc. Toàn thể lâu đài hiện nay có diện tích 233ha, gồm 83 tòa nhà với các hệ thống phòng thủ kiên cố từ thời phong kiến, phức tạp giống như một mê cung, trong đó có 74 tòa nhà được chỉ định là Tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Trong khuôn viên của lâu đài có khu vườn truyền thống Koko-en được thiết kế vào năm 1992 vô cùng trang nhã và hài hòa.
2. Lâu đài Matsumoto (tỉnh Nagano)
Matsumoto (松本城) là một trong những lâu đài cổ nhất Nhật Bản, nằm ở thành phố Matsumoto, giữa dãy núi Kita Alps và cao nguyên Utsukushigahara. Lâu đài được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI với lối kiến trúc "Ngũ Trùng Lục Đoạn" (五重六段, nghĩa là: nhìn từ ngoài là 5 tầng nhưng thực chất bên trong có 6 tầng) và được công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 20/4/1936. Trên khắp cả nước, lối kiến trúc này chỉ có thể thấy ở lâu đài Himeji và Matsumoto.
Lâu đài được bao bọc bởi khung cảnh non nước hữu tình và nên thơ. Với sắc đen chủ đạo, Matsumoto còn được gọi là thành Karasujou (Thành quạ đen). Từ tầng 6, bạn có thể chiêm ngưỡng được toàn cảnh của thành phố Matsumoto và phong cảnh hùng vĩ của dãy Kita Alps. Điểm độc đáo nhất của Matsumoto là sự tương phản nhưng lại rất hài hòa giữa hai màu đen – trắng, vừa làm nổi bật vẻ uy nghi nhưng không làm mất đi nét gần gũi vốn có trong kiến trúc Nhật Bản. Bao quanh lâu đài là đập nước, do đó để vào được lâu đài, bạn phải đi qua một chiếc cầu màu đỏ giống như con đường phép màu dẫn đến chốn bồng lai tiên cảnh.
3. Lâu đài Kumamoto (tỉnh Kumamoto)
Nằm ở phía Nam đất nước mặt trời mọc, trên hòn đảo Kyushu xinh đẹp mộng mơ, lâu đài Kumamoto (熊本城) là một trong ba lâu đài nổi tiếng nhất xứ sở hoa anh đào, là điểm đến không thể bỏ qua của mọi du khách. Lâu đài này được xây dựng vào năm 1601 bởi một vị chỉ huy lừng danh thời Chiến Quốc Kato Kiyomasa và đã hoàn thành trong 7 năm sau đó. Do động đất và chiến tranh, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa năm 1877 trong vụ binh biến Satsuma, nhiều phần của lâu đài đã bị phá hủy nhưng đến năm 1960 đã được phục chế lại tương đối nguyên vẹn.
Tổng diện tích toàn bộ lâu đài khoảng 980.000m2 với với 1 tháp chính, 49 tháp pháo, 18 tháp canh và 29 cổng vào. Bên trong có một bảo tàng tái hiện về quá trình xây dựng của lâu đài, những hiện vật lịch sử và nội thất được giữ lại nguyên vẹn như ban đầu. Từ tháp chính, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố thu gọn lại rất đẹp.
4. Lâu đài Nagoya (tỉnh Aichi)
Nổi bật với vẻ đẹp nguy nga và tráng lệ, lâu đài Nagoya (名古屋城) được xem là biểu tượng đáng tự hào nhất của thành phố Nagoya. Lâu đài được xây dựng vào năm 1612 với mục đích sử dụng như nhà ở, thuộc quyền sở hữu của dòng họ Owari Tokugawa, chi tộc hùng mạnh nhất trong ba nhánh của gia tộc Tokugawa. Trong tháp lớn, tại tầng 7 là phòng quan sát, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Nagoya. Tầng dưới là nơi trưng bày các hiện vật thời phong kiến (trang phục, đao kiếm, tranh tường,…) và tượng cá Shachihoko nổi tiếng. Tại đây còn có rất nhiều chương trình trải nghiệm giúp du khách vừa tham quan vừa tìm hiểu về lịch sử của thành Nagoya nói riêng và thành phố Nagoya nói chung như thử cảm giác sống bên trong và bên dưới thành, đi kiệu, trải nghiệm công việc vận chuyển đá,…
Đặc biệt, vào hai ngày cuối tuần và các ngày lễ, tại đây còn có buổi trình diễn võ thuật, được thực hiện bởi nhóm truyền thông du lịch Nagoya Hospitality Warlords Corps ăn mặc như quân lính và võ sĩ xuất thân từ Nagoya. Vào ngày thường, bạn cũng có thể chụp ảnh với các ninja đứng bên ngoài cổng thành. Chắc chắn đây sẽ là những kỷ niệm đẹp khó quên khi các bạn đến Nayoya.
5. Lâu đài Shuri (tỉnh Okinawa)
Lâu đài Shuri (首里城) là tòa thành lớn nhất của tỉnh Okinawa, trước kia được xem là nơi ở của nhà vua thời vương quốc Lưu Cầu (trước kia tỉnh Okinawa có tên gọi là vương quốc Lưu Cầu (Ryukyu)). Mặc dù bị phá hủy bởi trận chiến Okinawa năm 1945 nhưng năm 1980 sau đó, người ta đã bắt đầu khôi phục lại thành. Khác với các lâu đài hay tòa thành khác ở Nhật, Shuri chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc với phong cách trang trí rồng – biểu tượng cho quyền lực hay đàn sóc con – thể hiện cho sự phồn thịnh của hoàng gia. Lâu đài đã trở thành Bảo vật quốc gia vào năm 1933.
Đây là nơi ghi tạc và gắn liền với rất nhiều sự kiện lịch sử và kinh tế. Trong thời kỳ phong kiến, nhà Minh (Trung Quốc) đã cử rất nhiều gia đình đến đây sinh sống vì mục đích kinh doanh. Sau đó, vào năm 1853, đại tá Matthew Perry (Hoa Kỳ) cũng đã từng đến thăm nơi này. Đặc biệt, trong gần 30 năm sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã chiếm được căn cứ quan trọng này. Với bề dày lịch sử và văn hóa, năm 2000, Shuri đã trở thành một di sản văn hóa thế giới nổi tiếng, là điểm dừng chân lý tưởng của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
*Lưu ý: Sau vụ hỏa hoạn ngày 31/10/2019, một phần của lâu đài đang được trùng tu, xây dựng lại, do đó sẽ có một số khu vực bị hạn chế, không thể ra vào. Các bạn cần lưu ý trước khi có kế hoạch đến tham quan lâu đài.
6. Lâu đài Osaka (tỉnh Osaka)
Nằm ngay trung tâm thành phố Osaka, lâu đài Osaka (大阪城) nằm trong khuôn viên Công viên lâu đài Osaka, là một trong những biểu tượng nổi tiếng của xứ Phù Tang, đã từng xuất hiện nhiều lần trong rất nhiều sách báo và các tác phẩm văn học. Lâu đài được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 16, là nơi ở của lãnh chúa lẫy lừng đã thống nhất Nhật Bản thời bấy giờ là Toyotomi Hideyoshi.
Thành Osaka có 8 tầng, mỗi tầng đều có không gian triển lãm. Đặc biệt, tại đài quan sát tầng 8, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ phong cảnh Osaka một cách sống động bằng kính 3D. Lâu đài Osaka cổ kính nằm ngay giữa thành phố hiện đại và náo nhiệt bậc nhất cả nước, như một sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố - truyền thống và hiện đại.
7. Lâu đài Matsue (tỉnh Shimane)
Lâu đài Matsue (松江城) là một trong số ít lâu đài từ thời Chiến Quốc còn giữ lại được cấu trúc gỗ nguyên bản, tự hào có quy mô đứng thứ 2, chiều cao đứng thứ 3, độ cổ kính đứng thứ 5 trong số các tòa lâu đài trên toàn quốc. Lâu đài được xây dựng vào năm 1607 theo lệnh của lãnh chúa Horio Yoshiharu, với kết cấu gồm 5 tầng lầu làm bằng gỗ, có cấu trúc như một tháp canh (天守), đỉnh tháp là nơi đặt các khẩu pháo, súng bắn đá, cung tên và các lỗ châu mai. Đây là trung tâm quyền lực của dòng họ Horio và là biểu tượng của thành phố Matsue trong suốt hơn 500 năm qua.
Xuất phát từ lối kiến trúc và màu sắc, lâu đài còn có một tên gọi khác là Chidori (một loại chim chân dài, đuôi ngắn sống ở đầm lầy gần biển). Bên cạnh tòa thành chính, trong khuôn viên lâu đài Matsue còn có các cung điện cổ vốn là nơi ở của các lãnh chúa và 3 ngôi đền Thần đạo. Ngoài ra, khi đến đây, bạn cũng có thể ghé thăm Bảo tàng Lafcadio Hearn, một kiến trúc theo phong cách phương Tây được xây dựng vào cuối thế kỷ 19.
8. Lâu đài Takeda (tỉnh Hyogo)
Lâu đài Takeda (竹田城) được xây dựng trên núi Kojo với độ cao 353m, giữa một không gian đầy mộng mơ với biển mây mờ ảo, hệt như một lâu đài đang lơ lửng trên không trung. Chính vì vậy nó còn được gọi là "Thành trên không" hay "Thành Machu Picchu của Nhật". Không chỉ vậy, Takeda còn xuất hiện trong rất nhiều bộ phim và các chương trình tivi nổi tiếng, trở thành một điểm đến hấp dẫn của những tay leo núi, và những người lữ hành yêu nghệ thuật và khám phá.
Lâu đài được xây dựng vào năm 1441, tuy nhiên sau đó đã bị bỏ hoang vào đầu thế kỷ 17 ngay sau trận chiến Sekigahara năm 1600. Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ XX lâu đài đã được khôi phục lại. Thời gian chiêm ngưỡng phong cảnh ở đây đẹp nhất là vào mùa thu và mùa đông, từ 7 – 8 giờ sáng. Tại lâu đài trên không Takeda các bạn không thể nhìn được hết toàn cảnh, vì vậy địa điểm ngắm cảnh thích hợp là Ritsuunkyo hay Fujiwatouge ở núi bên cạnh.
9. Lâu đài Nijo (tỉnh Kyoto)
Là nơi hội tụ của những tinh hoa văn hóa truyền thống Nhật Bản và cũng là trái tim của cố đô Kyoto, lâu đài Nijo (二条城) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1994, trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách bốn phương cả trong và ngoài nước. Lâu đài được xây dựng vào năm 1603, ngay khi bắt đầu thời kỳ Edo (1603 – 1867), thuộc sở hữu của dòng họ Tokugawa với tổng diện tích lên đến 275.000m2. Sau khi Mạc phủ Tokugawa bị sụp đổ vào năm 1867, lâu đài Nijo được sử dụng như một cung điện của vua chúa trước khi nó được đem hiến tặng cho thành phố và được mở cửa công khai như một di tích lịch sử ngày nay. Nơi đây đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử Nhật Bản, trở thành biểu tượng cho sự bắt đầu là kết thúc của thời Edo.
Lâu đài được bao quanh bởi bức tường thành kiên cố, gồm 2 cung điện lớn là Honmaru và Ninomaru. Cung điện Ninomaru là nơi làm việc của Tướng quân Tokugawa, trong đó có hơn 30 phòng, được trang trí bởi nhiều bức họa độc đáo và nghệ thuật. Trong khi đó, cung điện Honmaru gồm 4 khu vực được kết nối với nhau bởi hành lang và sân: nhà ở, phòng tiếp đãi – giải trí, tiền sảnh và nhà bếp. Xen kẽ hai cung điện là những khu vườn được thiết kế vô cùng công phu và tỉ mỉ, trong đó có vườn Ninomaru được thiết kế bởi nhà kiến trúc cảnh quan nổi tiếng kiêm bậc thầy trà đạo – Kobori Enshu.
10. Lâu đài Hirosaki (tỉnh Aomori)
Lâu đài Hirosaki (弘前城) nằm ở trung tâm thành phố Hirosaki, được xây dựng vào năm 1611 với tổng diện tích khoảng 492.000m2. Điểm đặc biệt nhất ở đây là việc lâu đài vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa mặc dù đã trải qua hơn 400 năm tuổi với bao thăng trầm lịch sử.
Đây là một trong những địa điểm ngắm hoa anh đào đẹp nhất ở Nhật với gần 3000 cây hoa anh đào thuộc 52 chủng loại khác nhau, mang đến vẻ đẹp nên thơ và trữ tình không chỉ vào ban ngày mà còn cả khi màn đêm buông xuống. Đến đây, bạn sẽ cảm nhận được dòng chảy của thời gian đang thấm đượm qua từng kiệt tác nghệ thuật kiến trúc và đâu đó tìm thấy cảm giác bình yên thân thuộc, khác hẳn với chốn phồn hoa đô thị tấp nập ngoài kia.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử từ thời Chiến Quốc, những tòa thành vẫn đứng vững qua bao gió tuyết, nắng mưa và qua hàng chục thập kỷ vẫn trường tồn vĩnh cửu cho đến tận ngày nay. Với dáng vẻ uy phong tráng lệ, những tòa lâu đài nhẹ nhàng và kiêu hãnh khoe vẻ đẹp tuyệt mỹ của mình suốt bốn mùa. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn có cơ hội được đến đây vào mùa xuân để đắm mình trước vẻ đẹp cuốn hút của tòa thành hòa quyện với sắc hồng của cánh hoa anh đào bung nở đang lướt nhẹ trong làn gió xuân khiến cho lòng người xao xuyến mãi chẳng muốn rời đi. Mỗi lâu đài có một nét đẹp và đặc trưng riêng, và Tsunagu Japan chắc chắn rằng, khi được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình này, bạn sẽ khám phá được rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật quân sự của Nhật Bản thời kỳ phong kiến.
Ảnh tiêu đề: Pond Thananat/shutterstock.com
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố