Khám phá chợ đồ cổ Oedo ở Tokyo để tìm kiếm những món đồ cũ độc lạ và gặp gỡ những con người thú vị
Trong số những người yêu thích văn hóa Nhật Bản, bên cạnh những người quan tâm đến những khía cạnh "mới", chẳng hạn như những công trình kiến trúc hiện đại, hay những phát minh khoa học gần gũi với con người, thì cũng có những người đam mê với những thứ "cũ" thuộc về truyền thống, chẳng hạn như quần áo, ẩm thực, hay hàng thủ công dân gian. Với cá nhân tôi, tôi tự nhận mình là người thuộc trường phái sau. Tôi đặc biệt ấn tượng với sự đa dạng của các mặt hàng có thể tìm thấy tại các chợ đồ cũ ở Nhật Bản, nên vào những ngày nghỉ, tôi thường lui tới những khu chợ trời và chợ đồ cổ ở Tokyo. Trong số những khu chợ mà tôi đã ghé thăm, thì Chợ đồ cổ Oedo ở Tokyo là nơi tôi thích nhất và lui tới thường xuyên nhất. Chính vì thế, trong chuyên mục "Area of Japan" lần này, tôi muốn giới thiệu đến các bạn khu chợ yêu thích của tôi. Đây chắc chắn sẽ là một địa điểm lý tưởng với những ai yêu thích đồ cổ và muốn tìm một không gian mới mẻ để tản bộ thư giãn.
This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.
*Bài viết này được viết với sự hợp tác của Ban quản lý Chợ đồ cổ Oedo
Chợ đồ cổ Oedo - Chợ đồ cổ ngoài trời lớn nhất Nhật Bản
Chợ đồ cổ Oedo được tổ chức vào Chủ nhật tuần thứ 1 và thứ 3 hàng tháng tại Quảng trường mặt đất, Diễn đàn Quốc tế Tokyo ở Yurakucho và được xem là một trong những chợ đồ cổ ngoài trời lớn nhất ở Nhật Bản. Không chỉ thu hút sự chú ý ở trong nước, tin tức về khu chợ còn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, khiến những người nước ngoài yêu thích đồ cổ cũng phải tìm đến đây.
Chợ đồ cổ bắt đầu từ lễ kỷ niệm 400 năm thành lập Mạc phủ Edo
Theo ông Asano, Ban quản lý Chợ đồ cổ Oedo, khu chợ được mở cửa vào tháng 9/2003 với mục đích là để khám phá những giá trị thực của cổ vật, đồng thời xây dựng nơi giao lưu văn hóa nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 400 năm thành lập Mạc phủ Edo. Sau khi thảo luận với Diễn đàn Quốc tế Tokyo, Ban quản lý quyết định lựa chọn Quảng trường mặt đất nơi có diện tích rộng ít người sử dụng làm địa điểm tổ chức. Ngoài Yurakucho, trước thời điểm dịch Covid-19, khu chợ còn được tổ chức không định kỳ tại Công viên Yoyogi.
Một bầu không khí độc đáo kết hợp giữa phong cách Nhật Bản và phương Tây
Chợ đồ cổ ở Nhật Bản đã có từ lâu đời và thường được tổ chức ở nhiều vùng khác nhau, nhưng hầu hết đều không phân loại các mặt hàng được bày bán. Tuy nhiên, sau khi đi tham quan một số khu chợ tôi nghĩ có thể phân ra thành hai mặt hàng chính là đồ cổ phương Tây hoặc đồ cổ Nhật Bản, với những đặc trưng riêng.
Ngoài ra, chợ đồ cổ Oedo không tập trung vào một chủ đề nhất định, các gian hàng đồ cổ Nhật Bản và phương Tây thường được đặt cạnh nhau. Ngoài đồ cổ Nhật Bản, tại đây còn tập trung rất nhiều các món đồ lặt vặt và đồ cũ của châu Âu, cảm giác như bạn có thể tìm thấy đồ cũ của mọi thời đại và mọi quốc gia tại đây. Với sự đa dạng như vậy, Chợ đồ cổ Oedo giống như một khu rừng, Asano nói.
Bạn có thể tìm thấy một gian hàng quần áo kiểu Nhật, cũng như những gian hàng bán dụng cụ ăn uống kiểu phương Tây, những món hàng đồ cổ của Anh thế kỷ 18, cho đến những sản phẩm thời kỳ Taisho của Nhật thế kỷ 20. Bạn chắc chắn cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những người bán hàng ở đây ở mọi lứa tuổi khác nhau, trong đó có rất nhiều người trẻ, những người có thể giao tiếp cơ bản được bằng tiếng Anh và tiếng Trung.
Có lần tôi thấy một chủ cửa hàng lớn tuổi chủ động bắt chuyện với một vị khách nước ngoài bằng cách ra dấu hiệu bằng tay. Tôi có thể cảm nhận được bầu không khí náo nhiệt và sôi nổi ở đây khi chủ các gian hàng và khách hàng trao đổi với nhau. Kể cả khi bạn không có kiến thức chuyên môn về đồ cổ, thì bạn vẫn có thể tự do khám phá khu chợ theo cách riêng của mình.
Cách khám phá chợ đồ cổ dành cho những người mới bắt đầu
Thời điểm thích hợp để đến chợ đồ cổ
Chợ đồ cổ Oedo thường mở cửa từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Vì chợ được tổ chức ở ngoài trời nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Trong trường hợp trời mưa, thời gian mở cửa có thể thay đổi, vì vậy bạn nên cập nhật thông tin trên trang web chính thức vào ngày diễn ra sự kiện.
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, những người đam mê đồ cổ thường đến từ rất sớm và có mặt ngay khi chợ mở cửa, họ cũng khá tập trung vào việc tìm kiếm "món bảo vật" yêu thích của mình. Đến trưa, số lượng du khách tăng lên và khu vực này trở nên náo nhiệt hơn. Thời gian kết thúc là 4 giờ chiều, nhưng nhiều cửa hàng bắt đầu dọn dẹp gian hàng vào khoảng 3 giờ chiều và ngừng phục vụ khách sau đó. Chính vì thế tôi khuyên bạn nên đến sớm để tránh đông đúc và sớm tìm thấy những món đồ yêu thích của mình trước khi chúng rơi vào tay người khác.
Chuẩn bị trước tiền mặt
Nhìn chung những chủ gian hàng ở các khu chợ đồ cổ đều là những cá nhân tự kinh doanh và chợ đồ cổ Oedo cũng không phải ngoại lệ. Hầu hết các gian hàng tại đây chỉ chấp nhận tiền mặt, do đó bạn nên chuẩn bị đủ tiền mặt bằng đồng Yên Nhật. Ngoài ra, sẽ có người thắc mắc không biết nên mang theo bao nhiêu tiền mới đủ. Giá thành những sản phẩm ở đây rất đa dạng, từ những bộ đồ ăn cổ hàng nghìn yên, đồng hồ hay đồ trang trí trên tường hàng chục nghìn yên, cho đến những món đồ nội thất cổ hàng trăm nghìn yên. Vậy nên hãy dự tính xem bạn định mua gì trước khi đến để chuẩn bị đủ số tiền nhé.
Trong trường hợp bạn không mang đủ tiền, bạn cũng có thể rút tiền từ cửa hàng tiện lợi (Family Mart) ở tầng hầm B1 của Diễn đàn quốc tế Tokyo hoặc cây ATM ở tầng 1 của Tòa nhà Shinkokusai gần đó.
Mẹo để trò chuyện với người bán hàng
Chợ đồ cổ không chỉ là nơi phân phối hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa những người yêu thích đồ cổ. Những người lần đầu đến đây đứng giữa "một rừng" đồ cổ có thể cảm thấy bối rối không biết trao đổi với người bán như thế nào. Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đã hỏi cô Asano về cách bắt chuyện một cách tự nhiên với chủ cửa hàng. Một trong những điều cần lưu ý là nên nói chuyện với người bán trước khi chạm vào các mặt hàng của họ. Bạn có thể hỏi họ những câu như “Tôi có thể cầm lên xem được không?” hay “Món đồ này đẹp nhỉ!” để bắt chuyện làm quen. Khi đó bạn đã tạo cho đối phương cảm giác là bạn cũng yêu thích những món đồ cổ giống như họ, điều đó giúp cho câu chuyện có thể phát triển tự nhiên sau đó.
Việc chạm vào món đồ cũng giúp bạn dễ dàng nhận biết được đó có đúng là đồ cổ hay không thay vì chỉ nhìn bằng mắt, vì vậy đừng ngại hỏi người bán hàng. Chủ cửa hàng luôn sẵn lòng giải đáp bất kỳ thắc mắc nào của bạn.
Làm thế nào để mang các món đồ cổ về
Những người bán hàng, đặc biệt là các sản phẩm đồ dễ vỡ và dụng cụ ăn uống như chén, bát thường chuẩn bị sẵn vật liệu như xốp hơi bọc hàng và giấy báo để gói sản phẩm. Đối với những sản phẩm có kích thước lớn hơn, người bán hàng sẽ chuẩn bị hộp giấy để đựng sản phẩm. Mỗi gian hàng sẽ có những phương pháp khác nhau để bảo quản sản phẩm cho khách hàng. Đặc biệt nếu bạn là khách du lịch nước ngoài không có những miếng xốp hơi để bọc hàng, bạn có thể cho chúng vào túi nhựa hoặc bọc trong áo khoác để tránh va chạm khi di chuyển.
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn về chợ đồ cổ Oedo và cách để tham gia khu chợ. Tiếp theo, hãy cùng dõi theo hành trình của tác giả bài viết trong một ngày khám phá chợ đồ cổ nhé.
Khung cảnh chợ đồ cổ ngày mở cửa
Một cửa hàng với các món đồ cổ đến từ Anh
Tại Chợ đồ cổ Oedo có rất nhiều gian hàng bày bán các bộ đồ ăn kiểu Âu. Vào ngày hôm đó, tôi cũng thấy một cửa hàng tập hợp các món đồ cổ chọn lọc ở Kanagawa có tên là "menu" bày bán các sản phẩm đến từ Anh. Bộ đồ ăn của Anh từ những năm 1950-1970, những chai thủy tinh tinh tế và dễ thương, đồ nội thất như ghế bành từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ước tính có tuổi đời từ 100-150 năm. Đây chắc chắn là một gian hàng không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích nước Anh. Cửa hàng hầu như luôn có mặt tại mọi buổi họp chợ đồ cổ Oedo. Trước đó tôi đã mua một bộ đồ ăn bằng bạc và được chủ cửa hàng nhiệt tình chỉ dẫn cho cách sử dụng và bảo quản bộ đồ ăn.
Gian hàng đồ chơi của Mỹ giống như một bộ sưu tập cá nhân
Gian hàng giống như một cửa hàng đồ chơi này được điều hành bởi một cặp vợ chồng lớn tuổi. Nhìn vào đây bạn sẽ có cảm giác như thể họ vừa mang bộ sưu tập ở nhà của mình ra chợ vậy. Gian hàng được trang trí bằng các đồ vật và sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ. Từ những con búp bê Mỹ những năm 1960 với màu sắc sặc sỡ, cho đến những bộ đồ ăn của Mỹ, những tấm biển bằng sắt mộc mạc, những chiếc cúc áo với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau. Tại đây có rất nhiều mặt hàng đa dạng cho mọi đối tượng từ phụ nữ trẻ đến những người cao tuổi, nên thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài ghé thăm.
Wamonoya - Thổi làn gió mới vào những món đồ truyền thống
Gian hàng này đã khiến tôi phải dừng lại khi đang dạo quanh khu chợ. Những mặt hàng lặt vặt kiểu Nhật đơn giản mà ấm áp với màu nâu được đặt cạnh nhau. Đồ vật đầu tiên đập vào mắt tôi là giỏ hoa tử đằng hình hồ lô vô cùng xinh đẹp.
Ông chủ cửa hàng nhiệt tình giới thiệu về mọi thứ. Phần lớn đồ cổ của ông là từ thời Taisho (1912-1926) đến đầu thời Showa (1926-1989). Chiếc giỏ đan bằng tre để đựng hoa tử đằng tuyệt đẹp này vốn được sử dụng như một dụng cụ đánh cá có tuổi đời từ 80 đến 100 năm. Những người ngày xưa thường đeo nó quanh eo và đặt những con cá họ đánh bắt được của mình vào đó. Tuy nhiên, ngày nay, một số người sử dụng nó như bình hoa treo tường bằng cách buộc một sợi dây xung quanh và treo lên tường. Hóa ra là một đồ vật có thể có nhiều cách sử dụng sáng tạo như vậy.
Cửa hàng bán khung tranh lưu giữ hình ảnh về những ngày xưa tươi đẹp
Những bức tranh được đặt ngẫu nhiên trên mặt đất thành từng lớp, và những vị khách thi thoảng ghé qua rất thích ngắm nhìn chúng. Ngoài những bức tranh phong cách phương Tây treo trên tường, còn có những bức tranh hình bóng geisha khổ A4 và các tác phẩm nghệ thuật trên giấy khác. Trong vô số những bức tranh tại đây, thứ khiến tôi chú ý nhất là chiếc bàn tính lớn, nó lớn đến mức bạn khó có thể cầm lên được bằng một tay.
Theo chủ cửa hàng, một người vô cùng cá tính, loại bàn tính cỡ lớn này thực chất được một giáo viên trong trường sử dụng để dạy toán trước đây. Nó đã được đặt phía trước bảng đen để cho học sinh xem, nhưng bây giờ có rất ít cơ hội để xem nó. Trong khi bàn tính cũ thường có 5 hạt thì bàn tính này chỉ có 4 hạt. Chủ cửa hàng chỉ vào những chiếc hạt của bàn tính và nói với tôi rằng những cải tiến này có từ thời Showa để tăng hiệu quả tính toán.
Một khu chợ đồ cổ đa dạng nơi tập hợp cả Kimono và những món đồ lặt vặt
Nếu bạn đi một vòng quanh khu chợ, bạn sẽ thấy rằng các gian hàng của Chợ đồ cổ Oedo có rất nhiều thể loại, từ các cửa hàng chuyên bán các mặt hàng cụ thể đến các cửa hàng tạp hóa với nhiều sản phẩm khác nhau. Hơn nữa, nơi đây còn được biết đến là nơi tập trung các gian hàng bán kimono đã qua sử dụng, và các phụ kiện liên quan đến kimono như haori, obi, dép, và những miếng vải thừa. Bạn có thể thường xuyên bắt gặp những người mặc kimono đi mua sắm tại đây. Cho dù bạn là một người đam mê đồ cổ, một người đang tìm kiếm một món hời hay một người chỉ tò mò muốn biết chợ đồ cổ là như thế nào, thì Chợ đồ cổ Oedo chắc chắn là điểm đến lý tưởng dành cho bạn - một nơi mà bất kỳ ai cũng có thể đến, tận hưởng và hòa mình bầu không khí hoài cổ.
Chợ đồ cổ Oedo: Thời gian mở cửa
Những cuộc gặp gỡ xuyên không gian và thời gian tại Chợ đồ cổ Oedo
Tại Chợ đồ cổ Oedo, bạn có thể tìm thấy những món đồ cổ mang đậm dấu ấn lịch sử, vượt thời đại, ngôn ngữ và biên giới quốc gia. Hơn nữa, đây không chỉ là nơi mua bán đồ cổ, mà còn là nơi bạn có thể tìm thấy những điều thú vị về lịch sử, văn hóa thông qua những món đồ cổ đó. Nhiều kết nối và khám phá đang chờ đón bạn trong bầu không khí thoải mái nhưng vô cùng sôi động. Nếu có dịp đến Tokyo, tại sao bạn không thử ghé thăm khu chợ này và tìm những "báu vật" của riêng mình?
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên Facebook của chúng tôi!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố