Những điều cần biết khi đi du lịch quá giang (hitchhike) tại Nhật Bản

Thay vì đi du lịch theo cách truyền thống bằng máy bay, ô tô, tàu điện,.. nhiều người lại lựa chọn hình thức du lịch quá giang (hitchhike) bằng cách đi nhờ xe của những tài xế họ gặp trên đường. Tại Nhật Bản hình thức du lịch này đã xuất hiện từ lâu và nhiều người nước ngoài khi sinh sống tại Nhật đã chọn thử thách bản thân với loại hình "du lịch bụi" này. Vậy cụ thể du lịch quá giang là gì, cần chuẩn bị và chú ý những điều gì trong chuyến đi? Cùng theo chân một du học sinh người Việt đang học tập tại Nhật trên hành trình du lịch quá giang để hiểu rõ hơn về loại hình du lịch thú vị này nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Du lịch quá giang (hitchhike) là gì?

Hitchhike (du lịch quá giang) là loại hình du lịch bằng cách đi nhờ (quá giang) phương tiện di chuyển của người lạ trên đường (thường là xe hơi). Nếu điểm đến của bạn nằm trên lộ trình của tài xế, rất có thể bạn sẽ đi nhờ được quãng đường từ vài chục đến hàng trăm kilômet, và khả năng cao là hoàn toàn miễn phí. 

Không giống những loại hình du lịch khác khi bạn luôn chắc chắn về lộ trình và phương tiện di chuyển, Hitchhike khá “mạo hiểm” vì bạn phải chịu mọi trách nhiệm về an toàn của bản thân, trong khi luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ngờ phát sinh trên đường. Loại hình du lịch này chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng tại Nhật hay phương Tây, Hitchhike từng có giai đoạn rất phồn thịnh và tồn tại cho đến ngày nay.

Nhật Bản là đất nước thân thiện và an toàn với du khách, nếu tự tin vào vốn tiếng Nhật, năng lực giao tiếp và khả năng ứng biến của bản thân, tại sao bạn không thử trải nghiệm du lịch quá giang một lần trong đời? Dưới đây là một vài kinh nghiệm của bản thân mình khi đi du lịch quá giang trên cung đường Yokohama - Nagoya (330km trong 3 ngày 2 đêm) vào mùa hè năm 2019.

Cần chuẩn bị những gì khi đi du lịch quá giang?

Tinh thần vững vàng

Không giống những hình thức du lịch khác, yếu tố quan trọng nhất với người đi du lịch quá giang (Hitchhiker) chủ yếu nằm ở mặt tinh thần: sự quyết tâm, lòng can đảm và khả năng tự xoay sở trong mọi hoàn cảnh. Giả định bản thân là người đang đi du lịch quá giang, bạn sẽ làm gì trong 2 trường hợp sau đây?

・Bạn đứng đợi xe một mình trong bãi đỗ xe vắng, trời về chiều và bắt đầu đổ mưa. Bạn đang ở cách mục tiêu của ngày hôm đó hơn 50km và cơ hội bắt được xe càng lúc càng ít dần.

・Bạn ngồi trên xe cùng người tài xế lầm lì, sau vài câu trao đổi đích đến ban đầu, cả hai không giao tiếp với nhau. Bạn bắt đầu thấy lo lắng và nảy ra những câu hỏi: Người tài xế này có đáng tin cậy không? Liệu anh ta có đang có ý xấu gì với mình hay không? v.v.

Bạn có tự tin mình xử lý được những tình huống trên và đảm bảo an toàn cho bản thân? Thay vì đi nhờ xe tương đối vất vả, bạn có muốn chọn cách du lịch an toàn, tiện lợi hơn như đi bằng tàu điện, xe buýt hoặc tour du lịch?

Nếu câu trả lời lần lượt là “Có” và “Không”, thì bạn đã vượt qua bước chuẩn bị đầu tiên, căn bản nhưng quan trọng nhất: chuẩn bị về tâm lý. Nếu câu trả lời của bạn không theo thứ tự này, hoặc còn lưỡng lự, không chắc chắn, bạn nên cân nhắc thật kỹ. Nếu cảm thấy hitchhike không phải là loại hình du lịch phù hợp với bản thân, ta hoàn toàn có thể lựa chọn đi du lịch theo cách khác, với những trải nghiệm không những hấp dẫn, thú vị mà còn thoải mái, an toàn hơn. 

Trình độ tiếng Nhật

Cá nhân người viết cho rằng giao tiếp tiếng Nhật ở mức trung bình trở lên, có thể truyền đạt đầy đủ ý mình muốn nói và trình độ Kanji vừa phải, đủ để đọc – viết được Kanji tên địa danh bạn muốn đến là 2 điều kiện về tiếng Nhật cần phải có khi bạn lựa chọn du lịch quá giang.

Năng lực giao tiếp tiếng Nhật là yếu tố vô cùng quan trọng bên cạnh một tinh thần vững vàng. Hãy thử đóng vai một tài xế trên đường. Bạn nhìn thấy một người muốn đi nhờ xe và sẵn lòng hỗ trợ. Tuy nhiên khi bạn tiến lại và đề nghị giúp đỡ thì người khách lại thể hiện sự bối rối, không hiểu bạn nói gì, cũng không thể nói rõ nơi bản thân muốn đến. Khi ngồi trên xe người khách lạ không thể giao tiếp và luôn căng thẳng suốt cả quãng đường, liệu bạn có tin tưởng cho người khách đó lên xe đi cùng mình? Và liệu bạn có thoải mái với điều đó?

Ví dụ trên cho ta thấy tầm quan trọng của giao tiếp tiếng Nhật đối với người đi du lịch quá giang. Yếu tố còn lại là đọc và viết được Kanji tên những địa điểm lớn trên đường đi sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian lập kế hoạch cũng như thỏa thuận tuyến đường với tài xế dễ dàng hơn.

Để có thể sẵn sàng cho một chuyến Hitchhike, bạn cần chuẩn bị vốn tiếng Nhật cho ít nhất 4 tình huống giao tiếp cơ bản sau đây:

・Giới thiệu bản thân, tạo thiện cảm ban đầu
・Trao đổi lộ trình với tài xế
・Giao tiếp trong suốt chuyến đi, phản ứng với tình huống phát sinh
・Cảm ơn và chào tạm biệt

Ở các tình huống này, không nhất thiết phải giao tiếp một cách trôi chảy ở trình độ cao, bạn chỉ cần sử dụng những mẫu câu thông dụng đơn giản, đảm bảo truyền đạt rõ ràng thông tin về bản thân, nơi muốn đến là đủ để người tài xế quyết định cho bạn lên xe. Kinh nghiệm là hãy dùng thứ tiếng Nhật ngắn gọn, dễ hiểu mà bạn cảm thấy thật sự thoải mái khi sử dụng mỗi ngày.  

Hành trang đầy đủ

・Balo

Tùy theo nhu cầu, sở thích bản thân bạn có thể lựa chọn nhiều nhãn hiệu ba lô khác nhau, tuy nhiên nên cân nhắc loại ba lô có khung trợ lực và túi bọc ngoài chống nước đi kèm.

Công thức lựa chọn ba lô: Thể tích ba lô = Số ngày hành trình x 10 (lít)

Trong chuyến đi vào mùa hè 2019, mình đi quá giang xe trong 3 ngày đầu tiên, 5 ngày còn lại di chuyển bằng các phương tiện khác, vì vậy mình đã chọn một chiếc HAWK GEAR EXTREME 80 camouflage với thể tích 80 lít phù hợp với công thức trên.

・Quần áo, trang phục

Đi du lịch quá giang bạn phải cuốc bộ khá nhiều, nên cần chuẩn bị giày thể thao chất lượng tốt, bền, thoáng mát để bảo vệ đôi chân; nếu có thêm giày đi mưa thì càng tốt.

Hãy ưu tiên quần áo nhẹ, tiện lợi, phù hợp với thời tiết. Nếu bạn du lịch quá giang vào mùa đông, cần lưu ý quần áo đủ ấm khi di chuyển cũng như đứng bắt xe ngoài trời. Nếu bạn di chuyển qua nhiều địa phương hay đi vào mùa mưa, bạn có thể chủ động đề phòng thời tiết xấu bằng cách chuẩn bị lượng quần áo mang theo trong chuyến đi theo công thức:

Lượng quần áo = Số quần áo dùng mỗi ngày x (số ngày hành trình + 2 ngày)

Ngoài ra, vì thường phải đứng lâu ngoài trời, mũ rộng vành, khăn, kính râm, kem chống nắng cũng là những vật dụng rất cần thiết.

・Bảng ghi địa danh muốn đến

Tệp đựng giấy tờ bằng nhựa để đựng bản đồ, giấy, bút. Bạn nên mua sẵn 1 bản đồ hệ thống đường cao tốc Nhật Bản (全国高速道路). 

Giấy, bút: Bút lông đen ngòi lớn, vài tờ giấy ghi chú lưu ý cần thiết. Chuẩn bị giấy cỡ lớn để viết tên địa điểm muốn đến. Mình dùng vở Campus size A4, gấp lại dễ dàng và có thể viết sẵn 1 loạt địa danh trong lộ trình ngày hôm sau. Bạn có thể tìm thấy bản đồ trên các trang thương mại điện tử, bút, vở tại các cửa hàng tiện lợi hoặc shop 100 Yên.

・Tiền và giấy tờ tùy thân

Bạn nên chuẩn bị tiền mặt hợp lý tùy theo nhu cầu tiêu dùng cá nhan. Ngoài ra, hãy chuẩn bị thêm một khoản dự phòng cho trường hợp khẩn cấp (phải di chuyển bằng taxi hoặc không tìm được chỗ trú qua đêm giá rẻ).

Để phòng trường hợp thất lạc tài sản trên đường đi, bạn không nên để toàn bộ tiền mặt trong ví, thay vào đó nên chia thêm 2 phần nhỏ cất trong balo và trên người, hãy chắc chắn rằng dù có sự cố xảy ra bạn vẫn có đủ tiền mặt để về nhà. 

Giấy tờ tùy thân, thông tin liên lạc khẩn cấp nên cho vào túi nhỏ luôn mang theo bên người.

・Đồ điện tử

Kinh nghiệm bản thân mình là không cần thiết phải mang theo nhiều thiết bị điện tử quá cồng kềnh, sẽ làm ảnh hưởng đến thể lực. Các vật dụng thiết yếu là: Điện thoại có kết nối mạng, máy ảnh (ưu tiên gọn nhẹ), đồ sạc, pin dự phòng. 

・Đồ dùng vệ sinh cá nhân

Tất, khăn tắm, khăn mặt, đồ dùng vệ sinh cá nhân, túi nilon đựng quần áo bẩn. Chuẩn bị số lượng phù hợp với số ngày hành trình.

・Vật dụng đi mưa, công cụ bảo đảm an toàn

Nếu đi vào mùa mưa (từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7) nên chuẩn bị áo mưa, ô dù (ưu tiên loại lớn và bền), chai xịt chống thấm nước cho giày dép.

Đèn pin, dao đa năng. Đèn pin loại lớn dùng để đi buổi tối trong trường hợp cần thiết, ngoài ra có thể dùng để phát tín hiệu và sử dụng như một công cụ bảo vệ an toàn cho bản thân. Một bộ dao đa năng cung cấp khả năng cắt, mở khi cần.

・Nước uống, đồ ăn giàu năng lượng

Bạn sẽ phải thường xuyên di chuyển ngoài trời và tốn nhiều năng lượng. Hãy chuẩn bị đồ ăn nhẹ giàu năng lượng như socola hay thanh protein, mang theo đủ nước uống nhằm tránh mất nước hay say nắng. 

Thể lực bền bỉ

Bước cuối cùng là chuẩn bị thể lực tốt để có thể di chuyển trong thời gian dài giữa các đầu mối giao thông. Việc đi bộ, đứng bắt xe ngoài trời dưới nhiệt độ cao và khả năng phải đối mặt với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, mưa lớn v.v.. sẽ khiến thể lực của bạn nhanh chóng bị bào mòn. Do đó, trước khi bắt đầu chuyến hành trình “cực nhọc” này hãy chú ý rèn luyện thể lực. Các bài tập chạy bộ hay đi bộ đường dài sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao sức bền và độ dẻo dai của cơ thể.

Những điểm cần chú ý khi lên đường du lịch quá giang

Lên kế hoạch cho chuyến đi

Lên kế hoạch kỹ lưỡng quyết định phần lớn thành công của chuyến đi, bởi khi đi du lịch quá giang bạn sẽ gặp rất nhiều vấn đề như chọn chỗ đứng bắt xe phù hợp, mệt mỏi do di chuyển nhiều, lo lắng khi chờ đợi quá lâu mà không nhận được sự giúp đỡ nào v.v.. Những điều này hầu như sẽ chiếm hết thời gian và sức lực của bạn khi ở trên đường. 

Tất nhiên bạn vẫn có thể bắt đầu tìm điểm xuống xe, chỗ lưu trú qua đêm,... trong lúc đang đứng bắt xe tại SA/PA. Nhưng cần phải tính đến việc bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian để làm hết những điều này, trong khi khung giờ vàng để bắt xe chỉ nằm trong khoảng 2 tiếng đồng hồ mỗi buổi sáng và chiều. Ngoài ra, nhỡ đâu bạn bỏ lỡ một người tài xế nào đó sẵn sàng giúp mình khi đang mải cặm cụi với bản đồ và điện thoại thì sao?

Vì vậy hãy chuẩn bị thật tốt những thứ bản thân có thể làm sẵn từ trước, ở mức đến khi cần là có thể sử dụng được ngay, nhằm tiết kiệm tối đa sức lực và thời gian cho việc giải quyết những vấn đề phát sinh trên lộ trình. 

・Xác định các điểm lên-xuống xe ở các trạm dừng nghỉ

Đầu tiên bạn cần lưu ý rằng đứng đón xe tại các trạm dừng nghỉ (service area - SA hoặc parking area – PA) mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc đứng bắt xe tại một vị trí bất kỳ trên đường. Vì vậy khi lên kế hoạch cho chuyến du lịch quá giang (đặc biệt với những người chưa có nhiều kinh nghiệm) bạn nên xác định lộ trình với các điểm lên - xuống xe tại những trạm dừng nghỉ lớn dọc theo các tuyến đường cao tốc của Nhật Bản. 

Sau quãng đường lái xe dài các tài xế sẽ ăn uống hoặc nghỉ ngơi tại các trạm dừng, nên những khu vực này thường tập trung nhiều xe qua lại, lên xe hoặc xuống xe ở các SA/PA sẽ giúp làm tăng khả năng bắt được xe của bạn. Các trạm dừng nghỉ thường đông người nên khá an toàn, mặt khác chúng thường được đặt gần các nút giao thông, bạn sẽ dễ dàng đổi sang di chuyển bằng phương tiện khác nếu bắt xe không thành công.

・Vạch sẵn lộ trình cho từng ngày di chuyển

Bạn nên vạch sẵn lộ trình cho từng ngày di chuyển, tính toán trước địa điểm lưu trú qua đêm trước khi bắt đầu hành trình. Chuẩn bị sẵn cách di chuyển giữa điểm xuống xe của ngày hôm trước đến nơi lưu trú và từ nơi lưu trú đến điểm đón xe ngày hôm sau để tiết kiệm thời gian và thể lực. 

Tiếp đó hãy triển khai chi tiết lộ trình lên trên bản đồ. Bạn có thể dùng điện thoại thông minh để thực hiện bước này. Tuy nhiên từ kinh nghiệm của bản thân, mình cho rằng dùng bản đồ giấy sẽ tốt hơn. Hãy dành một buổi ngồi trải bản đồ, dùng bút di qua từng địa điểm, tuyến đường sẽ đi, tra trước tên những thành thị, trạm dừng nghỉ trên đường cũng như viết ra các hoạt động, kế hoạch dự phòng v.v. lên giấy ghi chú và đính trực tiếp lên bản đồ. Chuẩn bị các bước này càng chi tiết bạn càng chủ động khi di chuyển, cùng với đó là đảm bảo ổn định tâm lý và thể lực trong suốt chuyến đi. Khi trao đổi về lộ trình với tài xế, bạn chỉ cần mở bản đồ ra và chỉ cho họ địa điểm bạn muốn đến, việc này sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều so với dùng điện thoại thông minh.

・Ghi tên những địa điểm muốn đến ra giấy

Ở bước cuối của việc lên kế hoạch cho chuyến đi, mình muốn lưu ý về ngộ nhận thường gặp của người mới làm quen với du lịch quá giang. Nếu trên phim ảnh hay báo chí ta thường thấy hình ảnh người đi du lịch dạng này chỉ cần đứng ven đường và đưa ngón tay cái lên là sẽ có xe dừng lại cho đi nhờ, tuy nhiên thực tế lại hơi khác một chút. Người Nhật thường hơi e dè hơn người phương Tây, không những bạn phải cho họ biết rằng mình cần giúp đỡ, mà còn phải cung cấp thật rõ ràng địa điểm bạn muốn đến để các tài xế có thêm thông tin trước khi quyết định dừng lại và đề nghị hỗ trợ. Ra dấu bằng tay là chưa đủ, bạn nên chuẩn bị thêm một tấm bảng (hoặc tờ giấy) kích thước lớn và viết Kanji tên địa điểm mình muốn đến lên đó đậm nét, to và rõ ràng. Kinh nghiệm bản thân mình là viết sẵn từ trước danh sách những điểm đến trên hành trình vào một quyển vở khổ lớn.

Klook.com

Bắt xe như thế nào?

Để bắt xe thành công, có 3 yếu tố cần lưu ý: Thời gian, địa điểm xuất phát, vị trí đứng cụ thể và xác định nhóm tài xế có khả năng cao cho phép bạn đi nhờ. 

・Thời gian - địa điểm

Tài xế chạy đường dài thường xuất phát từ sớm, nên hãy đảm bảo bạn đến SA/PA đã định vào khung thời gian phù hợp (buổi sáng từ 7-9h, buổi chiều từ 12-14h, không nên đi buổi tối).

Các khu vực dịch vụ (SA) sẽ cung cấp cho các tài xế nhiều dịch vụ hơn so với các bãi đỗ xe (PA). Khách hàng chính của các PA là tài xế xe tải hoặc lái xe đường dài, khu vực này thường chỉ cung cấp những dịch vụ tối thiểu như máy bán nước tự động, nhà vệ sinh, đồ ăn nhẹ. Trong khi đó các SA cung cấp đa dạng dịch vụ, bao gồm nhà hàng, khu mua sắm, nơi vui chơi cho trẻ em cũng như sạc pin điện thoại, kết nối internet v.v. Chính vì sự tiện lợi này mà các SA thường thu hút nhiều loại khách hàng hơn, trong đó có tài xế xe gia đình, cặp đôi đi du lịch, nhân viên trên đường công tác, đây cũng chính là nhóm tài xế có khả năng cao nhất cho bạn đi nhờ. Khi chọn điểm lên - xuống xe, mình ưu tiên theo thứ tự: SA lớn→SA nhỏ →PA →ngã tư có lượng xe lưu thông lớn

・Vị trí đứng đón xe

Để tăng khả năng tài xế chú ý và cho phép bạn đi nhờ, hãy lựa chọn vị trí đứng đón xe thật hợp lý. Đứng ở nơi thoáng đãng để nhiều người có thể trông thấy bạn nhưng cũng chú ý không phơi mình trực tiếp dưới nắng hay nhiệt độ cao từ mặt đường hắt lên. Dưới đây là ví dụ trong trường hợp bạn muốn bắt xe tại một khu vực dịch vụ (SA) lớn.

Thường mình sẽ ưu tiên đứng ở vị trí số (1), nếu sau 30 phút vẫn không bắt được xe, mình sẽ chi chuyển sang vị trí số (2).

Ta bắt đầu bằng việc xác định luồng di chuyển của tài xế và hành khách. Hãy tập trung vào các tài xế đi ra từ khu vực có nhiều xe hơi gia đình hoặc xe hơi cá nhân, đây là đối tượng tiềm năng nhất có thể cho bạn đi nhờ. Thường thì các SA lớn sẽ bố trí nhiều dịch vụ như ăn uống, mua sắm và vệ sinh, các tài xế thường xuống xe và lần lượt sử dụng các dịch vụ này, hãy chú ý xem phần lớn trong số họ vào và ra khu tổ hợp dịch vụ ở cổng nào. 

Tiếp theo, hãy thử lý giải tâm lý của tài xế. Vào trạm dừng sau một chặng đường dài hẳn vấn đề đầu tiên họ quan tâm là ăn uống, nạp năng lượng và giải quyết nhu cầu cá nhân chứ không phải là quyết định giúp đỡ một người lạ trên đường. Sau thời gian nghỉ ngơi, tài xế ra khỏi khu tổ hợp dịch vụ và trở lại xe mình với tâm trạng thoải mái, thư giãn, đây mới chính là lúc họ dễ đưa ra quyết định cho bạn đi nhờ xe nhất. Vì vậy, hãy đứng ở vị trí đảm bảo rằng các tài xế khi đi vào khu tổ hợp dịch vụ có thể để ý thấy sự có mặt của bạn, đồng thời khi họ nghỉ ngơi xong, có tâm trạng tốt, bạn cũng “vô tình” đứng ngay trên đường họ đi bộ quay trở về xe. 

Thủ thuật tâm lý này cùng với bộ dạng gọn gàng, sạch sẽ, khuôn mặt tươi vui và một tấm bảng viết rõ ràng địa điểm muốn đến là những điểm cộng rất lớn giúp làm tăng khả năng một tài xế tốt bụng cho bạn quá giang đó. 

Sau khi đã xác định được vị trí đứng, hãy chuẩn bị tâm lý một chút trước khi bước ra bắt xe và chờ đợi may mắn mỉm cười với bạn. Nửa giờ đầu tiên là khoảng thời gian khó khăn nhất. Đứng bắt xe tại một trạm dừng nghỉ là điều khá mới lạ với bản thân bạn và cả những người xung quanh, vài người có thể nhìn bạn một cách thú vị và nhiều người lướt qua không thèm quan tâm. Đừng lo lắng, chỉ cần 1 trong số một ngàn người đi qua cho bạn lên xe nghĩa là bạn đã thành công. Ngoài ra còn có rất nhiều khách đi đường, nhân viên trạm dừng nghỉ để mắt trông chừng bạn đấy, yên tâm nhé!

Câu hỏi tiếp theo là sau bao lâu thì có thể bắt được xe và khi nào thì nên bỏ cuộc? Mình thường bắt được xe tại các SA lớn trong khoảng 15 đến 30 phút đầu tiên, nếu là SA nhỏ hoặc PA thời gian này có thể kéo dài hơn. Hãy thay đổi vị trí đứng cầm bảng mỗi 30 phút nếu không ai để mắt đến bạn. Sau khoảng 1 giờ 30 phút, nếu vẫn không có kết quả thì hãy sẵn sàng di chuyển đến ga tàu điện gần nhất để tiếp tục hành trình. 

Trong lúc đứng bắt xe hãy luôn chú ý thể lực và sức chịu đựng của bản thân, thay đổi linh hoạt về vị trí đứng, chú ý giờ giấc để đưa ra quyết định tốt nhất. Từ bỏ, chuyển sang phương tiện di chuyển khác và tiếp tục hành trình vào ngày hôm sau phải luôn nằm trong số kế hoạch dự phòng của bạn.

・Tài xế dạng nào thường cho bạn đi nhờ xe? Nên từ chối lời đề nghị của dạng tài xế nào?

Nếu trên xe có nam và nữ, người đàn ông thường sẽ cầm lái. Nếu là phụ nữ đi một mình, trên xe toàn nữ hoặc xe gia đình, tài xế sẽ rất cẩn trọng và hiếm khi cho người lạ đi nhờ. Vì vậy để có thể bắt xe thành công bạn nên tập trung tạo sự chú ý của những tài xế là nam giới. Trường hợp mình là nam nên thường được cho đi nhờ nhiều nhất bởi các cặp đôi là người yêu hay vợ chồng, tiếp đến là nam thanh niên hoặc trung niên lái xe một mình.

Không phải tài xế nào cho bạn lên xe cũng thật sự an toàn. Hãy quan sát dáng điệu, trang phục và thái độ của tài xế trước khi quyết định có lên xe hay không. Những người du lịch quá giang có kinh nghiệm thường chia sẻ rằng nên tránh nhóm tài xế xe tải đường dài hoặc những tài xế ngay từ đầu đã làm bạn có cảm giác không đáng tin cậy. Hãy nhớ rằng bạn luôn có quyền từ chối những lời đề nghị cho đi nhờ xe nếu bản thân không hoàn toàn yên tâm. 

Làm gì khi ở trên xe?

Nếu bạn có khả năng giao tiếp thì sẽ không khó khăn gì trong việc tạo ra bầu không khí thoải mái, vui vẻ suốt cả hành trình. Tuy nhiên nếu bạn chưa thật sự tự tin, còn băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu thì dưới đây là vài gợi ý nói chuyện dành cho bạn. 

・Tán gẫu

Không khí im lặng trong thời gian dài mang lại cảm giác không tự nhiên và bất an, hãy chủ động gợi chuyện. Bạn có thể nói về những trải nghiệm Nhật Bản của mình, nước Nhật trong mắt bạn thế nào, niềm vui nỗi buồn của bạn khi sống ở đất nước này, sau đó là nói về anime-manga hay âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình Nhật Bản… Bạn cũng có thể mạnh dạn nhờ tài xế gợi ý những điểm tham quan, đặc sản, đồ ăn ngon tại nơi bạn đến, chắc chắn câu trả lời sẽ mang lại cho bạn nhiều hiểu biết mới mẻ, thú vị về văn hóa và con người nơi đây.

Hãy yên tâm, những người cho bạn lên xe chắc chắn phải là những người tốt bụng với suy nghĩ phóng khoáng. Họ cho bạn đi nhờ, vậy hãy tặng lại họ những câu chuyện, suy nghĩ của bản thân một cách thoải mái nhất có thể.

・Không nên ngồi trên xe quá lâu

Cuộc nói chuyện hào hứng đến mấy cũng cần lưu ý đến thời gian, đi nhờ trong khoảng từ 1-3 giờ theo mình là phù hợp. Nếu ngồi trên xe lâu hơn, rất có thể cảm giác ngần ngại lại xuất hiện, không còn đề tài để nói hoặc gây mệt mỏi. Nhiều tài xế tốt bụng sẽ đề nghị thay đổi lộ trình của họ để đưa bạn đến địa điểm dễ nối chuyến hơn, tuy nhiên hãy xuống đúng nơi thỏa thuận từ đầu, tránh gây phiền hà không cần thiết.

Lời cảm ơn sau chuyến xe

Quãng đường dù ngắn hay dài cũng đều là sự giúp đỡ đáng quý từ người tài xế, hãy chân thành cảm ơn khi xuống xe. Ngoài ra, bạn có thể xin phép chụp chung vài kiểu ảnh kỷ niệm, nếu được cũng nên chuẩn bị vài món quà nhỏ mang đặc trưng Việt Nam để tặng họ. Các tài xế mình gặp trong chuyến đi mùa hè 2019 đều rất thích thú khi nhận được những bức tượng nhỏ hình phụ nữ mặc áo dài mà mình mang theo. 

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Du lịch quá giang tại Nhật - một trải nghiệm đáng giá

Trải nghiệm trên những cung đường Hitchhike mùa hè 2019 đối với mình là vô cùng quý giá và làm thay đổi bản thân về mọi mặt. Đó là nỗ lực vượt khỏi vùng an toàn, thoát ra vòng xoay sinh hoạt lặp đi lặp lại hàng ngày, nó thúc đẩy và mài giũa năng lực suy nghĩ, lên kế hoạch, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, cũng như nâng tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm về bản thân trong mọi hoàn cảnh. Ngoài năng lực tiếng Nhật tăng lên, mình còn có dịp nhìn nước Nhật, người Nhật theo một lăng kính hoàn toàn khác: dù đôi lúc người Nhật tạo cho người nước ngoài như chúng ta cảm giác xa cách, lạnh lùng, tuy nhiên ở trên đường mình cũng đã gặp rất nhiều người cực kỳ tốt bụng và phóng khoáng. Điều này khiến mình tự nhủ rằng bản thân phải mở lòng hơn nữa để cảm nhận và yêu quý đất nước này!

Ảnh tiêu đề: Inside Creative House/Shutterstock.com

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Le
Le Dang Khoa
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng