Bạn có phải là "chuyên gia" về Nhật Bản? Thử làm bài trắc nghiệm dưới đây để xem bạn hiểu được bao nhiêu về nước Nhật nhé!

Nhật Bản được xem là quốc gia yêu thích của rất nhiều người trên thế giới. Cho dù bạn là người nước ngoài đã sinh sống ở đây nhiều năm hay một người hâm mộ đang lên kế hoạch cho chuyến đi đầu tiên của mình đến đất nước mặt trời mọc thì với tình yêu của mình, chắc chắn bạn có không ít kiến thức về quốc gia này. Sẽ không có giới hạn cho mức độ hiểu biết của bạn, nhưng hãy cùng làm thử một bài trắc nghiệm nhỏ dưới đây để xem bạn có trả lời được đúng hết không nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

MỨC ĐỘ DỄ

1. Tên của toà lâu đài Nhật Bản nổi tiếng này là gì?

Nhật Bản nổi tiếng với rất nhiều toà lâu đài tuyệt đẹp, nhưng bạn có biết tên của toà lâu đài nổi tiếng nhất là gì không?

A) Lâu đài Osaka
B) Lâu đài Matsumoto 
C) Lâu đài Himeji 
D) Lâu đài Kumamoto 

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Lâu đài Himeji

Toạ lạc ở tỉnh Hyogo, lâu đài Himeji nổi tiếng với tên gọi "Lâu đài Hạc trắng" bởi màu trắng của toà lâu đài và kiến trúc giống như hình một con chim đang bay. Hình ảnh lâu đài cũng thường xuất hiện trên những tấm thiệp postcard, bìa các quyển sách hướng dẫn du lịch và các phương tiện truyền thông khác. Lâu đài mà bạn nhìn thấy hôm nay được hoàn thành vào khoảng năm 1609, mặc dù vậy có những phần còn có tuổi đời lâu hơn thế.

Bên cạnh việc là một trong ba lâu đài hàng đầu ở Nhật Bản (cùng với lâu đài Matsumoto và lâu đài Kumamoto), lâu đài Himeji còn được công nhận là Di sản thế giới và là biểu tượng của sự kiên cường, sức sống mãnh liệt trường tồn qua những giai đoạn khó khăn trong lịch sự như những trận đánh bom trong Chiến tranh thế giới thứ hai và trận Đại động đất Hanshin năm 1995.

2. Bức ảnh này được chụp vào khoảng thời gian nào?

Tokyo có rất nhiều cảnh đẹp trong năm, nhưng để có thể chứng kiến khung cảnh đặc biệt như bức ảnh trên thì bạn phải đến thủ đô của Nhật Bản vào tháng mấy?

≫Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư

Sự kiện được chụp trong bức ảnh trên là một bữa tiệc hanami, tức là việc đi ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản (mặc dù đôi khi mọi người còn đi ngắm cả hoa mận). Truyền thống này bắt nguồn từ việc đề cao vẻ đẹp rực rỡ nhưng ngắn ngủi của thiên nhiên giống với hình ảnh của hoa anh đào, loài hoa chỉ nở tối đa khoảng 2 tuần trước khi những cánh hoa bắt đầu rụng xuống. Ngày nay, việc ngắm hoa hanami còn là dịp để mọi người gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp và cùng thưởng thức đồ ăn, thức uống dưới những tán hoa anh đào - một trong những biểu tượng của nước Nhật. 

Thời điểm chính xác những cây anh đào bắt đầu ra hoa hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Ở những vùng lạnh hơn như Hokkaido, mùa ngắm hoa hanami rơi vào khoảng cuối tháng 4 - đầu tháng 5, trong khi đó ở những khu vực cận nhiệt đới như Okinawa thì hoa có thể nở rộ vào tháng 1 - tháng 2. Ở Tokyo, hanami thường bắt đầu vào cuối tháng 3 - đầu tháng 4 và đây chính là một trong những thời điểm tuyệt vời nhất để bạn ghé thăm thành phố này. 

3. Trước Tokyo thành phố nào từng là thủ đô của Nhật Bản?

Tokyo chính thức trở thành thủ đô của Nhật Bản kể từ năm 1868 trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân, mặc dù từ 260 năm trước, thành phố này đã được biết đến với tư cách là thủ phủ quyền lực không chính thức với tên gọi "Edo". Nhưng trước thời kỳ này, thủ đô của Nhật Bản là thành phố nào?

A) Nara
B) Yamato
C) Osaka
D) Kyoto

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Kyoto

Nếu bạn tính cả truyền thuyết và thần thoại thì Nhật Bản có tới gần 100 thủ đô trong suốt thời kì lịch sử của mình. Đó là bởi vì, trong thời gian dài nhất, "thủ đô" của Nhật Bản chỉ đơn giản là những nơi có Hoàng cung. Ngoài ra, kể từ khi Thiên hoàng chuyển ra sinh sống tại dinh thự của họ, thủ đô có xu hướng thay đổi tuỳ theo từng thời Thiên hoàng. 

Điều này tiếp diễn cho đến năm 794 khi Hoàng đế Kanmu chuyển triều đình đến Kyoto (khi đó được gọi là Heian-kyo - “thủ đô của hòa bình và yên tĩnh”), và nơi đây trở thành thủ đô của Nhật Bản trong suốt 1.100 năm sau đó. Nếu tinh ý bạn có thể nhận ra tên gọi của Kyoto đã mang ý nghĩa là “thành phố thủ đô”. Còn Tokyo có nghĩa là “thủ đô phía Đông”.

4. Bạn có thể nhìn thấy những nút bấm này ở đâu?

Có vô số các loại nút bấm và bảng điều khiển khác nhau ở một quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Nhật Bản. Vậy bạn có biết những nút bấm đặc biệt như ảnh trên thường được nhìn thấy ở đâu và công dụng của chúng là gì không?

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án!≪

Đáp án: Nhà vệ sinh

Khoảng 70-80% hộ gia đình ở Nhật Bản sử dụng bồn cầu thông minh với bệ ngồi vệ sinh điện tử được điều khiển bằng một bảng điện tử gắn liền vào bồn cầu hoặc gắn trên tường (hình trên là loại gắn trên tường). Bồn cầu thông minh của Nhật có thể làm được rất nhiều thứ, từ rửa sạch tới sấy khô, thậm chí còn phát ra tiếng nhạc / tiếng xả nước để người sử dụng không cảm thấy xấu hổ vì bị người khác nghe thấy trong lúc đi vệ sinh. Kể từ năm 2017 bồn cầu thông minh Nhật Bản đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là sửa đổi các kí hiệu trên bảng điều khiển để người nước ngoài cũng có thể dễ dàng sử dụng. Mặc dù vậy, bạn cũng sẽ gặp không ít những bồn cầu vẫn giữ nguyên thiết kế cũ.

5. Ga tàu điện đông đúc nhất thế giới là ga nào?

Vì là bài viết liên quan đến Nhật Bản nên chắc bạn cũng đã đoán được đâu là nơi có ga tàu điện đông đúc nhất thế giới rồi phải không. Đúng vậy, hệ thống đường sắt Nhật Bản thì vô cùng quy mô nhưng cũng rất phức tạp. Hệ thống đường sắt này chuyên chở hàng tỷ lượt khách mỗi năm với hơnn 8.500 nhà ga và gần 3.000km đường ray. Và bất kỳ một nhà ga nào trong số đó cũng có thể là nhà ga đông đúc bận rộn nhất thế giới! Vậy đâu là câu trả lời của bạn?

A) Ga Shinjuku 
B) Ga Tokyo 
C) Ga Osaka 
D) Ga Shibuya 

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

ĐÁP ÁN: Ga Shinjuku 

Ga Shinjuku ở Tokyo chính là ga tàu điện đông đúc, nhộn nhịp nhất thế giới với khoảng 3.5 triệu người qua lại mỗi ngày và đã được Kỷ lục Guinness thế giới công nhận. (Ga New York’s Grand Central "chỉ" phải chuyên chở 750.000 khách mỗi ngày). Chính vì số lượng người sử dụng lớn như vậy nên ga Shinjuku cũng được thiết kế và trang bị mọi thứ để thực hiện công việc này. Đây thực sự là một nhà ga khổng lồ và là thử thách lớn đối với những người không sinh sống ở Nhật Bản làm sao để không bị lạc trong một mê cung như vậy. Nhưng vì đây lại là cửa ngõ để dẫn tới những khu vực tuyệt vời nhất của Tokyo như Kabukicho hay Omoide Yokocho, nên bạn hãy tập làm quen với nơi này nhé!

Klook.com

6. Tại đền Arakura Sengen bạn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt vời của địa danh nổi tiếng nào?

Từ chùa Chureito ở khu vực đền thờ Arakura Sengen có thể nhìn ra một biểu tượng nổi tiếng của Nhật Bản, đó là địa danh nào?

≫ Câu trả lời  - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Núi Phú Sĩ

Sự kết hợp giữa chùa Chureito (đài tưởng niệm hoà bình từ năm 1963) và núi Phú Sĩ, cùng những cành lá phong đỏ vào mùa thu hay những bông hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân đã trở thành một trong những hình ảnhh mang tính biểu tượng về nước Nhật. Bạn có thể tự mình trải nghiệm và chụp những bức ảnh đẹp nhất khi đến thăm Công viên Arakurayama Sengen đó!

7. Nhà hàng này có tên gọi là gì ở Nhật Bản?

…KFC, phải không? Điều này ghi rõ trên tấm biển mà.

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: “Kentucky”

Chuỗi nhà hàng nổi tiếng Kentucky Fried Chicken (KFC) có mặt ở Nhật Bản từ khoảng 50 năm trước, xuất hiện lần đầu ở triển lãm Osaka World Expo vào năm 1970 và hiện có hơn 1.100 cửa hàng trên toàn quốc. Mặt dù đã đăng ký và hoạt động với tên gọi "KFC" ở Nhật Bản nhưng đó lại không phải cách mà người Nhật gọi tên những cửa hàng này. Thực tế, nếu bạn nhắc đến từ "KFC" với mọi người, rất nhiều người có thể sẽ không hiểu bạn nói về cái gì. Lý do là bởi những cửa hàng này ở Nhật Bản thường được biết đến với tên gọi "Kentucky" hơn, và cách gọi này đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân Nhật. 

Giáng sinh ở Nhật Bản là một dịp tuyệt vời để mọi người thưởng thức lễ hội ánh sáng và ăn gà rán. Vào thời gian này, các gia đình Nhật Bản thường mua những hộp gà rán từ những cửa hàng khác nhau về để cùng nhau thưởng thức, trong đó chuỗi nhà hàng Colonel là phổ biến nhất. Ở Nhật việc thưởng thức gà rán KFC đã trở thành một thông lệ đến mức nhiều người nước ngoài đến đây cũng cảm thấy ngạc nhiên. Nếu bạn muốn biết tại sao người Nhật lại có thông lệ này bạn có thể tìm hiểu thêm qua bài viết Tại sao KFC lại là món ăn phổ biến của người Nhật vào dịp Giáng sinh? để hiểu hơn về mức độ phổ biến của thương hiệu gà rán này tại Nhật nhé.

8. Tại sao siêu thị ở Nhật Bản lại có hai loại giỏ xách hàng khác màu nhau?

Bạn sẽ rất hiếm thấy những xe đẩy hàng lớn kiểu phương Tây trong các siêu thị ở Nhật Bản. Phần lớn siêu thị ở Nhật sẽ dùng những xe đẩy nhỏ hơn, không phải dùng để đựng hàng hoá mà để chở giỏ xách trong siêu thị. Khi mua sắm ở Nhật Bản, bạn có thể nhận thấy một vài người có giỏ đựng hàng khác màu với giỏ của bạn. Vì sao lại như vậy?

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Đó là hệ thống chống trộm!

Tại các siêu thị Nhật Bản, người ta sử dụng một chiếc giỏ có màu khác với chiếc bạn đang sử dụng để tiến hành thanh toán. Khi đó, nhân viên tại quầy sẽ chuyển toàn bộ hàng hoá của bạn sang một giỏ màu khác để báo hiệu đây là các sản phẩm đã được thanh toán. Nhật Bản là quốc gia an toàn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không có các vụ trộm xảy ra ở đây và hệ thống giỏ hai màu là một cách nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả để ngăn chặn việc đó! Thật thú vị phải không nào!

MỨC ĐỘ TRUNG BÌNH

1. Tấm ảnh nào dưới đây KHÔNG phải là sushi?

Sushi được xem là món ăn nổi tiếng nhất của Nhật Bản, và có thể bạn đã biết, có nhiều loại sushi khác nhau như nigri, gunkan và norimaki,... Tuy nhiên, đố các bạn biết bức hình nào dưới đây không phải là một món sushi?

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: D

Đó là bức hình số 4, và đây thực ra là món sashimi, tức là cá sống ăn với wasabi (dầu hạt cải) và xì dầu. Về lý thuyết thì bất kỳ miếng thịt nào thái lát mỏng ăn sống cũng đều được gọi là sashimi (kể cả thịt ngựa). Để phân biệt món ăn với sushi bạn chỉ cần để ý xem chúng có được ăn kèm với cơm hay không, vì sashimi thường không ăn cùng cơm. Mặc dù sẽ có rất nhiều người nghĩ ngay đến “cá” khi nói tới sushi nhưng trên thực tế vẫn có những món sushi không có thành phần là cá. Tuy nhiên, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy bất kỳ món sushi nào mà không có thành phần là cơm cả.

“Cơm sushi” là gạo được nấu chín trộn với giấm và các loại gia vị khác. Trong món sushi, bạn có thể lựa chọn bất kỳ loại nguyên liệu nào mà mình có thể tưởng tượng ra như hamburger, thịt bò bít tết hay tempura tôm và đặt nó lên cơm, và thế là bạn đã có một món sushi. Chỉ cần nguyên liệu đó được đặt trên cơm sushi, thì nó sẽ trở thành món sushi. Ngày xưa, giấm góp phần làm cho gạo và các thành phần topping trên sushi được tươi ngon lâu hơn vì sushi vốn ban đầu là một loại đồ ăn nhanh được bày bán cho thực khách vào thời kỳ tủ lạnh chưa được phát minh ra. Từ đó đến nay đã có nhiều sự đổi thay. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về món ăn này cũng như cách thưởng thức chúng bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài viết Hướng dẫn đầy đủ nhất về sushi: Mẹo và cách ứng xử khi đến những nhà hàng sushi ngon nhất Tokyo.

2. Chó Nhật kêu như thế nào?

Mỗi nền văn hóa khác nhau đều có từ tượng thanh khác nhau để chỉ tiếng kêu của các loài động vật, đặc biệt là của loài chó. Ở phương Tây, người ta thường sử dụng từ “woof woof” hoặc “bow bow”. Trong tiếng Hàn Quốc là “meong meong”, tiếng Việt là "gâu gâu", còn trong tiếng Ba Lan là “hau hau”, tiếng Nam Phi là “blaf blaf”. Nhờ những bức ảnh hài hước trên mạng internet, nhiều người đã biết rằng mèo ở Nhật kêu “nya/nyan”. Thế nhưng, đố bạn chó ở Nhật kêu như thế nào?

A) Mau mau
B) Boo boo
C) Wan wan
D) Kon kon

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: “Wan wan”

Tiếng chó sủa ở Nhật Bản là “wan wan”, và tiếng này được phiên âm khá giống với từ “one” trong tiếng Anh. Từ tượng thanh nói chung là một thành phần vô cùng thú vị trong hệ thống ngôn ngữ của Nhật Bản. Ví dụ, có bao giờ bạn tự hỏi, “âm thanh của sự im lặng” là gì không? Trong tiếng Nhật, thì tự tượng thanh “shiin” được sử dụng để chỉ trạng thái tĩnh lặng. Và nếu bạn tò mò muốn biết tiếng cáo kêu ở trong tiếng Nhật là như thế nào, thì đó là từ “kon kon”. 

3. "Khoai tây" (potato) trong tiếng Nhật có nghĩa là gì?

Thoạt nghe thì đây có vẻ là một câu hỏi khó nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Nhật Bản có rất nhiều từ mượn từ tiếng Anh và được cải biên đi một cách rất sáng tạo. Ví dụ, trong tiếng Nhật “idol” có nghĩa là ngôi sao nhạc pop, “bike” là để chỉ chiếc xe máy chứ không phải xe đạp, và “fight” là lời khích lệ với ý nghĩa là “nỗ lực hết sức”. Vậy đố bạn từ “potato” (khoai tây) trong tiếng Nhật có nghĩa là gì?

≫ Câu trả lời- Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Khoai tây chiên

Trong tiếng Nhật, “khoai tây” trên thực tế là từ viết tắt của “khoai tây chiên” và thường được gọi là “French fries”. Từ tiếng Nhật để chỉ củ khoai tây là “jagaimo” cũng là một từ rất thú vị, với ý nghĩa là “loại củ đến từ Jarkata” vì người Nhật đã lấy những củ khoai tây giống đầu tiên ở Jakarta. Ngày nay, cho dù đôi khi người Nhật sử dụng từ “potato” để chỉ củ khoai tây sống, nhưng nếu bạn tra cứu từ ポテト (poteto) thì hình ảnh đầu tiên hiện ra sẽ là món khoai tây chiên ngon lành đó.

4. Bức ảnh này được chụp ở đâu tại Nhật Bản?

Nhìn thoáng qua, thật khó để trả lời câu hỏi này vì bức hình chẳng minh họa rõ nét và có vẻ được chụp tại một thành phố bất kỳ nào đó tại Nhật Bản. Tuy nhiên, với những người đã quen với những nét văn hóa khá kỳ lạ của Nhật Bản thì có thể nhanh chóng tìm ra câu trả lời.

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Kansai

Bức hình này chắc chắn là được chụp tại một thành phố nào đó ở khu vực Kansai, bởi vì mọi người đều đứng về phía bên phải của thang cuốn. Đây là một trong những điểm khác biệt lớn giữa vùng phía Đông và phía Tây của Nhật Bản. Tại các thành phố ở phía Đông như Tokyo hay Yokohama, mọi người sẽ đứng về phía bên trái để dành riêng làn bên phải cho những người đang vội có thể đi. Còn tại các thành phố ở vùng phía Tây như Osaka thì hoàn toàn ngược lại. Riêng tại thành phố Nagoya, việc đi bộ trên thang cuốn không được khuyến khích và vì thế mà mọi người thường đứng ở cả hai bên của cầu thang.

5. Con số bạn không bao giờ nhìn thấy ở thang máy của các khách sạn tại Nhật Bản là con số mấy?

Câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm thực ra là một con số rất nhỏ. Nhật Bản là quốc gia có những khách sạn cao chọc trời, ví dụ như Yokohama Royal Park Hotel, tọa lạc tại tầng 52 của tháp Landmark Tower, tòa nhà cao thứ hai tại Nhật Bản. Tất nhiên là bạn sẽ không bao giờ tìm thấy khách sạn nào ở Nhật Bản có tới tận 100 tầng cả. Tuy nhiên, đố các bạn biết con số nào nằm trong khoảng từ 1 tới 10 mà bạn không bao giờ thấy xuất hiện trên bảng điều khiển thang máy tại khách sạn ở Nhật?

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Số 4

Trong tiếng Nhật, số 4 được đọc là “shi”, đây cũng là từ đồng nghĩa để chỉ “cái chết” (tất nhiên là 2 từ này có cách viết kanji hoàn toàn khác nhau). Vì lý do đó mà hầu hết mọi nơi ở Nhật Bản, từ các khách sạn cho tới bãi đỗ xe đều tránh con số này, và thường đánh số tầng hoặc số ở bãi để xe lần lượt là 1,2,3,5,6,... bỏ qua số 4. Điều này cũng giống với lý do mà các khách sạn ở phương Tây không có phòng số 13 hoặc không sử dụng số 13 để đánh số phòng. Đơn giản là các khách sạn không muốn khách của mình cảm thấy không thoải mái với các con số không may mắn.

Nhật Bản còn có nhiều câu chuyện mê tín khác liên quan tới các con số và điều này không phải lúc nào cũng xấu. Ví dụ như ngày 5/10 được coi là một ngày tốt lành để tổ chức hôn lễ bởi vì ngày này trong tiếng Nhật được đọc là “to-go” có nghĩa là “hợp nhất”.

Klook.com

6. Loài hoa nào là quốc hoa của Nhật Bản?

Gợi ý: đáp án không phải là hoa anh đào như nhiều người nghĩ, mặc dù đó là một trong những biểu tượng của Nhật Bản. Về lý thuyết, luật pháp Nhật Bản không quy định cụ thể đâu là quốc hoa của Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản lại có một loài hoa đã đại diện cho quốc gia, nền văn hóa và truyền thống của Nhật từ hàng trăm năm nay. Đố bạn biết đó là hoa gì?

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Hoa cúc ("kiku" trong tiếng Nhật)

Không phải loài hoa cúc nào cũng được coi là quốc hoa của Nhật mà phải là loại hoa có 16 cánh. Loài hoa này còn xuất hiện trên con dấu hoàng gia Nhật Bản, và được biết đến với tên gọi "con dấu hoa cúc” và thậm chí ngai vàng của Thiên hoàng Nhật Bản cũng có tên gọi là “chiếc ngai hoa cúc”. Điều đó chứng tỏ rằng hoa cúc có vai trò vô cùng quan trọng trong văn hóa của người Nhật. Hoa cúc chính thức được chọn làm quốc hoa của Nhật Bản vào thế kỷ thứ 12 khi Thiên hoàng Go-Toba (1180 – 1239) lựa chọn loài hoa này làm biểu tượng cho chính mình.

Điều thú vị là bạn sẽ không nhìn thấy bông hoa này trên đồng xu 100 yên, thay vào đó là hình ảnh hoa anh đào. Nhưng bạn có thể nhìn thấy hoa cúc ở đồng 50 yên.

7. Từ “viking” trong tiếng Nhật nghĩa là gì?

Đây là một ví dụ nữa về việc sử dụng các từ ngữ nước ngoài một cách sáng tao ở Nhật Bản. Cho dù sách giáo khoa lịch sử đều gọi những chiến binh Scandinavian cổ xưa là các “viking” thì hầu hết người dân Nhật Bản khi nghe thấy từ này thì lại nghĩ tới một thứ hoàn toàn khác. Đố các bạn đó là gì? 

A) Một loại bữa ăn
B) Một loại xe ô tô
C) Một loại mũ
D) Tên một hãng trà

≫Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Một loại bữa ăn

Ở Nhật, từ “viking” là để chỉ tên của một loại buffet hay tên gọi đúng là "Smorgasbord" - một loại bữa ăn của người Scandinavi, có nguồn gốc từ Thụy Điển gồm các món đồ ăn nóng và lạnh khác nhau được để trên bàn để mọi người cùng ăn. Nếu suy luận một chút bạn sẽ thấy cái tên “viking” khá là hợp lý vì Thụy Điển thuộc bán đảo Scandinavia vốn là quê hương của những người Viking thời xa xưa. Tuy nhiên, hãy cùng tìm hiểu thêm một chút về nguồn gốc của tên gọi này nhé.

Những bữa ăn kiểu buffet xuất hiện tại Nhật Bản vào những năm 1950 sau khi giám đốc khách sạn Imperial Hotel ở Tokyo lấy ý tưởng này từ nước Đan Mạch (cũng thuộc bán đảo Scandinavia). Bạn đầu, nó được đặt tên là “Viking smorgasbord” sau khi xuất hiện bộ phim “The Vikings” với Kirk Douglas thủ vai vào năm 1958. Tuy nhiên, cái tên “smorgasbord” khá khó đọc và khó nghe nên dần dần cái tên này đã được rút ngắn lại chỉ còn là “Viking”. Nếu có dịp đến Nhật Bản hãy thưởng thức món ăn với tên gọi đặc biệt này xem sao nhé!

MỨC ĐỘ KHÓ

1. Có điều gì sai trong bức ảnh này?

Những quy tắc trong bữa ăn là một phần quan trọng trong văn hóa của Nhật Bản. Có rất nhiều điều bạn cần phải chú ý khi ngồi vào bàn ăn và bức hình trên đây là một trong số chúng. Theo bạn thì đó là gì?

≫Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án!  ≪

Đáp án: Không được cắm đũa vào bát cơm

Có rất nhiều quy tắc mà bạn cần phải biết khi sử dụng đũa ở Nhật Bản, nếu không, bạn có thể mắc phải những sai lầm nghiêm trọng như gắp đồ ăn cho người khác bằng đũa của mình. Cho dù chỉ là một miếng cơm nhỏ thôi, nhưng điều này cũng tối kỵ bởi người Nhật chỉ dùng đũa như vậy trong các lễ tang khi gắp xương của người đã khuất mà thôi. Việc cắm đũa vào cơm cũng là một điều bạn không nên làm.

Bạn chỉ được thực hiện điều này trong các nghi lễ của đạo Phật dành cho người đã khuất, đặc biệt là trong trường hợp bạn muốn mời họ ăn. Trong nghi lễ như vậy, đũa được cắm vào cơm giống như các que hương được cắm vào bát hương để bạn thắp hương cho người đã khuất. Vì thế, nếu bạn cần đặt đũa của mình xuống, hãy sử dụng cái kê đũa nhé.

2. Randsel là gì?

Mỗi học sinh tiểu học ở Nhật đều có một cái randsel, vậy đó là gì?

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Cặp chống gù

Được phát âm là “randoseru” trong tiếng Nhật, randsel hay cặp chống gù là một chiếc ba lô được trẻ em toàn nước Nhật sử dụng trong thời kỳ tiểu học. Hầu hết các trường học ở Nhật Bản đều nhấn mạnh sự đồng nhất, và vì thế bạn sẽ thấy hầu hết học sinh ở Nhật đều mặc đồng phục giống nhau và sử dụng loại ba lô chống gù, với màu sắc giống nhau. Từ này có nguồn gốc từ “ransel” trong tiếng Hà Lan hay “ranzen” trong tiếng Đức, cả hai đều có nghĩa là “ba lô”.

Trên thực tế, trong tiếng Nhật có rất nhiều từ có nguồn gốc từ ngữ tộc German, trong đó nổi tiếng nhất là từ “baito” (viết tắt của từ “arubaito”) nghĩa là “công việc bán thời gian”, có nguồn gốc từ từ “arbeit” (công việc) trong tiếng Đức. Ngoài ra, từ “bombe” (bình gas) trong tiếng Nhật cũng bắt nguồn từ từ tiếng Đức “bombe”, hay từ “karute” (hồ sơ bệnh án) cũng lấy từ từ “karte” (biểu đồ) trong tiếng Đức. Có vẻ như ngoài tiếng Anh thì người Nhật còn rất thích vận dụng sự sáng tạo của mình với các thứ ngôn ngữ khác. 

3. Món Okonomiyaki này được đặt theo tên thành phố nào của Nhật Bản?

Okonomiyaki là loại bánh xèo thơm ngon của Nhật Bản, với hai thành phần cơ bản là bột mì và bắp cải. Tuy nhiên, bạn cũng có thể cho bất kỳ loại nguyên liệu mình thích nào vào trong bánh. Trên thực tế, phần “Okonomi” trong tên gọi của bánh có nghĩa là “tùy ý bạn” và không có bất kỳ quy tắc nào áp dụng cho bánh okonomiyaki cả. Tuy nhiên, có một loại bánh xèo đặc biệt được đặt theo tên của một thành phố mà tất cả các nguyên liệu của bánh đều phải được chiên lên rồi đặt lên trên lớp bột bánh xèo mỏng và mì yakisoba. Đố bạn biết đó là loại Okonomiyaki nào?

A) Kiểu Osaka
B) Kiểu Hakata
C) Kiểu Aomori
D) Kiểu Hiroshima

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án:  Kiểu Hiroshima

Ở Osaka, okonomiyaki được làm bằng cách trộn tất cả các nguyên liệu vào nhau rồi đem chiên lên. Nhưng ở Hiroshima, chúng được xếp thành từng lớp để tạo thành một món ăn vô cùng hấp dẫn. Bạn không thể đặt hàng những chiếc bánh thơm ngon này với số lượng lớn, bởi bản thân mỗi đĩa okonomiyaki đã là một bữa ăn thịnh soạn rồi. Okonomiyaki kiểu Hiroshima cũng được biết đến với tên gọi "pizza kiểu Nhật Bản".  

4. Cử chỉ này của người Nhật có nghĩa là gì?

Người Nhật rất thích dùng các ký hiệu bằng cơ thể trong khi nói chuyện, từ việc đặt chéo tay hình chữ X lớn khi họ muốn nói về điều gì đó không được phép cho đến cách họ đếm mọi thứ cụ thể. Mặc dù việc giơ ngón út lên không còn phổ biến như trước đây nhưng phần lớn người Nhật vẫn biết chính xác ý nghĩa của cử chỉ này. Bạn có đoán được không? 

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Cử chỉ đó nghĩa là người đó đang nói về cuộc sống tình yêu của họ.

Nếu bạn hỏi một đồng nghiệp người Nhật rằng tại sao họ trông họ có vẻ chán nản như vậy và họ giơ ngón út lên, thì điều đó có nghĩa là họ đang gặp vấn đề trong tình cảm với người yêu, hoặc vợ/chồng. Nói tóm lại việc giơ ngón tay út lên là cách nói tắt để chỉ chuyện tình cảm, cụ thể là với nữ giới.

Ngoài ra, cử chỉ này cũng dùng để nói về việc có vấn đề với nam giới, nhưng nó không được nhiều người biết đến và chỉ giới hạn trong khu vực Kansai và đã không được thực sự dùng trong một thời gian. Vì vậy, nếu bạn muốn ám chỉ rằng ban đang gặp rắc rối trong mối quan hệ với một người đàn ông ở Nhật Bản thì có lẽ bạn phải tự nói ra bằng lời thôi.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

5. Có bao nhiêu máy bán hàng tự động ở Nhật?

Nếu đã từng có thời gian sinh sống ở Nhật Bản, có thể bạn sẽ nghĩ số lượng máy bán hàng tự động ở Nhật nhiều đến nỗi có thể phân phát đủ cho toàn thể người dân mỗi người một chiếc. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi và bán đủ mọi thứ từ đồ uống nóng và lạnh đến ấu trùng ong. Nhưng trên thực tế bạn nghĩ có tất cả bao nhiêu chiếc máy bán hàng tự động ở Nhật Bản?

A) ~100,000
B) ~500,000
C) ~1,000,000
D) ~3,000,000

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Khoảng 3.000.000

Theo số liệu thống kê từ tháng 12/2018, có 2.937.800 máy bán hàng tự động trên khắp đất nước và Nhật Bản có thể là nơi tập trung nhiều máy bán hàng tự động nhất trên thế giới. Một lý do lớn cho điều này là bởi sự an toàn tương đối ở Nhật Bản. Máy bán hàng tự động xử lý một lượng lớn tiền mặt nên chúng chỉ có thể được đặt ở những khu vực dân cư an toàn. Tỷ lệ tội phạm thấp đã tạo điều kiện cho Nhật Bản đặt các máy bán đồ uống và đồ ăn vặt ở bất cứ nơi nào họ muốn.

Một lý do khác cho sự phổ biến của máy bán hàng tự động ở Nhật Bản là bất kỳ ai cũng có thể ký hợp đồng với nhà sản xuất để lắp đặt máy bán hàng tự động miễn phí. Sau đó, các nhà sản xuất sẽ bảo trì và phân phối hàng, chia sẻ lợi nhuận với chủ sở hữu chiếc máy bán hàng tự động. Đối với nhiều người, đây là một nguồn thu nhập thêm hợp pháp. 

6. Loài chim nào là quốc điểu của Nhật Bản?

Không giống như quốc hoa của Nhật Bản, bạn có thể nhìn thấy trên con dấu hoàng gia và các đồng tiên xu, loài chim quốc điểu của Nhật Bản hiếm khi xuất hiện trên bất cứ thứ gì. Đây là một gợi ý về danh tính của loài chim này: nó có thể được tìm tháy trong các bài thơ và truyền thuyết và được xem như biểu tượng của lòng dũng cảm. Đó là...

A) Chim hạc
B) Chim trĩ xanh
C) Chim én
D) Chim cu gáy

≫ Câu trả lời - Ấn vào đây để xem đáp án! ≪

Đáp án: Chim trĩ xanh

Chim trĩ xanh ("kiji" trong tiếng Nhật) được Hiệp hội các loài chim Nhật Bản công nhận là quốc điểu của Nhật Bản vào năm 1947. Có nhiều lý do cho sự lựa chọn này, một trong số đó là vì loài chim này chỉ có ở Nhật Bản và đã từng xuất hiện ở hai trong số nhiều văn bản cổ nhất Nhật Bản là Kojjiki (Cổ sự kí) và Nihonshoki (Nhật Bản thư kỷ) cũng như trong nhiều bài thơ cổ khác. 

Nổi tiếng nhất có thể kể đến tác phẩm Momotaro (Cậu bé trái đào) - một trong những câu chuyện dân gian được yêu thích nhất ở Nhật Bản. Chim trĩ xanh là một trong những con vật đã tham gia cùng Momotaro trong cuộc phiêu lưu đi chiến đấu với quỷ. Bên cạnh đó, chim trĩ xanh cái được xem là loài chim không sợ hãi, nó sẵn sàng bảo vệ trứng và con chim con của mình cho đến chết, vì vậy bất cứ quốc gia nào cũng nên cảm thấy tự hào vì có loài chim như vậy là quốc điểu của nước mình.

Klook.com

CHẤM ĐIỂM

Giờ hãy tổng hợp các câu trả lời của bạn và cho mình 1 điểm với mỗi câu trả lời đúng xem bạn hiểu được bao nhiêu về Nhật Bản nhé!

17 – 21 điểm: CHUYÊN GIA

Nhật Bản thực sự là niểm đam mê của bạn. Kiến thức của bạn về đất nước xinh đẹp này bao gồm đủ mọi thứ từ lịch sử đến ẩm thực và có thể một số điều bạn biết thậm chí có thể khiến nhiều người Nhật cảm thấy bối rối đó.

8 – 16 điểm: THÀNH THẠO

Cuộc phiêu lưu của bạn với nước Nhật và văn hoá Nhật Bản đã bắt đầu được một thời gian nhưng vẫn còn chưa kết thúc. Vẫn còn nhiều điều thú vị để tìm hiểu thêm về đất nước này nhưng cũng có những lĩnh vực bạn rất thành thạo và nắm vững. Hãy tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với Nhật Bản nhé, bạn chắc chắn sẽ trở thành "một chuyên gia" về Nhật Bản trong tương lai đó!

0 – 7 điểm: NGƯỜI MỚI

Bạn không biết nhiều về Nhật Bản, điều đó có nghĩa là vẫn còn rất nhiều điều để bạn khám phá! Bạn đang đứng ở vạch xuất phát của một chuyến phiêu lưu kì thú! Bạn đang tìm hiều thêm về một trong những quốc gia hấp dẫn, thú vị nhất trên hành tinh này và nhiều người sẽ đánh giá rất cao nỗ lực đó của bạn. Hy vọng sau khi hiểu hơn về Nhật Bản bạn sẽ càng yêu thích đất nước này hơn nữa!

Hãy thử thách bạn bè và gia đình của bạn nhé!

Bạn đạt được bao nhiêu điểm? Cho dù không đạt được điểm tuyệt đối đi nữa, thì chắc chắn bạn cũng đã tìm hiểu thêm được rất nhiều thông tin thú vị và bổ ích đúng không nào? Hãy chia sẻ bài viết này cho bạn bè và người thân của bạn và cùng thử thách sự hiểu biết của mọi người xem sao nhé? Sẽ rất thú vị khi so sánh kết quả đó, đặc biệt nếu mọi người cũng tuyên bố mình say mê Nhật Bản giống như bạn!

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Cezary
Cezary Strusiewicz
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng