Tránh xa những chuyến tàu đông người! Hãy để chuyến du lịch của bạn tuyệt vời hơn bằng cách hạn chế đi lại vào giờ cao điểm tại Tokyo!
Bạn đã bao giờ có một trải nghiệm không mấy vui vẻ khi phải đi trên một chuyến tàu đông nghịt người vào buổi sáng trong chuyến du lịch Nhật Bản của mình chưa? Ngay cả khi tàu đã chật kín người, hành khách trên sân ga vẫn sẽ cố gắng chen lên và thậm chí, những người điều hành tại các sân ga vẫn cố gắng nhồi thêm người vào các toa tàu. Người nước ngoài thường vô cùng ngạc nhiên trước cảnh tượng này. Hành khách địa phương còn khó có thể lên tàu huống chi là những khách du lịch phải tất bật mang theo vali và túi. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bàn về giờ cao điểm và các tuyến tàu đông đúc nhất trong khu vực Tokyo để bạn có thể tránh những chuyến tàu đông người và có khoảng thời gian du lịch suôn sẻ, an toàn.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
Giờ cao điểm
Giờ cao điểm là thời điểm trong ngày khi tàu điện, xe buýt và đường đi luôn đông kín người, đặc biệt là thời điểm đi làm, đi học vào buổi sáng. Giờ cao điểm vào buổi tối thường đỡ đông đúc hơn do thời gian tan ca của mỗi người thường khác nhau.
Giờ cao điểm buổi sáng kéo dài từ 7:00 - 9:30. Sau 9:00, đám đông đã bắt đầu giãn bớt và sau 10:00 hầu như mọi người đều có thể có một chỗ ngồi trên tàu.
Giờ cao điểm buổi tối nằm trong khoảng 17:30 - 19:30. Từ 16:00, số lượng người đi lại tăng dần khi mọi người bắt đầu tan ca và sau 21:00, những đám đông chen kín trên tàu sẽ giảm bớt.
Có tổng cộng 83 tuyến tàu thông hành ở khu vực thủ đô của Nhật Bản. Mặc dù, có khá nhiều hành khách phải đổi từ tuyến này sang tuyến khác, nhưng điều này không có nghĩa là bạn sẽ tìm thấy một chuyến tàu vắng khách trong giờ cao điểm. Ví dụ, đối với các chuyến tàu chạy giữa các khu vực ngoại ô và khu vực trung tâm thành phố Tokyo, thời gian cao điểm bắt đầu sớm nhất là 6:00, và sau 22:00 các chuyến tàu này luôn "chật kín" người đến nỗi bạn khó có thể tìm được chỗ ngồi ngay cả trên chuyến tàu cuối cùng. Trước khi tìm hiểu về những tuyến tàu thông hành đông người nhất, hãy cùng chúng tôi bàn về "tỷ lệ tắc nghẽn giao thông" tại Nhật Bản.
“Tỷ lệ tắc nghẽn” là gì?
Tỷ lệ tắc nghẽn được tính bằng cách chia số lượng hành khách cho khả năng chuyên chở. Tỷ lệ càng thấp, hành khách càng có nhiều chỗ ngồi trên tàu và việc đi lại càng thoải mái hơn. Do đó, với mong muốn đem lại cho hành khách những trải nghiệm tốt khi tham gia giao thông công cộng, các công ty đường sắt lớn tại Nhật Bản hàng năm vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến tàu, tăng số lượng tàu và toa tàu, rút ngắn khoảng thời gian giữa các chuyến và thậm chí mở rộng sân ga và cải thiện thiết bị báo hiệu điện.
Hãy xem tỷ lệ tắc nghẽn ảnh hưởng đến khách du lịch như thế nào:
100%: Đủ chỗ cho mọi hành khách. Mọi người đều có thể ngồi hoặc đứng và giữ một tay nắm, tay vịn.
150%: Hành khách đứng cạnh nhau nhưng vẫn có không gian đủ rộng để mở một tờ báo ra và đọc.
180%: Hành khách đứng sát nhau nhưng vẫn đủ không gian để sử dụng điện thoại di động.
200%: Tàu khá chật chội, hành khách đứng ép sát nhau và hầu như không thể sử dụng điện thoại.
250%: Những hành khách không những phải đứng ép sát nhau mà một số còn phải đứng với tư thế không thoải mái và không thể cử động chân tay. Ngay cả khi tàu có rung lắc thì những hành khách này cũng không thể ngã được.
Từ tỷ lệ tắc nghẽn trên, hãy xem con tàu mà bạn thấy trong khu vực Tokyo đang ở mức nào nhé.
Do hệ thống tàu ở Nhật Bản thường phức tạp và rắc rối, chúng tôi đã chuẩn bị những hướng dẫn giúp bạn có thể đi lại dễ dàng hơn! Hướng dẫn này giúp bạn có thể tìm ra các tuyến đường sắt khác nhau trên khắp Nhật Bản và hướng dẫn này cung cấp thông tin về những điều cần biết khi đi tàu điện tại Nhật Bản.
11 tuyến tàu đông nhất ở khu vực thủ đô Tokyo
Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải, có tổng số 11 tuyến tàu trong khu vực thủ đô có tỷ lệ tắc nghẽn vượt quá 180%:
Thứ hạng |
Tuyến tàu |
Tỷ lệ tắc nghẽn |
Ga đông người nhất |
1 |
Tokyo Metro Tozai |
199% |
Kiba → Monzen-Nakacho |
2 |
JR Yokosuka |
197% |
Musashi-Kosugi → Nishi-Oi |
3 |
JR Sobu (Tàu thường) |
196% |
Kinshicho → Ryogoku |
4 |
JR Tokaido |
191% |
Kawasaki → Shinagawa |
5 |
Nippori-Toneri |
189% |
Akado-Shogakkomae → Nishi-Nippori |
6 |
JR Keihin-Tohoku |
185% |
Oimachi → Shinagawa |
7 |
JR Nambu |
184% |
Musashi-Nakahara → Musashi-Kosugi |
8 |
JR Saikyo |
183% |
Itabashi → Ikebukuro |
9 |
JR Chuo (Tàu nhanh) |
182% |
Nakano → Shinjuku |
9 |
Tokyu Den-en-toshi |
182% |
Ikejiri-Ohashi → Shibuya |
11 |
JR Sobu (Tàu nhanh) |
181% |
Shin-Koiwa → Kinshicho |
Đứng đầu là tuyến tàu điện ngầm Tokyo Metro Tozai, khởi hành bắt đầu từ ga Nishi-Funabashi ở Chiba và đi qua các trạm trung chuyển quan trọng như Nihombashi và Otemachi (ga Tokyo). Đây là một trong những tuyến đường chính dành cho người dân sinh sống tại Chiba đi làm ở Tokyo. Tàu đông đến nỗi đã từng có trường hợp một cửa sổ xe lửa đã bị vỡ vào giờ cao điểm do lực đè của nhiều hành khách.
Các tuyến tàu thường xuyên bị trễ giờ nhất trong khu vực Tokyo
Hầu hết các chuyến tàu ở Nhật Bản đều rất đúng giờ, nhưng trong giờ cao điểm, vẫn có những chuyến bị trễ giờ vì nhiều lý do: cửa tàu không thể đóng lại vì quá nhiều hành khách cố gắng chen lên tàu, một hành khách ngã xuống đường ray hoặc lịch tàu quá sát nhau và cần phải được lên lịch lại. Theo báo cáo của năm 2017 được Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải công bố vào năm 2019, có 10 tuyến tàu sau thường xuyên bị trễ khi lưu thông, được tính theo số ngày những tuyến tàu này có thông báo trì hoãn theo trung bình hàng tháng (tương ứng với khoảng 20 ngày hoạt động):
Thứ hạng |
Tuyến tàu |
Trung bình số ngày tàu bị trì hoãn |
1 |
JR Chuo-Sobu (Tàu thường) |
19.2 |
2 |
JR Utsunomiya and Takasaki |
19 |
3 |
Tokyo Metro Chiyoda |
18.4 |
4 |
JR Saikyo-Kawagoe |
18.2 |
5 |
JR Yokosuka-Sobu |
18.1 |
6 |
JR Tokaido |
17.8 |
7 |
JR Keihin-Tohoku-Negishi |
17.7 |
8 |
Tokyo Metro Tozai |
17.1 |
9 |
JR Yamanote |
17 |
10 |
JR Joban (Tàu thường) |
15.1 |
Để thuận tiện hơn, nhiều tuyến tàu trong khu vực Tokyo được kết nối và có thể thay thế được cho nhau. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là khi tuyến A bị gián đoạn do sự cố thì tuyến B, C và D cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Bên cạnh những sự cố do con người, các thảm họa tự nhiên như mưa lớn, bão và động đất cũng có thể gây ra sự trì hoãn hoặc thậm chí tạm dừng thông hành tàu điện. Do đó, bạn nên kiểm tra dự báo thời tiết hoặc cập nhật thông tin về tàu điện trực tuyến khi cần thiết.
Trễ tàu thường xuyên xảy ra tại các khu vực trung tâm thành phố mỗi ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hành khách địa phương mà khách du lịch cũng vì đó mà lỡ chuyến bay, tàu cao tốc và các hoạt động tham quan theo kế hoạch dự định. Chúng tôi khuyên bạn nên sắp xếp hành trình của mình tránh giờ cao điểm. Nếu trong trường hợp bất khả kháng, hãy luôn luôn dành dư thêm thời gian cho các chuyến đi của mình.
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter hoặc Instagram của chúng tôi!
Ảnh tiêu đề: Aleksander Todorovic / Shutterstock.com
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố