Nhà thiết kế "F.O.A" Abe Chitose! Biến những chiếc Obi cũ thành những chiếc gối

Kimono vốn được biết đến là trang phục truyền thống của Nhật Bản. Đa phần chúng được may và thiết kế rất cầu kỳ, với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau, ví dụ như những bộ trang phục trang nhã mang đậm chất Nhật Bản, hay những bộ phối màu theo cảm quan theo mùa. Trong chuyên mục "People of Japan" kỳ này, chúng tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của nhà thiết kế Abe Chitose. Với phương châm "Tái sinh những chiếc Obi không sử dụng nữa thành những chiếc gối tựa và truyền tải sức hấp dẫn của Kimono" Abe đã cùng với những người bạn của mình lập nên thương hiệu "F.O.A -Nouveau Japonisme-" vào năm 2021. Hãy đọc những chia sẻ của cô trong bài viết dưới đây để hiểu về bối cảnh ra đời của thương hiệu cũng như những triết lý, ý tưởng mà Abe muốn truyền tải đến những người Nhật và người nước ngoài thông qua thương hiệu này nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Ý tưởng kinh doanh nội thất bằng việc sử dụng Obi của Kimono bắt nguồn từ đâu?

Hồi nhỏ khi nhìn thấy những bà chủ nhà trọ ở các ryokan mặc trang phục Kimono trên TV, Abe đã có mong muốn "Sau này lớn lên cũng sẽ mặc Kimono và trở thành cô dâu". Từ suy nghĩ đó, cô bắt đầu đến các trường chuyên môn dạy về Kimono để học về cách mặc Kimono, các kỹ thuật nhuộm và dệt vải. Càng học Abe càng trở nên yêu thích kimono hơn. Sau khi ra trường, cô đã đến làm việc tại xưởng "Gujo Tsumugi" - nơi chuyên sản xuất trang phục kimono truyền thống nổi tiếng ở Gujo Hachiman, tỉnh Gifu. Tại đây cô được theo học một giáo viên được công nhận là nhân tài quốc gia và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Trong quá trình tiếp xúc với kimono, Abe được nghe những câu chuyện từ bạn bè và người thân chia sẻ nỗi băn khoăn "Tôi có những bộ Kimono và obi không sử dụng đến nữa đã để trong tủ nhiều năm nay." Đặc biệt, những bộ kimono mặc trong các dịp lễ kỷ niệm như đám cưới, đám tang lại càng không phải là thứ bạn có thể mặc thường xuyên hàng ngày, thậm chí với một số người nó chỉ được sử dụng một lần trong đời. Abe thường mua lại những bộ kimono như vậy từ bạn bè và người quen của mình. Cô nói "Thật lãng phí nếu để những bộ kimono tuyệt vời này ngủ yên, nên nếu có thể, tôi muốn giữ chúng gần mình." Chính điều này đã thúc đẩy cô bắt đầu công việc kinh doanh. Ở Nhật Bản, số lượng người mặc kimono ngày càng giảm, và cô nhận thấy rằng mình cần phải ngăn chặn tốc độ suy giảm của văn hóa mặc kimono cũng như ngành sản xuất kimono. Chính trong bối cảnh đó, Abe quyết định "thương mại hóa" kimono và obi đã qua sử dụng. Nếu những bộ kimono và obi quý giá có thể được tái sử dụng mà không bị thải bỏ, thì điều đó cũng sẽ giúp hình thành một xã hội bền vững hơn.

Bằng cách tận dụng những kinh nghiệm đã có về thiết kế và điều phối nội thất, Abe quyết định khởi nghiệp với ý tưởng "không chỉ mặc kimono mà còn sử dụng kimono trong trang trí nội thất."

Sản xuất những chiếc gối tựa từ Obi của Kimono

Abe đã đến thăm Furuta Hisanori - một nghệ nhân trong ngành may mặc sống ở thành phố Takayama, tỉnh Gifu để trao đổi về việc phát triển một loại gối sử dụng obi từ Kimono. Furuta là một nghệ nhân thường nhận đơn đặt hàng từ các cửa hàng nội thất trên toàn quốc. Abe đã từng làm việc với ông trước đây, lần này cô cảm thấy rằng mình cần sự trợ giúp của ông để bắt đầu công việc kinh doanh mới nên đã đến tận nơi để gặp. Ông Furuta chưa từng nhận các đơn đặt hàng về obi trước đây, nhưng khi nghe những chia sẻ của Abe về kimono và công việc kinh doanh, ông cảm thấy rất vui và quyết định cùng cô tham gia thử thách này.

Bằng cách này, thương hiệu gối "F.O.A" sử dụng obi từ kimono đã được ra đời. Tại "F.O.A", chúng tôi chọn loại vải phù hợp với obi để làm ra những chiếc gối, đồng thời cũng rất chú trọng đến chất liệu bông được nhồi bên trong sản phẩm (100% lông vũ). Những sản phẩm như vậy không đơn giản chỉ là sản phẩm tái chế, mà còn chứa đựng những tình cảm của những thế hệ trước đã sử dụng nó, nên giá trị của chúng là không thể đong đếm.

Nhiều người nước ngoài đến Nhật đã mặc thử Kimono nhưng không phải ai trong số đó cũng biết Obi là gì. Obi là một mảnh vải dài được khâu lại với nhau, nó gần giống như một chiếc thắt lưng, nhưng có một số điểm khác biệt. Khi mặc kimono, bạn sẽ phải buộc kimono bằng một sợi dây trước, sau cuốn chặt obi để giấu sợi dây đó. Bộ kimono sẽ bị bung ra và dây có thể rơi ra ngoài, vì vậy hãy thắt chặt obi để tránh bị xô lệch nhé. Bên cạnh đó, chiếc obi cũng đóng vai trò như một phụ kiện trang trí quan trọng cho kimono.

Không giống như các trang phục thông thường khác, kimono không được chia thành các kích cỡ như "S, M, L" mà chỉ có một kích cỡ. Kimono có thể điều chỉnh sao cho vừa vặn với cơ thể của người mặc bằng cách gấp lại và buộc bằng một chiếc obi. Chính vì thế, bất kỳ ai cũng có thể mặc vừa kimono.

Có hai loại gối: gối tựa lưng hình vuông (Obi-za) và gối ôm hình trụ (Obi-bol)

Các sản phẩm của "F.O.A" bao gồm "Obi-za", gối tựa lưng sofa hình vuông, và "Obi-bol", gối ôm hình trụ. Cả hai đều có thiết kế độc đáo với hoa văn mang đậm chất Nhật Bản, nhưng cũng rất phù hợp với không gian hiện đại, vì vậy bạn có thể sử dụng như một vật trang trí nội thất cho căn nhà của mình. Với "Obi-bol" bạn có thể sử dụng để chống khuỷu tay khi ngồi trên ghế sofa hoặc chống hông trên giường. Nó cũng được sử dụng tương tự như đệm đỡ ở nước ngoài.

Những chiếc gối của "F.O.A" đặc biệt phù hợp với không gian truyền thống của các khu nhà trọ ryokan và các phòng khách sạn kiểu Nhật. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng gối của “F.O.A” để tạo bối cảnh khi chụp ảnh cưới trong trang phục kimono tại đền thờ. Mỗi mẫu hoa ăn của obi được sử dụng để làm gối đều có ý nghĩa riêng, nên bạn có thể tìm thấy những chiếc gối phù hợp cho từng bối cảnh trong những dịp lễ kỷ niệm.

Xu hướng "Upcycling" trong những sản phẩm của "F.O.A"

"Giờ đây, bạn có thể dễ dàng mua đồ cũ bằng ứng dụng "Free market" trên điện thoại thông minh, nhưng tôi không nghĩ đồ cũ đồng nghĩa với giá rẻ. Trên thực tế, đồ cũ rất có giá trị. Thông qua các sản phẩm của "F.O.A" chúng tôi hy vọng có thể thay đổi suy nghĩ của những người trước nay vẫn nghĩ "đồ cũ là đồ giá rẻ" - Abe chia sẻ.

Gần đây, xu hướng "Upcycling" (Tái sử sụng sáng tạo) là quá trình biến đổi các sản phẩm cũ, không sử dụng đến thành các sản phẩm mới có chất lượng cao hơn thông qua việc sản xuất và thiết kế lại. Ý tưởng này cũng được Abe áp dụng vào chính những sản phẩm của mình.

Những điều thú vị và khó khăn trong quá trình làm ra sản phẩm

Làm thế nào để tạo ra một sản phẩm chất lượng, được yêu thích sử dụng trong thời gian dài chỉ bằng cách kết hợp obi với mẫu gối do Abe chọn? Ông Furuta - nghệ nhân trong ngành may mặc cho biết, điều khó nhất trong quá trình tạo ra sản phẩm là phải tưởng tượng ra hình ảnh của nó khi hoàn thành. Furuta cho biết: "Những chiếc obi được sử dụng cẩn thận luôn chứa đựng tình cảm của người sở hữu nó trước đây. Nếu Abe chọn một chiếc obi như vậy, thì cô ấy cũng đã gửi gắm tình cảm của mình vào đó" - ông Furuta nói.

Vì vậy, ông Furuta luôn nói chuyện với Obi trong quá trình làm ra sản phẩm. Khi những chiếc obi vốn đã phải bị vứt bỏ, hoặc bỏ quên trong ngăn tủ được tái sinh thành một sản phẩm khác, chúng như truyền tải "lối sống" của chính mình. Ông Furuta nói với một obi như này: "Hãy tiếp tục phát huy vai trò của mình nhé". Tất nhiên, có một số khó khăn trong quá trình tạo ra sản phẩm, nhưng đó cũng là cách để mọi người tự kiểm tra kỹ năng của bản thân và tự vượt qua nó.

Giá trị của công việc này là khi mọi người cảm nhận được "niềm hạnh phúc của obi", "nó đã được tái sinh trong khi đáng lẽ đã bị vứt bỏ". Không chỉ sản xuất ra đồ vật, Furuta còn góp phần vào việc tái sinh những suy nghĩ, tình cảm của món đồ vật đó.

Mong muốn truyền tải những suy nghĩ, câu chuyện của sản phẩm, chứ không chỉ "sản xuất hàng loạt, tiêu thụ hàng loạt"

Omote Shiho - người phụ trách kinh doanh của "F.O.A", trước đây đã từng làm việc trong ngành sản xuất sản phẩm với số lượng lớn. Khi đó, cô luôn trăn trở “Những người làm ra sản phẩm sẽ nghĩ sao nếu sản phẩm làm ra được bán với giá thấp như vậy?”, hay “Không biết giá bán như này có ổn không, bởi đã có rất nhiều người tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm." 

Chính trong hoàn cảnh đó, Omote đã quyết định cùng kinh doanh "F.O.A" với Abe. Tại "F.O.A", cô cảm nhận được giá trị của công việc khi có thể tạo ra sản phẩm với một mức giá phù hợp với giá trị của nó cũng như tâm huyết mà những người tạo ra nó đã đặt vào đó. "Mỗi sản phẩm chúng tôi làm ra được gọi là một "tác phẩm", chúng tôi đặt tên cho nó và gửi gắm những tâm tư, tình cảm vào đó khi bán".

Giá của mỗi sản phẩm "F.O.A" dao động trong khoảng 50.000 ~ 100.000 yên. Bình thường một chiếc obi cũng có giá hàng trăm nghìn yên, đặc biệt những chiếc obi được dùng trong các dịp lễ cũng có thể lên tới gần 1 triệu yên 1 chiếc. Chiếc obi được sử dụng để làm ra sản phẩm là đồ cũ, nhưng nó cũng có thể là một món đồ cổ có giá trị, nên mức giá sẽ không hề nhỏ. Hơn hết, cần rất nhiều thời gian và công sức để làm ra một sản phẩm như vậy. Thông thường Abe sẽ lựa chọn obi, suy nghĩ về chất liệu của vỏ bọc gối sao cho phù hợp với obi đã chọn, sau đó ông Furuta sẽ dành khoảng 1 ngày để may và hoàn thiện sản phẩm. Hy vọng tác phẩm sẽ đến tay những người có thể cảm nhận được giá trị của obi và câu chuyện mà nhà sản xuất muốn gửi gắm.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Dành cho những ai muốn sở hữu những sản phẩm của "F.O.A"

Thông qua cửa hàng trực tuyến của "F.O.A", bạn có thể đặt hàng ngay cả khi đang sinh sống ở nước ngoài (tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, sản phẩm sẽ không thể gửi đến một số khu vực).

Tên thương hiệu "F.O.A" được ghép từ 3 chữ cái đầu trong tên của 3 nhà sáng lập là Furuta, Omote và Abe. "F.O.A" hiện có xưởng sản xuất ở thành phố Takayama, tỉnh Gifu và tiến hành sản xuất hàng ngày.

Hiện tại, nơi bạn có thể trực tiếp đến xem và mua những sản phẩm gối của "F.O.A" là căn nhà "IORI STAY" - một khu nhà phố nằm ở vùng Hida, tỉnh Gifu. Đây là một căn nhà trọ được cải tạo từ một ngôi nhà dân gian cổ của Nhật đã bị bỏ trống. Những người nước ngoài thích phong cách Nhật Bản truyền thống thường đến ở trọ tại đây. Nếu bạn có dịp đến Nhật Bản hãy đến thăm nơi đây để trực tiếp chạm tay vào những tác phẩm độc đáo của F.O.A nhé. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều nhà trọ sử dụng sản phẩm của "F.O.A" hơn nữa, và nếu mọi chuyện thuận lợi chúng tôi sẽ tập trung vào công việc kinh doanh sản phẩm qua việc liên kết với các khu nhà trọ.

Ngoài trang web chính thức của "F.O.A", những người sống ở Nhật Bản có thể mua sản phẩm tại "tells market". "tells market" là một cửa hàng trực tuyến bán các sản phẩm uy tín, chất lượng. Phương châm bán hàng tại đây dựa trên sự coi trọng tâm tư, tình cảm của người làm ra sản phẩm, sự kế thừa văn hóa truyền thống và chú trọng đến môi trường. Bằng cách mua sản phẩm, bạn có thể đóng góp vào các hoạt động bảo vệ rừng.

Ngoài ra, "F.O.A" cũng trở thành nguồn cảm hứng cho sự kiện mang tên "MoFF 2022" sẽ được tổ chức tại "TRUNK HOTEL" ở Shibuya vào ngày 9/9/2022. Tại sự kiện này, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng nhiều món đồ thủ công truyền thống khác nhau bao gồm các sản phẩm của "F.O.A", vì vậy nếu bạn đến Shibuya trong thời gian này, hãy ghé thăm sự kiện nhé.

Klook.com

Lời kết

Trang phục truyền thống là một nét đặc trưng văn hóa quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, mọi người dường như ít mặc trang phục truyền thống hơn, và điều đó thật đáng tiếc. Chính vì thế, chúng tôi rất ngưỡng mộ những gì mà "F.O.A" đang làm, đó là truyền tải sức hấp dẫn của những bộ trang phục truyền thống Nhật Bản kimono và mang nó đến gần hơn với cuộc sống đời thường. Qua buổi phỏng vấn, chúng tôi cũng cảm nhận được tình yêu và niềm đam mê của Abe dành cho kimono, và hy vọng các bạn cũng có thể cảm nhận điều đó, đón nhận các tác phẩm của "F.O.A" sau khi đọc bài viết này.

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

enomoto
enomoto
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng